Có nhiều câu chuyện tưởng tượng được gán ghép về việc đoán trúng tính cách của một con người ngay trong lần gặp đầu tiên và chỉ qua môt lần gặp này đã có thể đoán họ là anh hùng hay vô lại, là kẻ xấu hay người tốt, kẻ hào phóng hay người ti tiện, thông qua vẻ bên ngoài của họ, tượng mạo và những thứ có liên quan đến cá nhân khác như dáng đi, lời nói, cách nhìn.
Từ nghiên cứu tiên phong của nhà tâm lý Mỹ Henry F. Adams…
Trong lịch sử loài người, kông kể các thầy bói “bói ra ma quyét nhà ra rác”, có không ít người tự cho mình có khả năng nhìn vào bên trong đầu người khác và biết họ đang suy nghĩ gì, sắp làm gì giống như tên sát nhân tâm lý Hannibal Lecter hoặc thám tử tài ba Sherlock Holmes trong văn học Anh.
Trong thực tế, nhiều người, kể cả một số chính trị gia, “khoe” là họ có khả năng thiên phú này và biết cách tận dụng nó để chinh phục và chỉ huy kẻ khác.
Những trang web giải đáp thắc mắc giống như Quora có vô số post nói về năng lực siêu nhiên trời phú như “Tôi có thể đọc được tư duy của người khác và đoán cảm xúc của họ. vậy tôi có là người bình thường không?”.
Đến đây, một câu hỏi được đặt ra là: con người thực sự có năng lực phi thường Trời cho để “nhìn mặt bắt hình dong”, “xem tướng mạo biết tương lai”, “xem tướng đi biết số phận” ngay ở lần gặp đầu tiên?
Các nhà tâm lý của thế kỷ trước gọi những cá nhân đặc biệt này là “thầy bói giỏi” nhưng trong hơn một thế kỷ qua, họ vẫn bị ám ảnh mãi bởi câu hỏi: “Các thầy bỏi giỏi này có tồn tại không hay chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng?”.
Cho đến mới đây, một kết luận đã được đưa ra: ý tưởng về việc có thể biết tương đối chính xác về một con người qua lần gặp đầu tiên chỉ là hoang đường và không có cơ sở khoa học nào để biện minh cho nó.
Những lý lẽ hỗ trợ cho ý tưởng này cũng hoàn toàn do con người nghĩ ra và áp đặt một cách khiên cưỡng.
Đa số chúng ta có thể đoán được tương lai gần của một con người khi họ đang rơi vào hoàn cảnh hoặc tâm trạng khó khăn nhưng chúng ta không có kỹ năng thiên tài để đoán tính cách và tương lai của bất cứ ai đó ngay trong lần gặp đầu tiên.
Mới đây, có một báo cáo nghiên cứu khẳng định những “phán quan giỏi là có thật”, nhưng họ chỉ vận dụng được khả năng này khi người trước mặt lộ quá rõ những lời nói, cử chỉ và hành động khiến số phận dễ bị người khác đoán.
Chủ trì nghiên cứu này là Katherine Rogers thuộc Đại học Tennessee ở Chattanooga và Jeremy Biesanz thuộc Đại học British Columbia. Rogers nhận định: “Thông qua nghiên cứu mới, chúng tôi không nghĩ phán quan giỏi chỉ là sản phẩm của sự thổi phồng. Tuy nhiên, họ chỉ giỏi nếu có điều kiện thuận lợi, tức được sự hợp tác không chủ định của người đối diện”.
Một trong những nỗ lực tiên phong nhằm chứng minh có những người có khả năng đoán tính cách người khác chỉ qua lần gặp đầu tiên là công trình nghiên cứu của nhà tâm lý Mỹ Henry F. Adams xuất bản năm 1927.
Ông đề nghị 8 nhóm thiếu nữ (mỗi nhóm 10 người và biết rõ nhau trong từng nhóm) thử đoán tính cách người kia rồi kiểm tra lại kết quả để xem có người nào nổi trội về khả năng “thầy bói” không và phát hiện ra bí mật: những người đoán giỏi nhất thường xem trọng cái tôi và nhìn đối tượng như công cụ phuc vụ mình chứ không như bạn thân để chia sẻ.
…Đến sự phản bác của các nghiên cứu mới
Đến thập niên 1950, nghiên cứu của Adams bị “soi” trở lại khi có nhiều người chỉ trích phương cách điều tra của ông là không đại diện cho dân số lớn.
Một nghiên cứu mới thay thế cho thấy những “phán quan giỏi” không có khả năng truyền kỹ năng của họ cho môn đệ. Điều này chứng minh những gì họ đoán về người khác chỉ là cảm tính chứ họ không biết tại sao mình làm được như thế.
Vài thập niên sau đó, có thêm những nghiên cứu khác để chứng minh “phán quan giỏi” không hề có thực. Một nghiên cứu cho thấy một người đoán giỏi lần này chưa hẳn lần sau đã đoán trúng.
Katherine Rogers và Jeremy Biesanz đi sâu tìm hiểu vấn đề này. Theo họ có 2 yếu tố then chốt khiến một người không thể phán đoán luôn luôn đúng về một người trong lần gặp đầu tiên.
Có lúc họ đoán một người dựa vào tướng mạo, có khi lại đoán dựa vào hành vi và cảm xúc. Họ chú ý đến “mục tiêu tốt, tức là những người để lộ quá dễ dàng tâm trạng của mình để người khác đoán.
“Nếu không có những mục tiêu tốt này, những phán quan tốt sẽ không thể tồn tại. Khi gặp một mục tiêu tốt, tính cách của một người có thể đoán được trong vòng chỉ 3 phút” – Rogers nói.
Để chứng minh lý thuyết của mình, Rogers và Biesanz đã mời hàng ngàn sinh viên đại học trò chuyện với một người không quen biết trong 3 phút hay xem một đoạn băng video về một người lạ trong thời gian tương tự.
Sau đó, nhóm nghiên cứu nhờ họ đoán về tính cách người vừa gặp rồi so sánh nó với bản “tự khai” tính cách của đối tượng hay của những người biết rõ về họ.
Kết quả cho thấy chỉ có các đối tượng để lộ quá nhiều về cá tính của mình qua ngôn từ hay hành động mới bị đánh giá tương đối đúng; còn những đối tượng bản lĩnh và “tỉnh như sáo” dù đang ở trong tâm trạng xấu thì bị đoán sai!
Rogers và Biesanz kết luận: “Khi đoán về con người trong lần gặp đầu tiên, năng lực của người đoán không là yếu tố quyết định % đúng sai mà là mức độ “tự để lộ cá tính” của mục tiêu.
Nói vậy để thấy không hề có khái niệm “đoán chính xác tính cách con người qua lần gặp đầu tiên. Tỉ lệ may mắn ở đây là rất cao. Nếu gặp mục tiêu tốt, bạn sẽ thắng, còn nếu gặp mục tiêu xấu, thất bại là trong tầm tay.
Hoặc nói rõ hơn, tài đoán tính cách một cn người hoàn toàn nhờ vào các “manh mối mạnh” mà đối tượng để lộ. Có một số rất ít người có khả năng nhận biết những manh mối ở mức độ biểu hiện nhỏ nhất, nhưng đa số thì không.
Chúng tôi đã phát hiện ra bí mật của các phán quan giỏi: họ chỉ giỏi khi đối tượng lộ các manh mối tự nói lên tính cách của mình. Họ không thể giải mã được những cá nhân biết che giấu khéo và không cởi mở cả về lời nói lẫn cử chỉ”.
Không hề có Sherlock Holmes hay Hannibal Lecter bẩm sinh trong thế giới thực. Những người có khả năng đoán trúng tính cách người khác dù manh mối rất ít chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng”.
Trong điều tra cũng vậy, các tội phạm yếu bóng vía, nhiều cảm xúc thường bị bắt thóp dễ hơn những kẻ cứng đầu và khôn ngoan. Các điều tra viên dù giỏi đến mấy cũng khó khai thác được họ trong khoảng thời gian ngắn.