Nghe một vị giáo sư nhận xét “Chúng ta đang sống trong một xã hội hiếu học lạc hậu”, bà xã thốt lên như thế, có học đâu mà nói hiếu học. Tất cả đều vào đại học hết để rồi ra trường… thất nghiệp.
Các bậc cha mẹ có con, ai lại chẳng hết sức lo cho con, hết mầm non chồi non vào lớp 1, hết phổ thông cơ sở lên phổ thông trung học (như ngày xưa gọi cấp 1, 2, 3 cho đơn giản, đỡ rắc rối), rồi thì ùn ùn đi thi đại học.
Chứ có con đường nào khác đâu? Ai cũng nghĩ, đến đại học, có người đến hai cái bằng còn thất nghiệp thì cao đẳng với trung cấp làm sao có cửa? Thế mà nay qua lời ông giáo sư mới biết “trung cấp và học nghề thiếu học sinh dù ra trường xin được việc làm ngay”.
- Xem thêm: Cho hỏi ngu chút…
Ôi trời, hoài nghi quá, trung cấp cao đẳng xin việc được ngay, nghe ngon lành vậy sao không có người học nhỉ? Do thiếu thông tin, hay do biết nhưng “mộng cành cao” đâu có thèm? Hay do lương thấp quá, “là là ngọn cỏ” sống không nổi?
Với lại, bây giờ học hết đại học mới chỉ là “thoát nạn mù chữ” thôi, còn phải học lên thạc sĩ tiến sĩ nữa kia, ba mẹ ở quê còn dài dài trồng cây cấy lúa nuôi cá nuôi heo gà, bán đi lấy tiền cho con ăn học.
Bà xã vốn có thời là cô giáo đại học quả quyết: “Học sinh chỉ ôn luyện lúc đi thi thôi, chứ đã đậu đại học (bây giờ dễ ợt, trường nhiều vô kể, còn lo sốt vó tuyển sinh không đủ kìa, cho nên làm gì có ai trượt!) xong rồi là không còn ai… ham học nữa đâu”.
Này nhé, mới vào năm nhất còn hăng hái sôi nổi học hành. Đến năm hai có người đã đi làm, năm ba, năm tư thì khỏi nói. Đi làm kiểu này ở thành phố thì làm gì có công việc chuyên môn cao?
Thế là đi bán hàng, bưng bê ngoài tiệm, rửa chén bát cũng có, miễn là có tiền (thậm chí gia đình khá giả cũng cứ đi làm, tuổi trẻ cần phải trải nghiệm mà). Hơn nữa, chi tiêu ở đô thị nhiều thứ lắm, cái xe không được quá cà tàng, máy tính và điện thoại cùi bắp sao được. Phải coi được!
Mấy thứ đó đủ… cong xương ra mà mua sắm, nợ nần cũng sắm. Con gái thì phải áo quần, không có hàng hiệu như mấy cô đi làm thì cũng phải thay đổi mốt thường xuyên, hơi hơi cũ, hơi hơi nhàm là quăng liền, sắm bộ mới. Thậm chí ăn uống, sức khỏe không cần để ý (còn trẻ mà khối em bệnh dầm dề, hết đau dạ dày đến nhức đầu kinh niên).
Đầu óc phải xoay ra tiền, rồi còn… ngủ, đi chơi, nghe nhạc, lên “phây” tán nhảm khoe ảnh, có khi than vãn chê bai cô này thầy nọ hoặc các chính sách quy định của trường… Bận rộn lắm.
Vào các lớp mà xem, điểm danh, “như bắt lính” mà lớp vẫn vắng hoe, bỏ tiết là chuyện thường xuyên, có khi bỏ cả môn luôn, lý do… đi làm.
Nhà trường ra nội quy, chấm điểm rèn luyện, thi đua bình bầu kiểm điểm chẳng ăn thua gì. Rồi các cô cậu biện hộ, thầy cô này giảng chán, môn kia khô khan, “đấu” cả nhà trường về chương trình học, thôi thì tha hồ… dân chủ. Chỉ có mỗi một việc học là thấy bị xếp xuống hạng chót của tầm quan trọng.
- Xem thêm: Đừng… tốt nghiệp “trường Tát”
Chẳng mấy ai phải ở lại trường, tốt nghiệp hết (sao nước Mỹ cứ có đầy sinh viên đi học mãi vậy? Khó hiểu quá, không chịu tốt nghiệp).
Ra trường, biết cái bằng đại học chẳng có ai… lác mắt, nhưng nhà tuyển dụng lại cứ đòi cho chắc ăn. Họ nghĩ thời cả nước học đại học mà không có bằng đại học chắc là tệ lắm, cá biệt lắm.
Đó, thưa quý vị, nếu ở đâu cam đoan đào tạo ra những thợ tay nghề bậc cao như các công ty phải thuê thợ nước ngoài thì mách giùm. Mà ra trường phải trả lương như trả cho Tây ấy, thông báo cái để con em thi vào, nghiêm chỉnh ngay, ham học ngay lập tức.