Triển lãm hàng không Dubai là một trong những sự kiện lớn nhất và thành công nhất trên thế giới hiện nay thông qua việc kết nối tất cả các nhà sản xuất, kinh doanh chuyên nghiệp của ngành công nghiệp không gian vũ trụ.
Với sự hiện diện của 1.103 gian hàng thương hiệu đến từ 61 quốc gia và 150 mẫu máy bay được trưng bày, Dubai Air show 2015 (diễn ra từ ngày 9 đến 12-11) đã có nhiều màn trình diễn ấn tượng, nổi bật là sự xuất hiện của một nhà sản xuất máy bay thương mại đến từ Trung Quốc cùng những kỷ lục về số lượng lẫn giá trị của các đơn đặt hàng được ký kết.
Sự xuất hiện gây sốt đến từ Trung Quốc
Trong Triển lãm hàng không Thượng Hải (mới diễn ra hồi đầu tháng này), hãng sản xuất máy bay thương mại của Trung Quốc mang tên COMAC đã trình làng chiếc máy bay C919 có thể lắp đặt tối đa 168 ghế ngồi, được dự đoán sẽ cạnh tranh trực tiếp với các dòng máy bay một lối đi tầm trung như Airbus A320 và Boeing B737. Theo COMAC, hiện hãng này đã nhận được đơn đặt hàng từ 21 khách hàng với tổng số lượng lên đến 517 máy bay, chủ yếu từ các hãng hàng không Trung Quốc và Công ty Dịch vụ hàng không GE.
Tiếp đó, chiếc C919 của COMAC đã gây sốt tại Dubai Air Show 2015 khi được chào đón một cách bình đẳng như với tất cả các thương hiệu sản xuất máy bay khác trên thế giới. Đặc biệt hơn, hầu hết lãnh đạo của các hãng hàng không tại khu vực Trung Đông tỏ ra khá quan tâm đến sự tham gia của COMAC vào thị trường sản xuất – kinh doanh máy bay thương mại.
Akbar Al Baker – CEO của Qatar Airways khẳng định: “Không có gì phải lưỡng lự trong việc đặt mua những chiếc máy bay có xuất xứ từ Trung Quốc”, còn Chủ tịch của Emirates – Tim Clark thì cho rằng không nên nói “Không” khi nhắc đến Trung Quốc trong quan hệ kinh doanh máy bay vì đó là quốc gia hội đủ các yếu tố quan trọng, từ nguồn nhân lực đến vật chất và tài nguyên.
Tuy nhiên, lĩnh vực kinh doanh máy bay thương mại luôn ẩn chứa những rào cản và đầy phức tạp. Ngay cả những lãnh đạo của Airbus cũng nhận thức rằng có đôi ba nhà sản xuất mới đang tạo áp lực lên cả Airbus và đối thủ Boeing, điển hình là Embraer – hãng sản xuất máy bay Brazil đang nổi lên như nhà sản xuất máy bay đứng thứ 3 trên thế giới và bên cạnh đó chính là COMAC.
Dù sao thì người ta vẫn cho rằng hai nhân vật mới đó không dễ dàng có được khả năng cạnh tranh ngang ngửa với hai “ông kẹ” của ngành hàng không. Chuyên gia phân tích Saj Ahmad tại StrategicAero Research khẳng định: “C919 đặt nền móng đầu tiên cho kiến thức và kinh nghiệm của ngành không gian Trung Quốc nhưng tại thời điểm này nó chưa tạo được tác động nào đến Airbus và Boeing và không thể là một đối thủ.
Nếu muốn đạt được đẳng cấp đó, có lẽ COMAC cần thêm 50 năm nữa mới trở thành đối thủ xứng tầm của Airbus và Boeing nhưng lúc đó thế lực dẫn đầu cũng đã đi thêm một đoạn rất xa rồi”. Ngược lại, các ông chủ của các hãng hàng không lớn tại Trung Đông lại tỏ ra hứng thú với việc có thêm sự cạnh tranh mà họ cho là cần thiết cho thị trường sản xuất máy bay thương mại. Tuy nhiên họ cũng nhấn mạnh là sẽ chỉ quan tâm đến việc đặt hàng máy bay từ Trung Quốc nếu đó là những mẫu máy bay được trang bị nhiều công nghệ từ phương Tây.
Và cuộc tranh giành thị phần giữa Airbus và Boeing
Sự lao dốc của giá dầu thế giới trong thời gian qua cũng tạo nên một trạng thái khác tại Dubai Air Show năm nay. Cũng tại triển lãm này cách đây hai năm, các hãng hàng không hàng đầu của Trung Đông gây chấn động bởi những đơn đặt hàng có trị giá lên đến 150 tỉ USD và luôn đạt vị trí dẫn đầu ngành vận chuyển hàng không từ đó đến nay. Gần đây, sự bất ổn về tình hình chính trị tại nhiều quốc gia trong khu vực đã gây thiệt hại nặng nề cho các hãng hàng không nhưng tại sự kiện năm nay, số lượng lẫn giá trị của các đơn đặt hàng đạt được dành cho các hãng sản xuất máy bay vẫn lớn, cụ thể là ngay trong ngày đầu tiên đã đạt được mức kỷ lục 162 tỉ USD và được kỳ vọng đạt mức 200 tỉ USD khi kết thúc sự kiện.
Trong số những thương vụ mua bán “đình đám” tại Dubai Air Show 2015, Hãng hàng không Vietjet Air của Việt Nam cũng tạo nên ấn tượng nổi bật với hợp đồng mua 30 chiếc máy bay thế hệ mới của Airbus trị giá lên đến 3 tỉ USD, gồm chín chiếc A321 thế hệ mới và 21 chiếc A321neo hiện đại nhất.
Những hợp đồng giá trị được thực hiện tại Dubai Air Show 2015 cũng đánh dấu sự tụt giảm về doanh số trong năm nay của nhà sản xuất Boeing so với đối thủ Airbus. Trong khi chỉ còn chưa đầy sáu tuần nữa là kết thúc năm 2015, sẽ rất khó để Boeing bắt kịp Airbus khi tổng số lượng máy bay đặt hàng mà Airbus thu được đã ngấp ngưỡng 900 chiếc, chiếm 63% thị phần toàn cầu, còn Boeing chỉ có lượng hợp đồng bán 526 máy bay. Sức mạnh của Airbus đến từ sự vượt trội của dòng máy bay thân hẹp A320 so với sự yếu đi của B737 (lượng đặt mua A320 đã lên đến 762 chiếc).
Tuy nhiên, hãng sản xuất máy bay của Mỹ lại tỏ rõ sức mạnh ở dòng máy bay thân rộng với lượng đặt hàng đạt 159 chiếc, chiếm 55% thị phần toàn cầu. Đây cũng là mảng kinh doanh đầy lợi nhuận của Boeing khi một chiếc B777-9 có giá là 400 triệu USD, gấp gần bốn lần so với giá bán của chiếc B737-8. Bên cạnh đó, trên phân khúc các mẫu máy bay sử dụng chất liệu nhựa carbon mới, Boeing cũng tỏ ra trội hơn Airbus khi nhận được 53 đơn đặt mua mẫu Dreamliner787 trong năm 2015, trong khi mẫu A350 của Airbus chỉ vỏn vẹn nhận được có năm đơn đặt hàng trong cả năm.