Câu chuyện về Nguyễn Thị Kim Ngân không chỉ kể về những chuyến đi mà còn là câu chuyện được viết bằng ý chí và nghị lực phi thường của một người con gái sinh ra ở vùng đất Tây Nguyên bạt ngàn. Năm 18 tuổi, Ngân đã ấp ủ giấc mơ về những chuyến hành trình khám phá bản thân và chinh phục thế giới. Để rồi, 10 năm sau – giấc mơ ấy thành hiện thực với chuyến đạp xe thế kỷ xuyên qua 11 quốc gia từ Việt Nam đến Paris và gần nhất là hành trình 154 ngày đạp xe vòng quanh Đông Nam Á.
Vì cuộc đời là những chuyến đi
Kim Ngân vừa hoàn thành chuyến đi lớn thứ hai trong đời cách đây ba tháng: đạp xe vòng quanh Đông Nam Á, đi qua tám quốc gia trong 154 ngày. Thế nhưng, đối với Ngân, đây là hành trình dễ dàng và thoải mái hơn so với lần đạp xe qua 11 quốc gia trong 291 ngày từ Việt Nam đến Paris vào năm 2015.
“Năm 2015, được gặp Simon Nelson có lẽ là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời tôi. Tôi quen anh trong một dịp tìm kiếm nhà ở trên trang CouchSurfing, anh đang cần tìm một người giúp cải thiện vốn tiếng Việt còn tôi thì cần người giao tiếp để trau dồi tiếng Anh, thế là hai đứa gặp gỡ và làm quen. Simon là người đã đi qua 47 quốc gia với kinh nghiệm phong phú, anh cũng là thành viên của 350.org – một phong trào chống biến đổi khí hậu. Khi đã thân nhau hơn, anh bất ngờ đề nghị cùng nhau đạp xe đến Paris nơi sẽ diễn ra Hội nghị chống biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP21) vào tháng 11-2015. Chẳng cần suy nghĩ, tôi gật đầu ngay mà không nghĩ suy về mức độ nguy hiểm…”, Ngân kể.
Sau khi trở về Việt Nam từ Paris, Ngân tiếp tục lên kế hoạch đạp xe vòng quanh Đông Nam Á với mục đích nâng cao nhận thức về nữ quyền, chuyến đi ngắn ngày hơn, dễ dàng hơn. Ngân chia sẻ: “Vì chuyến đi lần này tôi không đặt thời gian cho bản thân nên đạp xe nhẹ nhàng như một chuyến du lịch, thích thì đạp, mệt thì nghỉ. Nhờ vậy tôi có thể thưởng thức cảnh sắc của các nước Đông Nam Á nhiều hơn. Trong đó, Myanmar đặc biệt gây ấn tượng vì đây là quốc gia tôi lưu lại lâu nhất và còn tự khám phá đường đi ở một số ngọn núi chưa có con đường”.
Thách thức giới hạn của bản thân
Chia sẻ về lần đầu đạp xe quãng đường 16.000km tới Paris, Ngân kể: “Trước khi đi khoảng một tháng tôi đã phải tập luyện rất nhiều. Mỗi sáng sớm, tôi và Simon đạp xe cùng nhau quanh thành phố trong hai, ba tiếng và xe đạp là phương tiện chính. Những ngày đầu bắt đầu hành trình, chân tê nhức đến không thể đi nổi, chúng tôi cũng đặt ra quy tắc chỉ đạp xe 8 tiếng mỗi ngày để đảm bảo thể lực và sau đó mọi thứ dần dễ dàng hơn”. Do không có nhiều tiền nên cả hai đều tiết kiệm tối đa, đến những khu vực có thể nấu ăn, sẽ tự mua thức ăn và chế biến. “Đạp xe dài ngày quan trọng nhất là thể lực, do đó việc ăn uống cả hai không thể qua loa. Vì vậy, cứ đạp xe tầm 30 phút tôi và Simon lại nhấm nháp trái cây hoặc bánh kẹo để bổ sung năng lượng”, Ngân kể và cho biết thêm: “Hành trình dài ngày, sinh hoạt thay đổi, khác biệt về ẩm thực nên tôi đã bị đau dạ dày và phải nhập viện để điều trị khi dừng chân ở Thổ Nhĩ Kỳ”.
Quãng đường hơn 16.000km có thể “quật ngã” cả những con người kiên cường nhất, điều đó cũng không ngoại lệ với Kim Ngân. “Đạp xe đường dài không phải là chuyện dễ dàng. Để thuận tiện, tôi và Simon thường chọn các tuyến đường nhỏ hẹp, đường đồi núi nhưng như vậy đồng nghĩa sẽ có nhiều rủi ro hơn. Có lần trước khi đổ dốc chúng tôi đã kiểm tra xe kỹ lưỡng nhưng không ngờ sau đó xe đứt dây thắng. Chiếc xe cứ thế lao rầm rầm về phía trước, tôi cố gắng gồng mình giữ tay lái, đầu đã nghĩ chắc sẽ không trở về Việt Nam được nữa! May mắn đến đoạn địa hình gồ ghề, tôi phải dùng chân ma sát mạnh xuống đường, xe mới dừng lại được. Đó có thể nói là ký ức kinh hoàng nhất của tôi trong hành trình”, Ngân kể lại câu chuyện rủi ro xảy ra tại sườn dốc ở Kyrgyzstan.
Câu chuyện của ý chí
Khi được hỏi có lúc nào muốn bỏ cuộc trên hành trình gian khổ chưa, Ngân gật đầu đầy vẻ trầm tư. “Không ít hơn năm lần tôi từng muốn bỏ cuộc, muốn trở về Việt Nam, đặc biệt như khi ở lằn ranh giữa sự sống và cái chết ở Kyrgyzstan, hay khi vùi mình trong cái nắng cháy da ở sa mạc Tân Cương hay lội nước ngập ngang hông ở Ý khi gặp mùa lũ… May là tôi luôn có Simon ở bên cạnh động viên, anh chính là nguồn cổ vũ lớn lao cho tôi. Nếu không có nguồn cổ vũ ấy, không có đam mê hay ý chí, có lẽ tôi chẳng thể hoàn thành chặng đường dài thăm thẳm ấy…”, Ngân khẳng định.
Đến ngày 26-11-2015, tại Paris – nơi diễn ra Hội nghị COP21, Ngân đứng giữa đám đông và cảm nhận niềm sung sướng lẫn tự hào, kết thúc chuyến hành trình gần 300 ngày. Đối với Ngân, hành trình chinh phục Paris cũng là hành trình cô tìm ra được giá trị và lẽ sống của bản thân.
Trong khi đó, để đặt tên cho chuyến đạp xe vòng quanh Đông Nam Á vừa hoàn thành, Ngân gọi đó là “năm tháng trăng mật” của cả hai khi trước chuyến đi Kim Ngân và Simon Nelson đã có một lễ cưới ấm áp cùng người thân. “Tôi không khuyến khích các bạn trải nghiệm bằng xe đạp, trừ khi bạn thật sự yêu thích phương tiện di chuyển này. Đối với tôi, có những hành trình khác quan trọng hơn là đạp xe vòng quanh thế giới, chẳng hạn như khám phá bản thân nhằm tìm ra ý nghĩa cuộc đời mình, hay đi tìm ý nghĩa hạnh phúc… Sắp tới, tôi sẽ đạp xe xuyên qua các châu lục, vì khi ý chí và đam mê đã lên tiếng thì đôi chân sẽ chẳng bao giờ mỏi”, Ngân tâm sự về dự định tương lai.
Ngân tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán – ĐH Kinh tế TP.HCM và Ngữ văn Anh – ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Cùng với Simon Nelson (Scotland), cả hai đã đạp xe trong hành trình hơn 16.000km từ Việt Nam đến Paris trong 291 ngày, đi qua 11 quốc gia bắt đầu từ ngày 9-2-2015 đến ngày 26-11-2015, với mục tiêu tuyên truyền chống biến đổi khí hậu. Tiếp đó, cả hai tiếp tục đạp xe vòng quanh Đông Nam Á đi qua tám quốc gia: Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Singapore, Indonesia trong 154 ngày, bắt đầu từ ngày 19-1-2017.
- Thu Thảo, Ảnh Nhân vật cung cấp