Năm 3 tuổi, Dorothy Eady (1904-1981) bị ngã cầu thang và ngất xỉu. Tỉnh dậy, cô bé một mực khẳng định mình là Bentreshyt – nữ tư tế đền thờ ở Kom El Sultan trong triều đại Pharaoh Seti Đệ nhất (1323-1279 TCN). Trưởng thành, Dorothy tới Ai Cập sinh sống và làm việc. Bà dựa vào “ký ức kiếp trước”, tìm thấy nhiều công trình, tri thức cổ quan trọng khiến người đương thời buộc phải tin việc chuyển kiếp là có thực.
Linh hồn Ai Cập tái sinh
Dorothy Eady, tên đầy đủ là Dorothy Louise Eady, chào đời ngày 16.1.1904 tại thành phố London của Anh. Năm lên 3 tuổi, Dorothy bị ngã cầu thang và chết ngất. Khoảng 1 giờ sau, cô bé tỉnh dậy trên giường rồi nằng nặc đòi cha mẹ hãy đưa mình về nhà. Ngay cả giọng điệu của Dorothy cũng biến đổi giống như người nước ngoài bập bẹ nói tiếng Anh.
Trong lớp mẫu giáo, Dorothy chê bai giáo lý Thiên Chúa giáo không bằng tín ngưỡng Ai Cập cổ đại, khiến giáo viên và bạn học vô cùng khó chịu. Cô bé cũng từ chối hát thánh ca, kết quả là bị đuổi ra khỏi trường.
Một năm sau vụ tai nạn, cha mẹ Dorothy dẫn cô bé tham quan viện bảo tàng. Dorothy cứ nhìn chằm chằm vào các cổ vật của Ai Cập, thậm chí quỳ sụp xuống hôn chân các bức tượng. Cô bé ngồi lỳ dưới chân một xác ướp Ai Cập được trưng bày trong tủ kính, nhất quyết không chịu rời đi. Khi mẹ Dorothy kiên quyết bế lên, cô bé khóc thét và gào to: “Hãy để tôi ở lại đây; họ mới là người nhà của tôi”.
Kể từ lúc này, cứ có thời gian là Dorothy lại chạy ngay đến các viện bảo tàng. Niềm đam mê của cô bé với Ai Cập khiến nhà Đông phương học E.A. Wallis Budge (1857-1934) cảm động, khuyên cô hãy tìm hiểu chữ tượng hình. Khi Thế chiến thứ nhất (1914-1918) bùng nổ, Dorothy chuyển tới nhà bà ngoại ở Sussex sinh sống và vẫn tiếp tục tìm đọc các tài liệu về Ai Cập cổ đại.
Người tình của Pharaoh?
Dorothy khẳng định với cha mẹ rằng mình không phải là Dorothy Louise Eady mà là Bentreshyt – nữ tư tế đền Seti ở Kom El Sultan, Abydos, Ai Cập trong triều đại pharaoh Seti Đệ nhất (1323-1279 TCN). Mẹ của Bentreshyt là một người bán rau, còn cha là một người lính. Năm Bentreshyt 3 tuổi, mẹ cô qua đời. Cha Bentreshyt không đủ khả năng nuôi con gái nên đã gửi cô vào Đền Seti. Bentreshyt được nuôi dạy thành trinh nữ tư tế. Năm Bentreshyt 12 tuổi, thượng tế cho phép cô chọn rời đền hoặc trở thành người phụng sự. Bentreshyt chọn ở lại. Năm 14 tuổi, cô gặp gỡ và phải lòng pharaoh Seti Đệ nhất. Bentreshyt yêu vị pharaoh này say đắm, phá vỡ quy tắc phải thủ tiết suốt đời và có thai. Sợ Seti Đệ nhất bị trừng phạt và tai tiếng, Bentreshyt tự sát.
Từ năm 15 tuổi, Dorothy bắt đầu ngủ mơ thấy Seti Đệ nhất đến thăm và ân ái với mình mỗi đêm. Cha mẹ Dorothy nhiều lần phải đưa con gái đến bệnh viện tâm thần chữa trị và điều dưỡng. Năm 16 tuổi, Dorothy nghỉ học, dành toàn bộ thời gian tới các viện bảo tàng và địa điểm khảo cổ trên khắp nước Anh. Cô gia nhập một đoàn kịch, đảm nhận vai Isis (nữ thần cổ xưa nhất của Ai Cập). Những năm tuổi 20, Dorothy làm việc cho một tạp chí Anh liên quan đến Ai Cập, viết bài và vẽ hình minh họa ủng hộ sự độc lập của Ai Cập. Cũng trong thời gian này, cô gặp gỡ Eman Abdel Meguid, một sinh viên Ai Cập, sau đó kết hôn với anh và chuyển tới thủ đô Cairo của Ai Cập vào năm 1933.
Ngay khi vừa bước xuống sân bay, Dorothy quỳ xuống hôn đất Ai Cập, nói rằng mình đã trở về nhà và không bao giờ rời đi nữa. Cô có với Meguid một đứa con trai, nhất quyết đặt tên là Sety. Hằng đêm, Meguid vẫn thấy Dorothy trong trạng thái như bị thôi miên, lật giấy viết những dòng chữ tượng hình trong vô thức. Một hôm, anh đột ngột lao ra khỏi nhà, lắp bắp nói đã thấy bóng ma pharaoh ngồi ngay trên giường mình. Năm 1935, Meguid đâm đơn ly dị, chuyển tới Iraq sinh sống.
Về phần Dorothy, cô chưa bao giờ yêu Meguid. Người đàn ông này chỉ như một tấm vé để Dorothy về Ai Cập. Cô mặc kệ nỗi bất an của Meguid, chuyên chú nghiên cứu văn hóa Ai Cập cổ đại. Trong những giấc mơ, Dorothy thấy mình sống giữa Ai Cập trước Công nguyên. Xung quanh cô là ngôi đền cổ với những cây cột cao to lẫm liệt. Dưới chân đền, vườn thực vật xum xuê khoe lá hoa tươi tốt, đẹp xinh.
2 năm sau khi ly hôn, Dorothy chuyển tới Nazlat al-Samman, sinh sống gần tháp Giza. Cô được nhà khảo cổ Selim Hassan của Ai Cập nhận vào làm trong Bộ Cổ vật (Department of Antiquities) và bắt đầu có những đóng góp không ngờ.
Thành tựu đáng nể
Trong Bộ Cổ vật, Dorothy là nữ nhân viên xuất sắc nhất. Cô thông thạo cả 2 ngôn ngữ Ai Cập và tiếng Anh, dễ dàng biên tập và viết bài cho cả độc giả Anh lẫn độc giả Ai Cập. Dorothy viết rất giỏi, từng cho đăng nhiều bài báo, tiểu luận, chuyên khảo và cho xuất bản những cuốn sách có giá trị. Nhờ hiểu biết chuyên sâu về cổ vật cũng như văn hóa Ai Cập cổ đại, Dorothy được nhiều nhà Ai Cập học nổi tiếng kết giao. Trong bộ sách khám phá khảo cổ lớn gồm 10 tập của Hassan, Cuộc khai quật Giza (Excavations at Giza), ông để riêng một dòng tri ân, gửi lời cám ơn chân thành nhất đến Dorothy Eady. Dorothy đã hỗ trợ Hassan rất nhiều trong việc dịch chữ tượng hình, phác thảo sơ đồ kiến trúc, giải thích ý nghĩa các biểu tượng…
Năm 1956, Dorothy chuyển tới Abydos, vùng đất mà cô tin tưởng mình đã sống trong kiếp trước. Dorothy miêu tả Đền Seti là một nơi phụng sự thần thánh yên bình với vườn cây tuyệt đẹp. Trước các nhà khảo cổ, Dorothy chỉ đích danh một vị trí, khẳng định nó từng là Vườn Đền (Temple Garden). Khi người ta khai quật địa điểm này, Vườn Đền vốn tưởng chỉ trong truyền thuyết đã hiện ra trước mắt. Dorothy cũng chỉ vị trí đường hầm nằm phía Bắc Đền Seti trước khi khai quật, và hướng dẫn hoàn toàn chính xác. Dorothy còn khẳng dịnh dưới chân ngôi đền này có một thư viện chất đầy tư liệu tôn giáo, lịch sử, song Ai Cập chưa thực hiện cuộc khai quật này.
Thời gian ở Abydos, Dorothy chăm chỉ dịch các tài liệu cổ, tái soạn thảo lịch nghi lễ của Ai Cập thời xưa. Cô kể lại rất nhiều nét văn hóa độc đáo trong sinh hoạt đời thường của người Ai Cập trước Công nguyên; ví dụ như phụ nữ vắt sữa vào bát rồi mới cho trẻ sơ sinh uống, nam thiếu niên sớm cắt bao quy đầu, người để tang không cắt tóc và cạo râu… Và một số điều đã được xác nhận là đúng. Dorothy cũng biết khá nhiều phương thuốc dân gian, trợ giúp không ít cho Kent Weekks, nhà Ai Cập học của Mỹ chuyên nghiên cứu y khoa cổ.
Năm 1964, Dorothy phải nghỉ hưu vì hết tuổi lao động, nhưng vẫn nhiệt tình cộng tác với Bộ Cổ vật. Dorothy nhận một chân hướng dẫn viên, đưa đón du khách tham quan Đền Seti. Đầu thập niên 1970, Dorothy tuyên bố biết vị trí mộ của Hoàng hậu Nefertiti (1370-1330 TCN), khẳng định nó nằm gần mộ pharaoh Tutankhamun (1341-1323 TCN) trong Thung lũng của Các vị vua. Tuy nhiên Dorothy không dám chỉ chỗ chính xác vì Seti Đệ nhất chưa đồng ý! Giới khảo cổ đã rà soát quanh mộ Tutankhamun, nhưng chỉ tìm được một xác ướp có khả năng là mẹ đẻ của vị pharaoh này chứ không phải Hoàng hậu Nefertiti.
Ngày 21-4-1981, Dorothy qua đời tại Abydos. Gạt đi khía cạnh đầu thai, chuyên kiếp không thể xác minh, cô là một nhà Ai Cập học lỗi lạc.