Vụ thảm sát tại Trường Sandy Hook lại một lần nữa khiến nước Mỹ bước vào cuộc tranh luận sôi sục về vấn đề kiểm soát việc sở hữu và sử dụng súng, mặc dù tên giết người đã được xác định là một kẻ rối loạn về nhân cách.
Giáo viên Trường Tiểu học Sandy Hook sơ tán các em học sinh đang hoảng loạn
Nhóm lợi ích ảnh hưởng đến việc kiểm soát súng
Người nước ngoài đến Mỹ thường ngạc nhiên khi thấy súng đạn được bày bán tự do như một mặt hàng bình thường. Người mua chỉ cần có đủ các điều kiện về tuổi quy định, không có tiền sử phạm tội hoặc bệnh tâm thần và được cảnh sát cho phép thì có thể mua súng và được cấp giấy phép sở hữu súng. Người mua chỉ cần tự khai vào một biểu mẫu, người bán gửi bản khai đó cho cảnh sát, sau khi đối chiếu với hệ thống hồ sơ lưu trữ toàn quốc về nhân thân của công dân Mỹ, cảnh sát sẽ trả lời có cho phép mua súng hay không (mọi liên lạc đều qua mạng), còn nếu thấy có vấn đề, cảnh sát lập tức đưa người đó về đồn thẩm tra.
Ai chưa biết cách dùng súng thì không được mua súng. Nơi bán súng thường có bãi thử súng. Người mua súng phải qua sát hạch tương tự khi lấy bằng lái xe: sát hạch lý thuyết rồi sát hạch thực tế khả năng dùng súng. Có giấy phép rồi hằng năm phải trình xét.
Cảnh sát đang khám nghiệm hiện trường một vụ bắn nhau ở 5th avenue, New York
Quản lý súng lỏng lẻo như vậy là kết quả các cuộc vận động lobby của Hiệp hội Súng quốc gia (National Rifle Association of America – NRA) vốn là một tổ chức do những thợ săn và người thích súng lập ra năm 1871. Có tới tám Tổng thống Mỹ từng là thành viên NRA: Grant, Theodore Roosevelt, Eisenhower, Kennedy, Nixon, Reagan, George H.W. Bush, đặc biệt ông Bush con (George W. Bush) được coi là tổng thống thân thiện nhất với súng.
Thời xưa, khi việc người dân sở hữu súng chưa gây ra lắm rắc rối thì NRA chủ yếu mở các khóa huấn luyện cách sử dụng súng an toàn, kỹ thuật bắn súng và săn bắn. Từ thập niên 60 của thế kỷ XX trở đi, khi nhiều người Mỹ lên tiếng đòi kiểm soát súng thì NRA đã từ vai trò câu lạc bộ những người yêu súng trở thành đoàn thể chính trị phản đối việc cấm súng.
Ngày nay NRA có 4,3 triệu hội viên và là một trong những đoàn thể có thế lực nhất nước Mỹ. Họ từng chi 10 triệu USD cho cuộc tranh cử tổng thống năm 2008. TờWashington Post cho biết trong lần bầu cử Quốc hội gần đây, 4/5 ứng viên do NRA ủng hộ đều trúng cử. Vì thế các chính khách rất ngại chống lại NRA.