Lịch sử Hoa Kỳ gắn liền với súng đạn
Nước Mỹ đứng đầu thế giới về tai họa do súng gây ra, trung bình hằng năm có khoảng 100.000 người thương vong bởi súng, trong đó khoảng 30.000 người tử vong. Tổng số người Mỹ chết vì tai nạn súng trong nước cho đến nay nhiều hơn tổng số lính Mỹ chết trong tất cả các cuộc chiến tranh ở ngoài nước.
Có đến sáu trong số 44 tổng thống Mỹ là nạn nhân của các vụ ám sát bằng súng.
Trên thế giới không nước nào dân chúng sở hữu súng với mức độ cao như nước Mỹ: 314 triệu dân Mỹ hiện nay làm chủ khoảng 200 triệu súng các loại và bình quân mỗi người lớn có hơn một khẩu súng.
Trong khi dư luận quốc tế ngày càng mạnh mẽủng hộ việc cấm súng ở Mỹ thì phần lớn người Mỹ lại nghĩ khác. Một điều tra của Viện Gallup cho thấy số người Mỹ phản đối cấm súng tăng lên theo thời gian: năm 1990 là 20%, năm 2010 là 54%.
Đây thật là điều khó hiểu đối với người dân các nước khác, thế nhưng với nước Mỹ thì vấn đề này mang tính lịch sử.
Những tốp người châu Âu đầu tiên vượt biển tới đây khai phá đất hoang đều phải dùng súng để tự vệ, chống thú dữ, đánh đuổi người bản xứ để chiếm đất, xây dựng nên các vùng thuộc địa dưới sự thống trị của thực dân Anh. Luật pháp một số nơi vào thời ấy yêu cầu dân khẩn hoang phải có vũ khí để cùng mọi người chiến đấu với kẻ địch. Toàn bộ đàn ông các thuộc địa này đều tự vũ trang thành các đội dân quân.
Khi nhà cầm quyền thực dân đòi dân quân Mỹ nộp súng thì họ chẳng những không nộp mà còn đi xa hơn nữa khi dân Mỹở 13 thuộc địa tuyên bố thành lập một quốc gia độc lập với Anh quốc. Tiếp đó họ tiến hành cuộc chiến tranh Độc lập 1775-1781 chống lại thực dân Anh và giành thắng lợi. Trong các cuộc nội chiến tàn khốc 1862-1865 giữa hai miền Nam Bắc, rồi cuộc Tây tiến tranh cướp đất và vàng, mọi mâu thuẫn đều được giải quyết bằng súng đạn.
Hiến pháp Mỹ được thông qua năm 1789 chỉ có bảy điều nhưng lại có tới 27 tu chính án, trong đó tu chính án số II có tiêu đề Quyền giữ và mang vũ khí, được thông qua ngày 15-12-1791 bảo đảm các công dân Mỹ có quyền sở hữu và mang súng. Về sau chính quyền hơn một nửa số bang ở Mỹ tán thành Học thuyết Castle, tức học thuyết chủ trương cho phép cá nhân được tự vệ chính đáng kể cả sát thương thay vì rút lui khi bị tấn công và thể hiện nó bằng luật Stand your Ground (Đứng nguyên tại chỗ, nếu không tôi sẽ bắn), tức luật cho phép nổ súng khi bị đe dọa.
Về vấn đềủng hộ hay phản đối kiểm soát súng, người Mỹ đang có sự phân hóa rõ rệt.
Những người phản đối việc cấm súng chiếm đa số, trong đó bao gồm cả Hội NRA và đảng Cộng hòa, cho rằng thông thường cảnh sát chỉ đến hiện trường sau khi đã xảy ra hành động phạm tội, vì thế mang theo súng là cách tự vệ tốt nhất của người dân khi đối mặt với hung thủ.
Trong buổi nói chuyện trên đài truyền hình tin tức Fox hôm 15-12 ngay sau cuộc thảm sát, dân biểu Cộng hòa Louis Gohmert lập luận rằng vấn đề không phải là một quốc gia tràn ngập súng mà là công dân không được trang bị súng đầy đủ. Ông cho rằng các nạn nhân trong vụ nổ súng tại Trường Sandy Hook có lẽ đã được cứu, nếu giáo viên được mang súng đến trường. Ông nói: “Nghe câu chuyện về hành động anh hùng của vị hiệu trưởng, tôi ước gì bà ấy có một khẩu súng trường trong văn phòng của bà. Như vậy khi nghe tiếng súng bà sẽ mang nó ra, mà không phải lao ra, một cách anh hùng, với hai tay không”.
Phe chống lại việc sở hữu súng thuộc nhóm thiểu số. Trong cuộc đấu tranh không cân sức ấy, người ta ghi nhận có không ít người Mỹ đòi hỏi phải kiểm soát thật chặt chẽ sao cho súng không lọt vào tay những kẻ tội phạm hay người có vấn đề về tâm thần. Đảng Dân chủủng hộ quan điểm này. Nhìn chung các Tổng thống Dân chủ đều cố gắng tìm cách đưa ra luật lệ để kiềm chế việc sử dụng súng.
Trên thực tế, cuộc chiến chống lại súng ống ở nước Mỹ không khả thi vì nhiều lý do.
Thứ nhất, đa số người Mỹủng hộ việc sở hữu súng. Không ứng cử viên Tổng thống nào dám công khai chống súng nếu không muốn chuốc lấy thất bại trên chính trường. Đó là chưa nói phần lớn chính khách Mỹ đều mê súng.
Thứ hai, Hội NRA, mà đứng sau nó là những tay buôn súng có máu mặt, là một tổ chức có đủ tài chính và thực lực để triệt hạ bất cứ một dự luật hoặc bất cứ mưu đồ nào làm tổn thất đến lợi ích ngành công nghiệp súng ống nổi tiếng của nước Mỹ.
Thứ ba, muốn chống súng hữu hiệu, nhất thiết phải sửa quy định sử dụng súng trong Hiến pháp. Nhưng đây gần như là một “nhiệm vụ bất khả thi”, bởi theo Điều 5 Hiến pháp Hoa Kỳ, phải có đủ 2/3 số thành viên của Hạ viện và Thượng viện xét thấy cần thiết, hoặc theo yêu cầu của cơ quan lập pháp ở 2/3 các bang thì Quốc hội mới được sửa đổi Hiến pháp và triệu tập Đại hội để đề xuất những sửa đổi. Điều này gần như không bao giờ xảy ra.
Nước Mỹ vẫn chưa sẵn sàng kiểm soát súng
Bất chấp những lời kêu gọi sau mỗi vụ xả súng kinh hoàng, có vẻ như nước Mỹ vẫn không có sự sẵn sàng về chính trị để chấm dứt tình trạng sa lầy kéo dài lâu nay quanh vấn đề toàn dân sở hữu súng. Thậm chí người dân còn đổ xô đi mua súng để phòng thân sau mỗi vụ thảm sát.
Việc người dân sử dụng súng ở Mỹ trở thành một tập quán có thể nói nôm na là “văn hóa súng đạn” có nguồn gốc xa xưa từ thời nội chiến (1861-1865) với khẩu hiệu nổi tiếng: “Abraham Lincoln giải phóng con người, nhưng Samuel Colt mới đem lại bình đẳng”.
Samuel Colt (1814-1862) là người đầu tiên chế ra súng lục ổ xoay. Ông nổi tiếng đến mức người ta gọi tất cả súng ngắn là súng Colt. Các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã coi việc được dùng súng là quyền cơ bản của con người, chỉ đứng sau quyền tự do ngôn luận và quyền này được ghi trong điều 2 Tuyên ngôn nhân quyền từ năm 1791.
Năm 1981, sau khi Tổng thống Reagan bị bắn trọng thương, những người chống súng đã nỗ lực vận động đưa ra một dự luật ngăn chặn bớt súng đạn với một số hạn chế như: cấm bán cho dân một số loại vũ khí tấn công của quân đội, người mua súng phải đợi năm ngày để kiểm tra nhân thân, đặt ra một số lệ phí và giấy phép sử dụng súng… Dù chỉ có một số điều khoản nhưng dự luật đã bị ngâm đến năm 1994 mới được Quốc hội thông qua và Tổng thống Bill Clinton phê chuẩn. Tuy nhiên lệnh này chỉ có thời hạn 10 năm, sau đó nếu Quốc hội không ủy quyền kéo dài thời hạn thì lệnh cấm tự động hết hiệu lực. Năm 2004 (thời Tổng thống George W. Bush), dưới sức ép của NRA, Quốc hội Mỹ đã không tuyên bố kéo dài thời hạn thi hành lệnh trên, đồng nghĩa với việc lệnh cấm đó thất bại. Hậu quả là những loại súng như AK-47, súng lục TEC-9 là những vũ khí tấn công vốn chỉ cảnh sát mới được dùng, nay cũng được bán cho dân.
Chính việc sở hữu súng dễ dàng như vậy nên đã hình thành một thứ “văn hóa súng đạn” tại Mỹ, được cổ xúy bởi một bộ phận không nhỏ giới thanh niên Mỹ bất mãn, có vấn đề tâm lý trong cuộc sống hiện đại nhưng không được xã hội quan tâm đúng mức. Kết quả là sự tồn tại của quyền sử dụng súng là sự hình thành nền văn hóa băng nhóm cũng phát triển mạnh mẽ. Việc sử dụng súng để thanh toán lẫn nhau là khá phổ biến trong giới tội phạm Mỹ.
Vì vậy, tuy hiện có 38 bang cấm mang súng vào trường trung học và 16 bang cấm mang vũ khí vào đại học, nhưng luật nhìn chung vẫn lỏng lẻo và không nhất quán.
* * *
Vụ thảm sát ở Trường Tiểu học Sandy Hook hồi giữa tuần qua, mà nạn nhân phần lớn là trẻ em, đã khiến cả nước Mỹ bàng hoàng và giận dữ. Đặc biệt với các bậc phụ huynh có con nhỏ, chắc chắn phải mất một thời gian dài mới vượt qua được tâm trạng bất an, lo lắng từng ngày khi đưa con đến trường và ngóng đợi đến giờ đón con, cho tới khi có thể nguôi ngoai bi kịch tồi tệ vừa diễn ra. Còn đối với những con chim non ở trường tiểu học này, nỗi ám ảnh hãi hùng sẽảnh hưởng đến tâm hồn trẻ thơ không biết đến bao giờ mới phai nhạt.
Mới đây, một liên minh các thị trưởng, trong đó gồm Thị trưởng thành phố Boston Thomas Menino và Thị trưởng New York Michael Bloomberg, đã đồng loạt kêu gọi hành động. “Đây là lúc cần có một chính sách quốc gia để loại bỏ những kẽ hở pháp luật về súng đạn” – Thị trưởng Menino nói.
Có lẽ người dân Mỹ cũng đang chờ đợi xem liệu điều này sẽ trở thành hiện thực hay không trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama, khi mà ông không còn chịu áp lực chính trị như đã từng có trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vừa qua.
Lê Viết Đỉnh tổng hợp