Sa mạc Sahara có lúc thật lãng mạn và cũng có lúc thật khắc nghiệt, nhưng con người vẫn không bao giờ mất đi niềm đam mê của họ đối với vùng đất hoang vu rộng 3,5 triệu dặm vuông trải dài trên 10 quốc gia và toàn bộ một châu lục. Sahara là một trong những nơi khắc nghiệt nhất và ít hiếu khách nhất trên thế giới…
Tuy nó có hơn 20 cái hồ, nhưng chỉ một trong những cái hồ đó có chứa nước cho con người uống. Phần còn lại chứa đầy nước muối.
Lượng mưa trung bình hằng năm trên sa mạc gần như tương đương với lượng nước trong phòng tắm của bạn vào ngày cuối tuần.
Nhiệt độ thường xuyên ở Sahara hơn 38oC và mặc cho những cảnh báo như vậy, trong phạm vi 500 dặm, người ta không chỉ sống ở Sahara, các du khách còn đến tham quan chúng nữa. Không chỉ có thời tiết cực kỳ nóng, Sahara còn là nơi trải nghiệm những chuyện điên rồ nhất.
1. Từng xanh tốt, đông đúc dân cư
Theo LiveScience, trong vài ngàn thiên niên kỷ trước, sa mạc Sahara đã từng ướt và xanh, với động vật hoang dã và những ao hồ.
Con người đã xây dựng những khu định cư lâu dài và sau đó, cách đây khoảng từ 7.300 đến 5.500 năm trước, những cơn mưa chấm dứt, sa mạc khô cằn.
Nhà khảo cổ học David Wright tin rằng những đồng cỏ đã bị hủy hoại bởi các đàn gia súc của con người, từ đó làm gia tăng sự phản chiếu của ánh mặt trời, làm giảm lượng mưa gió mùa. Ít mưa có nghĩa là ít thảm thực vật.
2. Tuyết rơi
Còn gì kỳ lạ hơn vùng hoang mạc vốn luôn có nhiệt độ trung bình là 40oC bỗng phủ trắng tuyết. Theo CNN, vào tháng 12-2016, “một đợt tuyết rơi quái dị” đã đổ xuống thị trấn Ain Sefra ở Algeria lần đầu tiên sau 37 năm.
Tuy thị trấn nằm trong sa mạc Sahara, nhưng nó cao trên mực nước biển 1.078m, điều này khiến nó nằm trong khu vực có tuyết rơi. Nhưng bởi vì nó cũng là một trong những nơi nóng nhất trên thế giới nên từ lâu tuyết đã không xuất hiện ở đó.
- Xem thêm: Những vẻ đẹp chỉ có ở Sahara
Sau đó vào năm 2017, một trận bão tuyết khác đã ập xuống khu vực và đến năm 2018, hiện tượng này lại xảy ra lần nữa khiến người ta phải tự hỏi liệu tuyết rơi vào mùa đông ở sa mạc Sahara thực sự có phải là một điều bình thường mới mẻ không.
3. Sống sót nhờ nước tiểu và máu dơi
Theo BBC, anh Mauro Prosperi, 39 tuổi, tham gia cuộc chạy đua Marathon des Sables năm 1994, cuộc đua chạy đường dài trong sáu ngày băng qua sa mạc Sahara.
Vào cuộc đua được bốn ngày, anh gặp phải trận bão cát. Sáng hôm sau, anh phát hiện mình bị lạc và bắt đầu đi tiểu trong chai nước dự phòng của mình.
Cuối cùng, anh phát hiện ra một ngôi đền Hồi giáo với một đàn dơi ngủ trong đó; anh đã bắt dơi và uống máu của chúng.
Biết trước sau cũng khó sống nổi, anh tự cắt cổ tay mình với mong muốn được chết sớm, nhưng do mất nước nên máu của anh quá đặc và không chảy ra nhiều được.
Anh lại bắt đầu bước đi. Anh đã uống nước tiểu của chính mình, giết rắn, thằn lằn và ăn sống. May mắn là cuối cùng anh đã được cứu thoát. Cho đến năm 2014, Prosperi đã chạy Marathon des Sables bảy lần, xếp hạng thứ 12 vào năm 2001.
4. Phiêu lưu trên Sahara
Theo National Geographic, vào năm 1815, một tàu Mỹ tên Commerce đã bị mắc cạn trên bờ biển phía tây bắc châu Phi, nơi có nhiều tin đồn rằng những người du mục sa mạc ăn thịt những thủy thủ bị đắm tàu.
Thủy thủ đoàn đã cố gắng trốn thoát khỏi những bờ biển nguy hiểm đó trên một chiếc thuyền dài, nhưng cuối cùng họ quay lại để rồi bị những gã buôn nô lệ người Bedouin bắt được, sau đó bị buộc phải vượt qua sa mạc Sahara.
Rất may mắn là James Riley, thuyền trưởng của con tàu, là người tháo vát. Anh đã thuyết phục gã lái buôn sa mạc mua anh và 4 thủy thủ. Người kia đồng ý dẫn họ đến phương Bắc, ở đó các gia đình của họ sẽ trả tiền để chuộc họ.
Như vậy, sau hai năm gặp sự cố đắm tàu, cuối cùng họ đã trở về an toàn. Về sau, Riley đã viết quyển sách kể lại cuộc hành trình, tác phẩm này bán rất chạy.
5. Xương khủng long hóa thạch trên sa mạc
Chuyện một con khủng long xuất hiện giữa sa mạc là điều hoang tưởng. Nhưng trước kia Sahara vốn không phải là một sa mạc; vì thế, loài khủng long đã phát triển mạnh ở đó.
Nhưng vì lý do nào đó, Sahara ngày nay không được biết đến như một kho tàng cổ sinh vật học. Hiếm khi người ta có thể tìm thấy được xương khủng long ở đó hoặc gần như toàn vẹn bộ xương.
Đó là lý do tại sao người ta đã vô cùng ngạc nhiên khi tìm thấy một bộ xương gần như đầy đủ của một loài khủng long chuyên ăn thực vật có tên là Mansourasaurus shahinae trong sa mạc của Ai Cập ngày nay.
Theo báo USA Today, loài khủng long đặc biệt này có kích thước dài bằng một chiếc buýt của trường học. Đó là một một khám phá quan trọng vì hiếm khi có thể phát hiện được những hóa thạch khủng long ở sa mạc Sahara.
6. Mèo cát
Theo Earth Touch News Network, vào tháng 10-2017, các nhà nghiên cứu đã quay phim được hình ảnh những con mèo cát hoang dã với những đôi mắt và đôi tai khá to trong sa mạc Sahara thuộc Morocco.
Những con mèo cát khó bắt gặp được trong thiên nhiên hoang dã, cũng khó quay phim được chúng vì chúng di chuyển rất nhanh. Mèo cát trông giống mèo nhà, nhưng chúng nhỏ hơn và thường có màu cát.
7. Cơn sốt vàng nóng nhất
Theo tờ Vice, một người chăn dê đã tìm thấy một khối đá hình thù lạ lùng và đã nhờ một người bạn giúp xác định lai lịch của nó. Nhưng người kia đã không nói.
Trong thực tế, đó là một quặng vàng sau đó bán được với giá 1.400 USD. Số tiền lớn gấp 3 lần thu nhập của đa số người dân ở Niger trong một năm.
- Xem thêm: Tiến vào Sahara
Tin đồn về vàng làm cho mọi người đổ xô đến khu vực và dấy lên một cơn sốt vàng, một số ít người chợt giàu lên trong khi đa số không tìm được gì.
8. Nơi nóng nhất trái đất?
Theo Trung tâm Khí hậu, ngày 10-7-1913, Thung lũng Chết của California đạt tới 57oC. Năm 1922, Libya ghi nhận vùng sa mạc Sahara ở El Azizia nóng tới 58oC.
Kỷ lục này tồn tại trong 90 năm cho đến khi tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness trao danh hiệu này cho California.
Nói như vậy không có nghĩa là Sahara chưa hẳn là không nóng nhất. Vào tháng 7-1961, người ta đo được nhiệt độ ở vùng Semara, phía tây Sahara, thuộc châu Phi, là 50,7oC, đạt độ nóng kỷ lục thế giới trong năm đó.
9. Xe máy Iron Man
Khi Emile Leray, một chuyên viên cơ khí người Pháp, bị mắc kẹt trong sa mạc Morocco, anh đã chế tạo một chiếc xe máy Iron Man (Người Sắt).
Năm 1993, Leray thực hiện một chuyến đi băng qua sa mạc Sahara bằng chiếc xe Citroen 2CV. Trên đường đi, xe của Leray bị hỏng.
Thay vì ngồi chờ có người đến cứu, Leray đã tháo rời chiếc xe của mình ra và sử dụng các bộ phận còn lại để chế tạo một chiếc xe máy.
Quá trình diễn ra trong 12 ngày. Cho đến khi hoàn tất, anh bị sụt mất 13kg, nhưng điều kỳ diệu là anh đã lái xe vượt thoát được.
Cảnh sát Morocco đã bắt gặp anh một ngày sau đó. Họ phạt anh vì anh đăng ký chiếc xe hơi Citroen 2CV chứ không phải xe gắn máy Iron Man!
10. Trận bão bụi 700 dặm
Vào tháng 5-2011, Cơ quan Không gian NASA của Mỹ đã chụp được bức ảnh một trận bão bụi được cho là dài 700 dặm. Để dễ hình dung hơn, trận bão này rộng hơn bang Texas 40 dặm.
Lý giải về trận bão bụi là do sa mạc Sahara quá nóng, lớp không khí ở mức ngang với mặt đất không ổn định nên nó có khuynh hướng tung những hạt bụi lên trên không.