Vật cản lớn nhất cho giao thông ở sa mạc Sahara là cát, nhưng nếu nhìn trải rộng và bao quát thì sẽ thấy cả sa mạc mênh mông tựa như đại dương cát với rất nhiều bến cảng dừng chân là các thành phố, ốc đảo trên khắp các tuyến đường.
Nếu hỏi một người Berber, Touareg hay Bedouin sa mạc có nghĩa là gì, họ sẽ mỉm cười trả lời bạn, chính là Sahara đấy. Cả một miền đất rộng lớn đến hơn 9.400.000km² trải từ Biển Đỏ sang giáp Địa Trung Hải kéo ra phía Đại Tây Dương và chiếm phần lớn diện tích các nước Bắc Phi đã là nơi cư ngụ, sinh tồn của rất nhiều dân tộc từ hàng nghìn năm nay.
Sahara chứa trong lòng cát bao điều bí mật về Trái đất, về sinh hoạt của những người dựa vào Sahara. Chuyến đi của khách du lịch thông thường vô cùng ngắn ngủi so với các đoàn caravan chuyển hàng thuở nào, nhưng bóng hình Sahara đã không còn là mơ hồ, lấp lóa như ảo ảnh do cát nóng tạo ra. Đã là ký ức bám chặt vào tâm trí.
Các tuyến caravan xuyên Sahara xưa
Nhiều thế kỷ trước con người đã tận dụng triệt để lợi thế đi trên cát của bộ móng guốc lạc đà, khả năng tải lớn đến vài tạ và sức chịu đựng nhịn ăn nhịn khát dài ngày để thực hiện những chuyến caravan trên sa mạc hàng tháng trời. Người Touareg vốn sống du mục trên sa mạc hiểu tập tính của lạc đà, dễ điều đình với các bộ tộc anh em Nomad và gắn bó với sa mạc hơn ai hết đã là người dẫn đường tài tình hàng thế kỷ.
Các lái buôn Berber, Ả Rập mang lụa là, vải vóc, hột cườm, vũ khí, đồ gia dụng vào đổi lấy vàng, ngà voi, gỗ mun, lông lạc đà, sản vật nông nghiệp như hạt kola (tương tự như cà phê)… Người Nomad sinh sống trên sa mạc còn buôn bán trao đổi được cả kiến thức, kinh nghiệm của mình trong cách dùng vải thô, vàng, ngũ cốc và cả huấn luyện nô lệ. Người Ả Rập mang theo cả ảnh hưởng của đạo Hồi trong quá trình buôn bán trên sa mạc.
Các đoàn caravan thuở trước thường tập hợp đông đảo lạc đà, người chăn, lái buôn từ một vài ngàn lạc đà đến chục nghìn con và hàng trăm người cùng nhiều tấn hàng hóa, thức ăn, nước uống. Số lượng lạc đà mỗi đoàn giảm dần theo thời gian và đến ngày nay thì chỉ còn vài tuyến ngắn nối các mỏ muối ở nước Cộng hòa Mali với các ốc đảo, thành phố tại nước Cộng hòa Niger hay Mauritania lân cận.
Trước kia, các đoàn caravan đi từ Timbuktu (Mali) đến cảng lớn ở Morocco, hoặc qua Bilma ở mạn sông Niger để tới Tripoli (Lybia) hay tới Cairo (Ai Cập) rồi hàng hóa được chuyển đến đích là châu Âu, Á. Xe cơ giới đã du nhập vào miền đất khô cằn rộng lớn này và các đoàn caravan lạc đà đông đảo đã được thay thế chỉ bằng vài chiếc xe tải cỡ lớn.
Đi theo những vì sao
Ayman làm nghề lái xe đưa khách từ ốc đảo Bahariya (Ai Cập) vào sa mạc Sahara đã gần chục năm. Anh được chủ tour phân cho một chiếc Toyota Land Cruiser hai cầu đời cũ nhưng máy móc vẫn còn ngon lắm. Cụ nội, ông nội anh đã từng đi nhiều chuyến caravan đến tận Timbuktu, Taghaza, Bilma để buôn muối và đổi chác hàng hóa.
Cụ nội Ayman đã đi khoảng 60 chuyến caravan trong suốt cuộc đời mình. Nhưng đến đời ông của Ayman công việc buôn bán trên sa mạc kém hẳn, có khi đoàn lạc đà mang muối tới một phiên chợ lớn thì mấy chiếc xe tải đã tới trước đó vài ngày và bán gần hết số muối mang theo. Bố Ayman chuyển đến định cư trên ốc đảo Bahariya này trồng chà là thuê. Ayman trở thành thành viên đoàn caravan kiểu mới, caravan xe 4×4.
Cánh lái xe du lịch gặp nhau ở một mạch nước lộ thiên trên sa mạc, tình cờ lại có mấy cây cọ cổ thụ tỏa bóng râm mát, lo bữa trưa cho khách xong thì tập trung lại nấu trà uống. Họ kể lại chuyện của những người lớn tuổi, nhiều khi trên đường đi chỉ có chà là khô và đậu phộng để ăn, ngày tiếp ngày như thế vì không có thời gian nấu nướng. Phần lớn đoàn buôn đi vào ban đêm, khi tiết trời dễ chịu và mát mẻ hơn.
Người dẫn đầu đoàn caravan lạc đà chở hàng đi theo những chòm sao trên bầu trời, giống như là người ta dùng bản đồ vậy. Ayman cho biết người trước thường nhìn theo ba ngôi sao trong chòm sao Lạp hộ (Orion) để định hướng tuyến đường buôn muối.
Lạc đà có thể nhìn được khá tốt vào ban đêm, nhưng chỉ cần người dẫn không chú tâm một chút là cả đoàn có thể lạc hướng và sẽ đến đích trễ vài ngày trời. Hầu như ngày nào vào mùa đông cũng có một đoàn caravan muối đến Timbuktu từ Taoudenni (Cộng hòa Mali), một cung đường dài khoảng 720km mất độ 15 ngày đi.
Sahara không còn là ảo ảnh
Những chàng lái xe hai cầu đưa khách khám phá sa mạc dài ngày, nay không dựa vào các ngôi sao chỉ đường vì xế chiều đã dừng lại, dựng trại, nấu ăn cho khách để qua đêm trên sa mạc. Nhưng ban ngày cũng không có phương tiện định vị hiện đại nào giúp họ.
Họ đi theo những cung đường đã được vạch ra theo kinh nghiệm, nhiều khi chỉ mình họ biết lối. Như Ayman hồi chiều đã dũng cảm lái xe vào biển đá hộc, nhiều đoạn bánh xe quay tít không nhích được chút nào, chỉ để cho chúng tôi tiếp cận với vẻ đẹp khác của Sahara.
Giờ đây nếu đi một mạch Ayman chỉ cần 6-7 giờ để đưa khách từ ốc đảo Bahariya đến ốc đảo Siwa (400km) và 4-5 giờ từ ốc đảo Bahariya đến Cairo (320km) chứ không phải mất sáu ngày hay bốn ngày bằng lạc đà nữa. Nhưng buổi trưa các chàng lái xe hay gặp nhau ở chỗ nấu ăn và lấy thêm nước chứa đầy các can to chất lên xe, còn khách có thể rửa ráy, tắm gội.
Nhờ thế chúng tôi mới có dịp tán chuyện với lái xe các nhóm khác, có cơ hội “vay” khoai lang để buổi tối vùi trong than củi nướng hay tiến hành đổi chác kiểu hai chai vang lấy một chai rượu cùng 1kg cam tươi với khách khác. Đồ uống có cồn là của hiếm trên xứ sở Hồi giáo này và chỉ có đám khách du lịch “ngoại đạo” mới thích. Đến cả một nhóm vắt vẻo trên khoảng chục con lạc đà cũng “thủ” một ít bia hộp và vài chai vang nổ, hớn hở khoe nhau thành tích.
Nhìn thấy lạc đà, chúng tôi không mặn mà mấy vì đã có kinh nghiệm chẳng dễ chịu gì khi tiến vào Sahara từ ngả Morocco rồi. Mới lắc lư trên lưng lạc đà một bướu có hai ngày một đêm thôi mà tưởng chừng toàn bộ phần thân dưới không còn là của mình nữa, lại trèo vội lên xe ngay. Ayman nói, cụ nội anh những ngày cuối đời hướng đôi mắt mờ đục ra khoảng sáng ngoài cửa như nói với chính mình: chỉ có những kẻ mạnh nhất, kiên cường nhất mới tồn tại được trên Sahara.
Không nhà cửa, không người qua lại, không phố xá, không điện, chẳng có gì ngoài cát mênh mông đẹp đến rợn người. Có đoạn chỉ toàn núi sỏi đen sì nhức mắt hoặc cả một bình nguyên đá hộc. Cỏ đã ít, chỉ lơ phơ nhưng cũng chẳng có mấy sắc diệp lục. Nhưng buổi sớm nhìn kỹ trên mặt cát vẫn còn hơi ẩm của đêm, thấy nhiều dấu vết của sự sống lắm.
Dấu chân của đủ loại con vật để lại khiến người lữ khách cứ loay hoay đi theo muốn tìm đến tận tổ. Dẫu sao cũng qua được lớp vỡ lòng của Ayman dạy nhận biết các dấu chân nên cũng tự đoán được đâu là dấu bọ cạp, đâu là vết rắn bò, chân chim, thỏ hay chuột, cáo sa mạc hay loài gặm nhấm, vệt nào là phân lạc đà rơi nảy dài trên cát…
Và ánh bình minh soi rọi cảnh tượng hùng vĩ của những đụn cát óng với vô vàn đường cong quyến rũ, những lằn cát mê ly và các sống lưng mỏng mảnh. Vẻ đẹp huy hoàng của sa mạc lúc ấy đã làm lu mờ những mệt nhọc đường dài hoang vắng.
Những háo hức được chiêm ngưỡng sa mạc trắng khi hoàng hôn xuống lại khiến người lữ khách hăng hái tháo gấp lều, vừa dọn rác bỏ vào xe, mang thức ăn thừa ra sau tảng đá cho thú hoang vừa hát là lá la. Có khi hôm nay sẽ trần trụi vùi mình trong cát nóng để tắm đúng kiểu dân sa mạc mong gột sạch tâm hồn bằng thứ cát tinh khôi của trời đất một lần. Dẫu biết rằng hồn không thuộc về Sahara…
– Ảnh Nam Vinh