Thời đại bây giờ, một trong những cái khoe về thú vui hưởng thụ là được đi chơi, du lịch. Trên Facebook, người ta thường khoe được đi đây đi đó, chỗ này chỗ kia, ăn món ngon vật lạ, gặp gỡ bạn bè. Người càng đi nhiều, chứng tỏ khả năng tài chính và cả thời gian càng… đáng nể!
Tuy nhiên không phải ai muốn đi cũng được. Người xưa dặn, phụ mẫu tồn, tử bất khả viễn du (cha mẹ còn, con không được đi xa), là vấn đề mà nhiều gia đình gặp phải. Một người Việt ở nước ngoài kể chuyện, rằng văn hóa phương Đông khác văn hóa phương Tây, nhất là những lễ nghi thiên về tình cảm.
Anh ấy kể chuyện vợ chồng anh bạn người Úc của anh đang đi du lịch thì nhận được tin mẹ qua đời. Nếu là người Việt, ai trong tình huống ấy cũng sẽ tức tốc về để lo hậu sự, đằng này bạn anh ấy nhắn về là đang đi chơi, nhờ Viện dưỡng lão gửi mẹ ở một nơi lưu giữ, đợi họ hoàn tất chuyến du lịch rồi về lo cho mẹ.
- Xem thêm: Nhờ con việc gì khó nhất?
Quan điểm chung là, người chết thì đã chết rồi, có về ngay hay lùi lại sau chuyến du lịch cũng không có gì khác. Không về ngay lo cho mẹ không phải là bất hiếu mà là phù hợp với thực tế. Con người sống, làm việc, hưởng thụ và nhu cầu được hưởng thụ là chính đáng.
Ở Việt Nam, làm vậy sẽ mang tiếng bất hiếu. Con phải có nhiệm vụ lo cho cha mẹ nằm xuống được chu đáo, ngay lập tức, không những thế còn phải tuân theo những lễ nghi, tập tục của vùng, miền. Phải chọn ngày, giờ, coi đất… sao cho không phạm vào những thứ tối kỵ, mới mong con cái làm ăn được phát đạt về sau.
Nhỡ có điều gì phạm kỵ, coi chừng con cái ngóc đầu không nổi! Nhưng nếu cho rằng cách cư xử của anh bạn người Úc kia là không chu toàn cho mẹ hay nặng nề hơn là bất kính với mẹ thì không đúng. Bởi đó cũng chỉ là quan niệm mà thôi. Chính quan niệm phải lo cho cha mẹ mà nhiều người bị ràng buộc đôi khi không biết đến hưởng thụ.
Và như thế, có cha mẹ già làm sao đi chơi được? Ai lo các cụ miếng ăn, đêm hôm trái gió trở trời? Gia đình có điều kiện thuê người trông bố mẹ già để đi chơi, nhưng chuyến đi cũng phấp phỏng, lo lắng, suốt ngày gọi điện về nhà hỏi thăm sức khỏe các cụ. Chỉ mong mau chóng trở về kẻo nhỡ có chuyện gì.
Bên trời Tây, đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là giải pháp tối ưu khi cha mẹ già. Con cái còn sự nghiệp và đời sống của chúng, không rảnh để chăm sóc cha mẹ già. Ở Việt Nam, sự ràng buộc bởi lễ nghi và chữ hiếu khiến nhiều người phải hy sinh sự nghiệp, hạnh phúc riêng.
Nhiều gia đình phải luôn có một người không đi làm, ở nhà chăm sóc cha mẹ. Người ở nhà luôn là người chịu thiệt thòi, đã không được đi ra ngoài xã hội còn chịu mang tiếng sống nhờ trợ cấp của anh chị em. Nếu người đi làm được cống hiến, được đi đây đó thì người ở nhà cả đời chỉ biết quanh quẩn từ nhà ra chợ.
- Xem thêm: Già theo con
Nhiều anh chị em biết nghĩ, thương người ở nhà thiệt thòi, thỉnh thoảng hy sinh vài ngày nghỉ đến chăm cha mẹ cho người ở nhà đi chơi. Nhưng rồi, người ở nhà lại quen cái nếp xưa nay, đi chơi cũng phập phồng không biết anh/chị có chăm được cha mẹ hay không? Lại tốn tiền điện thoại cả hai đầu, người đi hỏi thăm về, người ở nhà hỏi phải làm sao nếu có sự cố xảy ra… Cuộc đi chơi cũng mất vui.
Không thể nói văn hóa phương Tây hay phương Đông có tình, bởi cái văn hóa ấy, tập tục ấy rất khó thay đổi. Người phương Đông không bỏ mặc cha mẹ mà đi chơi, hay người phương Tây có thể không vì cha mẹ già mà bỏ mất thú vui hưởng thụ.
Nhưng đã là người Việt, nếu cha mẹ còn, thì con cái khó đi xa được là lẽ thường tình. Do đó, hiểu cho người ở nhà phải chăm cha mẹ là một công việc hy sinh thầm lặng, chịu thiệt thòi. Cho dù quà cáp thế nào cũng không thể bù lại được thiệt thòi ấy. Mọi thứ còn xuất phát từ lòng thương yêu. Khi đã thông hiểu thì người ở nhà cũng vui mà người đi xa cũng không áy náy!