Cả gia đình chỉ còn cô út ở quê với mẹ, trong khi đó chồng và các con cô, cả anh, chị của cô đều ở thành phố. Lý do chính là mẹ cô không muốn xa quê và cô chưa đủ điều kiện để có một ngôi nhà kha khá ở thành phố cho mẹ ở tiện nghi.
Từ khi chồng chuyển công tác vào thành phố, cô và chồng đã bàn tính bán nhà ở quê, lập nghiệp thành phố. Nhà quê tuy khang trang, bán đi vẫn không thể nào mua được nhà tương tự ở phố. Mà nhà nhỏ, thành phố tù túng sợ mẹ buồn, tủi thân.
Vậy mà, đùng một cái, mọi thứ suôn sẻ đến không ngờ, cô không nghĩ việc chuyển nhà lại nhanh trong vòng… ba nốt nhạc như thế!
Số là, cô có một miếng đất ở gần khu du lịch, cho thuê làm quán ăn. Một hôm có người gọi muốn mua lô đất với giá 9 tỉ rưỡi. Cô làm nhanh bài toán chuyển dời. Bán miếng đất và kiếm một ngôi nhà khang trang ở thành phố rồi chuyển gia đình vào hết. Coi như “hô biến” miếng đất thành nhà.
Cuối cùng cô mua được một ngôi nhà mặt tiền với giá 10 tỉ, khá đẹp, khang trang hơn nhà cô đang ở, trên một con đường yên tĩnh. Nhà mới xây một năm nên toàn bộ mọi thứ đều mới và sang trọng. Mẹ cô có điều kiện tốt để sống những ngày cuối đời thoải mái, vui vẻ, thêm tự hào về con cái!
Cam go nhất là việc “áp giải” mẹ đi. Bà cụ tám mươi tư tuổi, đi đứng lụm cụm, không lên cầu thang được và mang thêm tâm lý “từng tuổi này rồi mà còn phải di dân”, lão giã mà chưa an chi. Đi xe lửa thì sợ mẹ mệt, máy bay thì sao mẹ lên cầu thang? Cuối cùng, mọi thứ nhẹ nhàng khi có sự trợ giúp của hãng bay. Quan trọng là bà cụ thấy thoải mái, hài lòng và khỏe.
- Xem thêm: Nhờ con việc gì khó nhất?
Ở nhà mới của con gái, bà mẹ thích lắm. Nhà đẹp, khang trang. Bà có một phòng rộng rãi, sang trọng, đủ tiện nghi. Con gái lớn, con trai, các cháu đến chơi bà có thể tiếp mọi người ở đây. Chỉ bất tiện là mọi sinh hoạt của bà gói gọn trên lầu. Muốn xuống tầng trệt thật “thiên nan, vạn nan”.
Được mấy ngày vui, bà cụ bắt đầu nhớ hàng xóm ở quê và đòi về. Cũng là tâm lý con gái chuẩn bị cho mẹ “coi như má vào chơi, không thích ở thì về”. Lúc này, con gái mới nói: “Giờ má về chẳng còn ai ở với má, điện nước con cắt hết rồi. Nhà chờ bán thôi”.
Bà cụ bắt đầu so sánh, ở quê nhà không đẹp, nhưng phòng bà ở tầng trệt. Nếu thích bà có thể mở cổng ra sang nhà hàng xóm nói chuyện, hay bắc cái ghế ngồi nhìn ra, thấy người đi qua, đi lại, trẻ con đi học về, đủ vui rồi. Đây tuy nhà mặt tiền, nhưng bà chỉ loanh quanh trên lầu, phòng bà có cửa mở ra ban-công nhưng chỉ nhìn xuống đường và không có ai để nói chuyện.
Nhà rộng, con gái, con rể, cháu ngoại mỗi người một phòng đóng kín cửa như khách sạn, chỉ gặp nhau lúc ăn cơm. Mà do bà không xuống lầu được nên con gái mang lên. Nghĩ ra, bà cảm giác như bị nhốt và ước muốn về quê càng cháy bỏng, thôi thúc nhưng bất lực!
Thêm nữa, chỉ Chủ nhật mới đông đủ con, cháu đến chơi, ngày thường bà chỉ biết có tivi, mấy tờ báo và cơm con mang lên. Trẻ theo cha, già theo con, nghĩ ngợi xa gần bà biết không thể thay đổi được hoàn cảnh. Bà còn có phúc hơn bao nhiêu người là con cháu lo cho đầy đủ, vui vẻ, ân cần. Bà lại ước bây giờ nếu chồng còn sống, ông ấy sẽ hài lòng biết bao vì được ở với con trong một ngôi nhà khang trang như vậy.
- Xem thêm: Chẳng ai sung sướng, tại sao?
Nghĩ thế nên bà bớt buồn. Tuy nhiên, mỗi đêm đặt lưng xuống giường, đến hai giờ sáng là bà thức. Bà vén màn cửa sổ nhìn ra ngoài trời và chờ sáng. Bà biết phải chờ rất lâu, đến sáng bảnh, mới thấy người qua, kẻ lại. Bà bẩm bẩm, người thành phố sao mà dậy trễ ghê. Nghĩ ngợi xa gần, bà không biết mình có bắt nhịp được cuộc sống mới này không.
Rồi bà buồn, ngày nào bà cũng buồn, chỉ mong nhanh hết tuần, đến Chủ nhật con cháu đến chơi! Rồi bà buột miệng, lá rụng về cội, tết này mình ăn tết ở đâu?