Một trong những chủ đề làm phim của Hollywood là virus gây dịch bệnh. vì đại dịch là điều đáng sợ và hấp dẫn để theo dõi trên màn bạc. Chỉ có một vấn đề là vì lý do kinh doanh, cần phải tạo kịch tính nên Hollywood hiếm khi tuân thủ theo sự chính xác khoa học. Từ đó, họ đã tạo ra không ít ngộ nhận về sự bùng phát của virus.
Virus không giết bạn ngay lập tức
Mọi người chết dần dần vì nhiễm virus sẽ không có hiệu quả điện ảnh. Hollywood cần các phim kinh dị của mình phải ly kỳ; vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi họ có xu hướng làm nổi lên cách thức hoạt động của virus. Trong bộ phim Outbreak (Bùng phát) năm 1995, virus Motaba hư cấu (dựa trên virus Ebola) không chỉ gây tử vong 100%, mà cũng có thời gian ủ bệnh được tính bằng giờ và giết chết nạn nhân của nó trong vòng một ngày .
Mặc dù sự thật là một số virus có thể giết chết bạn sau khoảng một ngày, nhưng có sự chi phối giữa tốc độ và khả năng tồn tại của virus. Nói tóm lại, virus giết người cực nhanh không chỉ phá hủy vật chủ của chính chúng (và do đó chúng cũng tự hủy diệt), mà cũng không thể lây lan một cách hiệu quả; vì vậy, dịch bệnh có xu hướng bị hạn chế. Theo quyển Nguyên tắc virus học, ngay cả những loại virus nhanh nhất có xu hướng có thời gian ủ bệnh từ vài ngày đến vài năm và bệnh có thể kéo dài vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng.
Tỷ lệ tử vong đối với hầu hết các đại dịch không gây tử vong nhiều như Hollywood cho thấy; thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy khi virus Covid -19 quét khắp thế giới với tỷ lệ tử vong khoảng 2%, nhưng đó là ước tính ban đầu và có khả năng quá cao. Cúm H1N1 (còn gọi là “cúm heo”) không tới 0,1% gây tử vong, trong khi Ebola ngoài đời thực là 40% gây tử vong. Điều đó khá đáng sợ, nhưng cũng chưa đáng sợ đối với một phim kinh dị Hollywood.
Các bệnh dịch không lan nhanh
Một bộ phim trung bình dài khoảng 2 giờ. Vì vậy, có thể hiểu rằng các nhà biên kịch ủng hộ tốc độ hơn là độ chính xác khoa học. Bộ phim 28 Days Later (28 ngày sau đó) năm 2003 là một ví dụ điển hình về cách Hollywood thích sự bùng phát virus của nó: nhanh và dữ dội, với thế giới biến chuyển khủng khiếp chỉ trong chưa đầy một tháng.
Nỗi ám ảnh về tốc độ này cũng diễn ra đối với quá trình lây nhiễm, trong phim 28 Days Later, nạn nhân bị phơi nhiễm hoàn toàn gần như ngay lập tức, và những bộ phim kém chất lượng hơn thường mô tả những người bị phơi nhiễm sẽ tử vong trong vài ngày hoặc vài giờ.
Trong thực tế, đại dịch cũng mất một thời gian dài và cho đến nay, chưa đại dịch nào có thể thực sự phá hủy thế giới. Nhưng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết rằng đại dịch cúm năm 1918 phải mất một năm để tự hết, và dịch AIDS đã bùng phát chậm trong nhiều năm. Ngay cả một cái gì đó như Cái Chết Đen (Black Death) cũng mất 4 năm để cuối cùng tự bùng phát, và trong khi tàn phá, nó đã không kết thúc nền văn minh.
Không thể bào chế vắc-xin diệt virus cực nhanh
Trong các bộ phim Hollywood, có một thực tế bất tiện mỗi khi bùng phát virus, đó là thời gian cần thiết để phát triển một loại vắc-xin; vì vậy, hầu hết các bộ phim mô tả điều này xảy ra nhanh chóng không thể tin được. Nhiều bộ phim sẽ có một loại vắc-xin được phát triển trong vài ngày (hoặc thậm chí vài giờ) và thậm chí cả bộ phim Contagion (Truyền nhiễm) năm 2011, được ca ngợi vì tính chính xác khoa học của nó trong việc mô tả một đại dịch giả tưởng, cho thấy các nhà khoa học cô lập mầm bệnh trong thời gian chưa đầy 2 tuần và tạo ra một vắc-xin khả thi cho nó trong một vài tháng.
Trên thực tế, các bác sĩ thuộc Đại học Philadelphia cho biết có thể phải mất tới 15 năm để phát triển một loại vắc-xin, và ngay cả trong điều kiện khẩn cấp cũng có thể mất cả năm. Tạo ra một loại vắc-xin đòi hỏi phải nghiên cứu mầm bệnh, xác định các kháng nguyên sẽ giúp chống lại nó trong cơ thể, sau đó thử nghiệm để đảm bảo rằng những gì bạn nghĩ ra không tệ hơn mầm bệnh mà bạn đang cố gắng tiêu diệt. Sau đó, phải sản xuất vắc-xin với số lượng đáng kể và đưa nó đến với người dân.
Mang khẩu trang không chống được virus tuyệt đối
Các bộ phim thường cho nhân vật mang khẩu trang để họ không bị ảnh hưởng bởi các mối đe dọa virus. Trong phim Carriers (Đại dịch) năm 2009, mọi người đi lại xung quanh với các khẩu trang và họ vẫn ổn cho đến khi bắt đầu mắc một số sai lầm hiển nhiên như thu gom những người bị nhiễm bệnh và cứ ngỡ rằng một số băng nhựa và ống dẫn có thể ngăn chặn bệnh dịch.
Virus có xu hướng nhỏ bé, và Tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Vanderbilt, cho biết những chiếc mặt nạ thực sự có thể bảo vệ bạn khiến bạn khó thở vô cùng.
Loại khẩu trang thông thường không vô dụng, có thể bảo vệ bạn khỏi những tia nước nhầy ở mũi bắn trong không khí, nhưng đeo nó lên không có nghĩa là bạn có thể đi vào bệnh viện đầy những người bệnh mà vẫn ổn.
Không có loại máu thần kỳ để chữa virus
Thách thức của một bộ phim về sự bùng phát của virus là làm thế nào để giải quyết mọi thứ? Một trong những câu trả lời điển hình là máu.
Trong phim I Am Legend (Tôi Là Huyền Thoại) năm 2007, một loại virus về cơ bản biến con người thành xác sống-ma cà rồng khiến Tiến sĩ Robert Neville trở thành người đàn ông duy nhất còn sống. Neville bằng cách nào đó đã miễn dịch với virus và sử dụng máu của chính mình để phát triển phương pháp chữa trị. Vấn đề duy nhất, theo nhà virus học W. Ian Lipkin, là nó không có ý nghĩa gì. Một miễn dịch di truyền như thế không thể truyền cho người khác, và nếu khả năng miễn dịch của Neville cho phép anh tạo ra các kháng thể có thể làm được điều này, trước tiên anh phải bị nhiễm bệnh để cơ thể anh ta có thể tạo ra các kháng thể đó.
Giả sử điều đó có xảy ra chăng nữa, ý tưởng khoa học của những bộ phim như I Am Legend và phim Outbreak đều sai. Theo Tiến sĩ CJ Peters, nhà virus học trong quyển sách bán chạy The Hot Zone, ngay cả khi bạn có thể sử dụng máu hoặc huyết tương của một đối tượng để chữa trị, bạn cần phải có nhiều hơn một con vật hoặc một người để có thể cung cấp.
Virus thường không gây ra những cái chết kịch tính
Trong các bộ phim Hollywood, không có cảnh chết chóc nhàm chán. Khi bất kỳ nhân vật nào, đặc biệt là nếu họ được miêu tả bởi một diễn viên hạng A, chết trong một phim về chủ đề dịch bệnh của Hollywood, điều đó thường khá thú vị và kịch tính. Rốt cuộc, mục tiêu vẫn là phải tạo được ấn tượng. Chẳng hạn, trong bộ phim Contagion (Bệnh truyền nhiễm) năm 2011, người chồng của nhân vật – do Gwyneth Paltrow thủ diễn – kinh hoàng nhìn cô co giật và quằn quại trong khi các chuyên gia y tế gần như bất lực.
Nhưng theo cựu bác sĩ phòng cấp cứu và blogger y tế Pat Salber lưu ý, hầu hết các trường hợp tử vong do virus như cúm đều xuất phát từ các yếu tố thứ cấp như vi khuẩn xâm nhập vào phổi để gây viêm phổi hoặc đưa vi khuẩn vào máu gây nhiễm trùng huyết hoặc do virus làm trầm trọng thêm các điểm yếu hiện có của nạn nhân như bệnh tiểu đường hoặc hen suyễn. Đó là lý do tại sao đa số các trường hợp tử vong do bất kỳ sự bùng phát virus nào thường xảy ra ở những người cao tuổi và những người đã có bệnh sẵn, chứ không phải là những người trẻ và khỏe mạnh. Nói cách khác, hầu hết mọi người chết lặng lẽ sau khi bất tỉnh một lúc, và điều đó không mang nét kịch tính của điện ảnh.