Cùng với nhiều loại hoa quả có giá trị liên tục được xuất khẩu sang các thị trường khó tính, trái chuối Việt Nam đã cho thấy tiềm năng lớn khi bắt đầu xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Đông… Tín hiệu tích cực này thúc đẩy nhiều doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đầu tư công nghệ kết hợp việc dán nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý… mang về giá trị gia tăng cao hơn cho quả chuối, tuy nhiên, việc thiếu quy hoạch những vùng trồng chuyên canh, chuỗi liên kết sản xuất – phân phối chưa được phát triển bền vững là một rào cản lớn đối với các doanh nghiệp hiện nay.
Công nghệ cao nâng giá trị cho quả chuối
Điểm chung của những doanh nghiệp mang thương hiệu chuối Việt ra thị trường nước ngoài là việc đầu tư bài bản công nghệ và sản xuất, bên cạnh đó là sự am hiểu thị trường, yêu cầu của các đối tác để hoạch định việc sản xuất, thu hoạch, đóng gói, vận chuyển sao cho phù hợp nhất.
Tại xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, ai cũng tự hào khi nhắc đến “vua chuối” Võ Quan Huy (Út Huy), Giám đốc Công ty TNHH An Huy Long An, người đã mang thương hiệu chuối FOHLA “made in Vietnam” sang những thị trường khó tính như Trung Đông, Nhật Bản. Để làm được điều này, “lão nông” đã có cuộc chơi lớn khi đầu tư hơn 50 tỉ đồng xây dựng hai trang trại chuyên canh trồng chuối sạch hơn 140ha tại huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh và Đức Hòa, Long An. Bên cạnh việc xây dựng trang trại bài bản để trồng thử nghiệm từ năm 2014, ông Huy tìm hiểu thị trường. Phát hiện đối thủ hàng đầu của chuối Việt Nam là Philippines, nước xuất khẩu chuối hàng đầu thế giới, ông mạnh dạn mời một chuyên gia hơn 20 năm kinh nghiệm trồng chuối từ nước này về Việt Nam để đảm bảo khâu kỹ thuật và truyền đạt kinh nghiệm cho các công nhân tại trang trại của mình. Nhờ vậy, chuối từ trang trại của ông Huy đủ sức cạnh tranh và xuất khẩu sang những thị trường khó tính.
Ít ai biết rằng, mỗi trái chuối FOHLA xuất khẩu đều được chăm sóc theo quy trình tỉ mỉ chặt chẽ từ khi vừa đơm hoa kết trái đến khi đóng gói chuyển đi. Theo đó, khi bông chuối trổ được khoảng 10 nải, công nhân phải bẻ bông để ngăn không cho trái nữa. Mỗi trái chuối đều được vặn bỏ phần hoa thừa ở chóp để trái đẹp và đều. Để chuối đảm bảo yêu cầu chất lượng của đối tác nhập khẩu, việc thu hoạch cũng rất ngặt nghèo, có khi, vì một vài trái xấu, họ phải bỏ cả nải chuối. Chuối sau khi thu hoạch được xử lý sạch bụi, khử khuẩn, sau đó được lau khô, lót xốp mỏng giữa hai lớp cùng một nải để không bị thâm cho vào túi nylon, hút chân không, xếp vào hộp để đưa vào kho lạnh, trước khi theo container ra cảng để vận chuyển ra nước ngoài. Nhờ đó, quả chuối mang thương hiệu FOHLA từ giữa năm 2015 đến nay đã xuất khẩu hơn 500 tấn sang các nước Trung Đông; 15 tấn chuối đầu tiên cũng đã có mặt tại chuỗi siêu thị Don Kihote, Nhật Bản từ ngày 30-4-2016. Ông Huy đặt mục tiêu đến năm 2017 sẽ xuất khẩu ổn định 10.000 tấn/năm.
Tại Lâm Đồng, với việc xây dựng mô hình trang trại trồng chuối kỹ thuật cao, kết hợp liên kết với nông dân để chuyển giao kỹ thuật, đảm bảo việc sản xuất, thu hoạch, bảo quản, sản phẩm chuối La Ba của Công ty TNHH La Ba Đà Lạt (Lâm Đồng) không chỉ khẳng định thương hiệu tại thị trường trong nước mà còn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Úc, Nhật Bản. Ông Lê Sĩ Công, Giám đốc công ty cho biết, hiện nay các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Dubai có nhu cầu ngày càng cao đối với mặt hàng chuối, thế nhưng doanh nghiệp Việt Nam không đủ khả năng cung ứng. Để đảm bảo các đơn hàng của đối tác, công ty của ông không chỉ trồng mà còn thu gom chuối từ nông dân, tuy nhiên, lượng chuối đạt chất lượng xuất khẩu hiện nay vẫn rất ít.
Tiềm năng bị bỏ ngỏ
Với diện tích chiếm 19% tổng diện tích cây ăn trái của Việt Nam hằng năm, chuối cho sản lượng ước khoảng 1,4 triệu tấn và được xem là một trong những cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương. Chuối cũng là một mặt hàng xuất khẩu quan trọng, mang về lợi ích kinh tế và xã hội không nhỏ. Thế nhưng, việc phát triển tiềm năng từ cây chuối hiện nay vẫn còn bỏ ngỏ và cần nhiều động lực thúc đẩy. Theo nhiều doanh nghiệp, diện tích trồng chuối nước ta thiếu tập trung nên rất khó triển khai sản xuất công nghiệp hay đáp ứng những đơn hàng xuất khẩu với số lượng lớn. Hiện nay, người dân trồng chuối chủ yếu với diện tích nhỏ, manh mún, chưa có quy hoạch vùng, dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc thu mua, vận chuyển, điều này không chỉ làm “đội” giá thành sản phẩm mà còn ảnh hưởng đến chất lượng trái chuối khi đến tay người mua. Nhiều nơi chưa có biện pháp thu hoạch, bảo quản đạt chuẩn nên cũng không đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Vậy nên, dù có tiềm năng lớn, lượng hàng chuối xuất khẩu đạt tiêu chuẩn mỗi năm chỉ khoảng 1.000-3.000 tấn.
Những mô hình sản xuất như An Huy Long An hay La Ba Lâm Đồng đã cho thấy hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất – thu hoạch – bảo quản và mở ra một kỷ nguyên mới cho quả chuối Việt trên trường quốc tế. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đưa nông sản Việt vào các thị trường khó tính với giá trị xuất khẩu cao.
Các chuyên gia ước tính, Nhật Bản sẽ tăng gấp đôi số lượng chuối nhập khẩu từ Việt Nam và mở rộng mạng lưới phân phối. Theo đó, nếu Trung Quốc thu khoảng 20-30 tấn chuối một ngày tại Việt Nam, thì nhu cầu của Nhật Bản cần khoảng 15-20 tấn mỗi ngày nhưng giá trị gia tăng cao hơn. Nhiều thị trường như Trung Đông, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và các nước Đông Âu gia tăng nhu cầu chuối từ Việt Nam trong thời gian tới.
Để nâng cao khả năng cung ứng, nhiều doanh nghiệp hiện đang tiến hành liên kết với nông dân, hỗ trợ về kỹ thuật và cây giống để sản phẩm ra thị trường đạt chất lượng hơn. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi phải là một quá trình dài và có nguồn vốn lớn. Đặc biệt, việc tìm được quỹ đất phù hợp để mở rộng quy mô sản xuất cũng là khó khăn của nhiều doanh nghiệp. Theo ông Trần Danh Thế, chủ cơ sở Sinh học Trần Thế (Long Khánh, Đồng Nai), năm ngoái, công ty này đã bỏ một hàng chuối xuất khẩu đi Dubai với số lượng 2.000 tấn vì sản lượng chuối đạt tiêu chuẩn không đủ. Hiện nay, doanh nghiệp này đang gặp khó khăn vì không thuê được đất canh tác nên việc xuất khẩu chủ yếu phụ thuộc vào việc thu gom chuối từ nông dân. Tương tự, anh Võ Quang Thuận, Công ty TNHH An Huy Long An cho biết, công ty đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất dự kiến thêm 100ha tại Long An, tuy nhiên, việc tìm được quỹ đất có diện tích phù hợp đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.
Đường ra trường quốc tế của chuối Việt đã rộng mở, tuy nhiên rất cần những động lực từ các chính sách, đặc biệt trong việc thuê đất, để đẩy nhanh tiến trình.
- Diệp Khánh