Khi đã nhận được tấm giấy báo trúng tuyển đại học trên tay, không ít học sinh và phụ huynh nghĩ rằng quá trình dài chuẩn bị căng thẳng của mình đã kết thúc. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là lúc để xả hơi. Trái lại, vào giờ phút này, có rất nhiều việc lớn cũng như tiểu tiết cần đến sự suy nghĩ và đồng thuận của cả gia đình. Trong nhiều trường hợp, chính những quyết định, hành động vào thời điểm này lại vô cùng quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của du học sinh.
Những quyết định quan trọng
Thời điểm chọn trường để nộp hồ sơ tuy đã là vòng “sơ khảo” tổng hợp những trường mà bạn muốn theo học, tuy nhiên, đến cuối cùng bạn vẫn phải lựa chọn ra một trường duy nhất để theo học. Điều này không dễ vì rất nhiều nguyên nhân. Với những bạn có kết quả tuyển sinh không được hoàn toàn như ý: không được trường yêu thích nhất chấp thuận, không được khoản học bổng hay hỗ trợ tài chính như nguyện vọng… thường gặp phải nhiều khó khăn khi lựa chọn trường học. Với những bạn không được trường yêu thích nhất chấp thuận, cảm giác đầu tiên chắc chắn sẽ là hụt hẫng, có khi còn thất vọng, chán nản. Điều này cũng dễ hiểu vì bao nhiêu tâm sức, mơước các bạn đã dồn cho ngôi trường kia, cùng biết bao điều “lý tưởng” và kế hoạch mà bạn đã vẽ ra trong đầu. Đến lúc này, nhiều bạn có thể rơi vào trạng thái chán chường, thậm chí còn không muốn cân nhắc những lựa chọn còn lại. Điều nên làm lúc này là dừng việc đặt câu hỏi “Tại sao mình không được nhận? Liệu điều này có nghĩa là mình rất dở?” mà hãy nhìn vào những mặt tích cực hơn, nhìn vào những trường đã chấp thuận mình và dành thời gian để tìm hiểu thông tin nhiều hơn về những trường đó.
Không nhận được khoản hỗ trợ tài chính như ý là một trong những yếu tố cần nhiều thời gian cân nhắc nhất. Đây là thời điểm rất mong manh vì đa phần đều rơi vào tâm lý “bỏ thì thương vương thì tội”. Nếu từ chối nhập học thì coi như bỏ phí bao nhiêu công sức chuẩn bị, chờ đợi, còn nếu vẫn “cố” nhập học thì nhiều khi lại quá tốn kém và đặt quá nhiều gánh nặng lên gia đình. Lúc này, áp lực không chỉ đè nặng lên bạn mà còn lên phụ huynh. Nhiều bạn rơi vào trạng thái “rối loạn”, gây áp lực cho bố mẹ để được nhập học bằng mọi cách mà quên mất rằng chắc chắn bố mẹ cũng chỉ mong muốn điều tốt nhất cho mình, nhưng điều đó cũng không nên đánh đổi bằng nợ nần, bằng sự thiếu thốn về tài chính của gia đình khi mình đi du học. Và rất có thể trong tương lai, bạn sẽ phải hối hận vì những quyết định bốc đồng của mình. Lời khuyên thành thật là chỉ nên “cố gắng” một ít nếu cần thiết. Và thời điểm này phải hoàn toàn giữ đầu óc tỉnh táo trước mọi tác động bên ngoài và dẹp bỏ “sĩ diện” đi. Hãy cố gắng lắng nghe và quan sát bố mẹ, cùng nhau ngồi nói chuyện và đưa ra quyết định chung cho cả gia đình. Tương lai của bạn không chỉ có duy nhất ở nước ngoài, mà còn là tương lai với gia đình và những người thân của mình.
Trường hợp “lý tưởng” là bạn được những trường mình yêu thích nhất chấp thuận với gói hỗ trợ tài chính mà bạn muốn. Lúc này bạn chỉ cần phải lọc lại trong số những trường “top” để chọn ra trường mà mình muốn theo học nhất. Thường thì các trường sẽ để cho các bạn một khoảng thời gian khá dư dả để lựa chọn. Chính vì vậy, đừng vội vàng mà hãy cân nhắc tất cả một cách thư giãn nhất có thể. Hãy thực hiện lại một lần nữa quy trình mà bạn đã làm khi chọn ra các trường vòng đầu để nộp đơn: cân nhắc thứ hạng, môi trường học, địa điểm, khí hậu, các hoạt động ngoại khóa cũng như tôn chỉ giáo dục của nhà trường.
Trường hợp cuối cùng, cho dù bạn có chọn ở lại Việt Nam đi chăng nữa, thì cũng… không sao! Vì những lợi ích từ việc du học trên thực tế cũng chỉ có tính tương đối. Không ai có thể đảm bảo sau khi du học, bạn sẽ có một tương lai rực rỡ, cũng không ai nói nếu chỉở Việt Nam bạn sẽ không thể học được kiến thức hay kỹ năng gì đáng giá. Nếu bạn quyết định những trải nghiệm khi đi du học không quan trọng bằng một số yếu tố khác trong cuộc sống mà mình cần phải ưu tiên, thì hãy quyết định và đừng ngần ngại.
Các thủ tục cuối cùng
Khi chọn trường xong, các thủ tục cuối cùng tuy được xem là tiểu tiết nhưng cũng không kém phần quan trọng. Khi đã chọn trường, hãy bảo đảm mình nộp các hồ sơ nhà trường yêu cầu cũng như các khoản chi phí đúng hạn để bảo đảm được chỗ học của mình. Khi đã giữ được chỗ học, bạn mới có thể xúc tiến bước tiếp theo cũng không kém phần quan trọng là xin visa.
Xin visa là một trong những bước “đáng sợ” nhất với du học sinh. Đã có rất nhiều trường hợp việc đi du học không thành hoặc bị gián đoạn chỉ vì không xin được visa. Để nộp đơn xin visa, điều đầu tiên cần có là giấy mời nhập học của nhà trường. Để “chắc chắn”, bạn hãy nhờ nhà trường bổ sung thêm phần nếu sinh viên phải nhập học trễ trong trường hợp trễ visa, nhà trường cũng vẫn sẽ chấp thuận để tránh trước các rủi ro trong quá trình xin visa. Khi nộp visa, hãy bảo đảm mình làm theo đúng tất cả các trình tự quan trọng và các hướng dẫn. Bạn sẽ không muốn trường hợp gửi đơn xin visa, sau đó cứ yên tâm chờ được thông báo mà không biết rằng mình đã nộp đơn sai cách, đến lúc phát hiện ra thì đã muộn. Bên cạnh đó, trong quá trình chờ xử lý visa, hãy luôn chắc chắn mình kiểm tra email đầy đủ để tránh trường hợp thiếu cập nhật, bỏ lỡ thông tin. Thông thường, để quá trình xin visa diễn ra thuận lợi, bạn nên chuẩn bị bộ hồ sơ xin visa trước khi có kết quả nhập học của nhà trường, càng làm sớm được bước nào càng tiết kiệm được thời gian và tránh việc rơi vào mùa cao điểm khi các du học sinh khác cũng ồạt nộp visa. Việc xin visa sớm không chỉ giúp bạn bớt căng thẳng, mà còn giảm bớt các nguy cơ nhập học trễ, phải mua vé máy bay giá cao hay dời vé máy bay nhiều lần vì không có được visa.
Ngoài ra, việc hoàn thành các giấy tờ cuối cùng đúng hạn cũng giúp bạn có nhiều thời gian và tâm sức hơn để chuẩn bị hành lý và các vấn đề khác liên quan đến cuộc sống nơi xứ người như thuê nhà, chuẩn bị cho các điều kiện sống mới. Có rất nhiều vật dụng nên mang từ Việt Nam đi để tiết kiệm chi phí, các vật dụng cần thiết tùy vào nhu cầu của mỗi người. Bạn cần có thời gian để lên danh sách, mua sắm cũng như đóng gói trước khi lên đường. Và nhà ở là một trong những yếu tố quan trọng cần phải hoàn thành xong trước khi lên đường. Hãy nhớ, bắt đầu một cuộc sống mới không phải là việc dễ, nên chúng ta hãy cố gắng chuẩn bị càng nhiều càng tốt.
Nhật Hà (DNSGCT)