Một dự án mang tên “Chùa Việt Nam” của nhiếp ảnh gia người Pháp Nicolas Cornet đã hoàn thành sau ba năm thực hiện. Với ông, hành trình đi qua hơn 100 đình chùa trên cả nước và chụp hơn 20.000 tấm ảnh là một trải nghiệm khó quên và không kém phần tự hào. Cùng với việc ra mắt cuốn sách “Chùa Việt Nam” vào đầu tháng 6 vừa qua, Nicolas còn tổ chức một cuộc triển lãm mang tên “Chùa Việt Nam – Nơi gửi gắm lòng tin” để mọi người có dịp chiêm ngưỡng nét đẹp của di sản quốc gia qua 50 bức ảnh được ông chọn lựa kỹ càng. Trong mười ngày triển lãm diễn ra, ông hầu như không nói nhiều về các bức ảnh mà chỉ lặng lẽ quan sát cảm xúc của người xem. Ông nói:
Tôi trông thấy vài vị khách đứng trầm ngâm khá lâu trước một bức ảnh. Có lẽ, trước mắt họ lúc đó không phải là đường nét hay màu sắc của bức ảnh, mà là hình ảnh quay chậm về quá khứ êm đềm, về những ngày ấu thơ theo bà, theo mẹ đi lễ chùa…
Ảnh tôi chụp thường không có quá nhiều chi tiết, màu sắc nhưng đầy cảm xúc. Với tôi, một bức ảnh đạt yêu cầu không chỉ đúng về kỹ thuật mà còn phải chứa đựng cảm xúc tích cực của người chụp ảnh, vì cảm xúc này sẽ truyền đến cho người xem. Ảnh của tôi cũng thường dành ra một khoảng trống nào đó để người xem tự “điền” vào bằng suy nghĩ, sự hồi tưởng hoặc trí tưởng tượng phong phú. Đó là thời khắc mà người xem nhìn thấy chính họ, như một cách thiền.
____
Vậy ra ảnh của ông cũng “kén” người xem, phải là người có trí tưởng tượng phong phú?
Không đâu. Ai cũng xem được ảnh của tôi nhưng mỗi người có một cảm nhận riêng. Hôm qua, tôi đón một khán giả khoảng sáu, bảy tuổi đến xem triển lãm. Chờ cậu bé xem xong, tôi hỏi: “Con có thích bức ảnh nào không?”. Cậu bé gật đầu và chỉ tay về hai bức ảnh, một bức về cơn mưa trong chùa và một bức về cổng chùa cũ kỹ. Cả hai bức ảnh này đều rất đơn giản về bố cục, hình ảnh, màu sắc, có thể sẽ làm thất vọng những người xem lớn tuổi, vì họ thường kỳ vọng sẽ được xem những ngôi chùa nguy nga, lộng lẫy. Nhưng với một tâm hồn trẻ thơ rộng mở, tấm ảnh đơn giản lại là cả một thế giới thú vị để gợi nhớ, liên tưởng. Cậu bé thích bức ảnh về cơn mưa trong chùa có lẽ vì cậu liên tưởng đến cảm giác khi ngồi trong một ngôi nhà yêu thương đủ đầy, nhìn ra màn mưa mà lòng vẫn thấy ấm áp. Còn bức ảnh về chiếc cổng cũ kỹ với hàng cổ thụ lớn có lẽ mang đến cảm giác tươi vui, nhẹ nhàng, nên cậu bé thấy thích.
Tôi từng học về ngành Nhiếp ảnh Thương mại, nhiều năm cộng tác với các tạp chí lớn và các công ty quảng cáo, nên hiểu rất rõ về kỳ vọng của số đông người xem về triển lãm lần này. Nhưng tôi vẫn chọn những tấm ảnh tôi thích cho triển lãm, chứ không chọn theo thị hiếu của người xem. Có những tấm ảnh trông đơn giản hết mức, chẳng hạn như ảnh về những cánh sen hồng vươn lên trên mặt ao. Tôi chọn ảnh này để người xem có một khoảnh khắc tĩnh lặng, tạm quên công việc áp lực và cuộc sống quá nhanh, để nhìn lại chính mình. Một tấm ảnh khác cũng rất hay, là ảnh hai người phụ nữ quét dọn chùa đang nằm gối đầu trên chiếc mâm bằng nhựa và ngủ rất ngon. Hình ảnh này cho thấy một giấc ngủ ngon không đòi hỏi phải chăn ấm nệm êm mà quan trọng làm tâm bình an, hơn nữa, chúng ta liệu có cần quá nhiều tài sản quý giá để có một cuộc sống thảnh thơi?
“Với một quốc gia, đình chùa là những di sản vô giá về lịch sử, văn hóa. Còn với người dân thành thị, đình chùa trở thành chốn nghỉ chân bình yên, tách biệt với cuộc sống mệt mỏi, xô bồ bên ngoài.”
____
Quả là những hình ảnh chứa đựng nội dung sâu sắc. Chắc ông cũng khá vất vả với dự án dài hơi về chùa Việt Nam này?
Tôi xem dự án như một chuyến lãng du thú vị nên không thấy vất vả gì. Tôi tác nghiệp ở những đình chùa bình yên và tuyệt đẹp, nên càng thấy hào hứng hơn. Tôi đã đi bằng nhiều phương tiện khác nhau, như máy bay, tàu lửa, xe buýt, xe đò và những chiếc xe tự chế ở miền quê. Tôi cũng không quên cảm giác đặc biệt khi ngồi trên những chiếc xuồng máy qua sông, được ăn uống cùng gia đình người lái xuồng. Đây là những kỷ niệm khó quên mà hiếm có một nhà báo nước ngoài nào có được.
Trước đây, tôi đã từng đi qua nhiều nẻo đường châu Á, từ Ấn Độ sang Philippines, từ Hàn Quốc đến Indonesia. Tôi thường dừng chân ở các đình chùa, trải nghiệm và quan sát một phần đời sống tâm linh của con người gởi gắm nơi đây. Nhưng chùa Việt Nam cho tôi những trải nghiệm rất khác biệt, nó trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống người dân.
Tại Việt Nam, việc truyền bá đạo Phật và phát triển chùa chiền gắn liền với lịch sử đất nước. Đạo Phật xuất hiện ở Việt Nam khi các lái buôn đặt chân đến đây trên hành trình đường biển giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Rồi các nhà sư và các nhà truyền đạo xuống từ phương Bắc. Đạo Phật đã đồng hành cùng số phận đất nước này qua nhiều cuộc chiến tranh, chinh phạt, liên minh và cả trong việc mở rộng bờ cõi xuống Đồng bằng sông Cửu Long, địa giới phía nam ngày nay…
____
Những ngôi chùa nào gây ấn tượng với ông nhất?
Mỗi ngôi chùa tôi đều tìm thấy những nét đặc biệt ấn tượng riêng. Chẳng hạn như ở miền Bắc, tôi rất ấn tượng với chùa Bút Tháp (Bắc Ninh). Ngôi chùa cổ này đã trải qua mấy trăm năm, nhưng vẫn còn giữ được vẻ đẹp kiến trúc trong sự thăng trầm của bao đời. Tôi cũng rất thích chùa Thầy (Hà Tây), chùa Tây Phương (Hà Nội), chùa Keo (Thái Bình) và chùa Yên Tử (Quảng Ninh). Vào miền Trung thì có chùa Báo Quốc, một trong những ngôi chùa cổ danh tiếng của kinh đô Huế xưa. Không chỉ là nơi thờ tự, ngôi chùa này còn là một trung tâm tu học quan trọng của xứ Huế.
Tôi đã dành nhiều thời gian ở lại chùa Thiên Mụ, nơi tôi rất yêu mến. Chùa Thiên Mụ nổi tiếng với kiến trúc đẹp, tọa lạc bên dòng sông Hương thơ mộng và ra đời gắn liền với bước chân mở đường của vị chúa Nguyễn đầu tiên ở xứ Đàng Trong. Tôi cũng chụp nhiều ảnh về không gian tâm linh tại TP. Hồ Chí Minh – nơi có sự giao thoa giữa kiến trúc đình chùa Việt với công trình tôn giáo người Hoa. Tôi cũng không quên ghi lại vẻ đẹp của những ngôi chùa mang đậm văn hóa Khmer tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, ở Việt Nam có rất nhiều đình, đền. Đình là ngôi nhà chung của làng, nơi thờ cúng thành hoàng, vị thần hộ mệnh cho làng. Còn đền là nơi thờ đạo giáo, chủ yếu là thờ Lão tử và miếu thì thờ Khổng tử.
Với một quốc gia, đình chùa là những di sản vô giá về lịch sử, văn hóa. Còn với người dân thành thị, đình chùa trở thành chốn nghỉ chân bình yên, tách biệt với cuộc sống mệt mỏi, xô bồ bên ngoài. Nên mỗi lần vào chùa, tôi cũng thấy lòng an yên và hạnh phúc.
____
Nhà chùa vốn là nơi tôn nghiêm, ông có gặp khó khăn gì khi chụp ảnh ở đây không?
Tôi đến thăm chùa như một người yêu mến đạo Phật và muốn tận hưởng không gian bình yên trong chùa. Nếu có ý muốn chụp ảnh, tôi sẽ nói rõ ước muốn lưu lại những bức ảnh đẹp của ngôi chùa như một tài sản quốc gia chứ không có mục đích gì khác. Tôi cũng cố gắng không khuấy động không gian thiêng liêng của chùa khi tác nghiệp. Vì vậy, tôi hầu như không gặp khó khăn gì trong quá trình thực hiện dự án, thậm chí còn được chào đón ở rất nhiều chùa lớn. Tôi được mời uống trà, ăn cơm chay, ngủ trên chiếu mỏng và được trò chuyện với các sư trụ trì cũng như các phật tử. Tôi đã ăn chay và thiền từ nhiều năm nay nên dễ thích nghi với cuộc sống ở chùa. Có lẽ một vài sư thầy cũng thắc mắc về một “ông Tây” rất “siêng” đi chùa, nhưng đa số mọi người đều dễ chịu và cởi mở khi tôi muốn tìm hiểu về lịch sử kiến trúc chùa hay nghi lễ thờ cúng…
____
Trong quá trình làm dự án, chắc ông đã chụp ảnh cho nhiều sư trụ trì nổi tiếng, đây là cơ hội không phải ai cũng có được…
Với tôi, bức ảnh của vị sư trụ trì tiếng tăm đôi khi không quý bằng ảnh về nét kiến trúc độc đáo của chùa hay nụ cười trong veo của một chú tiểu. Các vị cao tăng thường cho tôi nhiều kiến thức về đạo Phật nhưng những bài học thú vị về cuộc sống thì ai cũng có thể dạy tôi, cả những phật tử bô lão hay những chú tiểu nhỏ tuổi.
Dù chụp ảnh cho ai thì tôi cũng luôn kiên nhẫn chờ đợi để có bố cục đẹp. Có những ngày dài ở trong chùa tôi chỉ chụp được vài ba tấm. Tôi không thích sự sắp đặt, nên thường mất nhiều thời gian để thực hiện một bức ảnh ưng ý.
“Bức ảnh của vị sư trụ trì tiếng tăm đôi khi không quý bằng ảnh về nét kiến trúc độc đáo của chùa hay nụ cười trong veo của một chú tiểu.”
____
Ông đã theo đuổi nghệ thuật nhiếp ảnh hơn 30 năm qua, thực hiện không ít tác phẩm cho các tạp chí Việt Nam và nước ngoài. Phải chăng nhiếp ảnh là một niềm đam mê lớn của đời ông?
Tôi đến với nhiếp ảnh không phải vì đam mê. Tôi thích đi du lịch, tìm hiểu về lịch sử, kinh tế, văn hóa của những vùng đất nơi mình đặt chân đến. Tôi cũng thích tìm hiểu về ngôn ngữ, trò chuyện với người dân ở nhiều quốc gia. Vì vậy, tôi học tiếng Đức, Anh, Tây Ban Nha, Ý và Việt Nam. Còn nhiếp ảnh thì tôi học khá nhiều thầy, nhiều lớp vì nó là “bảo bối” lưu lại hình ảnh những chuyến đi cũng như là phương tiện để kiếm sống. Có vài người hỏi tôi rằng làm nghề chụp ảnh có đủ sống không? Tôi trả lời rằng nhiếp ảnh gia thường là những người ốm đói. Họ giống như kẻ bụi đời và thường xuyên phải làm việc ngoài trời từ sáng sớm đến tối mịt. Nhưng nghề nhiếp ảnh lại rất độc đáo và thú vị, làm như chơi, khi tác nghiệp cũng là lúc tận hưởng những vẻ đẹp trong cuộc sống. Càng làm nghề tôi lại càng thêm yêu cuộc đời hơn.
____
Hẳn là có lý do đặc biệt nào đó khi ông chọn thực hiện một dự án công phu về đình chùa Việt Nam?
Năm 2014, khi đến thăm chùa Phật Tích – một ngôi chùa khá nổi tiếng ở Bắc Ninh, tôi đã bị sốc khi chứng kiến cảnh công trình cổ này bị tàn phá với danh nghĩa là “trùng tu”. Tôi đã vô cùng tiếc nuối khi thấy những nét kiến trúc cổ xưa đang bị thay thế bằng kiến trúc hiện đại. Dù không phải là người Việt, nhưng tôi cũng xem đây như quê hương thứ 2 của mình, vì vợ tôi sinh ra trên đất hình chữ S, các con của tôi cũng đang mang trong mình một nửa dòng máu Việt Nam. Từ năm 1987 tới nay, tôi đã rong ruổi trên khắp dải đất hình chữ S cùng với chiếc máy ảnh trên tay. Tôi không nhớ mình đã thực hiện bao nhiêu bộ ảnh, dự án lớn nhỏ ở Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Nội, nên bạn đồng nghiệp người Việt thường nói tôi là “nhắm mắt cũng không thể đi lạc ở Hà Nội”.
Vì tình yêu với quê hương Việt Nam, tôi quyết định ghi lại hình ảnh tuyệt đẹp của những ngôi chùa còn nguyên nét kiến trúc cổ trong một cuốn sách ảnh được chăm chút cẩn thận, trước khi chúng biến mất vì “trùng tu”. Cuốn sách về các ngôi chùa Việt Nam sẽ giới thiệu một hành trình từ Bắc vào Nam Việt Nam qua các đền, chùa và nơi thờ cúng của người dân bản xứ. Các hình ảnh sẽ trình bày một bức tranh phong phú về kiến trúc đền chùa cổ và chú trọng vào các chi tiết mỹ thuật của một di sản giàu có mà nhiều khi chưa được biết đến của đất nước này. Tôi hy vọng tiếng nói của mình sẽ góp lời nhắc nhở các ban ngành liên quan hãy quan tâm đến việc gìn giữ những giá trị di sản tốt đẹp của cha ông để lại.
“Giá trị thật sự của ngôi chùa cổ là giá trị lịch sử, văn hóa gắn liền với kiến trúc, nghệ thuật và cả những dấu vết thời gian còn giữ lại qua hàng trăm năm.”
____
Việc bảo tồn đền chùa cổ nói riêng và bảo tồn di sản nói chung ở Việt Nam là một câu chuyện dài…
Một câu chuyện dài và phức tạp. Ở Pháp và châu Âu, việc bảo vệ những công trình từ 200-300 năm luôn được quan tâm. Người ta lập danh sách các công trình di sản cần được bảo vệ một cách nhanh chóng, rồi tạo áp lực lên chính quyền để những công trình quan trọng này không bị phá hủy. Việc bảo tồn di sản tốn nhiều công và chi phí lớn, nhưng không vì vậy mà chúng ta có thể xem nhẹ. Khá nhiều ngôi chùa nổi tiếng nhưng không được lưu lại trong cuốn sách của tôi vì nó đã bị mất đi giá trị cổ.
Chẳng hạn như chùa Đậu (Hà Nội), khi tôi chụp bức hình cho triển lãm thì vẫn còn giữ những chất liệu cổ, nhưng sau một thời gian tôi quay lại thì chùa đã bị phá hủy rất nhiều để thay thế vật liệu mới. Trường hợp chùa Bái Đính (Ninh Bình) cũng vậy. Ngôi chùa này có nhiều chi tiết kiến trúc và cổ vật mang dấu ấn đậm nét của thời Lý. Nay chùa được biết đến với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam được xác lập như chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang dài nhất châu Á, chùa có tượng Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á…, nhưng hầu như không còn dấu tích của kiến trúc cổ nữa.
- Xem thêm: Tôi cố gắng làm một ngọn nến nhỏ
Theo tôi, giá trị văn hóa của một ngôi chùa không phụ thuộc vào bao nhiêu vàng được dát lên cửa hay bao nhiêu viên kim cương gắn lên mái. Giá trị thật sự của ngôi chùa cổ là giá trị lịch sử, văn hóa gắn liền với kiến trúc, nghệ thuật và cả những dấu vết thời gian còn giữ lại qua hàng trăm năm. Đền chùa truyền thống Việt Nam phần lớn đều được làm bằng gỗ, vật liệu tự nhiên này mang lại vẻ ấm áp và thoáng mát, tuy nhiên cũng dễ bị tổn thương do thời tiết ẩm ướt và côn trùng phá hại. Các nhà nghiên cứu Việt và Pháp, nhất là từ Trường Viễn Đông của Pháp, từ hơn thế kỷ nay đã tìm ra biện pháp tu bổ theo phương pháp cổ truyền để bảo toàn được linh hồn của những nơi chốn thiêng liêng này. Những kỹ thuật đắt tiền và dày công này là cái giá để gìn giữ lâu dài vẻ đẹp nội tại và giá trị văn hóa của chúng.
Một vài năm gần đây, chúng ta đã nhận thức được đền chùa Việt Nam là một phần di sản văn hóa quốc gia. Nhưng động thái bảo tồn các công trình này vẫn chưa rõ ràng, mạnh mẽ. Có thể thấy, đình chùa giữ những vị trí quan trọng trong các tour du lịch cho khách trong nước cũng như khách nước ngoài. Nếu không giữ gìn, trùng tu đúng cách, để các di sản này mai một theo thời gian, Việt Nam còn gì để thu hút khách du lịch?
Tôi mong rằng người Việt và tất cả những ai yêu mến đất nước Việt sẽ có ý thức tốt hơn về vấn đề di sản. Vì con em chúng ta đang rất cần được nghe những chia sẻ về những giai đoạn lịch sử hào hùng trong quá khứ, được ghi dấu trên các công trình di sản. Để từ đó, thế hệ trẻ có quyền tự hào về sự giàu có của một nền văn hóa, một đất nước và dân tộc Việt Nam anh hùng.
____
Cảm ơn ông về buổi trò chuyện.