Chùa Hương là danh thắng nổi tiếng của nước ta. Xưa, chúa Trịnh Sâm đã đề tặng năm chữ “Nam thiên đệ nhất động”; nay, lại được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long trên cạn”.
Tọa lạc trên dãy núi Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), chùa Hương nằm trong không gian vừa hoang sơ, hùng vĩ, vừa thơ mộng, trữ tình, có mây nước, núi ngàn cùng hòa quyện, có cỏ cây xanh mướt yên bình và những hang động long lanh đá ngũ sắc… Từ năm 1962, chùa Hương (còn gọi là quần thể danh thắng Hương Sơn) đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích Quốc gia.
Một danh thắng như thế sao không là nguồn cảm hứng cho các thi nhân? Huống chi nó còn là nơi đất Phật, không chỉ để thưởng ngoạn mà còn để thanh lọc tâm hồn, thanh thản tâm linh; là nơi du khách tìm đến vãng cảnh nhưng cũng để hành hương. Thắng cảnh Hương Sơn, vì thế thơ mộng mà linh thiêng, quyến rũ mà thanh tịnh, mỹ lệ nhưng bàng bạc vị thiền… Những đặc điểm này chẳng phải để gợi cảm hứng cho các thi nhân đó sao?
Từ thế kỷ XIX, bà Huyện Thanh Quan đã có bài thất ngôn bát cú khá toàn bích về chùa Hương. Bài thơ như một bức tranh thu nhỏ mà đầy đủ về thắng cảnh Hương Sơn, và qua đó hiện lên cái hồn riêng của cảnh, cái vị thiền của đất Phật:
Cảnh Hương Sơn
Đệ nhất Nam thiên ấy cảnh này
Thuyền nan đón khách mái chèo lay
Hai bên quả núi lồng gương suối
Bốn mặt hoa ngàn rủ bóng cây
Cửa Phật lơ thơ tầng đá giãi
Chùa Tiên bát ngát khói hương bay
“Nam vô”, tiếng dậy thưa trần tục
Non nước Bồng Lai mới thấy đây!
Cao Bá Quát có đến Mười khúc vịnh Hương Sơn, mỗi khúc vịnh một cảnh, và mười khúc quy tụ lại thành một ấn tượng khá cụ thể, sinh động về chùa Hương. Có khúc thiên về tả cảnh:
Một khúc đồng bằng suối rẽ đôi
Tiều phu về sớm tự chân đồi
Trở về trỏ nẻo người chơi núi
Hái lá thuyền con đủng đỉnh trôi
(Khúc I)
Có khúc lại thiên về triết lý nơi cửa Phật:
Chín khúc lên cao gặp suối trong
Chùa Tào Khê vắng, khói bao phong
Thôi đừng hỏi chuyện chìm hay nổi
Hãy thử cùng sư rửa tấc lòng.
(Khúc II)
(Tú tài Đào Văn Bình dịch)
Nhưng phải đến Chu Mạnh Trinh với Hương Sơn phong cảnh ca mới có được bức tranh hoàn chỉnh nhất và cũng là bức tranh đúng nhất về chùa Hương: vừa là thắng cảnh của “Nam thiên đệ nhất động”, lại là đất Phật, nơi cảnh sắc đều thuộc về bụt, đếu ngấm vị thiền:
Bầu trời, cảnh Bụt
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay!
Kìa non non, nước nước, mây mây
“Đệ nhất động” hỏi là đây có phải?
Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái
Lửng lơ khe Yến cá nghe kinh
Thoảng bên tai một tiếng chày kình
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng!
Cảnh Hương Sơn được thi nhân thâu tóm trong bốn chữ thật tài tình: “Bầu trời, cảnh bụt”. Từ cảm hứng đó, Chu Mạnh Trinh vừa làm sống dậy từng nét thanh tú của danh lam, vừa đem lại vị thiền cho thắng cảnh. Và đó chính là cái hồn, vẻ đẹp độc đáo của cảnh sắc chùa Hương, bởi nếu thiếu đi cái vị thiền thì không còn là chùa Hương nữa. Trong bài Hương Sơn hành trình, chính ông đã nói rõ điều đó?
Lạ thay vừa bén mùi Thiền
Mà trăm não với nghìn phiền sạch không.
Còn ở Hương Sơn phong cảnh ca, hai câu kết đưa ta về với đất Phật:
Lần tràng hạt, niệm: “Nam vô Phật…”
Cửa từ bi công đức biết là bao.
Ấy là cái khoảnh khắc thi nhân quên mình là thi sĩ để mà sống trong không khí thiền của Phật tử, cũng là lúc kẻ vãng cảnh chùa Hương thành người hành hương về đất Phật để thanh lọc tâm hồn.
- Xem thêm: Có một Chùa Hương khác
Các thi sĩ lãng mạn thường được chùa Hương gợi cảm hứng một cách gián tiếp để có những tứ thơ nhẹ nhàng, êm đẹp về tình yêu. Đó là câu chuyện “Rau sắng chùa Hương” của Tản Đà, mối tình thơ mộng của một cô bé đi chùa Hương (Nguyễn Nhược Pháp), và mối tình lãng mạn của Nguyễn Bính với cô hái mơ. Cả ba mối tình này đều dính líu ít nhiều đến chùa Hương.
Vào dịp hội chùa Hương năm 1923, Đỗ Tang Nữ đọc được bài thơ Rau sắng chùa Hương của Tản Đà in ở Truyện thế gian I, như sau:
Muốn ăn rau sắng chùa Hương
Tiền đò ngại tốn con đường ngại xa.
Mình đi ta ở lại nhà
Cái dưa thời khú, cái cà thời thâm.
- Xem thêm: Bông ô môi
Đỗ Tang Nữ liền gửi rau sắng kèm theo bốn câu thơ cho Tản Đà. Nhận được rau và thơ, Tản Đà viết trên Truyện thế gian II: “… Lạ thay! Không biết ai, nhưng hẳn là “một người tình nhân không quen biết” đây! Nay đã không biết giả nhời về đâu mà cảm ơn, vậy nhân Truyện thế gian, kính in bức ngọc thư của ai và xin nối mấy lời cảm tạ:
Nguyễn Tiên Sinh nhã giám,
Kính dâng rau sắng chùa Hương,
Đỡ ai tiền tốn con đường đỡ xa.
Không đi thời gửi lại nhà,
Thay cho dưa khú cùng là cà thâm.
Đỗ Tang Nữ bái tặng
Mấy nhời cảm tạ tri âm,
Đồng bang là nghĩa, đồng tâm là tình,
Đường xa rau hãy còn xanh,
Tấm lòng thơm thảo bát canh ngọt ngào.
Yêu nhau xa cách càng yêu,
Dẫu rằng suông nhạt mà nhiều chưa chan.
Nước non khuất nẻo như nhàn,
Tạ lòng xin mượn thế gian đưa tình.
Nguyễn Khắc Hiếu bái phục
Sau này, Tản Đà mới biết Đỗ Tang Nữ tên thật là Nguyễn Thị Khê, hiệu Song Khê, em ruột nữ sĩ Tương Phố, y tá nhà thương Hà Nam, sau đổi về làm y tá nhà thương Bắc Giang.
Xuyên suốt bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp là mối tình đầu đời của cô bé mười lăm tuổi trong một chuyến đi thăm chùa lễ Phật. Mối tình thật thơ mộng vì nó đến với cô bất ngờ và êm dịu biết bao. Người cô yêu là một văn nhân thanh lịch, ngỡ như mọi việc sẽ tốt đẹp, nào ai biết “Giờ vui đời có vậy/ Thoảng ngày vui qua rồi!”. Bài thơ khép lại bằng một chút hy vọng mong manh của cô bé trước Phật đài Hương Tích:
Ngun ngút khói hương vàng
Say trong giấc mơ màng
Em cầu xin Giời Phật
Sao cho em lấy chàng!
Đây là mối tình nảy sinh trên đất Phật nên dường như nó không còn lấm bụi trần ai mà thấm một vị thiền nhẹ nhàng, thanh khiết. Nó có nét thanh cao như cảnh “Sông nước chảy/ Đưa cánh buồm lô nhỏ”, lại có gì linh thiêng trong “Động thẳm bóng xanh ngời/ Gấm thêu trần thanh nhũ/ Ngọc nhuốm hương trầm rơi”, để rồi cuối cùng “Say trong khói hương mơ màng” của mùi thiền đất Phật. Đó là vẻ đẹp riêng của mối tình này, và ta hiểu vì sao mối tình nơi của Phật ấy lại dễ dàng đến với trái tim thi sĩ lãng mạn như Nguyễn Nhược Pháp để ông sáng tác ra bài thơ nổi tiếng Chùa Hương.
Mối tình trong bài thơ Cô hái mơ của Nguyễn Bính có khác. Nó không lãng mạn theo kiểu thấm vị thiền như mối tình cô bé trong Chùa Hương, mà lãng mạn theo kiểu trần tục của đời thường. Không có “cảnh bụt”, không có “mùi thiền”. Cái dính líu của bài thơ này với danh thắng chùa Hương chỉ ở hai chi tiết: động Hương Sơn (“Cách động Hương Sơn nửa dặm đường”) và rừng mơ (chùa Hương có rừng mơ, còn gọi là thung mơ). Bài thơ ghi lại một mối tình thoáng qua giữa tác giả và cô hái mơ trong một khung cảnh thật lãng mạn: Chiều đang xuống dần, bầu trời lặng lẽ và trong trẻo, một cô hái mơ thấp thoáng trong rừng mơ… Và khách thơ đang thơ thẩn trên đường chiều đó… Một cuộc đối thoại dường như chỉ đơn phương trong một mối tình vừa chớm nở? Nhưng cô gái không trả lời mặc cho thi nhân vẫn muốn níu kéo cô về nhà mình một ngôi nhà cũng rất lãng mạn:
Nhà ta ở dưới gốc cây dương
Cách động Hương Sơn nửa dặm đường
Có suối nước trong tuôn róc rách
Có hoa bên suối ngát đưa hương…
Bài thơ khép lại bằng mối tình vừa mới chớm nở đã tan vỡ ngay của chính người khách thơ đó:
Cô hái mơ ơi!
Chẳng trả lời nhau lấy một lời
Cứ lặng rồi đi rồi khuất bóng
Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi…
Cô hái mơ được in trong tập “Lỡ bước sang ngang” năm 1940 tại Hà Nội. Nó không buồn và đau xót như Lỡ bước sang ngang mà chỉ là nỗi buồn “hiu hắt cúa lá mơ rơi” dịu nhẹ và lãng mạn…
- Xem thêm: Bếp lửa chiều đông
Cả hai bài thơ Cô hái mơ và Chùa Hương đều được phổ nhạc nên sức lan tỏa của nó trong công chúng càng lớn. Còn câu chuyện “rau sắng chùa Hương” thì được truyền tụng rộng rãi trong nhân dân cả nước ta. Vậy là qua thơ, chùa Hương đã đến với mọi nhà…
Chùa Hương cũng là nguồn cảm hứng dồi dào cho các nhà thơ sau Cách mạng tháng Tám. Danh thắng nơi cửa Phật ấy đã giúp họ nảy ra những tứ thơ hay để viết nên những câu thơ đẹp giữ lại cho đời, cho con cháu mai sau. Thông thường, người ta đến vãng cảnh chùa Hương vào mùa xuân (lễ hội chùa Hương bắt đầu từ ngày Nguyên Tiêu, tức rằm tháng Giêng cho đến rằm tháng Hai). Nhưng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh lại đến thăm chùa vào mùa đông, tháng 12-1962. Ông đã viết bài Trước xuân, thăm chùa Hương với một tứ thơ khá độc đáo:
Đò đi ngược suối. Cuối đông
Lòng anh những muốn tìm xuân trước ngày…
Và ông đã tìm thấy mùa xuân ngay trong những ngày cuối đông khi ông đặt chân lên thắng cảnh chùa Hương. Vì sao có chuyện lạ này? Vì Hương Sơn đẹp quá… tình quá… lại hiếu khách nữa, đã khiến mùa đông – chùa Hương thành mùa xuân – trong lòng tác giả. Từ trái tim thi nhân trào ra những dòng cảm xúc như không thể nào cưỡng nổi:
Sáng trời. Hương Tích gió hanh
Nắng thơm bên suối, thanh xanh vào mùa
Xuân chưa về, núi chưa mưa
Nhưng bên ta khắp rừng mơ nở rồi
Khăn tơ xuân trải thung dài
Anh nghe xuân đến: bên đồi, bước em…
Đại già còn trắng sương đêm
Chờ ai hò hẹn bên thềm mùa xuân.
Tám câu thơ đã vẽ nên một bức tranh tuyệt vời về Hương Tích. Và không ai nghĩ rằng đây là cảnh sắc của mùa đông chùa Hương vì sắc xuân đã tràn đầy (tám câu thơ mà có đến bốn từ xuân).
- Xem thêm: Bạn nghệ sĩ
Viết về chùa Hương theo cách tả trực tiếp như Nguyễn Xuân Sanh không nhiều, mà thường các thi nhân hay viết theo lối hoài niệm. Đối với các thắng cảnh – tâm linh như chùa Hương, viết theo lối này là đắc đại nhất, bởi nó cho phép nhà thơ có thể xoáy sâu vào một hồi ức kỷ niệm hay một ấn tượng đặc sắc của chùa để bày trò suy nghĩ của mình trước cuộc sống hiện tại. Đó là các bài Nhớ hoa mơ Hương Tích của Vũ Quần Phương, Về bến Chân Như của Nam Sơn, Thỏ thẻ với chùa Hương của Hưởng Triều…
Hoa mơ là một nét đặc trưng của cảnh sắc chùa Hương, một ấn tượng không thể nào quên đối với ai đã từng đến vãn cảnh chùa. Nó là một nét đẹp của thiên nhiên bao quanh quần thể danh thắng Hương Sơn, nhưng nó còn là một nét đẹp – tâm linh trong lòng mỗi con người hành hương về đất Phật. Nó mang màu trắng tinh khiết, tỏa hương thơm dịu nhẹ, tượng trưng cho sự thanh cao của tâm hồn con người. Thử hỏi nếu chùa Hương mà thiếu đi cái màu trắng hoa mơ ấy thì sẽ thế nào? Cho nên Vũ Quần Phương mới Nhớ hoa mơ Hương Tích! Đây không phải là nhớ về một ấn tượng đẹp của chùa Hương mà mình từng yêu quý ngày nào, mà là “Nhớ hoa mơ Hương Tích” vì nó không còn nữa ở chùa Hương. Không phải nhớ để mà nhớ; ở đây nhớ để mà đau. Vì thế, ngay khổ đầu bài thơ, ta nhận ra cái tâm trạng hụt hẫng, nuối tiếc cùng với sự ngậm ngùi, xót đau của tác giả:
Thung mơ Hương Tích không còn nữa
Đêm qua nghe gió thức hồn mai
Chút hương núi cũ làm xao xuyến
Tia khói trầm bay trước Phật đài
Thung mơ không còn nhưng hồn mai vẫn còn, và chút hương núi cũ ấy đã làm xao xuyến cả tia khói trầm trước Phật đài! Thật đau xót biết chừng nào! Liệu lời kêu cứu của hồn mai có thấu đến Phật không? Khép lại bài thơ vẫn là nỗi ngậm ngùi, nỗi đau ấy; nhưng bên cạnh nỗi đau lại lóe sáng một niềm tin nơi cửa Phật:
Thung mơ không thể thành mơ nữa
Vườn mai đi biệt vẫn hồn mai
Đêm qua sân trước về bung nở
Đất Phật hay lòng ta mãn khai.
Điều cốt yếu là hồn mai vẫn còn, và chỉ cần lòng ta rộng mở (như ở đất Phật) thì hoa mai sẽ bung nở lại.
- Xem thêm: Gốc sao bên công viên
Nếu Vũ Quần Phương “Nhớ hoa mơ Hương Tích” nay không còn nữa để ngậm ngùi, đau xót, thì Nam Sơn lại dong thuyền Về bến Chân Như để tìm ý nghĩa triết lý của “giọt nước thời gian”. Đó là một giọt nước mang ý nghĩa biểu tượng:
Theo nước mây trôi về bến nhớ
Nước thời gian chảy mãi trong đời
Phải chăng giọt nước ngàn năm ấy
Tìm lại cành sen lắng viễn khơi.
Giọt nước ấy có cuộc sống riêng của nó, mang ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc:
Giọt nước âm thầm rơi giọt nước
Hồn ai là giọt nước chia đôi
Để xa thăm thẳm ngoài muôn kiếp
Giọt nước lại tìm giọt nước thôi.
Về bến Chân Như ở đây có thể hiểu là về với cõi Phật, và “giọt nước lại tìm giọt nước thôi” mang ý nghĩa con người tìm đến với con người trong một cuộc sống hòa đồng, thân ái. Bài thơ thấm vị “thiền”, mang triết lý nhà Phật – đó chính là sợi dây liên hệ với thắng cảnh đất Phật chùa Hương.
Còn Hưởng Triều lại Thỏ thẻ với chùa Hương như đang trò chuyện với một người thân. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhà thơ miền Nam ấy mới có dịp ra thăm miền Bắc và vãng cảnh chùa Hương. Có chút gì nôn nao như đứa con xa về với mẹ khi biết mẹ vẫn dang tay chờ đón mình.
Mang lòng Bến Nghé nên ta vội
Mà gốc đại kia hoa vẫn chờ
Bằng con mắt nhìn của một nhà thơ, ông nhận ra nét đặc trưng của thắng cảnh chùa Hương – đó là cái màu xanh Hương Tích kỳ diệu bao trùm lên tất cả mà không phải nơi nào cũng có:
Đâu phải lá vàng rơi cuối thu
Nhẹ xanh, xanh đến khói Thiên Trù
Trời xanh, xanh núi, xanh luôn gió
Xanh chảy cành cây, xanh chuyến đò.
Bốn câu thơ mà có đến bảy từ “xanh”. Cái màu xanh ấy đã thành một ấn tượng đẹp về chùa Hương trong mắt thi nhân, khiến ông có thể cảm được cả cái “nhẹ xanh” của khói Thiền Trù, thấy được màu xanh của gió, và như nghe thấy màu xanh đang “chảy trên cành cây”. Không biết nhà họa sĩ sẽ thể hiện các màu xanh đó trên bức tranh chùa Hương như thế nào, nhưng ở đây, bằng ngôn ngữ thi ca, Hưởng Triều đã cho người đọc cảm nhận được điều đó. Có phải là do tình yêu của ông đối với chùa Hương? Đúng như vậy. Người con miền Nam ấy ra thăm chùa Hương mà như được về ngôi nhà thân thiết của mình. Cả bài thơ là những lời “thỏ thẻ” với Mẹ – chùa Hương, với miền Bắc nghĩa tình, cho đến lúa ra về, vẫn một giọng thỏ thẻ – yêu thương – ân tình ấy.
- Xem thêm: Thành phố công viên
Vào chẳng thưa, ra quên trình
Thần hẳn rất vui: Miền Nam mình!
Từ giã – chân đi hồn lại ngảnh
Vò rượu gài mơ hay mối tình?
Tấm lòng của nhà thơ Hưởng Triều miền Nam đối với chùa Hương cũng là tấm lòng của nhân dân ta đối với danh thắng bậc nhất của đất nước.