“Tất cả các loại thuốc đều chứa chất độc”, đó là tựa đề một cuốn sách của GS Melvin H. Kirschner, người có 60 năm làm trong ngành y tế công cộng và bác sĩ gia đình tại bang California (Mỹ). Cuốn sách đưa ra một vấn đề đáng quan tâm trong việc chữa bệnh: Càng hạn chế sử dụng thuốc càng tốt, vì bất cứ loại thuốc nào cũng có các tác động phụ không tốt đối với sức khỏe bên cạnh tác dụng chữa bệnh. Ngày nay, các bác sĩ kê toa quá nhiều loại thuốc cho bệnh nhân, trong khi đó chữa bệnh không dùng thuốc là xu hướng mới trong điều trị lại chưa được quan tâm đúng mức.
Thuốc kháng sinh đang bị lạm dụng nghiêm trọng
Thông thường, ai bị cảm lạnh với các triệu chứng đau họng và sốt nhẹ là chọn giải pháp ra cửa hiệu thuốc để mua thuốc theo lời khuyên của “bác sĩ Google” hoặc theo hướng dẫn của người bán thuốc. Nếu lo lắng mình đang bị một chứng bệnh nào đó nghiêm trọng hơn, chẳng hạn bị nhiễm trùng xoang hoặc viêm phổi, bệnh nhân sẽ phải tìm đến bác sĩ để an tâm hơn. Dù biết bệnh nhân chỉ bị cảm lạnh và bệnh sẽ tự khỏi sau từ năm đến bảy ngày, nhưng hầu hết những người bán thuốc tây đều bán loại thuốc kháng sinh, thuốc thông mũi hoặc vitamin C để làm giảm nhanh một số triệu chứng chứ không thể làm bệnh cảm lạnh mau khỏi hơn.
Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo việc sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi gây ảnh hưởng nghiệm trọng đến sức khỏe. Thực tế, thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng đối với các bệnh do vi trùng, không có tác dụng đối với các bệnh do siêu vi. Vì vậy, hầu hết các trường hợp sốt do siêu vi, viêm họng, nhiễm khuẩn hô hấp trên, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, tiêu chảy… thì không nên dùng kháng sinh.
Thuốc kháng sinh ngoài tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh thì còn tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi. Kháng sinh sử dụng bừa bãi thường gây tác dụng phụ như tiêu chảy, ói, dịứng, sốc phản vệ, trong một số trường hợp đặc biệt có thể gây tử vong. Nếu sử dụng kháng sinh quá nhiều, cơ thể sẽ “lờn thuốc” và hậu quả là dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn hơn.
Đó là lý do vì sao càng uống nhiều kháng sinh thì càng dễ mắc bệnh và tái phát bệnh. Trẻ em uống nhiều thuốc kháng sinh rất dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn, trong khi những bệnh này thường là do siêu vi gây ra và “thuốc” điều trị tốt nhất là thời gian (chờ bệnh tự khỏi). Nhiều triệu chứng bệnh ở trẻ là biểu hiện phản ứng của cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi trùng. Ở người lớn, kháng sinh cũng có những tác hại nghiêm trọng không kém, nhất là nguy cơ kháng thuốc kháng sinh (lờn thuốc), gây khó khăn trong việc điều trị nhiều loại bệnh. Đối với hầu hết các bệnh do virus gây ra như ho, viêm thanh quản, viêm phế quản, phần lớn các triệu chứng tiêu chảy…, nếu cứ dùng thuốc kháng sinh để điều trị thì chẳng khác gì việc gây độc thêm cho sức khỏe của người bệnh.
Một số phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc
Không chỉ cảm lạnh, nhiều căn bệnh khác như sốt do siêu vi, cảm cúm, sổ mũi, đau họng… đều có thể điều trị mà không cần dùng thuốc. Cách điều trị vô cùng đơn giản là nghỉ ngơi, ăn đủ khẩu phần, uống nhiều nước rồi bệnh sẽ hết.
Nhiều bệnh nhân bị đau dạ dày bắt nguồn từ nguyên nhân chế độ ăn uống và stress thì cách điều trị bằng việc cải thiện lối sống thường hiệu quả hơn điều trị bằng thuốc. Bệnh nhân nên ăn uống điều độ, đúng giờ, không để dạ dày quá rỗng hoặc quá đầy để hình thành phản xạ có điều kiện, hỗ trợ bài tiết tuyến tiêu hóa. Người bệnh cố gắng ăn chậm nhai kỹ, kiêng các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, kiêng ăn mặn và các loại thực phẩm chứa nhiều muối (dưa muối, cà muối, mắm, cá khô…), tránh các chất kích thích và các món cay, nóng để giảm bớt gánh nặng cho dạ dày. Ngoài ra, yếu tố tinh thần, các trạng thái stress, cáu gắt, trầm cảm, lo nghĩ, căng thẳng… cũng là nguyên nhân quan trọng gây nên tổn thương dạ dày. Những cảm xúc tiêu cực kéo dài tác động xấu lên hệ thần kinh thực vật làm rối loạn hoạt động tiết dịch và vận động ở dạ dày. Vì vậy, người bệnh nên điều chỉnh lại lịch sinh hoạt điều độ và sắp xếp công việc của mình phù hợp để giảm stress, chú ý cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Việc điều trị tăng huyết áp không dùng thuốc được khuyến khích ở bệnh nhân tăng huyết áp độ 1, không có biến chứng bệnh tim mạch. Bệnh nhân chỉ cần giảm cân (nếu thừa cân), rèn luyện thể lực thường xuyên, ăn nhiều trái cây, rau quả, giảm hàm lượng chất béo bão hòa, giảm ăn mặn, kiêng uống rượu. Các biện pháp điều chỉnh hàm lượng cholesterol trong máu cũng tương tự: tích cực giảm cân (nếu thừa cân), tăng cường tập luyện thể dục – thể thao, rèn sức bền. Nên chú trọng giảm bớt lượng calorie trong khẩu phần, tránh các thức ăn có chứa chất béo và cholesterol như bơ, kem, thịt heo xông khói, kiêng ăn thịt mỡ, phủ tạng động vật và da của các loại gia cầm, thay thế mỡ bằng dầu thực vật, ưu tiên đạm thực vật, tăng cường ăn rau quả.
Đối với các cơn đau bụng, đau lưng, đau chân…, có thể sử các loại túi chườm đựng nước nóng để làm dịu. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại túi chườm áp dụng cơ chế hóa nhiệt để có thể dùng được nhiều lần và tiện lợi mang theo người khi đi công tác hay du lịch.
Ngoài ra, tập yoga là một trong những phương pháp điều trị bệnh ngày càng được khuyến khích trong cộng đồng. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Tim mạch dự phòng châu Âu, tập yoga có hiệu quả tương tự như tập thể dục, đi bộ hoặc đi xe đạp. Yoga có thể giúp hạ huyết áp, giảm mức cholesterol, điều chỉnh nhịp tim và huyết áp, tăng cường lưu lượng tuần hoàn vành, cải thiện sức co bóp cơ tim. Thậm chí yoga đã được chứng minh hiệu quả trên bệnh nhân ngừng tim, nhồi máu cơ tim hay bệnh nhân có biến cố tim mạch, đồng thời điều trị căng thẳng thần kinh.
- Trọng Đức theo www.menshealth.com và www.medicalnewstoday.com