Thời gian gần đây, nhiều vụ bạo lực đã xảy ra tại trường học cũng như ở các bệnh viện đã gây bức xúc trong xã hội. Khắc phục tình trạng này không phải là những lời than vãn mà cần có quyết tâm.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ vừa ký công văn khẩn về tăng cường công tác đảm bảo an ninh trường học, đảm bảo tuyệt đối thể chất và tinh thần cho nhà giáo và học sinh trong cơ sở giáo dục.
Công văn của Bộ GD-ĐT gửi UBND các tỉnh, thành phố hồi đầu tháng 4 cho biết thời gian qua ở nhiều địa phương xảy ra tình trạng mất an toàn trường học, cá biệt có nhà giáo thiếu chuẩn mực sư phạm với học sinh, đặc biệt tình trạng học sinh vào trường hành hung, gây thương tích xúc phạm danh dự nhà giáo, tinh thần và thể chất học sinh.
Các sự việc trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần danh dự của giáo viên và học sinh, tác động xấu đến môi trường giáo dục trong nhà trường, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng GD-ĐT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cấp, ngành, trong đó có các nội dung:
Tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong trường học; ngăn chặn, ngăn ngừa, khắc phục các yếu tố có nguy cơ gây mất an toàn; đảm bảo tuyệt đối thể chất và tinh thần cho nhà giáo và học sinh trong cơ sở giáo dục.
Mặt khác, Bộ GD-ĐT vừa công bố lấy ý kiến góp ý dự thảo đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” giai đoạn 2018-2025, với mục tiêu hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng xử văn hóa trong trường học trước năm học 2018-2019.
Dự thảo nêu rõ, văn hóa ứng xử trong học sinh, sinh viên hiện nay còn nhiều hạn chế, yếu kém. Cụ thể: Biểu hiện suy thoái, lệch lạc về phẩm chất, đạo đức, lối sống như: thiếu trung thực, trách nhiệm với bản thân, gia đình, nhà trường; vô lễ với cha mẹ, thầy cô giáo và người lớn tuổi; thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của người khác, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai trái, tiêu cực không dám đấu tranh.
Trong khuôn viên nhà trường, học sinh sinh viên có thể tỏ ra ngoan ngoãn, lễ phép nhưng ngoài trường học, trên mạng xã hội thì có thái độ vô lễ, xúc phạm thầy cô giáo.
Những giá trị tinh thần, mang tính nhân văn như: yêu thương, trách nhiệm, tôn trọng, bao dung… có xu hướng bị xem nhẹ hơn những giá trị vật chất, thực dụng.
Theo kết quả khảo sát tháng 12-2017 của Bộ GD-ĐT dành cho học sinh, sinh viên phổ thông và đại học cho thấy, có 8,6% học sinh và 20,3% sinh viên tự nhận mình thường xuyên nói tục, chửi bậy.
Còn theo báo cáo sơ bộ của cơ quan công an 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, từ năm 2010 đến nay đã có 7.735 học sinh, sinh viên tham gia đánh nhau, bị xử lý kỷ luật…
Từ đó, dự thảo đặt ra mục tiêu hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa, tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, góp phần xây dựng con người Việt Nam nhân ái, nghĩa tình, trách nhiệm, trung thực và sáng tạo.
Trước đó, tại Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ XV, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT – Phùng Xuân Nhạ đã có những chia sẻ tâm huyết liên quan đến quy tắc ứng xử trong trường học.
Cụ thể, ông Nhạ nhấn mạnh: “Chúng tôi đang nghiên cứu, chỉ đạo, đầu năm học mới sắp tới phải có quy tắc ứng xử văn hóa trong các cơ sở giáo dục một cách cụ thể, dễ nhìn, dễ thực hiện, dễ theo dõi, giám sát. Lúc đó sẽ có cuộc vận động thầy cô, học sinh, phụ huynh”.
Theo đó, Bộ trưởng Nhạ nêu ví dụ, khi học sinh gặp thầy thì phải đứng lại chào chứ không phải vừa chạy vừa chào, còn thầy được học sinh chào thì phải tươi cười, niềm nở. Chắc chắn quy tắc ứng xử không nêu chung chung là “yêu quý học sinh” hay “tôn trọng thầy cô”, thế nào là tôn trọng, thế nào là yêu quý phải được cụ thể hóa…
Trong khi đó, chỉ trong bốn tháng đầu năm 2018, hàng loạt vụ hành hung bác sĩ ở một số bệnh viện đã khiến dư luận thật sự lo ngại.
Mới đây, cuộc chiến chống bạo lực tại các bệnh viện cũng đã được đưa vào Quốc hội. “Chúng tôi cảm thấy đơn độc trong cuộc chiến chống bạo lực, bản thân tôi đã phải hai lần xuất hiện trên truyền hình để nói về vấn đề này” – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói trong phiên họp sáng 24-4 của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Tại đây, lo ngại về thực trạng tấn công bác sĩ đã được nhiều vị đại biểu Quốc hội đề cập.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, thời gian qua, an ninh trật tự an toàn tại một số bệnh viện chưa được đảm bảo, trong quý I-2018 tiếp tục xảy ra nhiều vụ hành hung, tấn công thầy thuốc khi làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái, Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, Bệnh viện Saint Paul Hà Nội… Qua đó có thể nhận thấy tình trạng nhân viên y tế bị hành hung ngay tại bệnh viện một cách ngang nhiên và ngày càng tăng đã phần nào cho thấy những nỗ lực của xã hội và của cả chính bản thân ngành y tế nhằm chấm dứt tình trạng này chưa đạt được hiệu quả.
“Có hai ông thầy rất quan trọng là thầy thuốc và thầy giáo thì đều đang có biểu hiện bị coi thường. Chỗ này đánh thầy giáo, chỗ kia tấn công thầy thuốc. An ninh, an toàn ở bệnh viện chưa được đảm bảo. Tất cả các đại biểu quốc hội cần có tiếng nói chung để làm sao thay đổi nhận thức về vấn đề này” – Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề của xã hội, ông Bùi Sĩ Lợi phát biểu.
Là đại biểu trong ngành y, bà Phạm Khánh Phong Lan (TP. Hồ Chí Minh) đặt vấn đề liệu có thể khép tội người tấn công bác sĩ là tấn công người thi hành công vụ hay không, chứ không phải chỉ gây rối trật tự công cộng thông thường. Cho rằng nếu không xử lý nghiêm, việc tấn công bác sĩ sẽ còn tiếp tục, bà Lan đề nghị cần có lực lượng bảo vệ các thầy thuốc.
Nhiều ý kiến cho rằng, hành vi xâm phạm sức khỏe của người khác phải được hình sự hóa chứ nếu xem đây là hành vi gây rối trật tự công cộng rồi xử lý hành chính là không triệt để.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, Bộ Y tế đã ban hành nhiều công văn, chỉ thị chỉ đạo các bệnh viện tăng cường an ninh bệnh viện, thậm chí đặt cả camera nhưng không hiệu quả.
Trước nạn hành hung nhân viên y tế có chiều hướng gia tăng, Bộ trưởng Tiến cho rằng để hạn chế tình trạng này, cần có lực lượng công an “cắm chốt” tại bệnh viện vì nếu chỉ riêng bảo vệ bệnh viện thôi thì chưa đủ. “Chỉ tuyên truyền suông thì không được. Bác sĩ trực đêm bị tấn công chẳng có ai giải quyết. Nếu có lực lượng công an kết hợp đi tuần, đường dây nóng kết nối từ bệnh viện đến công an phường thì sẽ khác”.