Làm thế nào để chọn được ngành nghề phù hợp, phát huy giá trị tài năng, thỏa mãn đam mê và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động là điều mà hầu hết các thí sinh đều quan tâm. Mới đây, trong chương trình tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh năm 2018, chúng tôi có dịp trò chuyện với Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF) về vấn đề này.
Nhìn lại hơn 10 năm hoạt động trong vai trò “chuyên gia” tư vấn hướng nghiệp, ông có suy nghĩ gì về vấn đề chọn ngành nghề của các thí sinh hiện nay?
Hơn 10 năm nay tôi luôn dành tâm huyết và tình cảm của mình cho công việc tư vấn hướng nghiệp. Thực chất, việc chọn nghề nghiệp và ngành học rất quan trọng, nó góp phần lớn quyết định sự thành bại của mỗi cá nhân. Ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp… hoạt động hướng nghiệp được thực hiện rất sớm từ khi các em học sinh còn học mầm non, tiểu học. Ở nước ta, công tác hướng nghiệp đã được thực hiện, đa phần phụ huynh và học sinh có sự đầu tư nhất định cho việc tìm hiểu và định hướng chọn nghề.
Tuy nhiên, ở khía cạnh chung thì công tác hướng nghiệp hiện nay trong học sinh chủ yếu còn ở phần ngọn, chưa sâu rộng và đồng bộ, thậm chí có địa phương các em học sinh học đến lớp 12 vẫn chưa một lần tiếp cận thông tin về ngành nghề, một bộ phận khác lại không chú trọng đến hướng nghiệp chọn nghề mà chỉ cốt là đậu đại học. Chính vì vậy, các em rất dễ chọn sai và hệ lụy là bị đào thải, khó kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp.
Ông vừa nhắc đến tầm quan trọng của việc chọn ngành nghề, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn những “bí quyết” khi chọn ngành nghề không thưa ông?
Khi tư vấn cho phụ huynh và các thí sinh tôi luôn bộc bạch chân thành hết tâm tư của mình. Để chọn được ngành nghề phù hợp trước hết phải nhận diện và hiểu được bản thân mình có được tài năng, năng lực và khả năng gì, để có được điều này các bạn trẻ cần phải thực hiện một số công cụ như: trắc nghiệm Holand; trắc nghiệm MTBI; tham chiếu từ ba mẹ, anh chị, thầy cô, bạn bè, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp và từ những người đang trực tiếp làm trong lĩnh vực ngành nghề mà mình muốn chọn.
Tiếp theo, các bạn cần xác định đúng niềm đam mê, yêu thích của bản thân đối với ngành nghề sẽ chọn. Thái độ, tình cảm, cảm xúc của bản thân sẽ là “cú hích” to lớn để vượt qua mọi khó khăn thử thách đi đến thành công.
Và, cuối cùng, các bạn cần tìm hiểu kỹ về nhu cầu của thị trường lao động, sự chuyển dịch lao động luôn diễn ra, đặc biệt, là trong điều kiện hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay. Điều đó sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến kết quả sau khi tốt nghiệp ra trường.
Ông có thể chia sẻ đôi nét về người “chuyên gia” tư vấn hướng nghiệp?
Công việc tư vấn hướng nghiệp là công việc áp lực không nhỏ, nó liên quan đến tương lai của con người cụ thể.
Theo tôi thì người làm công tác tư vấn hướng nghiệp là những nhà định hướng “kiến tạo tương lai cho người khác”. Đó là công việc không dễ bởi vì cần đến nhiều tố chất và cả bản lĩnh nghề nghiệp.
Một người tư vấn hướng nghiệp, ngoài yêu nghề thì điều quan trọng nhất là không vì lợi ích cá nhân hay lợi ích của một đơn vị nào mà vì tương lai của thế hệ trẻ, vì sự phát triển chung của xã hội, phải có tâm đức, có tầm nhìn, kiến thức am hiểu sâu và chắc chắn về những nhóm lĩnh vực mình tư vấn, phải có ý thức trách nhiệm cao, tính trung thực khách quan, có sự hiểu biết rộng và nhạy bén với xu hướng phát triển chung của đất nước, khu vực và thế giới, nắm chắc về những chủ trương chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và của ngành giáo dục.
Tư vấn hướng nghiệp là một chuyện, còn chuyện lựa chọn học và làm hay không là quyền của người học, ông có lời khuyên nào dành cho các thí sinh đứng trước thềm chọn ngành nghề thưa ông?
Đúng như vậy, các “chuyên gia hướng nghiệp” xét đến cùng cũng chỉ là một kênh để các bạn trẻ “được đánh thức” khi chọn nghề, cung cấp cho các bạn trẻ những thông tin cần thiết và quan trọng như: làm thế nào để khám phá và nhận diện được bản thân, biết được các yếu tố cần thiết của nghề nghiệp,…
Tôi muốn đưa đến các thí sinh đang đứng trước thềm chọn ngành một thông điệp rằng: Thực tế, không có ngành nghề nào “hot” chỉ có con người “hot” trong ngành nghề đó mà thôi. Vì vậy, mỗi thí sinh cần nhìn nhận khách quan cả những “hào quang” và “khoảng lặng” của nghề, để từ đó hài lòng và sống được với nghề sẽ chọn. Chọn đúng ngành nghề phù hợp là bệ phóng cho tài năng phát triển và thành công trong tương lai.
Là một người luôn muốn cống hiến nhiều nhất cho sự nghiệp đào tạo, việc ông chọn gắn bó với một trường định hướng đào tạo như UEF có trở thành công cụ giúp cho việc định hướng nghề nghiệp của ông đến thí sinh cụ thể hơn không?
Với tôi, việc gắn bó cùng UEF chính là cơ hội để bản thân có thêm trải nghiệm thực tế nghề nghiệp và qua đó giúp tôi mang đến cho thí sinh những định hướng tương lai rõ ràng hơn. Đặc biệt hỗ trợ cho các em có thêm hướng chọn lựa một môi trường học tập mới – môi trường đào tạo theo chuẩn quốc tế, trang bị tốt nhất công cụ ngoại ngữ, một công cụ quan trọng trong thời hội nhập mà hiện nay chỉ một số ít trường có được. Đặc biệt, đây là môi trường đại học chú trọng yếu tố người thật, việc thật!
Thưa ông, ông có thể chia sẻ thêm về UEF, nơi ươm mầm khá nhiều tài năng thành công trong việc khẳng định chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao như hiện nay?
Ngay từ khi thành lập, UEF đã xác định rõ mục tiêu chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, môi trường học tập, dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ sinh viên hữu hiệu…, UEF là một trong những trường có ưu thế nhất định.
Mục tiêu của trường là đào tạo những công dân toàn cầu. Do đó điều kiện học tập của sinh viên nơi đây luôn được nhà trường chú trọng đầu tư theo chuẩn mực giáo dục của các trường đại học uy tín hàng đầu trên thế giới. Hơn 50% thời lượng đào tạo bằng tiếng Anh được thiết kế phù hợp với đối tượng đa dạng, chú trọng đầu tư kiến thức từ căn bản đến chuyên sâu, đảm bảo cho sinh viên nghề nghiệp tốt nhất, từ khâu định hướng chọn ngành và chuyên ngành trong quá trình sinh viên học tại trường.
Tỷ lệ sinh viên UEF tốt nghiệp, có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo luôn đạt 90%. Ngay từ năm thứ ba, có đến 30% sinh viên đã có việc làm ngay trong quá trình thực tập. Thành quả đó chính là nỗ lực của những thầy cô trong việc định hướng nghề nghiệp, đào tạo và rèn luyện sinh viên.