Ngày 25-4, thống đốc mới của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ), ông Haruhiko Kuroda, thông báo đến cuối năm 2014, BOJ sẽ nâng lên gấp đôi lượng tiền lưu hành trong nước, có nghĩa là sẽ tăng thêm một lượng tiền tương đương 1.400 tỉ USD, để chấm dứt nạn giảm phát, nâng tỷ lệ lạm phát lên đúng mục tiêu là 2%. Biện pháp này là một phần trong kế hoạch do tân Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đề ra nhằm khởi động lại nền kinh tế thông qua sự kích thích tài chính và tiền tệ rộng lớn. Nỗ lực này sẽ nhận được sự hỗ trợ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng trung ương Anh và Ngân hàng Trung ương châu Âu nhằm kích thích phát triển và làm dịu đi sự bất ổn tài chính bằng cách rót những khoản tiền mặt khổng lồ vào nền kinh tế toàn cầu.
Ông Haruhiko Kuroda, thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản
Nhiều tiếng nói ủng hộ sáng kiến của Kuroda, trong đó có bà Christine Lagarde, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khi cho rằng chính sách tiền tệ trên sẽ giúp chống đỡ các nền kinh tế phát triển và từ đó, kích thích sự tăng trưởng toàn cầu. Nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Paul Krugman, người cổ vũ các chính sách mới của Thủ tướng Abe, cho rằng chiến lược của BOJ là khả thi. Ông viết trong blog của mình: “Cuối cùng thì nước Nhật cũng đã thực hiện một nỗ lực thực sự vượt thoát khỏi cái bẫy giảm phát. Tất cả chúng ta hy vọng họ thành công”. Liệu giáo sư Krugman có lạc quan quá chăng? Nhiều nhà phân tích không đồng tình với quan điểm của ông. Theo họ, dự án của BOJ là quá lớn, chưa từng có tiền lệ, chưa được thử thách, việc tung một khối lượng tiền mặt lớn sẽ làm phát sinh tình trạng siêu lạm phát. Lấy trường hợp của Mỹ làm ví dụ, cho dù FED đã bơm tiền vào nền kinh tế, song tình trạng lạm phát đã không xảy ra. Ngay cả việc bơm tiền nhằm gia tăng mức nhân dụng cũng không cho kết quả tích cực. Để các công ty tham gia vào lĩnh vực đầu tư, họ phải được vay vốn đủ để thực hiện các dự án, nếu không, đồng tiền sẽ chạy lòng vòng hay thất thoát ra ngoài nước. Người tiêu dùng cũng sẽ chỉ mua sắm nhiều hơn khi họ thấy được triển vọng thu nhập của họ sẽ khá hơn hiện nay. Do đó, nền kinh tế Nhật Bản phải bền vững trước đã. Nếu giảm phát ở Nhật là hậu quả của tình trạng thiếu cầu thì việc bơm thêm tiền mặt vào nền kinh tế để tạo ra lạm phát chưa chắc đã ngăn được tình trạng giảm phát.
Điều mà Nhật Bản cần ngoài việc tung tiền ra là phải có sự cải tổ, thực thi một chiến lược tài chính đáng tin cậy trong trung hạn và cải tổ cơ cấu để nâng cao tỷ lệ phát triển thực sự của nền kinh tế, mở cửa nền kinh tế trong nước, tăng tính cạnh tranh và định hình lại thị trường lao động. Ngay cả khi BOJ thành công trong việc ngăn chặn giảm phát, thì nguy cơ của nền kinh tế Nhật vẫn còn đó. Vấn đề lớn mà Tokyo phải đối mặt là đến cuối năm 2014, khoản nợ công có thể lên đến 250% GDP, chỉ riêng chi phí cho dịch vụ nợ nần cũng ngốn hết 25% ngân sách hằng năm. Để trả lãi cho khoản nợ công khổng lồ này và giữ cho nợ không đẻ ra nợ, nước Nhật phải có mức tăng trưởng GDP tối thiểu 6,25%/năm. Trong điều kiện hiện nay, khi nâng mức lạm phát lên 2%, tỷ lệ tăng trưởng cũng chỉ đạt đến 4,25%. Ngoài ra, khi Tokyo hạ giá đồng yen (việc này đang xảy ra), các nhà xuất khẩu có lợi, nhưng sẽ không tránh được biện pháp đối phó của các đối tác thương mại của nước Nhật. Vì vậy đi từ một tình trạng giảm phát nhẹ sang một mức độ lạm phát cao, nền kinh tế Nhật có nguy cơ đối mặt với một cuộc rối loạn tài chính rộng lớn, điều này sẽ kéo theo nhiều hệ quả khó lường cho nền kinh tế toàn cầu.
Lê Nguyễn tổng hợp