Không chỉ ở Mỹ mà cả ở Ý, nơi mà súng ngắn và súng trường vốn được xem là một “đặc sản” của nước này. Báo L’Unità ở Roma cho biết, ngành công nghiệp sản xuất các loại vũ khí này của Ý ước tính đạt doanh số mỗi năm đến 5,2 tỉ euro. Ngành này liên tục tăng trưởng với quy mô chỉ đứng sau Hoa Kỳ. Trong khi phương Tây phải quằn mình trong khủng hoảng thì ngành công nghiệp này lại phát triển tốt đẹp. Theo số liệu chính thức của nhà cầm quyền Ý, trong năm 2012, ngành công nghiệp vũ khí hạng nhẹ của nước này sản xuất đến 840.000 sản phẩm, tức tăng 11% so với năm 2011.
Một xưởng sản xuất vũ khí ở Brescia, Ý
Đặc biệt tỉnh Brescia, vùng Lombardia miền Bắc nước Ý, là nơi tập trung đến 90% các công ty sản xuất vũ khí hạng nhẹ của nước này. Thung lũng Vall Trompia, nơi có một khu công nghiệp kéo dài đến 50km đã sản xuất 80% các loại vũ khí thuộc nhóm “vũ khí sử dụng cho các hoạt động thể thao, văn hóa, lịch sử và giải trí”, tức các loại vũ khí không bị chi phối bởi nghị quyết quy định điều kiện xuất khẩu các loại vũ khí vừa được Liên Hiệp Quốc thông qua.
Thị trường của vũ khí hạng nhẹ của Ý rất rộng lớn. Số súng sản xuất sang thị trường Mỹ đã tăng gấp đôi vào năm 2012. Doanh số bán ra tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng gấp 10 lần chỉ trong vòng ba năm. Lebanon cũng là nơi vũ khí sản xuất ở Brescia bán rất chạy, vì đây là thị trường mà chính quyền Assad và ngay cả lực lượng nổi dậy tìm mua vũ khí. Maroc cũng được xem là một trong những thị trường lớn. Libya và Ai Cập trước đây cũng là bạn hàng chính của vũ khí Ý, nhưng đang dần bị tước ngôi bởi Mexico và Nga. Bélarus, Nam Phi và Turkmenistan cũng là một thị trường tiềm năng của vũ khí.
Ít ai có thể tin rằng, bên cạnh chocolate, thì vũ khí hạng nhẹ lại là một “đặc sản” của Thụy Sĩ, cũng là nhà sản xuất vũ khí lớn. Người dân nước này được quyền sở hữu vũ khí nóng. Hiện tại, Thụy Sĩ có khoảng 8 triệu dân, nhưng có đến 3,4 triệu vũ khí đang lưu hành trong dân. Với con số này, Thụy Sĩ được xem là nước thứ ba trên thế giới có người dân sở hữu vũ khí nhiều nhất, chỉ sau Mỹ và Yemen.
Tuy nhiên, thời gian qua, nước này cũng biết đến nhiều vụ cá nhân dùng vũ khí thanh toán lẫn nhau, hoặc là bắn vào đám đông như ở Mỹ. Vì thế, vấn đề siết chặt kiểm soát đang nổi lại tại Thụy Sĩ nhưng đa phần người Thụy Sĩ vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ vũ khí.
V.Đ