Kho báu của ông hoàng August Đệ nhị
Nằm cách Berlin 180km và cách Praha 160km, Dresden – thành phố lớn thứ tư của nước Đức chỉ khoảng 523.000 dân nhưng thu hút đến hơn ba triệu du khách mỗi năm. Trên chuyến tàu đến Dresden, khi qua cầu Marien dẫn vào phố Cổ, mọi cặp mắt du khách đều nhất loạt nhìn sang bên trái, chiêm ngưỡng cụm công trình cổ kính bằng đá sa thạch nhuộm màu thời gian với những đỉnh tháp nhọn in hình xuống mặt nước sông Elbe. Chúng tôi cũng thu trọn quang cảnh trung tâm thành phố trong một tấm hình rồi tâm trí náo nức muốn tàu dừng ngay đó mà chạy đến sát gần từng bức tường, cụm tượng.
Thủ phủ của bang Sachsen này do phát minh ra được loại sứ đẹp tinh tế vào đầu thế kỷ XVIII, sau đó thu được rất nhiều tiền từ việc cung cấp các sản phẩm đồ sứ cho sinh hoạt, trang trí khắp các cung đình và dinh thự của giới quý tộc châu Âu nên trở nên thịnh vượng trong một thời gian dài. Ông hoàng August Đệ nhị trị vì xứ Sachsen từ 1694-1733 đã để lại dấu ấn mạnh mẽ của mình khi cho xây dựng một loạt công trình kiến trúc kiểu Baroque ở Dresden và vùng phụ cận, để rồi thành phố này trở thành di sản thế giới và xứng danh là một trong những biểu tượng của phong cách Baroque.
Là một người sưu tập nghệ thuật, lại vô cùng giàu có nhờ việc xuất khẩu đồ sứ khắp châu Âu, August Đệ nhị rộng tay chi tiền mua tranh của các họa sĩ nổi tiếng người Ý, Hà Lan, thậm chí còn mời các danh họa tới lâu đài của ông ở dài ngày để sáng tác riêng cho phù hợp với từng dinh thự. Bảo tàng tranh của các họa sĩ cổ điển tại Dresden chứa một bộ sưu tập tranh quý giá chẳng kém gì bảo tàng nổi tiếng ở Florence (Italia) hay bảo tàng Prado ở Madrid (Tây Ban Nha).
Bước vào bảo tàng tranh Alte Meister, người xem có cơ hội chiêm ngưỡng tận mắt những bức tranh của các họa sĩ Ý lừng danh như Raffael, Giorgione, Tizian… hay các họa sĩ Hà Lan, Bỉ, Pháp và Đức như Rubens, Rembrandt, Jordaens, Van Dyck, Jan van Eyck, Dürer, Cranach và Holbein. Bức tranh Nàng Vệ nữ đang ngủ của danh họa Giorgione sáng tác trên khổ lớn thật ấn tượng. Tranh chiếm cả bức tường và lại đặt đối xứng với một bức vẽ nàng Vệ nữ cũng cùng chủ đề của họa sĩ… tại bức tường đối diện. Và làm sao có thể bỏ qua bức tranh Sixtine Madonna vô giá của Raphael cách đó hai gian phòng. Hình ảnh Đức mẹ bế chúa Hài đồng trên tay thật thanh thoát, bay bổng cùng với những mơ màng của hai thiên sứ có cánh đang ngước nhìn lên ở cuối bức tranh.
Bảo tàng tranh quý của Dresden nằm ngay trong cung điện Zwinger xây hình móng ngựa, cũng là một công trình kiểu Baroque để đời của August Đệ nhị. Cung điện này vốn là nơi tổ chức các hoạt động giải trí ngoài trời cho ông hoàng và các quần thần. Ở Zwinger, người xem còn được chiêm ngưỡng bộ sưu tập đồ sứ cổ Trung Hoa, Nhật Bản và châu Âu của ông hoàng.
Không chỉ mê sưu tầm tranh, đồ sứ, August Đệ nhị còn rất chuộng nghệ thuật chế tác kim hoàn, mỹ nghệ. Ông đặc biệt khoản đãi một nhà chế tác kim hoàn tài ba tên là Dinglinger. Hằng năm ông chi những khoản tiền khổng lồ và cấp nguyên liệu quý như ngọc trai tự nhiên, kim cương, ngọc, vàng, bạc… để Dinglinger đưa ra những bản vẽ tuyệt nhất cho xưởng chế tác của mình, rồi thực hiện nên các tác phẩm đồ sộ và tinh tế bậc nhất. Một khi đã bước vào phòng trưng bày Grünes Gewölbe (phòng Xanh) hay Historiches Grünes Gewölbe (phòng Lịch sử), người xem của thời hiện đại sẽ không ngớt trầm trồ trước các tác phẩm tinh xảo đến diệu kỳ. Những tác phẩm chạm khắc trên hạt bồ đào bé xíu phải nhìn qua kính hiển vi để thấy từng đường nét tài tình, những chiếc bình bằng pha lê tự nhiên nguyên khối long lanh, các đồ mỹ nghệ chạm khắc trên ngà voi độ chính xác không máy móc nào tạo ra nổi, những bức tượng làm từ trai ngọc tự nhiên, gỗ và đá quý sinh động, cho đến tác phẩm đồ sộ nhất mô tả hoạt cảnh lễ mừng sinh nhật quốc vương Ấn Độ với hàng nghìn nhân vật, từ vua quan chư thần các nước đến ngựa, voi, lạc đà…
Trẻ trung phố Mới
Chúng tôi đi bộ qua cây cầu bằng đá phiến sa thạch tuổi thọ ba thế kỷ để sang với phố Mới nằm bên kia sông Elbe. Phố Mới hình thành sau phố Cổ không lâu nên có tuổi đời cũng gần ba thế kỷ. Gần đây phố Mới được tu bổ nên màu sắc tươi sáng, vẫn phong cách cổ điển nhưng cuộc sống bên trong lại rất tiện nghi, hiện đại. Bước đi trên phố Mới thấy nhịp sống có phần nhanh hơn phố Cổ, hàng quán nhộn nhịp tươi vui, có lẽ vì người trẻ tập trung ở khu này đông hơn. Nhìn phố Mới có vẻ thịnh vượng là thế, không ai nghĩ rằng lại có một thời gian dài nơi đây bị bỏ hoang, xuống cấp thê thảm vào giai đoạn trước khi nước Đức thống nhất. Thập niên 1990, dân nghệ sĩ rủ nhau đến ở, thoải mái vẽ vời, trang trí cho các khu nhà theo cảm hứng sáng tạo của họ. Các dãy nhà trong khu vực lại mang nét phóng khoáng, bay bổng và có phần phá cách. Sau đó giới sinh viên nghèo cũng tìm đến phố Mới sinh sống vì khỏi phải trả tiền nhà do hầu hết các chủ nhà đều đã chuyển sang Tây Đức, để nhà bỏ không. Chính giới trẻ này đã đem lại bộ mặt mới cho cả vùng bên kia của sông Elbe.
Một trong những khu nhà liền kề đã được một nhóm sinh viên, kiến trúc sư, nhà thiết kế viết dự án cải tạo và thu hút tài trợ của thành phố cùng những nhà bảo trợ giàu có, từ đó thực hiện nên các tác phẩm Lối đi trong Sân nghệ thuật, Nhà Ánh sáng với những lá đồng uốn lượn lấp lánh dưới nắng trời, nằm đối diện với ngôi nhà của trò chơi giữa các ống dẫn nước hình chiếc kèn khổng lồ nối với Nhà Động vật đắp nổi hình hươu cao cổ, khỉ vui nhộn, băng qua lối đi đầy tranh khảm mosaic sinh động lại tới ngôi nhà trang trí theo phong cách của Gaudi (kiến trúc sư nổi tiếng người Tây Ban Nha).
Được một người gắn bó với Dresden hơn hai mươi năm và luôn coi thành phố xinh đẹp này là quê hương thứ hai của mình dẫn đi tham quan, qua giọng nói đầy cảm xúc trân trọng các giá trị lịch sử in dấu trên phố phường, lâu đài, chúng tôi đã thấm được tình cảm của anh ấy với Dresden qua những câu chuyện về dòng họ trị vì xứ Sachsen.
Đã đến Dresden một lần để rồi muốn quay lại nhiều lần và sau đó gắn bó từ lúc nào, thành phố nằm hai bên bờ sông Elbe hiền hòa mang đến cho khách thăm những xúc cảm êm dịu. Còn riêng tôi thì khao khát được sống cuộc sống thanh bình ở đây, cùng mối nhân duyên kết được từ thành phố này.
- Trung Công – Minh Lý