Nhiều người cho rằng việc trang trí phòng ngủ cho trẻ khó khăn hơn so với trang trí phòng ngủ người lớn. Trước hết là tính chất đa dạng về chức năng, vì phòng ngủ cho trẻ thường cũng là không gian chơi đùa, đọc sách, nghe nhạc, đôi khi còn là một ốc đảo riêng tư cho trẻ trốn mình vào đó.
Không ít người lớn đã áp đặt ý thích trang trí của mình cũng như những tiêu chuẩn thẩm mỹ của người lớn vào không gian phòng ngủ của trẻ. Điều này làm các em không thích. Làm sao để việc trang trí trở thành niềm vui cho cả người lớn và trẻ con? Hãy thử tìm hiểu và thực hiện qua tám bước đơn giản sau đây:
1. Nói chuyện với trẻ: Cuộc chuyện trò phải dựa trên cơ sở “lắng nghe và thấu hiểu” để từ đó tìm ra những hoạt động mà trẻ yêu thích, những lĩnh vực mà trẻ đam mê. Cũng qua đó, bạn hiểu được trẻ thích màu sắc nào, đâu là điểm đặc biệt trong tính cách của trẻ, để từ đó bạn gợi ý về một chủ đề trang trí thích hợp cho phòng ngủ của trẻ.
2. Cho phép trẻ được tham gia vào quá trình trang trí: Trong quá trình chuẩn bị, phải để trẻ tự nói ra màu sơn nào, loại vải nào mà trẻ mong muốn có trong không gian của mình. Khi bắt tay vào trang trí, bạn hãy khuyến khích trẻ tự xếp đặt những vật dụng trong phòng mình. Cũng từ đây, bạn sẽ có cơ hội chỉnh sửa những vấn đề thuộc lĩnh vực thẩm mỹ mà bạn muốn con em mình hướng tới như việc kết hợp màu sắc, chất liệu…
3. Thiết kế phòng theo dạng đa chức năng: Khuyến khích trẻ hoạt động và sáng tạo bằng nhiều khu vực chức năng bố trí trong phòng ngủ, như khu vui chơi, khu đọc sách, khu giải trí…
4. Ưu tiên cho không gian cất giữ đồ đạc: Thiết kế nhiều kệ, bố trí nhiều giỏ lớn vừa chứa đồ vừa có tính trang trí, những thùng đựng bằng nhựa trong, đặc biệt là hệ tủ có nhiều kệ và ngăn kéo. Tập cho trẻ sắp xếp đồ đạc một cách ngăn nắp và khoa học.
5. Trang trí cửa sổ nên giữ tính đơn giản: Nên dùng những loại màn cửa may đơn giản, ngắn hay loại màn chớp. Tránh sử dụng những loại màn rũ và xếp nhiều nếp. Loại vải màn nên chọn loại nhẹ nhàng và thoáng. Hoa văn tốt nhất là lặp lại hoa văn vui tươi, sinh động của một loại vật dụng nào đã sẵn có trong phòng như gối, drap giường, chao đèn,…
6. Chọn ánh sáng đúng: Vì tính chất đa chức năng như đã đề cập ở trên nên bố trí ánh sáng cũng phải đi theo những chức năng ấy. Không sử dụng một nguồn sáng chung cho cả gian phòng. Khu đọc và làm bài ở nhà phải có đèn riêng, đúng loại đèn đọc sách. Khu giải trí vui chơi cũng cần có đèn riêng. Phải dạy trẻ tiết kiệm điện bằng cách tắt đèn khu vực nào không sử dụng đến. Luôn nhớ trong phòng ngủ của trẻ phải có đèn ngủ.
7. Dùng giấy dán tường hay sơn để thêm màu sắc và hoa vùn bề mặt: Bạn có thể cùng trẻ chọn những cuộn giấy dán phần rìa tường có hoa văn vui tươi, phá cách một chút so với hoa văn chung của cả mảng tường. Trên trần có thể thêm những áng mây hay những vì sao. Nếu có thể nên sử dụng loại giấy dán tường và loại sơn có thể rửa được. Thông thường trong hoàn thiện phòng ngủ trẻ với sơn, người ta thường dùng kỹ thuật sơn bóng. Trẻ thường thích “màu mè” nhưng bạn nên nhớ hạn chế việc sử dụng một màu quá mạnh cho cả một mảng tường trong phòng ngủ của trẻ. Đây là sai lầm mà rất nhiều phụ huynh thường mắc phải.
8. Cho phép trẻ tự chọn chủ đề trang trí: Bạn có thể nêu lên hay cùng trẻ tìm hiểu một số chủ đề quen thuộc như: bầu trời trăng sao, vườn thiên thần, vương quốc bóng đá, thủy cung huyền diệu, hành tinh xanh,… Trên thị trường hiện tại có rất nhiều vật dụng trang trí phục vụ cho các chủ đề như thế, bạn không phải lo lắng. Vấn đề là hãy giúp trẻ chọn lựa thật kỹ vì nhiều trẻ sẽ cảm thấy chán chủ đề không phù hợp chỉ sau vài ngày sống chung với nó.
Trang trí phòng ngủ cho trẻ là công việc khó khăn nhưng cũng thật thú vị. Đây là cơ hội để bạn hiểu hơn các con mình. Chúc bạn có nhiều niềm vui!
– Ảnh Hiroyuki Oki