Thời buổi này, ở sân đình, cây đa, bến nước có còn diễn chèo nữa không? Chèo là một “đặc sản” văn hóa của đồng bằng Bắc bộ, trong đó tính hài hước, trào phúng là một đặc điểm nổi bật, không thể thiếu với người thưởng thức. Vì thế, có ý kiến cho rằng, từ “chèo” do “trào” đọc chệch ra. Chuyện này đúng sai thế nào, thiên hạ còn tranh luận chán.
Ăn no rồi lại nằm khoèo
Nghe giục trống chèo bế bụng đi xem
Đã chèo ắt phải có hề chèo. Rằng không gì vô duyên hơn khi ăn mộc tồn lại thiếu lá mơ, củ riềng; ăn bún riêu thiếu mắm tôm; xơi chả cá đậm đà bản sắc Lã Vọng lại thiếu rau thì là… Cái sự vô duyên, thiếu sót này có thể châm chước, nhưng trên chiếu chèo thiếu hề chèo chẳng khác gì đêm tân hôn, chú rể đang lúc hăng hái, náo nức “Xắn tay mở khóa động Ðào/ Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên thai” lại “trên bảo dưới không nghe”. Thế là hỏng. Hỏng bét. Chẳng khác gì Nghị Hách đêm động phòng, nhìn thấy bụng Thị Mịch đã phình to lè lè bèn thốt lên não nùng, bẽ bàng, ngao ngán: “Còn nước mẹ gì nữa?”.
Tóm lại, khi xem chèo phải có hề chèo.
Trong chèo mấy loại hề? Cứ theo cụ Hà Văn Cầu – nhà nghiên cứu uyên bác về chèo, ta biết đại khái: hề gậy chuyên đi theo hầu các quan, các vị chức sắc trong làng thường cầm theo cây gậy; hề mồi là những người hầu phòng, quét sân, canh phòng… thường mang theo chiếc mồi bằng giẻ, tượng trưng cho bó đuốc; hề tính cách là nhân vật tự giễu như Lão Say, Cu Sứt, Toen Hoẻn…; hề văn minh và hề cải lương cũng là một loại tương tự hề tính cách là những thầy lang, thầy bói, chủ quán… Trước hết, để vui nhộn một chút, ta hãy nghe hề hầu chuyện cùng quan:
– Bẩm quan, một hôm chú con đi cày, bắt được một con cá rô, đem về đánh vẩy cặp nướng. Thím con mới khen: “Con rô của thầy mày mới béo chứ”. Chú con bảo: “Béo có là lợn”. Thím con lại khen: “Cá rô thầy mày nướng mới vàng làm sao!”. Chú con bảo: “Vàng có là bò. Dẫu bu mày thín thò, tao cũng chẳng cho”. Rồi chú con đem rượu ra nhắm cho bằng hết. Đêm đến chú con lần đến chân giường. Thím con co cẳng đạp một cái, chú con ngã lăn chỏng gọng. Chú con bò dậy khen thím con rằng: “Mẹ mày tốt diếc nhỉ”. Thím con trả lời: “Đạo vợ chồng là duyên kiếp trăm năm ví bẵng một ngày. Con diếc tôi còn khí gầy gầy, đâu có béo bằng con cá rô của thầy ban nãy. Giá con rô… thầy mày cho tôi cái mảy. Thì bây giờ con diếc tôi đâu tiếc thầy mày đâu. Tôi nói ra mang tiếng cơ cầu. Anh thì con rô anh cũng tiếc mà con diếc anh cũng muốn”.
Tự bản thân câu chuyện cũng có thể gây cười về cái tính tham ăn của anh chồng. Nếu lưu ý, ta sẽ thấy sự chơi chữ ở mẫu đối thoại này. Khi bị vợ co cẳng đạp ngã chỏng gọng, anh chồng bảo: “Mẹ mày tốt diếc nhỉ”. Thì, diếc lại là “Sỉ mắng một cách nhục nhã khó chịu. Có khi gọi là nhiếc” – Việt Nam tự điển do Hội Khai trí tiến đức khởi thảo (1931) giải thích. Thế nhưng cô vợ cố tình hiểu qua… cá diếc!
Sự đồng âm dị nghĩa này, ta còn thấy qua chuyện hề nhờ quan xử kiện: “Bẩm quan lớn, ngày tết, con mượn chú con cái vạc về nấu bánh, chẳng may kẻ trộm vào lấy mất cả vạc. Con đền cái gì chú cũng không nghe. Con ra ngoài đồng, con đánh bẫy về đền chú con… một con cò! Chú con cũng không lấy. Vậy con nhờ quan xử cho”. Quan bảo: “Xử thế nào? Mày đền như thế là chưa được!”. Ai cũng hiểu, vạc mà hề đi mượn là vạc đồng, dùng để nấu nướng nhưng hề vẫn… cãi: “Bẩm, cò của con cũng nấu chín, tra hành răm, mắm muối vào xào xáo lên mới ăn ạ!”. Ở đây, hề đánh tráo khái niệm về cò và vạc lại còn “thòng” thêm một câu đau điếng: “Bẩm, thế mà giá còn quan trước thì… xử hòa đấy ạ!”. Thế đấy! Ai dám bảo cái hài của chèo chỉ bông phèng mua vui?
Chơi chữ đểu kiểu này, ta thường gặp trong chèo. Chẳng hạn khi thầy bói huênh hoang, khoe rằng mình:
“Hay như thầy Quỷ Cốc
Cũng mang tiếng bói mò
Ai có tiền thầy mới xem cho
Xem quẻ ấy không vỡ, thầy dò sang quẻ khác”
Thiên hạ cười rộ lên khi nghe hề “đế” một câu móc họng: “Thế bói bù à?”. Bói bù là gì? Cách chơi lái chữ cũng đểu lắm chứ. Hề cũng “chảnh” lắm, khi vào cửa nhà quan thấy lính gác nạt nộ, bèn bẻ lại: “Này, cậu đừng thấy tôi quê mùa mà khinh thường. Tôi có họ với quan đấy!”. Lính gác: “Họ hàng thế nào, quan lớn gọi anh bằng gì?”. Hề tỉnh bơ: “Gọi bằng… thằng!”. Hề còn dám cãi luôn cả quan. Trong chèo Từ Thức, khi quan sai hề mài son, hề bèn nhổ bẹt nước bọt vào nghiên mài khiến quan phải trố mắt kêu lên: “Sao mày lại lấy nước bọt mài son?”. Hề ngẩng nhìn quan như ngạc nhiên: “Ờ! Nước bọt của tôi lại chả sạch hơn nước giếng ấy à! Giếng còn có người khoắng chân, chứ mồm tôi thì hỏi đứa nào dám khoắng chân vào?”.
Đúng quá đi chứ?
Đã nói đến hề chèo thì không thể quên thằng mõ. Trong xã hội xưa, “nghề” thằng mõ thấp kém nhất, chỉ dành cho hạng ngụ cư, hạng khố rách áo ôm, hạng đầu đường xó chợ. Khi trong làng có việc gì từ ma chay đến cưới xin v.v., thằng mõ phải gõ mõ đi rao khắp nơi để đưa thông tin đến thiên hạ. Dụng cụ “hành nghề” là thanh bằng tre hoặc bằng gỗ trong rỗng để khi đánh vào kêu cốc cốc hoặc đốp đốp (tùy dùi dánh vào) – phổ biến nhất là mõ bằng gộc tre được uốn khoăm khoăm hai đầu. Khi gõ mõ phải rao lên “Tôi trình làng nước…”. Công việc này nặng nhọc, bất kể đàn anh nào trong làng sai bảo cũng được bất kể thời gian, mưa, nắng… Đọc lại thơ cổ Việt Nam, ta thấy có bài thơ viết về Thằng mõ:
Gớm thay lớn tiếng lại dài hơi,
Cắp rổ, cùng bầu chẳng phải chơi.
Mộc đạc vang lừng trong bốn cõi,
Kim thanh chuyển động khắp đôi nơi
Trẻ già chốn chốn đều nghe lệnh,
Làng nước ai ai cũng cứ nhời.
Muôn một dưới trên quyền cất đặt,
Một mình một cỗ thỏa lòng xơi.
Nếu là thông báo chuyện hiếu hỉ, khao vọng… thì sau khi xong việc người ta dọn cho một cỗ ngồi một mình mà ăn, cỗ này gọi là “cỗ tiến dư” – sống bằng của dư thừa trong thiên hạ. “Lương” hằng năm là một số thóc; hoặc một số công điền do dân làng góp lại trả. Dù thân phận bọt bèo, nhưng thằng mõ cũng “chảnh” rất tinh quái. Trong chèo Quan Âm Thị Kính, có nhân vật Mẹ Đốp. Mụ vênh mặt:
Một mình tôi cả xã ngóng trông
Điều phải, trái tôi nay trước bảo
Nghe thế, Xã trưởng quát: “Láo! Mày trước bảo dân thì chẳng hóa ra mày là bà tiên chỉ của làng này à?”
Mẹ Đốp: “Dạ, nó thế này ạ: Có công việc gì thầy sai con đi rao mõ thì dân làng mới biết, thế chẳng phải trước bảo là gì ạ?”
Xã Trưởng đuối lý: “Nhưng phải nó rõ là đi rao mõ chứ!”.
Mẹ Đốp:
“Từ việc hỉ cho chí việc hảo
Giấy quan về là báo đến tôi
Tôi chưa ra là làng chửa được ngồi”
Xã Trưởng: “A, con mẹ này, nhật nhật đa hỉ, lộng giả thành chân, ngày càng láo!”
Mẹ Đốp: “Ấy, thưa thầy, để con nói đã. Con chửa ra giải chiếu thì các cụ ngồi vào đâu ạ?”
Vừa có thể hiểu “chửa ra” là “chưa ra”, nhưng cũng hiểu “người có chửa”. Kiểu chơi chữ này, ta còn thấy ở nhân vật Đồ Điếc – được chèo xử lý rất khéo.
Đồ Điếc hỏi: “Dâm phong là nó làm sao?”.
Xã Trưởng đáp: “Là nó chửa ra”.
Đồ Điếc (hiểu là “chưa ra” nên mới bảo): “Nó chửa ra thì tôi hãy về cái đã…”.
Xã Trưởng: “Nó chửa ra là nó hoang thai kia mà… là trong bụng nó có con lúc nhúc như hang cá trê ấy”.
Đồ Điếc: “Thế thì cho mẹ mõ đi lấy mấy cái dọc mùng về nấu”.
Xã Trưởng: “Nấu cái gì?”.
Đồ Điếc: “Sao bảo là cá trê? Tôi tính thầy Lý đã cho mời dân ra đây thì đập mõ gõ thớt, hãy cho con mẹ mõ cầm tiền đi mua vài chai rượu về uống suông đã rồi sẽ bàn”.
Đúng là chuyện nọ xọ chuyện kia! Chữ nghĩa ngoắt ngoéo đến phì cười. Thủ pháp này, ta còn thấy ở chèo Trương Viên cũng “duyên dáng” không kém. Trương Viên bảo lính hầu tìm ca kỹ về hát giải buồn, y bảo: “Thưa thầy, ở ngoài chợ có hai mẹ con bà lão xẩm. Bẩm, cô con mù nhưng vẫn còn trông được ạ!”. Có tiếng đế vọng lên: “Sao mù mà lại trông được?”. Lính hầu: “Trông được là trông ưa nhìn ấy chứ!”. Cách giải thích xem ra trớt que trớt quớt, nhưng có lý! Tương tự, Kim Nham là một vở chèo lớn, trong đó có nhân vật Súy Vân giả dại rất nổi tiếng. Tay thầy cúng khoác lác:
“Tôi sang Tây Trúc
Phật Bà ban cho ba mươi sáu tay ấn quyết
Thầy Đường Tăng cho chín chục pho kinh
Tôi đi đến đâu là quỷ khiếp thần kinh
Người cũng sợ, ma cũng cút, cút ráo, cút kiệt, cút hết”.
Có tiếng đế vọng lên: “Cường tà nó không cút thì sao?”. Thầy cúng: “Thì… tôi cút!”. Nghe ra cũng trớt quớt! Còn đây là nhân vật Cu Lớn huênh hoang bảo thiên hạ đồn mình là: “An Nam hữu trạng”. Tiếng đế: “Trạng gì?”. Cu Lớn: “Trạng nôm”. Tiếng đế: “Vậy là ăn trộm lang à?”. Cu Lớn: “Thế mà cũng được ngồi vào long…”. Tiếng đế: “Long sàng à?”. Cu Lớn: “Long cũi” bốn người khiêng!”.
Càng nghe càng lôi cuốn, bởi chữ nghĩa đan xéo, chồng chéo mở ra nhiều nghĩa và càng thấy phục ông cha ta chơi chữ điêu luyện quá!
- Xem thêm: Hát xẩm