Hội đồng châu Âu (EC), cơ quan điều hành nhóm 27 nước châu Âu cho rằng các quốc gia nhất thiết phải cải thiện thị trường lao động và tiến hành những cải tổ cơ bản nhất để giúp nền kinh tế có sức cạnh tranh cao hơn. Theo ông Jose Manuel Barroso – Chủ tịch EC, tốc độ đổi mới cần phải được đẩy mạnh trong khắp EU nhằm thúc đẩy tăng trưởng và hạ mức tỷ lệ thất nghiệp đã gia tăng kỷ lục tại đây. Sau khi khủng hoảng nợ bùng phát tại châu Âu hồi cuối năm 2009, các chính phủ trong khu vực đã cắt giảm chi tiêu và tăng thuế để kìm hãm tình trạng thâm hụt ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, việc thắt lưng buộc bụng đã dẫn đến các hậu quả vô cùng khắc nghiệt, thất nghiệp tăng cao hơn 20%, kinh tế giảm sút và thâm hụt ngân sách quốc gia cũng tăng.
Bên cạnh Pháp và Tây Ban Nha, EC còn cho Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha và Slovenia thêm thời gian để cắt giảm thâm hụt ngân sách quốc gia xuống mức trần 3% được EU đặt ra, có nghĩa các nước ấy sẽ có thêm thời gian để phân bổ khoản cắt giảm chi tiêu quốc gia trong lúc phải ngăn chặn thất nghiệp và suy thoái. Nếu Hà Lan và Bồ Đào Nha có thêm một năm thì Pháp, Tây Ban Nha, Ba Lan vàSloveniacó thêm hai năm. Tuy nhiên, hướng đi mới không đồng nghĩa rằng châu Âu đã đồng thời xóa bỏ thông điệp khắc khổ cũng như quy định thắt chặt ngân sách. Chẳng hạn, Pháp – nền kinh tế lớn thứ hai trong khối 17 quốc gia thuộc khu vực Eurozone nhất thiết phải sử dụng thật khéo khoảng thời gian này để nâng cao tính cạnh tranh đang ngày một giảm sút mạnh. EC hối thúc Paris phải cắt giảm bộ máy hành chính cồng kềnh, cải tổ thị trường lao động và thay đổi chế độ lương hưu, tăng cường cạnh tranh quốc tế trong các lĩnh vực dịch vụ và năng lượng. Tương tự, Tây Ban Nha – nền kinh tế lớn thứ tư, hiện có tỷ lệ thất nghiệp 27% sẽ buộc phải giảm tỷ lệ thâm hụt so với GDP trong năm nay xuống còn 6,5% và xuống 2,8% trong năm sau bằng cách xem xét lại các chương trình chi tiêu trong nước, sửa đổi hệ thống thuế, giảm chi phí trong ngành y tế và hoàn tất điều chỉnh cơ cấu vốn của ngành ngân hàng. Những gợi ý từ EC sẽ chính thức trở thành điều luật áp đặt và định hình chính sách tài khóa các nước khi được nhóm các nhà lãnh đạo EU thảo luận và phê duyệt trong tháng 6 này. Ngoài ra, những quốc gia được cứu trợ trước đây như Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Cyprus đều vẫn phải tuân thủ mục tiêu khắt khe giảm thâm hụt mà họ buộc phải đáp ứng để tiếp tục nhận được các khoản vay. Một số quốc gia khác đã bị loại ra khỏi danh sách “đặc cách” của EU, gồm Italy, Latvia, Hungary, Lithuania và Romania do tỷ lệ nợ công cao quá mức.
Cũng trong tuần qua, Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD) đã cảnh báo rằng suy thoái tại châu Âu có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến tốc độ khôi phục của nền kinh tế thế giới trong năm nay vì nền kinh tế khu vực Eurozone dự báo sẽ giảm sút 0,6%, nhiều hơn con số 0,1% mà chính họ đã đề ra cách đây sáu tháng. Trong toàn EU, tức là cùng khu vực Eurozone còn có mười quốc gia không sử dụng đồng tiền chung, tỷ lệ giảm sút kinh tế năm nay sẽ là 0,1%.
Lâm Kiên theo AP