Chi tiêu nội địa gia tăng trên khắp châu Á đang khiến nhiều quốc gia trong khu vực bớt phụ thuộc vào thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài, cung cấp cho họ một bộ đệm chống lại các cú sốc bên ngoài như cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Washington và Bắc Kinh.
Hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu từ các nước châu Á tăng lần lượt 14,2% và 11,2%, trong năm năm tính tới 2017, nhưng nhìn chung lại giảm trong tương quan so sánh với nền kinh tế rộng lớn hơn vì mức tăng trưởng kinh tế vượt trội của khu vực so với thế giới. Mức tăng trưởng kinh tế của khu vực đạt 5,6% trong năm ngoái. Đây là kết quả mới công bố tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD).
Fernando Cantu, nhà thống kê cao cấp tại UNCTAD, cho biết chỉ số mở cửa thương mại (đo lường tổng xuất khẩu và nhập khẩu theo tỷ lệ phần trăm của tổng sản phẩm quốc nội – GDP) ở khu vực châu Á đang phát triển và châu Đại Dương đã giảm xuống 25% vào năm ngoái từ mức 35% năm 2005.
Trong một báo cáo hồi tháng 10, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng tiêu dùng tư nhân sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; một nửa tăng trưởng của Trung Quốc tính đến năm 2020 sẽ đến từ tiêu dùng tư nhân. Ở Indonesia, chi tiêu cao hơn có liên quan đến cuộc tổng tuyển cử vào năm tới tại quốc gia này và việc tín dụng phục hồi sẽ thúc đẩy tiêu dùng; trong khi người tiêu dùng tại Malaysia sẽ được hưởng lợi từ việc điều chỉnh hệ thống thuế tiêu thụ và cơ chế định giá nhiên liệu.
Các quốc gia có dân số lớn có xu hướng phụ thuộc ít hơn vào thương mại. Theo số liệu của WB, năm 2017 Trung Quốc cho thấy tổng tỷ lệ thương mại và dịch vụ trên GDP là gần 38%, so với con số của Ấn Độ và Indonesia lần lượt là 41% và 40%.
Tại Philippines và Việt Nam, hai quốc gia có khoảng 100 triệu người, tỷ lệ thương mại trên GDP cao hơn ba người khổng lồ trên, tiêu dùng trong nước chiếm 70% nền kinh tế của họ, theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Mặc dù vậy, các yếu tố bên ngoài như thương mại và đầu tư vẫn rất quan trọng đối với các nền kinh tế đang phát triển của khu vực và nhiều quốc gia lo ngại về triển vọng dài hạn đối với thương mại xuyên biên giới khi Mỹ và Trung Quốc đang lôi nhau vào một cuộc chiến thuế quan.
Các nền kinh tế nhỏ hơn trong khu vực, thường có thị trường nội địa tương đối nhỏ, cho thấy sự phụ thuộc cao hơn vào thương mại quốc tế. Campuchia có tỷ lệ thương mại trên GDP là 125%, trong khi con số này lần lượt là 200% và 326% đối với Việt Nam và Singapore.
Nhưng các thỏa thuận thương mại như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), vốn sẽ có hiệu lực trong tháng này, và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), có thể kịp thời thúc đẩy thương mại khu vực. Tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 3% trong một thập niên sau khi thực thi Hiệp định CPTPP, theo ước tính từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.