Trong suốt thập niên 1980, Chandrika Tandon đã là một trong những nhà cố vấn thành công nhất của McKinsey & Company, công ty tư vấn quản lý doanh nghiệp hàng đầu thế giới với hơn 100 văn phòng ở 60 quốc gia.
Năm 1992, sau khi thành lập Tandon Capital Associates, Chandrika đã thực hiện hàng loạt các thương vụ hợp tác kinh doanh, tạo ra hàng tỉ USD giá trị thị trường. Nhưng thành công không đồng nghĩa với hạnh phúc. Giữa những thương vụ hàng tỉ USD, Tandon đánh mất niềm hạnh phúc tự thân. Trong buổi phỏng vấn với CNBC, Chandrika Tandon kể lại cách âm nhạc đã chữa lành và thay đổi cuộc đời của một nữ doanh nhân lạc lối.
“Sẽ thế nào nếu mình chết vào ngày mai?”
Sinh ra và lớn lên ở Chennai (hiện là Madras), Ấn Độ vào thập niên 1950, Tandon có mẹ là nghệ sĩ âm nhạc và cha làm việc trong ngân hàng. Tuổi thơ cô gắn liền với âm nhạc: “Tôi đã biết hát trước khi tôi biết trò chuyện, tôi đã biết hát trước khi biết đi… Nhà tôi lúc nào cũng mở nhạc, suốt từ lúc tôi thức dậy đến khi đi ngủ. Chúng tôi nghe tất cả các thể loại âm nhạc, bất kể bài hát nào được phát trên sóng phát thanh”. Cô và em của cô, Indra Nooyi – cựu CEO của PepsiCo, đã học nhạc từ khi còn nhỏ.
Lớn lên, Tandon bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực tài chính tại Citibank và về sau là McKinsey & Company. Cô gái Ấn Độ mang bộ sari, trang phục truyền thống của Ấn Độ, đi dép xỏ ngón và vận chiếc áo ấm quá khổ mượn của người khác đã chinh phục các nhà tuyển dụng của giới tài chính Mỹ vào thập niên 1980.
Bằng nỗ lực tự thân, Tandon từ một trong những nhà cố vấn giỏi nhất của McKinsey trở thành nữ doanh nhân gốc Ấn đầu tiên thành lập doanh nghiệp và trở thành đối tác của công ty này. Vào thời điểm đỉnh cao sự nghiệp tài chính, Tandon xuất hiện trên khắp các tạp chí nổi tiếng thế giới như Forbes, Bloomberg. Với các thương vụ thành công, mọi người đều hỏi “Có phải vụ đó của Chandrika không?”.
Song, các thương vụ nối tiếp nhau đã dần rút kiệt năng lượng tinh thần của Tandon. Chia sẻ với tờ CNN, cô cho biết vào ngày chuẩn bị đặt bút ký kết thương vụ lớn nhất của mình, cô đột nhiên bị “tê liệt cảm xúc”.
Cô bỗng nhìn lại cuộc đời mình và nhận ra toàn bộ thời gian của cô chỉ dành để đáp ứng quyền lợi cho người khác: “Tôi bắt đầu suy nghĩ: mình đang làm gì vậy? Tất cả những chuyện này để làm gì? Đây có phải là cách cuộc sống mình tiếp diễn không, cứ giải quyết hết thương vụ này đến thương vụ khác? Và rồi, sẽ thế nào nếu mình chết vào ngày mai?”. Không hề phòng bị trước, Tandon bất ngờ rơi vào một cuộc khủng hoảng tinh thần lớn. Đó cũng là khi những câu hỏi lớn xuất hiện trong cô.
“Tôi đã nhốt mình trong phòng và tôi chỉ muốn hiểu, muốn suy nghĩ về cuộc đời mình. Tôi đã khóc. Tôi đã cố gắng tìm xem mình là ai, điều gì mới thật sự là thành công, và vì sao tôi lại sống ở thế giới này? Mục đích sống lớn nhất của tôi thật sự là gì?”. Cô đã nghĩ về thời gian cô hạnh phúc nhất và nhận ra “rất nhiều khoảnh khắc hạnh phúc của tôi gắn liền với âm nhạc. Và tôi khi đó đã lạc khỏi thế giới âm nhạc từ lâu. Tôi đã làm việc cật lực đến nỗi không nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Đó là lúc tôi khởi đầu một hành trình khác. Tôi đã tự hỏi bản thân muốn dành thời gian để làm gì, và câu trả lời đã là tôi muốn dành toàn bộ tâm ý cho âm nhạc”, Tandon trả lời CNBC.
Sống hạnh phúc với chính mình
Cô đi khắp nước Mỹ, trở về Ấn Độ để thuyết phục các thầy dạy nhạc nhận cô làm học trò. Chia sẻ với The New York Times năm 2013, Tandon cho biết: “Tôi đã làm việc toàn thời gian và chăm sóc cô con gái hai tuổi thích ngủ đến tận 11 giờ trưa. Vì vậy, vào các sáng thứ Bảy, tôi rời Manhattan lúc 4 giờ sáng, lái xe hai tiếng đến trường để bắt đầu học vào lúc 6 giờ sáng. Tôi học với thầy đến 8 giờ sáng rồi quay lại thành phố trước khi con gái kịp thức giấc”.
Thu xếp công việc tài chính để có không gian viễn du cùng giấc mơ âm nhạc, Tandon dần tìm thấy ý nghĩa của đời mình. Tuy nhiên, Tandon không có ý định trở thành một nghệ sĩ âm nhạc. Cô thực hiện album đầu tay mang tên Soul Call chỉ như món quà dành tặng cho bố chồng bước sang tuổi 90. Và album ấy bất ngờ được đề cử giải Grammy hạng mục album World Music xuất sắc nhất năm 2011. Toàn bộ các ca khúc trong album Soul Call đều do Tandon sáng tác.
Cánh cửa bước vào thế giới âm nhạc rộng mở với Tandon. Nhưng cô không bước vào thế giới âm nhạc một mình. Năm 2014, Tandon cùng đối tác ra mắt Berklee Tandon Global Clinics, một tổ chức cung cấp chương trình đào tạo âm nhạc cho các sinh viên và giúp họ tạo dựng sự nghiệp về sau. Tổ chức của Tandon hoạt động tại Ấn Độ, Brazil và các quốc gia châu Phi.
Tandon cũng điều hành một dàn hợp xướng cộng đồng tại đền thờ Ấn giáo Ganesha ở Queens. “Âm nhạc trở nên vui hơn rất nhiều khi bạn có thể chia sẻ với người khác, khi bạn có thể hát cùng mọi người… Tôi đã từng nghĩ rằng âm nhạc Ấn Độ là một trải nghiệm cá nhân… bạn có thể lắng nghe và ngưỡng mộ. Tôi muốn tạo nên thứ âm nhạc mà ai cũng có thể hát và hát cùng nhau”, Tandon bày tỏ.
- Xem thêm: Marie Diouf: “Nữ hoàng muối” của Senegal
Trong một lần thầy dạy mời cô trình diễn, cô đã bảo rằng: “Ồ không, con chưa đủ giỏi đâu”. Và câu nói sau đó của thầy đã đi theo cô đến tận sau này – ông đã bảo rằng: “Nếu mỗi chú chim trong khu rừng đều là họa mi thì đó sẽ là khu rừng tẻ nhạt nhất trên đời vì âm thanh nào cũng như nhau cả. Con đang hoàn hảo theo cách của riêng con”.
Tandon cũng tham gia vào lĩnh vực giáo dục sau cơ hội gặp gỡ đại diện Đại học New York (NYU) vào năm 2002. Cô tiếp tục giữ cương vị chủ tịch của Tandon Capital Associates trong khi giảng dạy tại NYU. Năm 2015, cô và Ranjan Tandon, chồng cô, đã đóng góp 100 triệu USD vào quỹ của Trường Công nghệ NYU; sau đó trường đổi tên thành NYU Tandon School of Engineering. Nhiều sinh viên đang học tại trường lớn lên từ thế hệ gia đình đầu tiên nhập cư tại Mỹ. Tandon mong muốn có thể giúp thế hệ trẻ tìm thấy giấc mơ Mỹ của chính họ.
Giờ đây, Tandon cho biết cô cảm thấy rất đủ đầy. “Từ sâu thẳm, tôi tự thấy bản thân là một người vô cùng hạnh phúc. Nếu hôm nay tôi qua đời, tôi sẽ mãn nguyện ra đi… Tôi không còn phải mong ước rằng giá mà tôi đã sống khác đi. Tôi thực sự đang sống trọn vẹn mỗi ngày, như thể hôm nay là ngày cuối cùng được sống”.