Bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) là một nhà lãnh đạo cấp cao của tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei (Hoa Vi) của Trung Quốc. Mạnh Vãn Chu là Giám đốc tài chính của Huawei và là con gái cả của nhà sáng lập ra tập đoàn viễn thông này – ông Nhậm Chính Phi.
Bà đã bị bắt giữ tại Canada và ngay lập tức trở thành tâm điểm của cuộc tranh chấp địa chính trị giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.Tại Canada vào tuần trước với cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ về Iran và đối mặt với khả năng bị dẫn độ sang Mỹ. Nếu bị chứng minh là có tội, bà Mạnh có thể bị tù tới 30 năm. PhíaTrung Quốc và hãng Huawei nhất quyết khẳng định rằng bà Mạnh không vi phạm bất cứ luật nào.
Hành trình thăng tiến
Bà Mạnh còn được biết đến với cái tên Sabrina Meng và Cathy Meng. Bà đã thăng tiến trong hàng ngũ của Huawei – công ty tư nhân lớn nhất Trung Quốc.
Người phụ nữ 46 tuổi này khởi đầu sự nghiệp của mình trong vai trò một nhân viên lễ tân vào năm 1993. Sau khi nhận bằng thạc sĩ kế toán tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung vào năm 1999, bà chuyển về làm tại bộ phận tài chính của Huawei.
Mạnh Vãn Chu trở thành Giám đốc tài chính của Huawei vào năm 2011 rồi được cất nhắc lên vị trí Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị của hãng này chỉ vài tháng trước khi bà bị bắt ở Canada vừa rồi.
Năm 2018, bà xếp thứ 12 trên danh sách của tạp chí Forbes về các nữ doanh nhân Trung Quốc hàng đầu. Năm 2017 bà còn ở vị trí cao hơn bốn bậc.
Chỉ mãi đến cách đây vài năm, công chúng mới biết đến mối quan hệ ruột thịt giữa bà Mạnh với cha mình – tỉ phủ Nhậm Chính Phi.
Ở tuổi 16, khác biệt với truyền thống Trung Quốc, bà lấy họ của mẹ, bà Meng Jun – vợ thứ nhất của ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập và Chủ tịch của hãng Huawei.
Bà Mạnh bị cáo buộc tội gì?
Bà Mạnh đã bị bắt giữ ở Vancouver (Canada) khi đang đổi máy bay vào ngày 1-12.Các công tố viên cho hay, bà âm mưu lừa đảo các ngân hàng bằng việc nói với họ rằng một công ty con nào đó của Huawei chỉ là một công ty độc lập, và do đó giúp Huawei lách qua được các lệnh cấm vận thương mại của Mỹ.
Trong khi đó, Mỹ đã điều tra nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới kể từ năm 2016. Mỹ tin rằng Huawei sử dụng một công ty con để đưa các thiết bị sản xuất tại Mỹ tới Iran và vi phạm lệnh cấm vận thương mại của Mỹ. Vụ việc đã gây ra một cuộc đối đầu ngoại giao leo thang giữa Trung Quốc với Canada và Mỹ.
Hé lộ đời tư bà Mạnh tại tòa
Các tài liệu được gửi lên Tòa án Tối cao tỉnh British Colombia (Canada), cung cấp chi tiết về đời tư của vị giám đốc tài chính Huawei. Theo đó, bà Mạnh từng bị ung thư tuyến giáp. Các luật sư cho hay, bà bị cao huyết áp và rối loạn giấc ngủ, và cần phải dùng thuốc hằng ngày để điều trị tình trạng này.
Trong hồ sơ của mình, bà Mạnh tuyên bố: “Tôi tiếp tục cảm thấy không khỏe, và tôi lo lắng về tình trạng sức khỏe xấu đi vì bị giam cầm. Hiện nay tôi gặp khó khăn khi ăn thức ăn cứng và phải điều chỉnh chế độ ăn uống để khắc phục tình trạng đó”.
Các luật sư của bà đang tìm cách bảo lãnh cho người mẹ bốn con này. Họ cho rằng bà không phải là mối nguy cơ đối với chuyến bay vì bà có “cơ sở mạnh” ở Vancouver.
Bà Mạnh khai với tòa rằng bà là một công dân của Canada cho tới năm 2009, sau đó bà trở về Trung Quốc. Tuy nhiên, bà đã cùng người chồng thứ 2 ở thành phố Vancouver mua một ngôi nhà có sáu phòng ngủ. Bà quay trở lại Canada thường xuyên để gặp chồng và con cái, trong đó có vài người học ở trường Canada cho tới năm 2012.
Theo các tài liệu bất động sản và một bản tuyên thệ mà bà Mạnh đọc cho tòa nghe, ngôi nhà trên được cho là có giá trị 5,6 triệu đôla Canada (tương đương 4,2 triệu USD). Hồi năm 2016, cặp vợ chồng này mua thêm một biệt thự trị giá tới 16,3 triệu đôla Canada.
Vì sao lại là Vancouver?
Biên tập viên Michael Bristow của hãng BBC cho hay, các văn bản mà tòa án có được cung cấp rất nhiều thông tin về cuộc đời của một giám đốc cấp cao của Trung Quốc.
Bristow nhận định: “Vancouver trong vài năm qua là điểm đến được giới nhà giàu Trung Quốc lựa chọn. Đó là nơi để sống, học hành, và cũng là nơi giúp họ tránh được những điều bất trắc trong cuộc sống ở Trung Quốc. Mọi người sẽ tò mò khi biết rằng bà Mạnh có không chỉ một mà hai ngôi nhà ở Vancouver, và ngạc nhiên làm sao bà ấy có thể có tới bảy tấm hộ chiếu cùng một lúc”.
Bằng cách nào mà bà sở hữu được tới bảy hộ chiếu?
Đây vẫn là điều bí ẩn. Theo giới truyền thông, ông chủ của hãng Huawei còn có tới ít nhất bốn hộ chiếu Trung Quốc và ba hộ chiếu Hongkong (Trung Quốc). Luật pháp Trung Quốc quy định rằng nếu các công dân muốn có hộ chiếu của một nước hoặc vùng khác thì họ phải từ bỏ hộ chiếu của họ.
Các quan chức xuất nhập cảnh của Hongkong không bình luận về trường hợp của bà Mạnh nhưng họ tuyên bố rằng một người được cấp hộ chiếu của vùng lãnh thổ này tại một thời điểm chỉ được sở hữu không quá một hộ chiếu.
- Xem thêm: Mỹ, Australia, New Zealand và Nhật Bản cấm các cơ quan chính phủ dùng sản phẩm của Huawei và ZTE
Theo bút lục đi và đến của cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ, bà Mạnh sử dụng ba hộ chiếu Hongkong khác nhau để nhập cảnh vào Mỹ vào 33 dịp trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2017. Người con trai thứ 2 của bà được cho là đang học tại một trường học ở Massachusetts. Tuy nhiên bà Mạnh chưa trở lại Mỹ từ tháng 3-2017.
Cảnh sát Canada thông báo cho bên tòa án rằng các giám đốc của Huawei có vẻ đã “thay đổi lộ trình đi lại hoặc du lịch” để tránh phải nhập cảnh vào Mỹ kể từ khi ý thức được rằng có một cuộc điều tra hình sự nhằm vào công ty này vào tháng 4-2017.
Sau 10 ngày bị bắt, tòa án Canada cuối cùng đã đồng ý cho Giám đốc tài chính CFO Huawei Mạnh Vãn Chu được bảo lãnh tại ngoại. Thẩm phán William Ehrcke tại một phiên tòa ở Vancouver, Canada, ngày 11-12 ra phán quyết đồng ý để bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính tập đoàn Huawei, Trung Quốc, nộp khoản tiền bảo lãnh 7,5 triệu USD đi kèm một số điều kiện khác để được tại ngoại, Reuters đưa tin.
Theo ông Lưu Hồng, Phó tổng biên tập tạp chí Hoàn cầu (Trung Quốc): “Đối với bà Mạnh Vãn Chu, cái gọi là tin tốt chẳng qua chỉ là lựa chọn có mức độ tồi tệ gần sát với các lựa chọn tồi tệ nhất. Dù được thả tự do nhưng bà Mạnh vẫn phải đeo vòng điện tử (có gắn hệ thống định vị), bị theo dõi khi ra ngoài, phải ở nhà từ 23 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau…”.