Con người có một thói quen vô thức là sờ lên mặt. Trung bình, mỗi một tiếng, chúng ta đưa tay chạm vào mặt 23 lần. Trong bối cảnh mùa dịch virus Corona hiện tại, hành động không tự chủ này vô tình tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan mạnh. Mắt, mũi, tai, miệng đều là cửa ngõ xâm nhập cơ thể của các loại virus, vi khuẩn gây bệnh. Hãy hạn chế đưa tay sờ mặt bằng mọi cách, ít nhất là cho đến khi mùa Covid-19 đi qua.
Hành vi đặc hữu
Trong vương quốc sự sống, con người là động vật duy nhất hay dùng tay chạm vào cằm, mũi, tai, mắt, má, miệng. Chúng ta cũng có xu hướng vô thức sờ, vuốt chứ không nhất thiết phải có lý do gì thì mới chạm vào. Năm 2015, chuyên viên kiểm soát nhiễm trùng của Đại học Bắc Nam Wales (Úc), Mary-Louse McLaws đã thử đếm số lần sờ lên mặt của các sinh viên thuộc khoa y của trường. Bà phát hiện: tần suất chạm vào mặt của họ vào khoảng 23 lần/giờ. “Lẽ ra, các sinh viên y khoa phải là những người nhận thức rõ nét về các rủi ro từ thói quen này hơn bất kỳ ai khác”, McLaws nghiêm khắc nhắc nhở.
Hầu hết các loài động vật đều có lúc chạm tay, chân lên vùng đầu, mặt. Tuy nhiên, chúng chỉ làm thế khi cần bắt ve rận, gạt bỏ vi sinh vật có hại bám vào. “Không vì nguyên do gì mà vẫn chạm vào mặt là hành vi đặc hữu của con người”, Martin Grunwald, nhà tâm lý học của Đại học Leipzig (Đức) khẳng định. “Chúng ta thường tự chạm vào mặt mà ít khi nhận thức được mình đã có hành động như thế. Điều này xảy ra ở tất cả mọi người”.
Qua quan sát và tìm hiểu, Dacher Keltner, nhà tâm lý học Đại học California (Mỹ) kết luận: “Với con người, chạm vào mặt giống như một cơ chế tự khống chế cảm xúc”. Nghiên cứu chuyên sâu chỉ ra rằng việc tiếp xúc giữa da với da giải phóng Hormone Oxytocin giảm căng thẳng, gia tăng sự bình tĩnh.
Không phải tự nhiên mà mỗi khi quá đau khổ, kinh ngạc, tức giận, con người lại đưa tay ôm mặt, vò đầu. Ngoài ra, mọi người còn hay chạm vào mặt vì mục đích làm điệu, thu hút sự chú ý của người khác phái. Không có lúc nào, tần suất sờ má, vuốt tóc trong vô thức của chúng ta lại nhiều hơn khi đối điện với người mình yêu. Khoa học gọi đây là một trong các “hành vi tán tỉnh” của loài người.
Vận chuyển virus và vi khuẩn
Tuy nhiên, sờ vào mặt lại tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm bởi vì con người luôn sử dụng tay chạm vào môi trường xung quanh, đồ vật hoặc người khác. Khi bàn tay đã chạm lung tung ấy chưa được rửa sạch mà lại sờ lên mặt, nó trở thành phương tiện vận chuyển virus lên mắt, mũi, tai, miệng, nơi chúng có thể dễ dàng xâm nhập vào bên trong cơ thể và gây bệnh.
Năm 2012, một nhóm nghiên cứu đã thực hiện việc quan sát hành vi của mọi người trên một chuyến tàu điện ngầm ở Washington (Mỹ). Họ phát hiện cứ sau 1giờ, một người lại đưa bàn tay đã chạm vào các đồ vật xung quanh sờ lên mặt tối thiểu 3 lần. Các chuyên gia liền khuyên mọi người hãy luôn đeo khẩu trang y tế. Mặc dù chúng không ngăn chặn được toàn bộ vi khuẩn hay virus gây bệnh, nhưng ít ra cũng hạn chế nguy cơ từ thói quen tự sờ vào mặt.
Bên cạnh việc khuyến khích đeo khẩu trang, nhiều y bác sĩ cũng đề nghị từ bỏ hành động sờ lên mặt. “Nhưng thói quen vô thức là điều cực kỳ khó kiểm soát”, Michael Hallsworth, nhà khoa học hành vi của Đại học Columbia (Mỹ) phân tích. “Nếu đổi lại là lời khuyên chăm chỉ rửa tay, nó sẽ đơn giản và dễ thực hiện hơn”.
Một số người cũng đề xuất nên đeo găng tay để tránh bị virus, vi khuẩn từ những nơi chạm vào “quá giang” sang người. Tuy nhiên, cách này không hiệu quả mấy. Virus, vi khuẩn không chê lớp găng tay. Còn chúng ta thì vì thói quen sờ mặt mũi, thường quên mất tháo găng tay mà cứ thế chạm, gãi mắt, mũi, tai, miệng.
Nỗ lực thay đổi
Trong bối cảnh virus Covid-19 đang lan rộng khắp thế giới, con người đang ý thức hơn bao giờ hết về các khả năng bị lây bệnh. Theo cảnh báo từ các chuyên gia, chỉ một cái ho từ người bị nhiễm virus Covid-19 cũng giải phóng hàng 3.000 hạt bụi chất lỏng chứa virus. Chúng có thể bắn trúng người khác, rơi xuống quần áo và bay trong không khí, cuối cùng lây truyền bệnh ra xung quanh. Ngoài ra, virus Covid-19 còn ẩn mình trong phân. Người bị bệnh nếu rửa tay không kỹ sau khi đi vệ sinh có khả năng sẽ khiến virus bám trên tay chuyển sang các nơi, đồ vật họ chạm vào.
“Mỗi ngày đều phải rửa tay, dọn dẹp, khử trùng xung quanh”, các cơ quan, chuyên gia y tế nhấn mạnh. “Nếu bạn nhất định phải chạm tay vào mặt, hãy sử dụng mặt xấp của bàn tay. Tuy nó không hoàn toàn sạch virus hay vi khuẩn, nhưng vẫn đỡ hơn là mặt ngửa”, Hallsworth đề nghị. “Những người hay dụi mắt có thể đeo kính để hạn chế”, ông nói thêm.
Ngoài việc đưa tay lên mặt, con người còn có thói quen chạm vào người khác thông qua bắt tay, nựng má, nhéo tai, ngắt mũi… Tất cả các hành vi này đều tiềm ẩn khả năng lây lan virus, vi khuẩn gây bệnh. Do đó, ngoại trừ việc hạn chế chạm tay vào mặt mình, các chuyên gia y tế cũng cảnh báo đừng chạm tay vào mặt hay tay của người khác.
Tại nhiều địa điểm công cộng trên thế giới, các cư dân đang chọn mở cửa bằng… khuỷu tay, nhấn nút bấm bằng đồ vật. Trên các chuyến xe lửa, mọi người tránh nắm tay vịn. Các nhân viên văn phòng thì chăm chỉ lau dọn bàn làm việc mỗi ngày, ngừng bắt tay với đối tác, đồng nghiệp. Ở những khu vực tâm dịch Covid-19, các nhóm công nhân mặc quần áo bảo hộ kín mít, phun thuốc khử trùng khắp đường xá, công viên, quảng trường.
Trong các bệnh viện, cửa tiệm, nhà hàng, ý thức vệ sinh, tránh sờ nắm lung tung lại càng nâng cao hơn nữa. Một số tình nguyện viên ở vài thành phố còn tận dụng đêm khuya vắng người, lau chùi sạch sẽ các nút nhấn, màn hình máy rút tiền…
Không được chạm tay vào mặt mình hay nắm tay, chạm mặt người yêu thương, thân thiết cũng giống như một cực hình. Nhưng trong tình thế virus Covid-19, có lẽ chúng ta cũng chẳng còn cách nào khác ngoài chịu đựng. Hãy chăm chỉ rửa tay, ngưng sờ lên mặt và tránh những cái bắt tay, ít nhất là cho đến ngày thế giới chiến thắng đại dịch virus Corona!