Máy bay Boeing 777 chở 239 người của Malaysia Airlines mang số hiệu MH370 mất tích từ tháng 3-2014 đến nay vẫn chưa tìm được lời giải. Mới đây chính phủ Malaysia đã cho hãng tin AP biết nước này không thể tiếp tục tìm kiếm được nữa.
Theo Bộ Giao thông Vận tải Malaysia, cuộc tìm kiếm máy bay đã kéo dài suốt bốn năm, trên vùng biển rộng khoảng 120.000km2 nhưng kết quả vẫn là con số 0. Đến nay, người ta chỉ tìm được vài mảnh vỡ của máy bay. Úc cũng chỉ đạo một đội tìm kiếm nhưng cũng đành bỏ cuộc hồi tháng 1-2017. Một năm sau đó, chính phủ Malaysia ký kết một hợp đồng với công ty tư nhân Mỹ Ocean Infinity, chuyên về thu thập dữ liệu đáy biển với hình ảnh độ nét cao, nhằm tìm kiếm mảnh vỡ còn thất lạc của máy bay. Điều khoản của hợp đồng này là Malaysia sẽ không trả tiền nếu công ty không tìm thấy được hộp đen máy bay. Hợp đồng đã được kéo dài thời hạn đến hai lần nhưng theo thông tin mới nhất, đến ngày 29-5 hợp đồng sẽ không được gia hạn nữa.
Vụ mất tích này được xem là kỳ bí nhất trong lịch sử của ngành hàng không, kể từ vụ phi công Amelia Earhart và người điều hướng Fred Noonan biến mất trên biển Thái Bình Dương ngày 2-7-1937 khi họ định bay vòng quanh trái đất.
Theo ước tính của Bộ trưởng Bộ Hạ tầng và Giao thông Úc, ông Darren Chester, cuộc tìm kiếm nói trên đã phải tốn đến 151 triệu USD mà phần lớn do chính phủ Malaysia chi trả.
Trong một diễn biến khác liên quan đến vụ chiếc máy bay của hãng Malaysia Airlines bị bắn rơi trên vùng trời miền Đông Ukraine ngày 17-7-2014, các công tố viên của Đội điều tra hỗn hợp gồm đại diện của năm nước Hà Lan, Úc, Malaysia, Bỉ và Ukraine hôm 24-5-2018 cho biết đã xác định quả tên lửa xuất phát từ một đơn vị quân sự của Nga.
Chiếc máy bay dân dụng, với 298 hành khách trên khoang và 2/3 là công dân Hà Lan, đã rơi sau khi trúng một quả tên lửa Buk sản xuất ở Nga lúc đang bay trên lãnh thổ do các chiến binh ly khai thân Nga kiểm soát ở Ukraine. Tất cả phi hành đoàn và hành khách, trong đó có một gia đình người Việt, đã thiệt mạng.
Reuters dẫn lời ông Wilbert Paulissen, người đứng đầu đơn vị phòng chống tội phạm của cảnh sát quốc gia Hà Lan, nói rằng quả tên lửa đã được bắn đi từ bệ phóng trên chiếc xe thuộc Lữ đoàn Phòng không 53 của quân đội Nga đóng ở khu vực Kursk thuộc Nga.
Trong khi đó, Tổng thống Putin của Nga ngày 25-5 khẳng định quả tên lửa bắn hạ máy bay Boeing của Malaysia không thuộc về Nga. Tuyên bố này được nhà lãnh đạo Nga đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint Petersburg (SPIEF). Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết không có bất cứ tổ hợp tên lửa nào của nước này được đưa qua biên giới Nga – Ukraine.