Mỹ không chỉ đưa người lên mặt trăng, mà còn gửi theo 500 hạt giống. Những hạt này được gieo khi trở về trái đất, tạo ra những cây mặt trăng (moon tree) vẫn sống cho đến nay.
Vào tháng 2.1971, sứ mệnh Apollo 14 trải qua 9 ngày trong không gian. Trong hành lý của Stuart Roosa, phi hành gia phụ trách module điều hành, chứa 500 hạt của nhiều loài cây ở Mỹ. Phi hành gia này từng là lính nhảy dù cứu rừng bị cháy nên được Ed Cliff, lúc ấy là giám đốc Sở Lâm viên Mỹ, tìm gặp, đề nghị đem theo một số hạt trong chuyến du hành vào không gian.
Các hạt được chọn trong số 5 loài cây khác nhau: thông Douglas, thông taeda, thích trắng, cù tùng, sau sau (liquidambar). Vào thời ấy, những thí nghiệm trong không gian vẫn còn hiếm và các nhà thực vật học muốn dùng phương cách này để xem sức chịu đựng của các hạt giống dưới bức xạ mặt trời và trạng thái vi trọng lực. Liệu những hạt ấy có cho ra những cây “bình thường” một khi được mang trở lại trái đất?
Stuart Roosa, cùng với các hạt giống, đã bay 34 vòng quỹ đạo quanh mặt trăng. Sau chuyến bay, các hạt giống này được gửi đến Trung tâm Nghiên cứu rừng ở Gulfport (bang Mississippi) và ở Placerville (bang California) với mục đích cho hạt nẩy mầm. Hầu như tất cả đều mọc mầm và sau vài năm trung tâm có 420 cây mầm. Một số cây được trồng cạnh những cây cùng loài mọc bình thường trên mặt đất để kiểm tra, so sánh.
Sau 20 năm, không nhận thấy sự khác biệt giữa 2 cây này. Một số cây được tặng cho các trường học. Trong khoảng năm 1975 và năm 1976, một số lớn cây mặt trăng được tặng cho các tổ chức trồng rừng ở Mỹ, nhân kỷ niệm 200 năm lập quốc. Một thông taeda được trồng ở Nhà Trắng, một số cây được trồng ở Brazil, Thụy Sĩ, và số khác được giới thiệu với Nhật hoàng Hirohito.
Stuart Roosa qua đời năm 1994. Một cây mặt trăng (cây thích trắng) được trồng bên mộ của ông ở nghĩa trang quốc gia Arlington, bang Virginia.
- Xem thêm: Khai thác mỏ trên mặt trăng