Khẩu trang là thứ trước hết bị vét sạch tại các khu buôn bán, sau đó là dung dịch sát khuẩn. Hành động thu gom này có thể hiểu nổi, nhưng giấy vệ sinh và nước uống đóng chai cũng bị vơ vét là điều đáng ngạc nhiên. Tại sao sự hoảng loạn lại xảy ra mỗi khi khủng hoảng đến gần?
Nhiều quốc gia rơi vào khủng hoảng vì tranh mua
Coronavirus mới lại dẫn đến việc tranh mua cả giấy vệ sinh tại nhiều nước phương Tây, trong khi đây không phải là phương tiện cần thiết cho sự sống còn. Các nhà tâm lý học cố giải thích hành động tưởng khó như khó hiểu này. Hiện nay các cửa hàng tại Mỹ, Canada và nhiều nước phương Tây khác đã giới hạn số cuộn giấy vệ sinh được mua mỗi lần. Các siêu thị tại Anh cũng bị vét sạch.
Tình hình tệ đến nỗi lúc “cao điểm thu gom” các cửa hàng bách hoá ở Úc đã phải thuê nhân viên an ninh theo dõi những ai có hành vi gom hàng. Thậm chí một tờ báo Úc in riêng phụ bản 4 trang chuyên đề “Emergency toilet paper” (khẩn cấp giấy vệ sinh). Giấy vệ sinh không phải là thứ phải có để bảo vệ mình trước virus, nhưng tại sao nó lại cháy hàng? Nó cũng không thuộc nhóm hàng hoá tối cần thiết như sữa, gạo, bánh mì. Vậy thì tại sao khách hàng lại mua nhanh hơn số bổ sung lên quầy? Nguyên nhân đầu tiên là chúng ta thường có xu hướng giải thích một thông điệp đang bị tranh chấp theo cách cực đoan.
Nhà tâm lý trị liệu Steven Taylor, tác giả cuốn The Psychology of Pandemics (Tâm lý của các dại dịch) đã có cái nhìn vào quá khứ cách con người ứng xử và phản ứng trước đại dịch. So sánh với các đại dịch trong lịch sử, ông thấy phản ứng toàn cầu trước coronavirus mới là một trong những phản ứng lan toả nhanh nhất. “Cách con người phản ứng là có thể hiểu được, nhưng thường vượt quá giới hạn cần thiết – Taylor, hiện giảng dạy tại Đại hoc British Columbia, nhận định – Chuẩn bị không nhất thiết phải đi kèm theo hốt hoảng và tranh giành”.
Covid-19 gây lo sợ vì nó là bệnh dịch mới y học chưa biết nhiều. Vì vậy, khi nghe các thông tin mâu thuẫn nhau về khả năng bị lây nhiễm và cách phòng ngừa, việc đối phó luôn được đẩy lên cao trào với kỳ vọng bảo vệ được tốt nhất cho bản thân. “Khi con người được cảnh báo về một nguy hiểm khó lường đang đến dù cách thoát hiểm quan trọng nhất chỉ đơn giản là rửa tay, tránh đưa tay chưa rửa lên mặt và tránh tiếp xúc cự ly gần, nhiều người thích đẩy lên phạm trù cao hơn với suy nghĩ ‘rửa tay không cân xứng với mối đe doạ.
Nguy hiểm đặc biệt cần sự chuẩn bị đặc biệt’. Tâm lý này dẫn đến thu gom” – Taylor nói. Một lý do nữa là thiếu hướng dẫn kịp thời của cơ quan y tế. “Do không được cung cấp thông tin đầy đủ và sự bảo đảm từ các quan chức có thẩm quyền về nguồn cung, nhiều người sẽ tin rằng giấy vệ sinh và nước uống sẽ sớm hết. Họ nhủ thầm ‘cách tốt nhất là tự lo cho mình’. Và thế là tranh mua xảy ra. Tâm lý tiêu cực này lan rộng như lửa” – giáo sư tâm lý Baruch Fischhoff, thuộc Khoa chính sách công tại Đại học Carnegie Mellon nhận xét.
Lý do thứ ba là tác động từ những bức ảnh phát tán trên mạng xã hội cho thấy giấy vệ sinh, nước dóng chai trống rỗng tại các quầy hàng dã có tác động rất mạnh lên tâm lý người dân. Họ tin việc thiếu nguồn cung là có thật. “Con người có khuynh hướng xem cách hành xử của đám đông trong một tình huống đặc biệt như một ‘thông điệp quan trọng’ và bắt chước theo.
Họ giải thích đây là điềm báo sự nguy hiểm gần kề. Đứng trong cửa hàng, thấy hiện tượng tranh mua bạn cũng sẽ tự động bị lôi vào. “Hiệu ứng nỗi sợ”, dù nỗi sợ mơ hồ đã biến thành hiện thực” – Taylor nói. Mạng xã hội là tác nhân rất mạnh tạo nên nỗi lo lắng ngay cả khi thảm hoạ chưa định hình và chưa được công bố. Các tin giả hoặc sai lan rộng với tốc độ tên bắn đẩy cường độ sợ hãi lên đỉnh cao.
Hội chứng đám đông trước nỗi sợ vô hình
Một nguyên nhân nữa là con người sinh ra đã được chuẩn bị bản năng gom vào quá những gì mình cần. “Ngoài những thứ cần thiết, chúng ta còn gom cả những thứ không cần. Tâm lý này rất đáng sợ – giáo sư Frank Farley tại Đại học Temple từng là chủ tịch Hôi tâm lý Mỹ (APA) nhận xét – Khi CDC Mỹ và các cơ quan y tế của các nước khác khuyến cáo người dân nên ít ra đường, tránh tiếp xúc gần và đến nơi đông đúc, lập tức bên trong mỗi người có tiếng thôi thúc ‘đã đến lúc chuẩn bị tích trữ những thứ cần thiết’. Chúng ta mua dư hay mua cả những thứ không dùng trong khủng hoảng. Tâm lý sống còn này luôn tồn tại từ lâu trong loài người. Tích trữ giúp chúng ta thoả mãn cảm giác đã chuẩn bị đầy đủ cho mình và gia đình. Họ hài lòng cảm khi nghĩ mình đã kiểm soát được tình hình”.
Bộ an ninh nội địa Mỹ luôn khuyên người dân Mỹ tích trữ thực phẩm, giấy vệ sinh và thuốc men cần thiết trong 2 tuần đề phòng những tình huống bất ngờ nhưng rất ít được người dân tuân theo. Nay, khi cơ quan y tế nhắc lại lời khuyên này trước nguy cơ virus, mức độ tuân thủ lại bị đẩy lên một bước cao hơn, biến thành cơn sốt thu gom! “Con người có xu hướng lo lắng thái quá trước khi nhiễm bệnh. Lo lắng khiến họ không nghĩ đến tác động xấu đến xã hội của việc gom quá nhiều cho mình những thứ người khác cũng cần. Hậu quả là cả hỗn loạn xã hội” – Taylor nói. Khi coronavirus được nâng lên đại dịch, khắp thế giới chứng kiến cơn sốt đổ dồn về các siêu thị và khu mua sắm. Nhưng hành động này đơn giản là chuẩn bị hay là biểu hiện của sự hốt hoảng? Các nhà khoa học đi tìm câu trả lời.
Kristina Moy thuộc số nạn nhân của cơn sốt tranh mua. Cô đến môt siêu thị ở thành phố Seattle, bang Washington (Mỹ) để mua những thứ cần thiết cho tuần sau và cho trận đấu bóng chày tại trường của con trai và bị kẹt trong sự chờ đợi kéo dài đến 3 tiếng! Hàng trăm người xếp hàng dài trước siêu thị sau khi nghe thống đốc bang Washington Jay Inslee công bố tình trạng khẩn cấp sau cái chết đầu tiên tại bang vì Covid-19.
“Thoạt đầu số bình tĩnh đông hơn, nhưng dần dần số hoảng hoảng đông hơn vì ‘hiệu ứng nỗi sợ’ do không biết chính xác phải làm gì – Moy nói và đưa hình ảnh dòng người xếp hàng dài lên Twitter – Giấy toilet, nước đóng chai và sữa nhanh chóng biến khỏi kệ. Hàng tồn kho không thể bổ sung”. Tại Singapore, mì gói và gạo bị vét nhanh đến nỗi Thủ tướng Lee Hsien Loong phải khẳng định là không hề thiếu. tại Auckland, New Zealand, doanh thu tại các siêu thị tăng mạnh. Những người mua sắm giúp tăng doanh số dung dịch rửa tay lên 800%.
Tâm lý thu gom xảy ra khi chúng ta cảm thấy sắp mất đi một cơ hội nào đó liên quan đến sống còn nếu chậm trễ. Mua trong sự hốt hoảng đã đẩy giá lên cao và lấy mất những thứ cần thiết ra khỏi tầm với của những người cần đến chúng nhất. Ví dụ khẩu trang cho nhân viên y tế. Các chuyên viên tâm lý xem hành động tranh mua là hệ quả của một nỗi sợ vô hình khi nhiều người tin rằng phải có phản ứng khẩn cấp trước một tình huống khẩn cấp mới tương xứng.
- Xem thêm: Đại dịch Covid-19 và cơ hội thay đổi
“Khi giá giấy toilet bị đẩy lên gấp 3 sẽ tạo ra tâm lý hoảng loạn về sản phẩm này. Thấy người khác chạy đến xuống cứu hộ trên con tàu Titanic, bạn cũng chạy theo bản năng dù không biết chắc tàu có chìm hay không. Đây là ‘hội chứng đám đông’. Chuẩn bi đối phó với một cuộc khủng hoảng khác hoàn toàn với hoảng hốt tranh mua. Một bên diễn ra trong tình trạng bình thường và không gây ra hậu quả gì và một bên diễn ra trong sự bất an mơ hồ với hậu quả khó lường” – Taylor nói. Do Covid-19, một bịch khẩu trang 20 chiếc được đẩy lên hơn 100 USD trên các trang web mua bán như eBay và Etsy. Các công ty và quản lý thị trường đau đầu chống đầu cơ. Ví dụ, Amazon đã loại bỏ nhửng quảng cáo đẩy giá lên quá cao và thông tin giả. Hai công ty dược Anh Boots và LloydsPharmacy không cho người mua quá 2 chai nước rửa tay một lần.
Vai trò của chính quyền
Mua hoảng loạn có những hậu quả tiêu cực. Nó thường đến khi sắp xảy ra những thảm họa thiên nhiên như bão, lụt. “Chuẩn bị trước là điều hợp lý nhưng hốt hoảng thu gom lại là sự vô lý. Không hợp lý chút nào nếu chúng ta mua đến 500 hộp đậu để đề phòng bị cách ly trong 2 tuần. Hành động này sẽ tạo ra khan hiếm giả tạo, theo kiểu ‘kẻ ăn không hết, người lần không ra’- David Savage, trợ giảng về tác phong và kinh tế vi mô tại Đại học Newcastle ở Úc từng có bài biết về hành vi của con người lúc xảy ra khủng hoảng nói.
Ông nhắc lại cơn bão lốc Harvey tấn công thành phố Houston nhiều dầu hoả của bang Texas năm 2017. Các nhà máy lọc dầu tạm ngưng hoạt động, cung cấp dầu cũng tạm ngưng để phòng ngập lụt đã biến thành cơn hoảng loạn đổ dồn về các trạm xăng đầy giá dầu lên cao trong 2 năm. Chính phủ nhiều quốc gia khuyên người dân nên dành khẩu trang y tế cho nhân viên y tế thay vì mua gom. “Khi TQ, công xưởng sản xuất trang thiết bị y tế và vệ sinh cấp thấp cho thế giới bị trì trệ hoặc ngưng sản xuất do coronavirus, hoảng loạn tranh mua sẽ lan sang các nước khác” – Ben Oppenheim, giám đốc công ty nghiên cứu bệnh lây Metabiota tại San Francisco nói.
Chúng ta đã chứng kiến nhiều vụ tranh mua trong lịch sử. Ví dụ năm 1962 trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba lúc chiến tranh hạt nhân có nguy cơ xảy ra, nhiều gia đình Mỹ cấp tập tích trữ đồ hộp và nước uống với hy vọng sống sót. Rồi đến thời điểm chuyển giao thiên niên kỷ thứ 3 năm 2000, nỗi sợ thảm hoạ hỗn loạn thị trường và sự cố bắn tên lửa sẽ xảy ra do sự cố khi tất cả đồng hồ máy tính quay về số 00 cũng dẫn đến hành dộng tương tự khiến Ngân khố Mỹ phải in thêm 50 tỉ USD trước ngày 1-1-2000 vì lo lượng người rút tiền mặt tăng cao.
Trong một nghiên cứu năm 2010, giáo sư Owen Kulemeka thuộc Đại hoc Illinois viết: “Hoảng sợ và các hành vi chống xã hội xảy ra trong khủng hoảng có khi là kết quả của việc thiếu hay không có thông tin chính xác về mức độ thảm hoạ và về kho dư trữ”. Suy nghĩ chủ quan nghĩ là bảo, lụt sẽ không xảy ra đã dẫn dến việc dẫm đạp lên nhau để tranh mua vào phút cuối cùng.
Giáo sư tâm lý Helene Joffe giảng dạy tại University College London nói: “Trước một mối đe doạ không biết, nhiều người phản ứng theo những gì họ từng chứng kiến trong quá khứ. Họ nhớ lại dịch SARS năm 2003 có ít người nhiễm hơn cúm mùa nhưng tỉ lệ tử vong cao hơn nhiều để biện minh cho phản ứng của mình. Nếu chính quyền quan tâm đúng mức đến sự sợ hãi của công chúng và mối bất an thì hoàn toàn có thể làm giảm cơn hốt hoảng và tranh mua. Chính quyền có thể quản lý mối lo âu của công chúng để không biến chúng thành cơn hoảng loạn thu gom”. Còn lời khuyên của Moy là: “Hãy chờ cơn sốt tranh mua lắng xuống bạn mới đến cửa hàng. Nếu vẫn lo lắng, hãy đặt hàng qua Amazon và chờ đợi. Hàng sẽ đến chậm một chút nhưng không bao giờ thiếu”.