Thật ra, cuộc triển lãm có tên “Bắt tay thêm lần nữa” (*) có sự tham dự của ba họa sĩ Việt Nam đều đang sống tại Khánh Hòa là Lê Trí, Lê Văn Duy và Bùi Văn Quang; song sự góp mặt của họ mang tính hữu nghị nhiều hơn và sân khấu chính là của 12 họa sĩ đến từ nước Nga xa xôi với gần trăm bức tranh. Khá nhiều các họa sĩ Nga tại triển lãm này còn trẻ, sinh ra và lớn lên ở vùng Viễn Đông, Siberia của nước Nga.Dễ nhận thấy tính chất hàn lâm trong các sáng tác của họ. Làm chủ kỹ thuật sơn dầu, vững vàng về hình họa, tranh của họ phần lớn tập trung vào các đề tài giản dị, mang hơi thở cuộc sống thường nhật nhưng làm rung động lòng người. Có thể những dây liên hệ từ nhiều năm qua với nước Nga qua nhiều kênh: văn học, điện ảnh, âm nhạc, múa… và nhiều lĩnh vực khác nữa khiến người xem dễ dàng cảm nhận được bầu khí quyển tạo hình mà các họa sĩ Nga mang lại, song trước hết là từ tay nghề cao của họ, từ năng lực nghệ thuật của chính họ.
Gây ấn tượng mạnh với người xem trước hết hẳn là mảng tranh phong cảnh và tĩnh vật.Có thể nói xem tranh phong cảnh của các họa sĩ Nga hôm nay không khỏi liên tưởng đến các tác phẩm của Isaac Levitan, Ivan Shishkin – các bậc thầy tranh phong cảnh Nga. Truyền thống Nga về tranh phong cảnh được lưu dấu trong tác phẩm của Evgeny Pikhtovnikov (Khu vườn cổ, Thuyền, Ngày đầu tiên tuyết rơi, Mùa xuân ở Malorka, Buổi tối, Hương cỏ tháng Bảy…), Oleg Podskochin (Làng quê Nga, Mùa đông ở Sungary…), Sergey Forostovsky (Ngủ đông, Nhà thờ Harbin…), Olga Nikitchik (Mùa đông ở Nga), Evgeny Tkachenko (Thành Rostov vĩ đại)… Người ta có thể chưa từng đặt chân đến nước Nga nhưng vẫn thấy thật quen thuộc với những nóc nhà thờ Chính thống giáo, với những cây bạch dương, những nếp nhà gỗ trong rừng… và tuyết mùa đông. Các họa sĩ Nga cũng cho thấy họ vẽ tranh tĩnh vật điêu luyện như thế nào.Những khóm hoa rực rỡ như đang run rẩy trước gió.Những đồ vật vô tri mà ấm áp tình cảm.Những tranh tĩnh vật của Marina Pikhtovnikova (Tĩnh vật mùa thu, Mùa xuân, Hoa kalina đỏ…), Masha Kholmogorova (Tĩnh vật và bí ngô) là tiêu biểu cho thể loại hội họa này.
Những mảng đề tài khác của các họa sĩ Nga cũng thật đáng xem.Vẽ người chân thật như Evgheny Makeev (Masha và Taisia) hoặc Olga Nikitchik (Dây buộc tóc vàng, Mưa trong vườn, Valentinka). Hài hước như Anna Segoleva (Điều bí mật, Khu nghỉ dưỡng, Câu cá) hay diễu nhại, báng bổ như Evgeny Tkachenko (Chứng mất ngủ, Tình yêu của Petya và Masha). Đậm nét đồng thoại, cổ tích như Lidia Kozmina (Tạm biệt mùa đông, Ngôi nhà búp bê)…
Theo họa sĩ Hứa Thanh Bình, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật thì chẳng cần đao to búa lớn, các họa sĩ Nga tại triển lãm này chứng minh một điều: họ chỉ vẽ những gì thật đơn giản chung quanh cuộc sống nhưng với sự thể hiện như thế đã khiến “Bắt tay thêm lần nữa” trở thành một phòng tranh rất đáng chú ý.
(*) Đây là triển lãm tiếp nối của chương trình triển lãm mỹ thuật có chung tựa đề “Bắt tay” (Handshake) của các họa sĩ Nga và Việt Nam, lần trước được tổ chức tại Nha Trang vào tháng 3-2012. Triển lãm được Quỹ tài trợ vùng Viễn Đông Nga và Trung tâm Nga tại TP.Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.
- Như Hoa