Đồng tiền nối liền khúc ruột đã trở thành câu nói đầu môi, nhất là khi đồng tiền ấy lại là tiền lương, đặc biệt là ở nước ta với đồng lương không đủ sống nếu tính theo mức bình quân thu nhập của người lao động.
Hồi giữa năm 2011, Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc đã thực hiện một cuộc điều tra mà đối tượng là công chức đã có 10 năm làm việc cho Nhà nước, kết quả là một gia đình có hai con (theo khuyến khích của chính phủ) thì 75% cho biết lương của họ không đủ sống. Thế là anh công chức phải “chân ngoài dài hơn trong”, thậm chí nhận hối lộ, đút lót, để bảo đảm chi tiêu tối thiểu cho gia đình. Sir Charlie Chaplin, diễn viên điện ảnh nổi tiếng của mọi thời đại khi có người hỏi về giá trị của đồng tiền, ông đã không ngần ngại trả lời: “Với tôi, giá trị lớn nhất của đồng tiền là giúp ta không bận tâm về nó”.
Hiểu theo cách đơn giản thì hầu hết người ăn lương nhà nước của chúng ta chưa bao giờ có được cái cảm giác đó, mặc dù năm nào cũng vậy, việc cải cách tiền lương thường xuyên được thực hiện. Tại sao vậy? Đơn giản, lương điều chỉnh tính theo lương cơ bản là đồng lương không đủ sống, phi thực tế, trong khi vật giá thì ngày càng leo thang. Đó chính là lý do hằng năm ngân sách quốc gia đã phải chi ra hàng chục ngàn tỉ đồng để cải cách tiền lương, vậy mà chất lượng cán bộ công chức không hề được nâng cao, bộ máy hành chính vẫn trì trệ. Nói chung đây là một sự chữa cháy thuộc loại phí phạm, tính mục đích của cải cách tiền lương không hề đạt được.
Vào giữa tuần qua, nhân kỳ họp thường niên, Quốc hội lại đem mổ xẻ vấn đề này và đã thông qua phương án tăng lương trong năm 2015 cho khu vực hưởng lương nhà nước theo đề xuất của Bộ Tài chính.
Chính phủ kiến nghị sử dụng một phần tăng thu ngân sách nhà nước chuyển sang năm 2015 để tăng lương với kinh phí 10.000 tỉ đồng và 1.100 tỉ từ ngân sách địa phương. Ngân sách hiện đã bội chi 226.000 tỉ đồng và phải ưu tiên cho quốc phòng, an ninh và trả nợ.
Đợt tăng lương lần này chỉ liên quan đến ba đối tượng là người có công, cán bộ hưu trí, người hưởng lương ngân sách có hệ số 2,34 trở xuống, tức tương đương 3 triệu đồng. Mức tăng dự kiến khoảng 8% lương tối thiểu, bằng mức lạm phát dự kiến, tương đương tăng khoảng 90.000 đồng/tháng. Có khoảng 6,3 triệu người được tăng lương. Chắc chắn cố gắng này của Chính phủ trong điều kiện ngân sách eo hẹp lại đang bội chi lớn nhưng sẽ không gây được sự chú ý của những người có thu nhập ngoài tiền lương, ở các vị trí công tác cao vốn lâu nay chẳng hề quan tâm đến đồng lương nhà nước được lãnh hằng tháng. Và liệu có giải quyết được gì không, hay cũng là sự chắp vá?
Đã có biết bao ý kiến của các chuyên gia trong cũng như ngoài nước đề xuất việc cải tổ tiền lương phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống người hưởng lương nhà nước, cũng như mục đích của giải pháp tiền lương là tăng tính hiệu quả của bộ máy hành chính trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn.
Trước hết cũng cần nói qua về gánh nặng của ngân sách mà 72% được dành cho chi thường xuyên trong đó nhiều nhất là đồng lương để vận hành bộ máy nhà nước. Ngoài ra ngân sách cũng đang gánh trên đôi vai gầy của mình quá nhiều chi phí cho các cơ quan, đoàn thể khác mà theo Tổng cục Thống kê, có khoảng 34.000 các tổ chức như vậy.
Theo Bộ Tài chính, nước ta có khoảng 8 triệu người đang hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách. Vậy để có nguồn tiền tăng lương cho người công chức thì phải giảm số người hưởng lương bằng cách tinh giản bộ máy. Cách đây không lâu, Bộ Nội vụ từng đề xuất giảm 100.000 người thuộc biên chế nhà nước nhưng không đưa ra được các chi tiết thuyết phục nên rồi cũng là chuyện nghe qua rồi… bỏ. Đó là chưa kể bộ này sẽ làm dự thảo đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Thật không có gì vô lý hơn khi đây là chuyện thuộc chức năng Chính phủ.
Bộ máy hành chính của chúng ta quá cồng kềnh. Ở nước ngoài, người ta chỉ có một chính quyền, công chức, viên chức chỉ trong một hệ thống, trong khi ở nước ta tình trạng quản lý song trùng phổ biến, nhiều hệ thống chồng chéo lên nhau.
Ngoài chính quyền còn có bộ máy cán bộ Đảng, Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân… Đó là chưa kể những hội khác tuy không quan trọng bằng và không có bộ máy lớn nhưng vẫn ăn lương nhà nước như Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật, Liên hiệp các hội Văn hóa Nghệ thuật, Hội Nhà văn, Hội Nhà báo…
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, người lao động trong các trường công, bệnh viện công, báo chí, nhà xuất bản, doanh nghiệp nhà nước… cũng được xem là cán bộ, viên chức nhà nước. Có thể nói rằng con số người ăn lương nhà nước quá lớn.
Một thực trạng nữa ở nước ta là cơ quan, đơn vị sự nghiệp nhà nước tuyển người thường không xuất phát từ vị trí việc làm. Lẽ ra phải quy định được các việc phải làm của mỗi cơ quan, đơn vị, rồi trên cơ sở đó mới tuyển người làm từng việc, chứ không phải tuyển người trước rồi mới tính việc sau như lâu nay.
Trong thực tế, việc giảm biên chế quả thật là gian nan, chủ yếu do tâm lý xem ngân sách là bầu sữa, hoặc một cái bánh cần được chia đều. Ở từng cơ quan, đơn vị, khi bàn đến việc giảm người thì câu hỏi đặt ra là ai sẽ bị loại khỏi bộ máy.
Nhưng đưa một người ra khỏi biên chế không hề đơn giản, bởi vì thủ tục để cho một người nghỉ việc rất phức tạp và rồi thủ trưởng cơ quan, đơn vị dễ chuốc lấy cái rủi ro kiện cáo lôi thôi, nên không ai dám mạnh dạn chịu trách nhiệm, nhất là đối với các loại con ông cháu cha.
Với một bộ máy cồng kềnh nhiều tổ chức bám vào ngân sách nhà nước như hiện nay thì việc có chính sách khuyến khích các tổ chức đoàn thể, các tổ chức xã hội tự lo lấy kinh phí hoạt động là rất cần thiết. Nhưng điều này lại liên quan đến các quy định lập hội và các tổ chức xã hội công dân vốn là vấn đề nhạy cảm. Đã có lúc Quốc hội bàn về vấn đề này nhưng không thông qua được đành phải xếp lại.
Tất nhiên giảm biên chế nhà nước không đồng nghĩa với việc “đem con bỏ chợ” hay tạo ra một đội quân thất nghiệp như nhiều người lo ngại, mà cần quan niệm rằng xã hội là một gia đình lớn ở đó có sự phân công hợp lý, để cùng góp sức cho cuộc sống ngày hôm nay khá hơn ngày hôm qua và ngày mai khá hơn ngày hôm nay bằng nhiều biện pháp.
Đối với người hưu trí, có chế độ khuyến khích lãnh tiền nghỉ việc một lần để đem khoản tiền lớn tham gia các quỹ đầu tư. Cách đây gần 20 năm cũng có một đề xuất như vậy nhưng không xúc tiến được do nhiều người không dám chấp nhận rủi ro, còn bây giờ có nhiều kênh đầu tư hơn để chọn lựa.
Việc cho ra đời nhiều công ty dịch vụ cũng là một lối ra. Kinh nghiệm các công ty bảo vệ mấy năm nay tạo việc làm cho những người muốn ra khỏi biên chế sớm, vừa giải quyết nhu cầu cá nhân, vừa giảm chi phí cho các doanh nghiệp và cả cơ quan nhà nước không phải duy trì một đội bảo vệ tốn kém và phức tạp trong quản lý. Tương tự như vậy, các công ty dịch vụ vệ sinh tư nhân được thành lập cũng giúp các cơ quan trường học, bệnh viện giải quyết yêu cầu tinh giản bộ máy. Có thể nói ngành dịch vụ ngày càng phát triển đa dạng sẽ giúp nhiều người vừa ra khỏi biên chế có thể kiếm việc làm.
Sự xuất hiện ngày càng nhiều các tổ chức xã hội công dân cũng tiếp sức cho chính phủ trong các hoạt động thiện nguyện, đó là cách huy động tiền bạc từ xã hội để làm những việc công ích giúp nhà nước giảm bớt chi tiêu ngân sách, để dành tiền tăng quỹ lương. Chẳng hạn như tại TP.HCM, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo đã huy động được gần cả ngàn tỉ đồng từ lòng tốt của nhiều người trong xã hội, cũng giúp các cơ quan chính quyền giải quyết lắm yêu cầu bức bách về y tế, xã hội. Những việc làm có hiệu quả như vậy sẽ giúp xóa bỏấn tượng thiếu thiện cảm đối với các tổ chức xã hội công dân hoạt động nhiều lĩnh vực khác nhau như các Quỹ phát triển giáo dục, Quỹ từ thiện về y tế, xã hội trong khuôn khổ luật pháp. Đây cũng chính là cách tạo điều kiện cho người dân góp phần làm giảm bớt gánh nặng ngân sách.
Đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho con người và cho phát triển. Việc đầu tư cho con người phải song song với việc cải thiện đời sống cho cán bộ. Lộ trình cải cách tiền lương đã được đặt ra, nhưng suốt giai đoạn 2006-2010 dù lương được điều chỉnh bốn lần và ba lần trong giai đoạn 2011-2013, nhưng nhu cầu sống tối thiểu của cán bộ vẫn không đáp ứng được. Tăng lương cho đối tượng CBCNV là một trong những mục tiêu chi ưu tiên hàng đầu nhưng phải đi đôi với tái cơ cấu nhân lực mà cụ thể là giảm số người ăn lương ngân sách qua các chủ trương mở rộng không gian kinh doanh, điều gì nhà nước không cần làm thì nên mạnh dạn giao cho tư nhân, cho xã hội.
Phạm Thành Sơn