Tất nhiên người học ngành vật lý thì cần đọc sách vật lý, vì điều đó có lợi cho việc học của anh ta, nhưng theo tôi như vậy cũng không thể coi người sinh viên đó là đã có văn hóa đọc. Anh ta đọc vì một mục đích thực dụng, đọc để đi thi, và như thế thì không thể nói là có văn hóa đọc. Tôi nói điều này và mong được tranh luận: Bản chất của văn hóa là vô vị lợi.
Đọc sách như một nhu cầu tự nhiên
Tất nhiên các hoạt động văn hóa có thể làm ra tiền. Việc đó là chính đáng, là cần thiết. Văn hóa có thể là một ngành kinh tế lớn của đất nước. Nhưng điều đó hoàn toàn không mâu thuẫn gì với việc bản chất của văn hóa là vô vị lợi. Văn hóa trước hết là nhu cầu sống thiết yếu của con người. Đó chính là phần người trong con người. Sáng tác nhạc có thể đem lại tiền cho nhạc sĩ. Âm nhạc có thể là một ngành kinh doanh lớn, nhưng đối với người sáng tác nhạc thì đó trước hết là một nhu cầu tự thân. Họ sáng tác vì một thôi thúc hoàn toàn vô tư từ bên trong. Họ nhất thiết phải thổ lộ ra, không thổ lộ ra được bằng cách ấy thì cũng giống hệt như người bị ngạt thở, sẽ không sống được. Tất cả những hệ quả khác tự nó sẽ đến sau…
Theo tôi, đọc sách cũng vậy. Đọc sách trước hết không phải là để “học” lấy một cái gì ở trong đó. Nếu vậy thì khi không có nhu cầu học một cái gì đó, người ta sẽ không đọc nữa. Đọc sách như vậy sẽ không bao giờ tạo được văn hóa đọc. Văn hóa đọc chỉ có được khi người ta đọc sách hoàn toàn vô vị lợi. Cái lợi có thể có khi đọc một cuốn sách sẽ đến sau chứ không phải vì muốn tìm một cái lợi nào đó mà người ta đọc sách. Văn hóa trước hết là thú vui có tính người của con người. Đọc sách là thú vui của con người có văn hóa. Người ta đọc sách vì đó là việc rất vui, hơn nữa họ cần sách một cách hết sức tự nhiên, không có sách thì như không được thở vậy.
Có lẽ chúng ta chưa thay đổi được tình hình văn hóa đọc, chính một phần – tôi nói điều này nghe có thể có vẻ nghịch lý – chính một phần vì vừa qua chúng ta chỉ tập trung nói nhiều về những lợi ích của việc đọc sách. Vậy nếu người ta không còn cần những lợi ích đó nữa thì sao? Cũng giống như việc ăn vậy, người ta ăn không phải vì nghĩ rằng phải ăn để cho bổ cái này cái kia, người ta ăn chỉ vì… thấy đói, thế thôi. Chuyện bổ gì là chuyện tự nó đến sau. Khi con người thấy đói sách thì không chịu được, khi đó mới thật sự có văn hóa đọc. Chúng ta đã từng có những thời kỳ có được điều tốt đẹp và quý giá đó, ít ra là trong một bộ phận không nhỏ của xã hội, nhưng rồi chúng ta đã đánh mất nó đi. Chúng ta đã sa xuống một xã hội thực dụng. Một xã hội như vậy không cần đến sách, đến văn hóa đọc là điều tất nhiên. Vậy vấn đề bây giờ là làm thế nào để khôi phục lại nhu cầu đọc tự nhiên, hồn nhiên, vô tư, vô vị lợi của con người?
Văn hóa đọc bắt đầu từ gia đình và nhà trường
Những nhu cầu tự nhiên, hồn nhiên, gần như có tính “bản năng” như vậy, ngẫm lại mà xem, phải được hình thành từ bé. Vì vậy theo tôi, trước hết là phải hình thành từ trong tế bào cơ bản đầu tiên của con người là gia đình. Ở Phần Lan, khi một đứa bé ra đời thì bạn bè, người thân của gia đình đem đến tặng bé không phải hoa hay bánh trái, quần áo… mà là một cái lẵng đẹp đựng đầy sách. Ở đất nước này, người ta không thể quan niệm gia đình, không thể quan niệm con người mà không có sách. Gia đình đối với đứa bé vừa ra đời gồm có cha mẹ, anh chị em, những người thân, cộng với sách. Đứa bé vừa ra đời đã được đưa vào một thế giới trong đó sách là một thành phần khắng khít, thiết yếu. Sách là người thân trong gia đình… Chúng ta có thể du nhập phong tục đẹp này vào xã hội ta không? Tôi nghĩ là hoàn toàn có thể. Tôi nhớ hồi còn nhỏ tôi còn được thấy những cuốn sách chữ nho mà người ta nhỡ tay để xuống chỗ vẫn đặt đít ngồi, liền được xuýt xoa nâng lên đặt trên đầu. Thời ấy ở ta người ta từng coi con chữ, coi sách là thứ thiêng liêng như vậy đấy. Đó là một trong những mỹ tục tuyệt vời mà chúng ta đã đánh mất, và là một tổn thất văn hóa.
Theo tôi, một trong những đối tượng vận động quan trọng hàng đầu trong phong trào của chúng ta là gia đình. Không bắt đầu từ gia đình thì sẽ rất khó có thói quen đọc sách cho con người suốt đời. Nên nghĩ cách đến với các bậc cha mẹ, và hãy làm mọi cách để các bậc cha mẹ hiểu rằng gia sản lớn nhất họ có thể để lại cho con cái là thói quen đó. Hãy vận động sao cho trong mỗi gia đình, đọc sách là mục không thể thiếu trong hoạt động thường ngày, như ăn, như uống, như tắm rửa vậy. Và bớt xem tivi đi! Hãy tạo dư luận coi những gia đình suốt ngày cắm mũi vào tivi là những gia đình chưa văn hóa!…
Nhà nghiên cứu Bùi VănNamSơn kể rằng trong kháng chiến chống Pháp, gia đình ông phải chạy tản cư hết sức vất vả nguy hiểm. Vậy mà suốt chín năm lang thang, mất hết bao nhiêu của cải, ngày trở về Hội An, cha ông vẫn còn giữ nguyên được cho các con toàn bộ tủ sách gia đình. Chính tủ sách ấy đã đưa ông vào con đường trở thành nhà nghiên cứu triết học uyên bác như ngày nay. Ba tôi cũng tản cư vất vả suốt chín năm như vậy, và cũng giữ được cho anh chị em chúng tôi toàn bộ tủ sách gia đình. Chúng ta đã từng có một thời kỳ rất anh hùng về văn hóa như vậy, những người cha mẹ anh hùng về văn hóa như vậy. Cách làm thiết thực nào để khôi phục lại được nếp sống gia đình tuyệt đẹp đó? Chúng ta có thể tổ chức những cuộc bàn luận với các bậc cha mẹ, các gia đình về điều này, xem có khó khăn gì, giải quyết cách nào, có thể cam kết cùng nhau không, và thường xuyên theo rõi, rút kinh nghiệm…
Đối tượng vận động quan trọng thứ hai là nhà trường. Với cách dạy văn trong nhà trường như hiện nay trẻ em không ngán văn chương, chữ nghĩa mới là lạ. Có thể nói môn học bị chính trị hóa nặng nề nhất là môn văn. Học chính trị cũng cần nhưng đó là một môn học khác. Môn văn có nội dung và mục đích hoàn toàn khác. Một trong những mục đích đó là làm cho người ta yêu ngôn từ, hiểu sức mạnh và vẻ đẹp không thể so sánh được của ngôn từ, mê ngôn từ. Không yêu ngôn từ thì không thể yêu sách. Nhà trường, tiếp sau và cùng với gia đình, là nơi đưa đứa bé, người học vào thế giới sách, thế giới ngôn từ, để họ sẽ được hạnh phúc ở trong đó suốt đời.
Nhân đây tôi cũng xin nói một điều cụ thể này: Tôi không thấy trong chương trình của nhà trường hiện nay, kể cả trường đại học, có những cuốn sách bắt buộc học sinh, sinh viên phải đọc toàn bộ, chỉ thấy dạy những đoạn trích. Thế hệ chúng tôi phải đọc ngay ở trường trọn vẹn một số tác phẩm được coi là tuyệt tác và tôi cho đó là điều may mắn lớn. Những tác phẩm kinh điển bắt buộc phải đọc ấy tạo cho ta tình yêu và nhận thức sâu xa sẽ đi theo ta suốt đời về tính chất thiêng liêng không gì thay thế được của sách.
Trong cải cách giáo dục mà xã hội đang cấp thiết đòi hỏi, cải cách dạy văn ở trường là một trong những yêu cầu hàng đầu, nó liên quan trực tiếp đến triết lý giáo dục nhất thiết phải thay đổi.
Nguyên Ngọc