Nước mắm là loại thực phẩm hầu hết mọi gia đình Việt đều sử dụng trong bữa ăn hằng ngày. Thế nhưng, trên thực tế, rất ít người mua được nước mắm đúng nghĩa. Sự xuất hiện của các sản phẩm nước mắm công nghiệp, nước chấm pha chế sử dụng phụ gia thực phẩm nhưng vẫn dán nhãn “nước mắm” đang khiến người tiêu dùng nhầm lẫn. Trong khi đó, các sản phẩm nước mắm truyền thống đang bị thu hẹp kinh doanh do không thể cạnh tranh về giá với sản phẩm công nghiệp. Theo nhiều chuyên gia, đã đến lúc các cơ quan quản lý cần đưa ra quy chuẩn rõ ràng để người dân phân biệt, đồng thời trả lại tên gọi đúng nghĩa cho các sản phẩm nước mắm.
Dạo một vòng quanh siêu thị hoặc các khu chợ, dễ thấy hàng nước mắm hiện nay đa dạng các thương hiệu và chủng loại, từ nước mắm cá cơm, cá thu, cá hồi… Người tiêu dùng dù thông minh đến mấy cũng không khỏi hoang mang, bối rối. Ai tinh ý, đọc kỹ thành phần sẽ biết đa số các sản phẩm đều là nước mắm công nghiệp, gồm nước, tinh chất cá, đường, muối, chất điều vị, chất bảo quản, chất tạo ngọt tổng hợp… Thế nhưng, nhiều người vẫn sẽ mua nhầm, bởi nhiều sản phẩm công nghiệp hiện nay vẫn được dán nhãn là nước mắm truyền thống từ các vùng nước mắm nổi tiếng như Phú Quốc, Nha Trang, Phan Thiết…
Theo các chuyên gia, tên gọi nước mắm được gắn lên các sản phẩm nước mắm công nghiệp, pha chế hiện nay không đúng với định nghĩa về sản phẩm nước mắm theo quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam năm 2012 về nước mắm. Thống kê của Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc chỉ ra rằng, chỉ có khoảng 20% sản lượng nước mắm của các thành viên hiệp hội sản xuất ra được đóng chai, bán đúng với thương hiệu và chỉ dẫn địa lý “nước mắm Phú Quốc”, 80% còn lại được bán lại cho các công ty khác để họ tự pha chế và tiêu thụ. Bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch hiệp hội cho biết, do tên gọi nước mắm rất chung chung, không theo chuẩn mực nào nên người tiêu dùng nhầm lẫn giữa nước mắm sản xuất công nghiệp và nước mắm sản xuất truyền thống. Bà đề xuất Nhà nước nên quy định chặt chẽ về tên gọi, đặc biệt, các sản phẩm chỉ được gọi là nước mắm khi sản xuất theo cách truyền thống tự nhiên với cá và nước.
Trước thực trạng này, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TP.HCM, cho rằng để tránh gây nhầm lẫn cho người dùng và bảo vệ các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống, cần quy định rõ việc ghi thông tin trên nhãn mác. Các sản phẩm sản xuất công nghiệp phải ghi rõ “phương pháp sản xuất công nghiệp”, sản phẩm nước mắm pha chế phải ghi rõ sản xuất theo “phương pháp pha chế” và chỉ được dán nhãn là “nước chấm”, đồng thời, cần làm rõ nguồn gốc xuất xứ (châu Âu, Trung Quốc…) của các chất phụ gia, vì nước mắm công nghiệp hoặc pha chế có rất nhiều chất bảo quản, chất điều vị, chất màu, nước, muối…
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, với thói quen sử dụng nước chấm trong các món ăn hằng ngày, người Việt đang sử dụng lượng muối nhiều hơn 2-3 lần so với các khuyến cáo về sức khỏe, trong đó, muối từ nước mắm, nước chấm chiếm một phần đáng kể. Để giảm thiểu tình trạng này, nên chọn sản phẩm có thành phần tự nhiên, ít các hóa chất thay vì các sản phẩm nước chấm công nghiệp. Sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan quản lý nhà nước về việc đặt tên các loại nước mắm, nước chấm sẽ giúp người dùng có lựa chọn đúng đắn cho mình.
Mộc Lan (DNSGCT)