Với dải đất miền Trung ngày càng phải đối mặt với bất thường và khắc nghiệt của bão lũ, những giải pháp ứng phó theo kiểu truyền thống có thể sẽ không còn phù hợp nữa. Thay vào đó, miền Trung cần một cách tiếp cận mới để có thể ứng xử một cách linh hoạt trước thiên tai.
Đó là quan điểm của PGS-TS Trần Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Động lực học thủy khí môi trường (Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), nơi thực hiện rất nhiều dự án nghiên cứu và tư vấn trong lĩnh vực khí tượng, thủy văn cho các tỉnh miền Trung trong nhiều năm qua.
____Theo ông, việc phòng chống lũ ở miền Trung có những đặc điểm gì khác những khu vực khác?
Miền Trung là vùng đất nơi chịu rất nhiều ảnh hưởng của các cơn bão, trong đó chủ yếu bão tập trung vào bốn tháng cuối năm, từ tháng 9 đến tháng 12 và trung bình có từ 0,3 đến 1,7 cơn bão/tháng.
Nét điển hình ở đây là các dòng sông có độ dốc lớn, lưu vực sông nhỏ nên khi mưa tương đối lớn thì lũ sẽ lên rất nhanh.
Địa hình miền Trung cũng phức tạp với việc phân chia thành ba khu vực khác nhau rõ rệt. Do bối cảnh thiên tai giữa các tỉnh rất khác nhau nên cơ cấu tổ chức của các cơ quan đảm trách phòng chống thiên tai được hình thành ở các tỉnh cũng khác nhau. Khi làm việc với các tỉnh miền Trung, tôi nhận thấy hiệu quả của việc phòng tránh thiên tai hết sức phụ thuộc vào điều kiện và nguồn lực địa phương.
Và có một nét nữa mà chúng ta cần chú ý là việc chống lũ ở các tỉnh miền Trung cũng khác ngoài Bắc, ví dụ như ở ngoài Bắc trông chờ rất nhiều vào đê điều nhưng trên thực tế thì ở khu vực từ Hà Tĩnh trở ra mới có đê còn từ Hà Tĩnh trở vào không có đê, chỉ có bối – những con đê nhỏ đắp vòng hai đầu nối với đê chính để bảo vệ một vùng đất nông nghiệp hoặc khu dân cư, mùa lũ có thể ngập băng nhưng đầu mùa thì có đê bối bảo vệ mùa màng.
____Ông có nhận xét gì về năng lực ứng phó với thiên tai bão lũ ở các tỉnh miền Trung?
Năng lực ứng phó khẩn cấp và tại chỗ trong mùa bão của các tỉnh đều tương đối tốt do đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm sau rất nhiều năm, tuy nhiên năng lực chuẩn bị và khắc phục hậu quả sau bão lũ thiên tai thì chưa thực sự tốt.
Trước hết, năng lực chuẩn bị phụ thuộc vào năng lực con người, tài chính và thiết bị kỹ thuật. Điểm này thực sự khó khăn với các địa phương. Thông thường thiết bị kĩ thuật có thể mua nhưng con người có năng lực sử dụng nó không ở lại địa phương trong khi các thiết bị dự báo cảnh báo cần phải được sử dụng hằng ngày và chi tiết hóa thông tin thu nhận theo khu vực…
Một phần nguyên nhân là đầu tư của địa phương cho những người như vậy còn chưa đủ bởi trong vô vàn điều cấp thiết ở địa phương thì cái cấp thiết này còn mờ nhạt. Vì vậy địa phương có thể lập được trung tâm phòng chống thiên tai nhưng xin một hai biên chế cho trung tâm đó rất khó, đấy còn chưa kể người ở vị trí đó có đủ năng lực hay không vì người được đào tạo tốt thì đi hết.
Điều quan trọng nhất là các tỉnh không biết trước được nguy cơ rủi ro có thể đến, ta không có kế hoạch trước 5 năm về nó trong khi các quốc gia như Nhật Bản hay Trung Quốc họ có một cơ chế riêng cho việc như thế này…
Vai trò của dự báo rất quan trọng bởi nếu biết trước được thì ứng xử của chúng ta trước bão lũ sẽ khác đi, thiệt hại cũng sẽ bớt đi. Nhưng chỉ có được điều này nếu chúng ta có được các trạm đo được vận hành tốt, nếu không thì chịu. Ai cũng biết một đồng đầu tư vào phòng chống thiên tai sẽ giúp giảm bớt thất thoát do rủi ro 10 đồng nhưng điều này không rõ ràng trên “giấy trắng mực đen”…
Thứ hai là năng lực khắc phục hậu quả sau bão lũ chưa tốt do chưa có một cơ chế phù hợp cho địa phương có thể làm việc này, ví dụ trong trường hợp có một cái đê hay cái cầu bị trôi thì làm cách nào để chúng ta xây dựng lại nó? Các địa phương rất lúng túng trong chuyện này vì các công trình quy mô nhỏ, không đòi hỏi quá nhiều kinh phí thì có thể trích từ quỹ phòng chống thiên tai nhưng với công trình lớn như làm lại cầu hết hàng trăm tỉ thì thường phải dùng ngân sách dài hạn. Nếu vượt quá một con số kinh phí nào đó thì phải chờ trung ương phê duyệt mà việc phê duyệt đó phụ thuộc vào luật đầu tư công…
Điều quan trọng nhất là các tỉnh không biết trước được nguy cơ rủi ro có thể đến, ta không có kế hoạch trước 5 năm về nó trong khi các quốc gia như Nhật Bản hay Trung Quốc họ có một cơ chế riêng cho việc như thế này… Thực ra chu kỳ chuẩn bị của chúng ta rất ngắn, nếu qua trên 6 tháng không kịp chuẩn bị thì lại chuẩn bị bước sang chu kỳ mới mà về nguyên tắc thì khắc phục hậu quả mùa trước sẽ chuẩn bị tốt cho mùa sau.
____Trong bối cảnh này, có thể có những giải pháp nào giúp miền Trung vượt qua khó khăn để giảm thiểu thiệt hại mùa lũ?
Tôi cho rằng giữa rất nhiều giải pháp kết hợp kinh nghiệm bản địa và kinh nghiệm quốc tế thì gần đây có một giải pháp khá hiệu quả là mô hình quản lý lũ tổng hợp do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) giới thiệu và bắt đầu áp dụng thử nghiệm tại một số địa phương ở Việt Nam.
So với cách quản lý lũ theo cách truyền thống mà chúng ta vẫn thường áp dụng chỉ tập trung vào việc giảm lũ và giảm mức độ thiệt hại do lũ gây ra thì quản lý lũ tổng hợp tích hợp cả quản lý đất và nước trên toàn bộ lưu vực sông, áp dụng các nguyên tắc quản lý rủi ro và thừa nhận có thể không kiểm soát lũ lụt một cách triệt để được. Do áp dụng trên cả lưu vực sông nên một kế hoạch quản lý lũ tổng hợp không chỉ hạn chế rủi ro cho một tỉnh, một địa phương mà còn không làm tăng rủi ro cho nơi khác.
- Xem thêm: Lũ đi qua, nhà ‘an toàn’ ở lại
Trong quản lý lũ tổng hợp cũng tích hợp những giải pháp tương đối mang tính cục bộ như có thể địa phương này được phép bổ sung một vài đoạn đê kè trên địa phương nhưng việc triển khai nó phải được tính toán là không làm gia tăng rủi ro cho khu vực khác; hoặc các giải pháp “truyền thống” như trồng rừng; giải pháp vận hành hồ chứa thủy điện theo thời gian thực…
Trong cuộc họp Hội đồng tư vấn KH&CN về an toàn hệ thống thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đà năm 2019, đại diện của Bộ TN&MT đã cho là việc vận hành liên hồ chứa thủy điện ở miền Trung đã có lúc gần với vận hành theo thời gian thực. Đúng vậy, tuy nhiên để đạt được tiêu chuẩn thời gian thực thì chúng ta còn cần rất nhiều yếu tố khác nữa.
Hiện tại, việc phối hợp vận hành liên hồ chứa đều áp dụng theo một cẩm nang cho trước, do đó không mang tính tối ưu. Nó khiến hành động ra quyết định của ban quản lý hồ vẫn nằm trong một phạm vi cho trước nên không có sự linh hoạt trước diễn biến thực tế. Tuy nhiên, cái khó của ban quản lý hồ là muốn có được quyết định tối ưu thì phải có thông tin tương đối đầy đủ từ các hồ chứa khác, điều không phải lúc nào cũng có trong thực tế. Hồ này muốn xả nhưng lượng nước xả và lượng nước tích sẽ còn phụ thuộc vào hồ thượng nguồn nữa. Vì vậy thiệt hại vẫn có, vẫn xảy ra.
Muốn thông suốt và thống nhất thì chúng ta phải trao đổi thông tin vận hành hồ theo hướng liên tỉnh trong khi việc quản lý hồ chứa phức tạp, có hồ tỉnh phụ trách, có hồ thuộc EVN, có hồ tư nhân… và chưa có nền tảng quy định để có nơi quản lý, điều hành liên vùng, liên tỉnh như một trung tâm vận hành thông tin chẳng hạn. Trung tâm này phải có hệ thống hạ tầng thông tin chuẩn và hệ thống mô hình tính toán chuẩn để có thể chạy được 6, 7 kịch bản khác nhau, qua đó mới chọn được phương án tối ưu.
Do đó muốn vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực thì chúng ta phải thay đổi tư duy quản lý, đây là việc khó vì nó phụ thuộc vào nhiều bộ như Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương.
____Nếu áp dụng cách tiếp cận mới là quản lý lũ tổng hợp ở miền Trung thì các tỉnh trong lưu vực một con sông sẽ phải phối hợp với nhau rất chặt chẽ?
Rõ ràng chúng ta phải quản lý lũ theo tính chất liên tỉnh và tiếp cận theo quy mô lưu vực. Cách tiếp cận đúng là ngăn chặn lũ từ xa, nhiều chuyện xảy ra ở thượng nguồn là nguyên nhân dẫn đến hậu quả ở hạ nguồn. Vấn đề liên quan đến quản lý lũ, xâm nhập mặn và tài nguyên nước thì chúng ta phải quản lý theo lưu vực và xuyên biên giới, tức là không theo biên giới hành chính. Trong khi đó, các giải pháp và kế hoạch chống lũ hiện nay đều dựa trên biên giới hành chính và xây dựng trên kế hoạch phát triển cấp tỉnh.
Tôi cho rằng, muốn thực hiện hiệu quả giải pháp quản lý lũ tổng hợp, cần xem xét vấn đề một cách tổng thể, không chỉ phụ thuộc vào một địa phương, một ngành đơn lẻ như trước bởi một nơi làm không xuể. Lũ ở khu vực Tây Trường Sơn, đặc biệt là Hà Tĩnh và Quảng Trị, gia tăng đáng kể sau khi xây đường Hồ Chí Minh. Các nguyên tắc làm đường là đi ngang để lợi về giao thông nhưng lại luôn cắt dòng chảy, nếu đặt cống để thoát lũ nhanh cho phù hợp với cường độ mưa bất thường bây giờ thì lại dễ xảy ra hiện tượng bồi lắng mùa cạn.
Có mâu thuẫn như vậy nên khi làm đường giao thông mà không đặt vào kế hoạch tổng thể thì lợi mặt này sinh ra hại khác.
____Theo ông, một nơi gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện vật chất và con người như miền Trung thì có thể áp dụng một cách hiệu quả của giải pháp quản lý lũ tổng hợp hay không?
Vừa rồi chúng tôi có tham gia hợp phần hai của dự án “Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung”(ENDRP) do Worldbank tài trợ và Bộ NN&PTNT triển khai. Mục tiêu của hợp phần này nhằm tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan điều phối liên ngành về phòng chống thiên tai tại trung ương và địa phương, đảm bảo khả năng phục hồi sau thiên tai.
Cùng với nhiều đối tác khác, chúng tôi xây dựng kế hoạch quản lý lũ tổng hợp theo lưu vực sông, hướng dẫn lồng ghép kế hoạch quản lý thiên tai tổng hợp vào kế hoạch phòng chống thiên tai cho các tỉnh Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk và Khánh Hòa trong các lưu vực sông Ba, sông Cái Ninh Hòa và sông Cái Nha Trang. Yếu tố lồng ghép ở đây là xây dựng kế hoạch thiên tai cấp tỉnh nhưng hồn cốt của nó là quản lý lũ theo lưu vực sông.
Sau khi thống nhất kế hoạch chung rồi thì quay lại với bài toán theo địa lý hành chính, mỗi tỉnh làm theo kế hoạch của mình kế hoạch phòng chống thiên tai cấp tỉnh.
____Với kế hoạch quản lý thiên tai tổng hợp này, các tỉnh miền Trung sẽ phải chấp nhận thực trạng là không kiểm soát lũ lụt một cách triệt để được?
Đó là cách nhìn nhận mới, chỗ nào ta xác định chống được lũ, chỗ nào xác định là không thể chống lũ triệt để thì phải có những quyết định di dời hoặc giải pháp sống chung với lũ, thích ứng với lũ… Muốn làm được như vậy phải nhận được sự đồng thuận của các ngành, các tỉnh vì những giải pháp đó liên quan chặt chẽ đến kế hoạch phát triển lâu dài của địa phương.
Cái khó của ban quản lý hồ là muốn có được quyết định tối ưu thì phải có thông tin tương đối đầy đủ từ các hồ chứa khác, điều không phải lúc nào cũng có trong thực tế. Hồ này muốn xả nhưng lượng nước xả và lượng nước tích sẽ còn phụ thuộc vào hồ thượng nguồn. Vì vậy thiệt hại vẫn có, vẫn xảy ra.
Ví dụ như trường hợp sông Cái Nha Trang. Qua tính toán, chúng tôi thì phần trung lưu Diên Khánh lại dễ bị ngập hơn phía dưới. Nếu theo lẽ thường chúng tôi có thể làm cửa thoát lũ hoặc làm đê ở khu vực có nguy cơ ngập nhưng thấy “cứu” được khu trung lưu thì khu vực hạ lưu là thành phố Nha Trang lại bị ngập.
Về cơ bản thì không nâng cấp được nền của thành phố Nha Trang lên nữa. Nếu có giải pháp tổng thể “cứu” được cả hai khu vực thì không nói làm gì nhưng trong trường hợp này, dựa trên tính toán có thể đưa ra kịch bản là “cứu” trên kia là cứu lúa cứu ngô còn ngập mét vuông nào ở Nha Trang là ảnh hưởng đến đô thị, công nghiệp, du lịch… Rủi ro dưới này cao hơn rất nhiều so với trên kia. Những dự án như thế này giúp địa phương hiểu rõ, gắn với định hướng đầu tư trong tương lai.
____Nhưng áp dụng kế hoạch như thế này thì có nghĩa sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển của địa phương trong tương lai?
Khi chúng tôi báo cáo kế hoạch quản lý lũ tổng hợp theo lưu vực sông, người ta hay hỏi những câu như ‘vậy thì thành phố Nha Trang nên phát triển theo hướng nào?”, “phát triển khu trung tâm hành chính phía Tây Nha Trang như thế nào?’… bởi họ hiểu rằng, khi áp dụng kế hoạch đó, họ sẽ phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư phát triển của địa phương. Qua phân tích theo từng khu vực của chúng tôi, họ cũng hiểu chỗ nào nên hi sinh, chỗ nào nên bảo vệ bằng được.
Với Nha Trang, chúng tôi đánh giá nên bảo vệ hạ lưu Nha Trang còn trung lưu Diên Khánh nên thích nghi với lũ còn nếu chống lũ bằng cách làm cũ là xây đê kè thì sẽ gây rủi ro lớn cho thành phố Nha Trang.
____Ông cho rằng kế hoạch như vậy sẽ thuyết phục được các địa phương?
Chúng tôi biết là có những lời tư vấn khiến địa phương cảm thấy “ngại” vì sẽ làm thay đổi quá nhiều định hướng phát triển của họ, nếu áp dụng theo. Khi có thông tin tư vấn của chúng tôi, có thể họ sẽ điều chỉnh lại kế hoạch. Tôi nghĩ đây là cả quá trình thuyết phục của trung ương với địa phương, không dễ gì thay đổi quyết định.
Là người tư vấn thì chúng tôi chỉ có thể cung cấp thông tin “nếu như thế này thì sẽ như thế nào” và cho họ thấy vấn đề mà trước đây họ không nhìn thấy, còn việc họ có tham khảo không thì còn có rất nhiều lực cản nữa.
- Xem thêm: Rưng rưng mùa lũ quê nhà…
____Dựa vào những căn cứ nào để ông nói với địa phương “chỗ này dễ ngập”, “ chỗ kia có thể thoát lũ”?
Dĩ nhiên đó là kết quả của một quá trình khảo sát thực tế và phân tích tính toán trên nhiều khía cạnh. Việc khảo sát thực tế và tích lũy số liệu theo thời gian cho mình số liệu gần nhất với thực tế và số liệu đủ dày theo cả thời gian và vị trí địa lý. Chúng ta nên nhớ là ngập lụt ở các vị trí khác nhau đều hoàn toàn khác nhau nên độ phân giải của các bản đồ địa hình phải ở mức 5 mét, 10 mét.
Để làm được điều đó phải có kinh nghiệm địa phương, nhiều thời gian lăn lộn. mình mới có được bộ công cụ phù hợp và có khả năng mô tả được các quy luật khí tượng, thủy văn chính của khu vực đó. Mô hình chúng tôi sử dụng để mô phỏng được ngập lụt đem lại thông tin có tính không gian, biểu thị cả vùng không gian ngập lụt như thế nào, sâu bao lâu.
Việc thực hiện dự án như vậy, chúng tôi huy động chuyên gia ở nhiều lĩnh vực như thủy động lực học liên quan đến các yếu tố mang tính chất vật lý như lượng mưa như thế này thì lũ sẽ như thế nào, ngập ở đâu, ngập trong bao lâu? độ sâu?; chuyên gia về kinh tế xã hội đánh giá rủi ro trong ngập lụt, nếu ngập ở khu vực cánh đồng 5m có khác với ngập 50 cm ở đô thị hoặc khu công nghiệp không? Có như vậy mới có thể trả lời rủi ro tích lũy ở mỗi khu vực như thế nào.
____Việc lập kế hoạch như vậy có nhận được đồng thuận của địa phương không?
Chúng tôi mời cán bộ các ngành, địa phương tham gia từ thiết kế kế hoạch và có chắt lọc ý kiến của họ trong các giải pháp. Quan sát các cuộc họp thì tôi thấy khi đưa ra kết quả đánh giá khoa học và khách quan, chúng tôi đều nhận được sự đồng thuận giữa các nhóm trong địa phương và giữa địa phương với nhau. Thậm chí, một địa phương trên thượng nguồn dòng sông như Đắk Lắk với 20% lưu vực sông Ba nhưng họ nhưng đề nghị Bộ NN&PTNT gợi ý cho họ giải pháp tương tự để họ có thể quản lý lũ tổng hợp với lưu vực cho sông Sêrêpốk.
Có lẽ, cần thời gian để đánh giá toàn diện hiệu quả của quản lý lũ toàn diện theo lưu vực sông nhưng tôi hi vọng đó sẽ là một giải pháp tốt để chúng ta vượt qua các mùa lũ.
____Cảm ơn ông!