Mùa lũ ào ạt về trong những nhọc nhoài lo toan đọng sâu nơi khóe mắt mẹ, cùng tiếng thở dài thắt ruột xa xót của cha. Con ở khung trời xa ngái bỗng giật mình khi nghe tin lũ về mênh mang xóm nhỏ, tiếng mẹ lạc đi trong tiếng mưa thê thiết, dầm dề đã mấy ngày qua.
Chợt chạnh lòng vì những bề bộn ngổn ngang trên bước đường tha hương, làm con quên mất nơi mảnh đất quê nhà lam lũ, sạn chai, mùa này đã là mùa mưa gió. Thảng trong tiềm thức bỗng vọng về tiếng mưa trầm vỗ nhịp trên mái ngói, nhánh củi ướt khói len nhòe cay mắt mãi chưa chịu bén lửa, bữa cơm chiều cha mẹ ngồi bên ngọn đèn dầu lay lắt giữa bốn bề trống tênh… Khóe mắt con bỗng đổ nhòa như sương giăng niềm se sắt…
Năm nào quê mình cũng oằn mình chịu lũ, khúc ruột miền Trung như đôi quang gánh vẹt mòn chùng xuống, trĩu nặng gió sương. Làm sao con cầm lòng được khi ngấn lũ đi qua cuốn trôi niềm mong ngóng một vụ mùa sung túc, đủ đầy của người quê cuốc nắng cày mưa, dãi dầu năm tháng. Nồi cơm xới lên toàn nỗi thắc thỏm âu lo, nghèn nghẹn vị nước mắt ngậm ngùi.
Thân lúa cọc còi chìm trong màu nước bàng bạc, chú gà con tội nghiệp đứng co ro trên chiếc dép trôi vô định. Làm sao lòng con không dâng lên niềm xa xót, khi mảnh vườn nhà một tay mẹ bón chăm, vun vén, giờ tan tác sau dòng nước vô tâm. Bùn đất bám dày trên vách nứa, nồi niêu phủ bụi, chái bếp bện rơm ngã rạp sau nhà…
Có năm lũ ào về đột ngột trong sự bàng hoàng của người dân xóm nhỏ, trời đêm tối mịt giữa cơn mưa rả rích. Mẹ lụi cụi thắp ngọn đèn dầu, soi cho cha nhọc nhằn chuyển đồ đạc lên gác trú lũ. Mồ hôi rịn ướt lưng áo mỏng, bước chân cha lội bì bõm trong làn nước xâm xấp đang bắt đầu dâng lên. Lắm lúc nước ập về quá nhanh, cha cùng mẹ không thể chuyển kịp hết đồ đạc lên căn gác cũ, đành ngậm ngùi nhìn nồi niêu, củi đun, lúa gạo bị nhấn chìm trong màu nước đục ngầu. Sách vở của con thấm nước mưa dột từ mái nhà, nhòe màu mực rưng rưng.
Mẹ tranh thủ lội theo dòng nước, vớt từng nhánh củi nổi lềnh bềnh, trải chúng ra phơi trên gác để nhóm lửa giữa bốn bề ướt nhẹp, ẩm mốc. Bữa cơm ngày lũ chỉ có những tiếng thở dài thắt ruột, muối đậu qua quýt, mì gói lạnh tanh, bàn tay cha bưng bát cơm run run mà ánh nhìn hun hút niềm trăn trở.
Mẹ đứng ngồi theo mực nước dâng, xót thương đàn gà co ro, run rẩy trên mái chuồng lay lắt. Chiếc radio rè rè, chập chờn tín hiệu, phát thông tin lũ ào ạt tràn về cuốn theo nhà cửa, vật nuôi, hoa màu, người xa quê niềm thương đau đáu. Bao giọt mồ hôi đổ xuống cùng nắng mưa lam lũ, giờ trở về tay trắng nghẹn ngào…
Những mùa lũ thời thơ ấu, lòng con hòa vào niềm vui thơ trẻ khi được nghỉ học, được tụ tập đám bạn quê kết bè chuối thả trôi theo dòng nước. Con đâu để ý tiếng thở dài khắc khoải buôn buốt đêm lạnh của cha, bao giọt nước mắt thầm lặng đổ nhòa trên những vết rạn chân chim của mẹ.
- Xem thêm: Cắm câu, nghề đâu có dễ
Con làm sao thấy được đằng sau làn nước đục phủ kín hết xóm giềng, cánh đồng, vườn tược, là bao nỗi mất mát cứa vào tâm can những người con quê hương quanh năm cần cù, lam lũ. Con làm sao biết được nụ cười ấm áp khi thấy cây lúa trĩu hạt, đàn gà cứng cáp, đám rau vườn nhà sum suê, bị đánh đổi thành tiếng khóc xót cay, nghèn nghẹn.
Ở phía trước mặt, bao công sức, miệt mài, bao ước mơ cùng niềm hy vọng vừa mới được nhen lên, bất ngờ bị cuốn trôi tất cả theo dòng nước mà người ta chẳng thể làm gì. Đêm xa quê dài dằng dặc bởi những thao thức, khắc khoải ứa nghẹn lòng con. Thương lắm quê mình, dải đất miền Trung thắt ruột dầm sương dãi gió, thừa nỗi đau rưng rức, thừa nắng hạn, bão giông…
Năm nay cơn lũ đi qua, con biết cha mẹ lại phải giấu nỗi đau vào sâu thẳm, mà gánh gồng tiếp những nỗi đa đoan. Lòng con chợt nghẹn đắng khi nghĩ ngày mai, con sẽ không ở nhà, cùng cha dựng lại giàn mướp, liếp dưa leo, chở đất về bồi lên con đường trước ngõ, lợp lại chái bếp liêu xiêu. Con sẽ không cùng mẹ gánh nước rửa sạch lớp đất bùn, phơi khô chiếu chăn ẩm mốc, sách vở ướt mèm nhăn nheo.
Mẹ sẽ lại tất tả đội nón đi chợ, gót chân trần nứt nẻ nắng mưa, cha đem tấm lưới cũ vắt ở gác bếp ra đồng thả vài con cá nhỏ. Mùa hạ cũng như mùa đông, cái lò đất nung phủ bụi lại tí tách than hồng, ngọn lửa liu riu nhen nhóm hơi ấm cho ngôi nhà đỡ trống vắng. Con gà trống lại gáy vang bốn bề ngõ quê, tiếng sẻ nâu lại tíu tít trên cành mận trắng trước hiên nhà. Chén trà cha uống phảng phất hương thơm dịu nhẹ, len lỏi vào trong cả những giấc mơ của con nơi phương trời xa ngái…
- Xem thêm: Sâu lắng mùa thu
Con biết rằng, cơn lũ có cuốn đi bao vật chất, hoa màu, nhà cửa, nhưng làm sao cuốn mất sự mạnh mẽ cất giấu, ý chí, niềm tin, cùng tình người thơm thảo trong cơn hoạn nạn. Vững lòng rằng sau cơn sóng gió, cây lại đâm chồi, mặt trời lại lên cao… Nỗi nhớ lại dâng đầy.
Tôi đã xa những ngày sống chung với lũ đã nhiều năm, kể từ ngày được chọn là học trò chuyên Toán ở Quy Nhơn. Hồi đó, có người bảo tôi rằng Quy Nhơn nhỏ bé, lành hiền lắm, ai xa rồi cũng sẽ bùi ngùi nhớ. Tôi cho đó là cảm xúc của… trẻ con, đàn bà con gái.
Gần gũi, gắn bó suốt một chặng đường dài, giờ tôi mới thấm thía, nỗi nhớ êm như cỏ, mỏng như sương mà dịu dàng len lỏi, vương vấn trong tôi như một dòng chảy mát lành, diệu vợi. Dòng chảy miên man ấy dẫn tôi về khu chợ đêm Quy Nhơn ăm ắp bao hoài niệm thương nhớ, nghe đâu nay rực rỡ ánh đèn… Và tôi trở thành… trẻ con.
Là chợ, nhưng không phải chợ trưa đứng bóng với những lọn nắng chói chang phả xuống mặt đường. Cũng không phải chợ chiều xô bồ những bước chân người vội vã bán mua để kịp về nhà lo cho bữa tối. Mà là chợ đêm, chợ nhóm khi màn đêm đã buông xuống. Người ta đến chợ để ngắm nghía, mua sắm, còn tôi ngày ấy nhiều khi thơ thẩn một mình đến chợ chỉ để khỏa lấp nỗi nhớ nhà.
Chợ đêm làm người ta nhớ về bởi những ánh đèn lung linh soi sáng các sạp gỗ bày ra nào quần áo, giày dép, nào đồ chơi trẻ em, các mặt hàng gia dụng. Bởi cái không khí ấm áp, nhộn nhịp bán buôn của người Quy Nhơn hiền hòa, mến khách. Những cơn gió biển dịu dàng thổi ngang qua, như mang theo chút mặn mòi thấm đẫm loãng tan vào không khí. Có rất đông sinh viên đến chợ để mua sắm, phần vì giá ở đây rẻ hơn những nơi khác, phần vì sở thích được ngắm nhìn, dạo quanh các gian hàng.
Chợ nhóm lên như nơi chốn thân thuộc để khơi lên nỗi nhớ, thôi thúc được về lại với những ký ức tuổi thơ bình dị trong lòng mỗi người con xa quê. Và dường như, qua câu hỏi thăm chân tình của cô bán quần áo, cái cảm giác ấm cúng khi được ngồi bên gánh phở nghi ngút khói của bác gái quê tận đâu ngoài Bắc, tất cả như làm lắng xuống những trăn trở, lo toan, chỉ còn đọng lại tình người nồng đượm, nhen nhóm những yêu thương…
- Xem thêm: Tiếng ai rao bánh trên sông
Ngày ấy, mỗi khi một mình lang thang quanh quẩn ở khu chợ đêm, tôi thường nhớ đến quay quắt góc chợ đơn sơ nơi quê nhà bình dị. Chợ quê được nhóm bên dòng sông hiền hòa, liêu xiêu những mái rạ, những tấm bạt mỏng che nắng che mưa đã bạc màu, nhiều chỗ bị rách xác xơ. Nhớ làm sao những buổi chiều hí hửng theo chân mẹ đi chợ, chờ được mẹ cho cái bánh đúc, bánh in thơm thảo, quê mùa.
Nhớ ánh mắt trong veo của những đứa trẻ từ khi sinh ra đã gắn bó với chợ, lớn lên cùng chợ, nhớ tiếng thở dài nghe xa xót nghẹn ngào khi hàng hóa ế ẩm của bà cụ mái đầu đã bạc trắng. Lang thang giữa dòng người tấp nập, không dưng lại thấy khóe mắt mình rưng rưng…
Không biết mùa lũ vừa qua có ảnh hưởng gì đến chợ đêm một thời của cậu học trò chuyên Toán lần đầu từ quê ra phố?