Hiện nay, việc tìm mua thông tin của khách hàng tiềm năng trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, giáo dục… đã trở nên rất dễ dàng. Vì thông tin khách hàng thường được chào bán qua thư điện tử hoặc đăng tải công khai trên các website cá nhân. Hoạt động này đang gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhiều người, gây nên tình trạng tin nhắn rác hay các cuộc gọi mời chào mua nhà đất, sản phẩm dịch vụ ngân hàng…
Danh sách khách hàng lĩnh vực nào cũng có
Chỉ cần vào website www.muabandata.com, www. datakhachhang.net, www.danhsachkhachhang.com, www.database-khachhangvip.blogspot.com…, chúng ta có thể mua “Thông tin khách hàng VIP”, “Danh sách khách hàng tiềm năng trong lĩnh vực bất động sản”, “Danh sách khách hàng chơi vàng và chứng khoán”, “Danh sách giám đốc Hà Nội”, “Thông tin phụ huynh học sinh tại các quận ở TP. Hồ Chí Minh”, “Thông tin học sinh tại các trường quốc tế”… với giá từ 300 đến 700 ngàn đồng. Người tên Kiệt, chủ website www.database-khachhangvip.blogspot.com cho biết: “Đối với người làm trong lĩnh vực marketing, đặc biệt là marketing online thì thông tin khách hàng là rất cần thiết. Vì vậy, chúng tôi nhận tìm thông tin khách hàng theo yêu cầu về các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực bất động sản viễn thông hay khách hàng có thu nhập cao”. Người này còn đảm bảo: “Thông tin khách hành của tôi được chọn lọc và kiểm tra rất kỹ, tỷ lệ “sống” lên đến 99%”.
Khi được hỏi về nguồn gốc của kho danh sách này, Kiệt cho biết: “Đây là kho danh sách khách hàng tôi đã sưu tầm được trong suốt quá trình làm nhân viên kinh doanh trong các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản”. Thực tế, theo anh Nguyễn Thế Khoa, chuyên viên công nghệ thông tin, thì thông tin được khách hàng thường được đăng ký qua các giao dịch thương mại hoặc đăng ký một tài khoản tại bất kỳ trên website nào đó sẽ được lưu trữ tại kho dữ liệu chung. Bằng những giao dịch vô cùng đơn giản như chuyển khoản ngân hàng, nạp thẻ điện thoại, mua bán thương mại điện tử… thì những thông tin cá nhân như: tên tuổi, địa chỉ, email, thậm chí là cả thu nhập cá nhân, tiền tiết kiệm hay số dư tài khoản đều được lưu giữ lại.
Còn Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin – Truyền thông) thì hiện thông tin cá nhân được thu thập từ rất nhiều nguồn, họ có thể mua trực tiếp từ các cơ sở kinh doanh như cửa hàng quần áo, siêu thị hoặc các tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông, thương mại điện tử, tài chính – ngân hàng… Một số trang trắc nghiệm vui trên mạng xã hội cũng có thể “ăn cắp” thông tin của người chơi mà chúng ta thường ít cảnh giác. Ngay cả người sử dụng thiết bị điện tử cá nhân nếu sử dụng hoặc lưu trữ thông tin trên thiết bị cũng có thể bị các phần mềm độc hại bị cài đặt tự động thu thập và lấy trộm thông tin.
Cần tự bảo vệ thông tin của mình trước khi nhờ tới pháp luật
Năm 2013, một số đối tượng rao bán bộ danh bạ, thông tin cá nhân của hơn 500 ngàn giám đốc các doanh nghiệp trên mạng với giá 700 ngàn đồng đã bị công an bắt giữ. Tuy nhiên, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin cũng chỉ 2-5 triệu đồng, trong khi trên thực tế mức thu lợi của những cá nhân, công ty bán dữ liệu khách hàng là rất cao. Hơn nữa, sau sự việc người rao bán thông tin bị “sờ gáy” thì tình hình mua bán ngày càng tràn lan nhưng cách thức lại chặt chẽ hơn. Người bán thường chỉ trao đổi qua điện thoại, hộp thư điện tử chứ không “ra mặt”.Bản danh sách khách hàng sẽ bị mã hóa, sau khi tiền đã được chuyển vào tài khoản ngân hàng, người mua sẽ nhận được mật khẩu để mở danh sách khách hàng.
Ngày 18-3-2016, Bộ Thông tin – Truyền thông ban hành Chỉ thị số 11/CT-BTTTT, theo đó có thể phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông. Còn đối với hành vi tiết lộ trái phép nội dung thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng. “Nhưng việc xử phạt các vi phạm rao bán thông tin cá nhân rất khó khăn do việc xác minh những đối tượng vi phạm quy định về việc bảo vệ thông tin cá nhân trong lĩnh vực thông tin và truyền thông không dễ dàng. Ngay cả khi phát hiện ra thông tin trên mạng bị rao bán, cũng khó xác định vì đối tượng mua bán dùng thông tin giả, tìm chủ đích danh cũng khó”, Luật sư Nguyễn Mạnh Linh, đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó chủ tịch Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh cho biết hiện nay pháp luật xử lý hành vi mua bán dữ liệu, thông tin cá nhân còn thiếu và còn một số bất cập. Theo Điều 5 Nghị định 19/2012/NĐ-CP khi quy định xử phạt hành chính đối với hành vi mua bán, trao đổi trái phép thông tin người tiêu dùng thì chỉ có thể xử phạt được cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thông tin của người tiêu dùng thông qua hoạt động kinh doanh. Còn đối với các tổ chức, cá nhân trung gian đứng ra mua bán thông tin cá nhân thì không thể xử lý được.
Theo Luật sư Nguyễn Mạnh Linh, để giảm thiểu tình trạng trên, chúng ta cần một biện pháp quản lý chặt chẽ và mạnh tay hơn, các cơ quan chức năng cũng cần làm việc quyết liệt hơn. Tuy nhiên, cả người dân cũng phải tự trang bị cho mình kiến thức cần thiết, tránh để lộ thông tin cá nhân và rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo. Người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng trong việc cung cấp thông tin cá nhân của mình trên mạng internet hay với các tổ chức, doanh nghiệp mà mình tham gia. Đặc biệt, chúng ta cũng không nên chủ quan khi công bố thông tin cá nhân trên mạng internet như: mạng xã hội, các forum thông tin…
Mặt khác, thông tin cá nhân của chúng ta khi cung cấp cho các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đã không được bảo mật tốt dẫn đến lộ, lọt ra ngoài bởi một vài cá nhân trong chính các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Việc để lộ, lọt thông tin cá nhân có hậu quả rất khó lường. Kẻ xấu có thể lợi dụng tài khoản cá nhân để rút trộm tiền ngân hàng, hoặc lừa đảo, giao dịch vào việc xấu… Do đó, các cá nhân khi cung cấp thông tin cần biết mình cung cấp cho ai, vào mục đích gì, thông tin có được đảm bảo an toàn không. Đồng thời, nên thực hiện biện pháp cài đặt phòng, chống phần mềm độc hại trên thiết bị điện tử cá nhân, thường xuyên cập nhật, thay đổi mật khẩu và sử dụng mật khẩu có tính bảo mật cao. Vì vậy, mỗi người cũng cần chú ý yêu cầu các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp có hình thức bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng. Đối với tổ chức, doanh nghiệp, cần chú ý rà soát thật kỹ công tác bảo mật thông tin của khách hàng trong hệ thống của mình vì đây cũng chính là bảo vệ uy tín, thương hiệu của tổ chức, doanh nghiệp đó với khách hàng.
Song Khuê (DNSGCT)