Bình thường, những cây cầu đã mềm mại, uyển chuyển như rồng rắn. Tuy nhiên, ở nhiều nơi còn thấy những cây cầu được thiết kế đặc biệt, có hình hoặc tên gọi rồng rắn, và là cảnh quan văn hóa, biểu tượng ở địa phương.
Một trong những công trình như vậy là Cầu Rồng của thành phố Đà Nẵng – Việt Nam. Cầu có hình một con rồng thời Lý, uốn lượn chín khúc, bay bổng trên sông Hàn, vừa phun lửa vừa phun nước, đem lại sự thái hòa cho thành phố. Nó dài tới 666m, rộng 37,5m, gồm sáu làn, bắc ngang sông tại bùng binh Lê Đình Dương/ Bạch Đằng và cho một con đường ngắn nhất từ sân bay quốc tế Đà Nẵng tới nhiều tuyến đường chính ở thành phố. Trong văn hóa Việt, rồng là một linh vật gắn liền với trí tuệ, năng lượng và sinh lực.
Vì thế, Đà Nẵng đã xây dựng cầu Rồng như một biểu tượng về sự thông minh, trường tồn, hiện đại và hòa nhập của mình cùng khu vực và thế giới như một con rồng vươn ra biển Đông. Công trình được khởi công năm 2009 và ra đời năm 2013, đúng vào lễ kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng thành phố. Ngay khi xuất hiện, nó đã thu hút đông đảo du khách nhờ ý nghĩa sâu sắc và phong cảnh diễm lệ. Cứ đều đặn, hàng tuần, “con rồng” sẽ phun nước – lửa hai lần vào chín giờ tối thứ bảy và chủ nhật.
Ban ngày, nó đã lộng lẫy dưới màu vàng chói lọi, ban tối còn ấn tượng hơn vì được thắp 2.500 bóng đèn LED huyền ảo. Dù nặng tới 8.164 tấn và bằng thép, song nhìn từ xa Cầu Rồng rất thanh thoát và ẩn hiện nhẹ nhàng dưới sự biến tấu của màu sắc. Ngoài là kỳ quan kỹ thuật đẹp nhất Đà Nẵng, nó còn nằm trong danh sách 30 cây cầu tráng lệ nhất hành tinh.
Ở hợp lưu của sông Lujiang và Tachong, phía tây thành phố Jian Shui, Vân Nam- Trung Quốc, nên cây cầu tại đây mang tên là Song Long Kiều, ý chỉ hai dòng nước rích rắc, nhưng nó cũng đồ sộ như một con rồng ngóc mình khỏi sông với ba tòa tháp chạy dọc thân và 17 nhịp liên hoàn cuồn cuộn. Công trình đã có mặt từ thế kỷ 18 dưới thời Thanh và rồi mở rộng cuối thế kỷ 19 theo độ lớn của sông.
Thợ xây phải cần tới 10.000 khối đá để làm nên cây cầu đá xanh, dài 148m, rộng 3-5m, gắn các vọng lâu uy nghi và các pho tượng voi chầu biểu trưng an lạc. Phỏng theo kiến trúc đền đài, Song Long Kiều vào 1965 đã được xem là cầu đá cổ xưa lớn nhất, có giá trị nghệ thuật cao nhất tỉnh Vân Nam.
Cũng uốn khúc như một con rồng trên biển là Tam Tiên Long Kiều ở thị trấn Chenggong, Đài Đông- Đài Loan. Nó là một cây cầu đi bộ bằng bê tông của một đảo nhỏ phía đông Đài Loan, có phong cảnh rất đẹp với ba quả núi là ba “dấu chân” của 3 vị thần trong bát tiên quá hải. Do đảo xa bờ nên chỉ khi thủy triều xuống thấp, người ta mới ra đó, nhưng từ năm 1987 khi nơi này trở thành khu du lịch, và xuất hiện cây cầu tám nhịp, dài 400m, cao 10m thì ai nấy đều qua chơi. Cầu được làm theo con rồng biển Cifawuan của thổ dân Amis nằm sõng soài trên ghềnh đá. Vì là “rồng biển” nên nó được sơn màu lam rất dịu mát, và có mặt cầu dạng bậc thang, giúp du khách qua lại như cưỡi sóng.
Rồng trên trời là tên gọi của một cây cầu thủy tinh ở thành phố Wuhu, tỉnh An Huy – Trung Quốc. Cùng chiều dài 388m và cao 180m, ở 2 đầu còn có 2 pho tượng rồng phun sương khói. Chưa hết, mặt cầu còn bằng kính, cho phép nhìn từ trên xuống dưới ngắm cảnh núi non hùng vĩ. Tuy nhiên, du khách thường cảm thấy sốc khi đi trên cầu vì sự chòng chành, tiếng kính cọ xát và hơn cả là độ sâu hun hút khiến nhiều người giật thột, lúc khóc, lúc cười và nằm bẹp, không dám bước tiếp.
Với 4 tháp treo hình xương vai và hông của một con rồng gầy gò, Cầu Treo Ryujin trên đập Ryujin, công viên Okukuji, đảo Honshu, huyện Ibaraki – Nhật Bản cũng là một long kiều. Hơn thế còn là cầu treo đi bộ dài thứ hai trái đất và dài nhất nước Nhật tới 446m. Theo tiếng Nhật, Ryukin có nghĩa là Thần Long, một thần núi trong vùng. Để phục vụ du lịch trên cao 100m, từ năm 1994 đã xuất hiện cây cầu dưới dạng mộc mạc nhưng mang ẩn ý về một con vật khổng lồ đang ngủ, và có khá nhiều tranh tượng xung quanh khắc họa nó sinh động. Công trình được dựng từ thép và cáp rất chắc chắn, nên cùng lúc chứa được 3.500 người. Ai nấy đều thích lên đây ngắm cảnh rừng thu hóa đỏ và lễ hội cờ xuân với 1.000 lá cờ cá chép tung tăng.
Thay vì có dạng rồng thì Cầu Rồng Zmajev most trên sông Ljubljanica giữa phố Kopitar và Ressel của Ljubljana, thủ đô Slovenia lại được trang trí bởi 4 con rồng phương Tây – khủng long có cánh – đậu ở hai đầu cầu, cùng 16 con rồng nhỏ rải rác. Nó cũng là một cây cầu đầu tiên và lớn nhất châu Âu bằng bê tông cốt thép và mang ý nghĩa về chiến thắng.
Không hiền lành như rồng phương Đông, rồng ở đây rất dữ tợn, nhưng cũng là biểu tượng của quyền lực, phú quý nên người ta thường đi săn rồng, chứ không đợi nó đến. Theo chuyện kể, để xây dựng nơi này, vị vua sáng lập Ljubljana đã phải giết một con rồng, và vì sức mạnh ghê gớm, hình ảnh của nó đã được đưa lên lá cờ và nhiều vật dụng. Từ huyền thoại trên, vào đầu thế kỷ 20, chính quyền đã cho dựng cầu dài 33m, gắn nhiều tượng rồng, và là một ví dụ tiêu biểu của phong cách Art Nouveau.
Từ năm 2002, trên đại lộ Broadway, thành phố Tucson, bang Arizona-Mỹ đã có một cây cầu đi bộ, khắc họa loài rắn chuông – một sinh vật vừa giỏi săn mồi vừa biết phát ra tiếng động vui tai. Công trình mang tên Cầu Rắn Chuông dài 84m, rộng 4,2m, giống hệt một con rắn đang săn trên sa mạc Sonoran, miệng há rộng, răng nhe ra và đuôi ngọ nguậy, trên thân có các vân hình thoi màu nâu và be hấp dẫn.
Được dựng từ một khung sắt hình bộ xương, rồi bọc lưới thép, nó còn có nhiều điểm thú vị, như phần đầu rắn cao đến 8,4m với 2 cái nanh trắng là hai cột chống, hai con mắt vàng hút hồn nảy lửa, cùng phần đuôi cao 6m, gắn vòng sừng chứa thiết bị cảm biến, phát ra âm thanh. Nhờ ánh sáng có thể lọt qua tấm lưới, chiếu rọi bên trong, nên khi qua đây có cả tưởng mọi người đang bị con rắn nuốt chửng, đi tới đâu biết tới đó, và khi vừa bước ra thì nghe thấy tiếng “chuông” rung hừng hực.
Dù cách điệu, Cầu Trăn Pythonbrug trên bờ ke Panamakade và Stuurmankade, quận Azartplein, thành phố Amsterdam – Hà Lan vẫn được nhận ra dưới dạng một con mãng xà. Nó cũng có hình một con rắn khổng lồ, bụng bự đỏ thắm, dài 93m, cao 9,5m với những cái cọc dọc sườn như những vây sắc của loài thủy quái từ dưới nước lao lên, ngụp xuống.
Ở Amsterdam, có đến 400 cây cầu, song người ta thích nhất Pythonbrug vì vẻ đẹp hiện đại và là một cầu sắt đi bộ, chia bậc vừa vặn, để ai cũng có thể leo trèo khỏe người. Nó đã ra đời vào năm 2001, và đoạt giải thưởng quốc tế nhờ vừa dùng công nghệ cao, vừa có vẻ kỳ quái, tươi trẻ và màu đỏ rực rỡ, ở đâu cũng thấy.
Giống trên, Cầu Rắn Cykelslangen cũng là một danh thắng nổi bật của thành phố Copenhagen – Đan Mạch có hình một con rắn màu cam, thon thả, trườn từ cầu kè Bryggebroen tới Kalvebod Brygge, và tạo một khúc quanh rất đẹp bên trung tâm thương mại Fisketorvet. Xuất hiện năm 2014, dài 230m, rộng 4,6m, cao 5,5m, đây là kết quả của 8 năm chờ đợi để có một con đường độc đáo dành cho xe đạp trên cao trong một thành phố hơn 50% dân số đi xe đạp. Người ta xây nó nhằm phục vụ việc đi xe đạp thuận lợi hơn, giảm mật độ giao thông trên mặt đất và cho cảnh đẹp cuốn hút. Ước tính mỗi ngày, có 20.000 người đạp xe qua cầu.
Không kém đồ sộ, Cầu Rắn Culebra ở công viên Casa de Campo, thành phố Madrid – Tây Ban Nha luôn làm nhiều người phải sững sờ, nhờ kiến trúc dễ thương của một con rắn cỏ bò qua những bụi cây rậm rạp. Điều ấy được suy ra từ những đường cong rất mau trên lan can cầu, và hoàn cảnh nơi này đã từng là một cánh rừng, khu săn bắn của hoàng tộc. Vào năm 1782, để trang trí cho thượng uyển, nay là công viên Casa de Campo, đồng thời ngăn cản dân thường xâm nhập cấm địa, vua Carlos III đã cho xây bốn cây cầu có lối hẹp, gồm Cầu rắn Culebra trên suối Meaques, khiến mọi người phải đi bộ, không thể dùng xe ngựa vì những khúc ngoặt nguy hiểm.
Do biến cố hiện chỉ còn cầu Culebra là công trình nguyên vẹn, lãng mạn nhất Madrid. Là cầu Tây Ban Nha, song nó mang đậm kiến trúc Baroque Italia. Phần gầm được làm bằng gạch nung đỏ, trong khi phần đường, lan can bằng đá trắng muốt. Trên đó trang trí 10 tháp nhỏ như các nụ hoa dập dềnh. Hàng ngày, du khách thường đến đây chụp ảnh, ngắm cảnh chim chóc bơi lội.
Tất cả kênh ngòi hẹp của Anh đều có những cây cầu dạng xoắn, và là một con đường ven kênh để ngựa kéo thuyền từ mặt nước lên bờ và sang phía đối diện. Tựu trung, đây đều là những con đường dốc, vặn từ dưới lên, rồi xuôi xuống nên có tên cầu rắn. Tập trung nhiều cầu rắn nhất là kênh Macclesfield, thị trấn Congleton – England. Có cái bằng gạch, có cái bằng đá, nhưng trên mặt đường đều gồ ghề chống trượt.
Uốn éo như Cầu Rắn Culebra, và là một “bạch xà” khổng lồ bằng thép không gỉ, tuy không mang tên rắn, là Cầu đi bộ BP trên 2 công viên Maggie Daley và Millennium, thành phố Chicago, bang Illinois – Mỹ. Được thiết kế bởi một kiến trúc sư đoạt giải Pritzker, nó ra đời năm 2004, dài 285m, rộng 6,1m, cao 4,4m và có dạng một con rắn bạc, hai bên sườn ốp 10.400 tấm thép trắng như vảy lấp lánh. Không chỉ vậy, thành cầu còn loe ra kiểu mang bành.
Cầu Kawazu-Nanadaru ở thành phố Kawazu – Nhật Bản cũng là một ví dụ đặc sắc về vòng lặp hình rắn cuộn nhiều lần. Nếu từ Tokyo đi về phía nam tới bán đảo Izu, du khách sẽ không thể bỏ lỡ kỳ quan này. Bởi nó là một công trình cực lớn, dài tới 1,1km, xoắn 2 vòng, mỗi vòng đường kính 80m. Xe cộ qua cầu đều phải leo lên hạ xuống 45m, lơ lửng trên thung lũng. Tốc độ chỉ được phép 30km/giờ. Ra đời năm 1982, công trình hiện là một cảnh đẹp ngoạn mục trên quốc lộ 414.
Lò xo Danh vọng Slinky Springs to Fame (Đức) là một cây cầu đi bộ có thiết kế của một dải lụa thép bọc trong ống lò so, thành thử trông như một con rắn lò so. Xuất hiện năm 2011, trên kênh Rhine-Herne, thành phố Oberhausen, dài 406m, rộng 2,67m, nó có trọng lượng rất nhẹ, dễ dàng co dãn và có tới 16 màu rực rỡ, soi bóng rất đẹp.