Chọn màu nào hợp phong thủy năm nay, hay phối màu sao cho hợp mệnh gia chủ… luôn là những câu hỏi thường kỳ đặt ra mỗi khi đến mùa cuối năm sơn sửa nhà cửa, hoàn thiện công trình.
Câu trả lời có thể tham khảo qua văn hóa Nhật Bản thời hiện đại trong vấn đề tạo nên nơi sống “tối thiểu để được tối đa”, tức là tạo nên những không gian thuần chất (không phải cùng một chất liệu, mà tinh thuần về ngôn ngữ, màu sắc, biểu hiện…) ở mức vừa đủ, thậm chí giản lược, sẽ thấy góc sống được thư thái, tinh gọn và cân bằng hơn.
Sự mất đồng bộ do dùng nhiều màu, hoặc quá thiên lệch về một màu sắc nào đó đều mang tính cực đoan. Ở thái cực đa sắc, ngôi nhà trở nên “hỗn loạn” vì màu sắc không tương đồng với nhau, thiếu sự thống nhất. Còn thái cực đơn sắc đến mức đơn điệu thì kết quả nhà chỉ toàn một màu, trong khi quy luật Ngũ hành luôn cần hài hòa bổ sung cho nhau, không lệch lạc về hành nào quá mức.
Do đó, việc chọn màu sắc theo mệnh tuổi của gia chủ hầu như chỉ mang tính khẳng định dữ liệu cá nhân để tham khảo thêm, chứ không phải là xuất phát điểm đầu tiên theo quy luật thuận tự nhiên. Nói cách khác, chọn màu sắc theo tự nhiên chính là xu hướng bền vững nhất, linh hoạt mà lại ít biến động nhất. Nhưng dùng “màu tự nhiên” cần hiểu thế nào cho đúng và đủ?
Màu tự nhiên là xanh và bền vững
Theo Ngũ hành nạp âm thì năm 2021 sắp tới là Tân Sửu, nạp âm là Bích Thượng Thổ, mang thuộc tính của đất đai. Theo Dịch học giải nghĩa Bích Thượng Thổ là đất trên vách tường, phải có rường cột vững chãi làm chỗ dựa, như đất nước phải dựa vào sức dân và văn hóa làm cốt lõi phát triển, như nhà phải cần cấu trúc ổn định mới chắc chắn. Tương tự, nơi cư ngụ trước tiên phải có môi trường tốt, như đất có tốt thì cây cối mới đâm chồi nảy lộc.
- Xem thêm: Không có màu nào xấu…
Vì thế xu hướng nội ngoại thất sử dụng chất liệu, màu sắc liên quan đến tự nhiên vẫn là lối đi bền vững. Xu hướng này thể hiện triết lý: dù cho Mộc khắc Thổ là thuộc tính vốn có bởi cây không thể thiếu đất, nhưng nếu cứ “bám vào đất” để ăn mòn tài nguyên thì sẽ cạn kiệt sinh lực, dẫn đến hoại diệt. Việc hài hòa các nguồn tài nguyên suy về Ngũ hành chính là tránh tình trạng thiên lệch, như dùng toàn đá, bê tông xám lạnh trơ trọi, hoặc bọc kính hoàn toàn.
Chữ “xanh” trong thiết kế không chỉ là màu xanh thuần túy, mà hàm ý nhiều về môi trường, chọn màu sắc theo Mẹ Thiên Nhiên vẫn là chọn lựa khôn ngoan và bền vững, bởi thiên nhiên rộng lớn và bao phủ mọi hoạt động của con người, trong đó có không gian sống. Không gian sống cũng không thể xa rời môi trường bản địa mà cư dân đã tạo lập, cho dù ngày nay thế hệ công dân toàn cầu đang dần phát triển mạnh mẽ, thì màu của đất đai, của sự mộc mạc và những giá trị cơ bản, nguyên sơ, vẫn là chọn lựa không thể chối từ, nhất là trong bối cảnh thế giới trải qua đại dịch, những khó khăn và thách thức lớn lao về sức khỏe, kinh tế vẫn đang chồng chất.
Màu tự nhiên là khả năng biến đổi linh hoạt
Vì màu sắc nội ngoại thất không bó hẹp ở sơn tường hay trần, mà lan tỏa toàn bộ các góc nhìn trong ngoài trên dưới, có những vị trí dù không chạm vào nhưng vẫn tác động vào cảm nhận của người cư ngụ, như màu nắng hắt vào giếng trời, màu rèm cửa lọc ánh sáng chói chang bên ngoài… Nếu dùng màu sắc không tính đến sự biến đổi thời tiết, khí hậu…thì sẽ khó kiểm soát tính chất đặc trưng của môi trường cư ngụ, cho nên ngôi nhà vùng Đông Nam Á luôn có bảng màu khác với nhà ở Đông bắc Á (Hàn Quốc, Trung Quốc hay Nhật Bản), dù cùng gốc văn hóa đông phương với nhau.
Với đặc trưng vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, trong nhà cửa Việt Nam cần lưu tâm những màu sáng, phản chiếu rõ (mang tính Dương) nên bố trí ở vùng dưới thấp thuần Âm, còn màu tối, sậm và bão hòa cao hơn sẽ bố trí ở các tầng lầu để cân bằng lại với Dương quang vốn mạnh trên cao. Trong nhà phố cũng cần lưu ý tránh những chuyển màu quá đột ngột hoặc thiếu quy luật, có thể gây nhiễu loạn trường khí và tạo ảo giác, mất tập trung cho người sử dụng, di chuyển trong nhà. Ví dụ tường cầu thang nên bố trí các mảng miếng có tính tương đồng theo độ nghiêng của thang, hoặc làm lan can nhẹ nhàng để tạo sự quan sát bình ổn cho người di chuyển.
- Xem thêm: Tiện nghi đi cùng kết nối
Chính việc cần trở về với tự nhiên mạnh mẽ hơn đã biểu hiện qua vài năm gần đây, nên “trào lưu” làm nhà thuần màu trắng như các năm trước đã không còn được chuộng. Tuy nhiên, theo Huyền Không Phi Tinh dự báo năm 2021 thì sao Lục Bạch Kim Tinh nhập trung cung, với màu trắng là chủ đạo, nên một số nghiên cứu dự báo màu sắc đã xác định màu trắng (hoặc gần trắng như xám, xanh nhạt, vàng nhạt…) vẫn thịnh hành, nhưng được chọn lọc và gia tăng yếu tố dùng màu kim loại như vàng đồng, nâu đồng, xám bạc, màu có ánh kim…
Cách dùng màu tươi sáng này cũng giúp không gian thêm tính lạc quan, vui vẻ và có khả năng biến chuyển linh hoạt trong sắp xếp vật dụng, bởi trắng hoặc xám dễ làm nền nổi bật cho các chất liệu, màu sắc khác, cũng như màu ánh kim sẽ thay đổi sắc độ phong phú, rực rỡ theo ánh sáng trong ngày và ánh sáng nhân tạo.
Màu tự nhiên là tương hợp người dùng
Hiện nay, giới làm phong thủy khi xem xét dùng màu hợp với người dùng không chỉ căn cứ theo ngũ hành nạp âm bản mệnh gia chủ (ví dụ như Thiên Thượng Hỏa, Trường Lưu Thủy…) mà còn tìm kiếm yếu tố hành khuyết trong mệnh lý để dùng màu sắc hỗ trợ thêm, gọi là dùng màu bổ sung cho Mệnh Khuyết. Nguyên tắc này căn cứ theo mùa sinh và tương quan ngũ hành để tìm nhóm hành bản mệnh sinh ra bị thiếu, cụ thể là hành mình cần khắc chế và hành khắc chế lại mình:
- Người sinh khoảng từ 19-2 đến 4-5 dương lịch thuộc mùa xuân, tháng 1, 2, 3 âm lịch, Mộc Vượng nên mệnh khuyết Kim và Thổ.
- Người sinh khoảng từ 5-6 đến 7-8 dương lịch thuộc mùa hè, tháng 4, 5, 6 âm lịch, Hỏa Vượng nên mệnh khuyết Thủy và Kim.
- Người sinh khoảng từ 8-8 đến 7-11 dương lịch thuộc mùa thu, tháng 7, 8, 9 âm lịch, Kim Vượng nên mệnh khuyết Mộc và Hỏa.
- Người sinh khoảng từ 8-11 đến 18-2 dương lịch thuộc mùa đông, tháng 10, 11, 12 âm lịch, Thủy Vượng nên mệnh khuyết Hỏa và Thổ.
Căn cứ trên là một kênh tham khảo để bổ sung màu sắc cho không gian sống sao cho hài hòa, dĩ nhiên cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Không lạm dụng, chỉ bổ sung: bởi ngoài bản mệnh khi sinh ra, mỗi người còn tương phối với rất nhiều yếu tố khác tạo nên cuộc sống như gia đình, quan hệ, công việc, sở thích… do đó một người được cho là khuyết mộc không cần phải sơn nhà màu xanh lá, mà chỉ cần đặt cây cối mình thích, sử dụng đồ gỗ hay trang phục có họa tiết thiên nhiên là đã bổ sung được tính mộc.
- Không loạn sắc, cần hòa hợp: dù theo dịch lý phương đông vẫn cần bổ sung các nguyên lý về hài hòa màu của khoa học tây phương, ví dụ như về độ bão hòa màu, độ tương phản, nguyên tắc phối màu đồng bộ hay đối lập… mà nhà chuyên môn có kiến thức sẽ giúp gia chủ chọn lựa chuẩn xác.
- Không chỉ sinh, vẫn cần khắc: trong vòng màu tương sinh tương khắc ngũ hành, từng nhóm 3 màu tương sinh dùng để phối kết, trong đó màu 2 là màu mệnh cần dùng, màu 1 sinh 2 và màu 2 sinh 3, do đó 1 và 3 khắc chế nhau. Cách dùng này thể hiện tinh thần dung hòa các vấn đề đối lập, không có sự vật tự nhiên nào thuần sinh hay thuần khắc, mà luôn theo vòng sinh khắc qua lại nhau để tồn tại.
Ví dụ: một gia chủ mệnh Kim (2) sinh vào tháng 9 âm lịch (khuyết Mộc) thì có thể chọn cách dùng màu trắng làm chủ đạo, với màu 1 là Thổ (sinh Kim) và màu 3 là Thủy (Kim sinh tiếp), kết quả sẽ là một không gian phối kết chủ yếu là màu trắng (hoặc xám) với các nhấn nhá màu vàng, điểm xuyết đen (hoặc xanh biển). Cách dùng màu khác là xoay qua nhóm bộ ba bắt đầu từ Kim – Thủy – Mộc để có thể bổ sung Mộc cho mệnh khuyết, tức là cặp trắng – đen làm chủ đạo, còn màu xanh lá hoặc cây cối làm bổ khuyết.
- Xem thêm: Dùng màu tự nhiên
Việc chọn màu trong không gian sống không hoàn toàn theo thời trang, cũng không là ý kiến chủ quan của giới thiết kế hoặc nhà kinh doanh, mà có sự töíng hợp, phân tích từ nhiều nguồn khoa học, trong đó phong thủy Đông phương là một kênh tham khảo. Từ những dự báo đến giải pháp thực tế cụ thể còn khoảng cách và luôn cần nhiều nöí lực của các bên để không gian sống ngày một hoàn thiện, hòa hợp hơn với người cư ngụ.
– Ảnh Xuân Trang