Không phải cô ấy đi ngoại tình hay chơi bời hư hỏng. Bây giờ chuyện đó có vẻ cũng dễ “đùng một cái” theo kiểu một ngày đẹp trời nào đó, cô đi họp lớp học phổ thông xưa. Cả “bọn” to đầu, có kẻ tóc sắp muối tiêu, có chức vụở công sở, nói cười bô bô, mày tao, hát karaoke rất đặc trưng kiểu… thủng màng nhĩ.
Rồi từ đó dính vào một câu chuyện kiểu như: dù ly dị một mình nuôi con nhưng cô ấy rất giỏi, không ngồi “nội trợ ăn không” như bà xã anh ở nhà… Hoặc là, anh này tính tình hay quá, chăm con cái chứ đâu như chồng mình đi tối ngày… Bao nhiêu so sánh bất ngờ xảy ra. Những lựa chọn muộn màng, vỡ lẽ… ôi, phức tạp lắm…
Bà xã tôi không thuộc loại ấy. Cô ấy chúa ghét cái bọn lãng mạn nửa mùa gây sóng gió rắc rối chạy theo những thứ tưởng bở cả thôi. Nhưng sự thay đổi của cô ấy còn ghê không kém. Chẳng những ảnh hưởng tới tôi mà còn… ảnh hưởng đến mạch máu kinh tế, đến các nhà sản xuất! Phải chạy theo thị hiếu của các bà. Thí dụ bây giờ khuynh hướng mua sắm của cô ấy là: Bịch to.
- Xem thêm: Sành điệu thật không?
Ngày xưa các thứ như bột nêm, nước mắm, dầu ăn, xà bông, cô chỉ mua bịch nho nhỏ, dùng cho nhanh hết một bịch mới mở bịch khác. Bây giờ là bịch 900gr khủng. Không chỉ do cảm giác mình “cũng bỏ tiền ra một lần mà mua được nhiều” mà còn báo động thời kỳ thích lượn siêu thị đã sắp qua. Các quý bà quý cô say đắm không biết mệt mỏi trong các siêu thị để ông chồng xách đồ “lê lết gần chết” phía sau, cảnh đó không còn nữa.
Những quý bà sang trọng thì đã vào các trung tâm mua sắm cao cấp, mơ ước thầm kín hay cháy bỏng bên các món đồ như kim cương hoặc túi xách cả trăm triệu đồng (đi ôtô mới dám mang, kẻ cướp chưa nghĩ ra cách gì chém ngang ôtô như chém đứt cánh tay cô gái bên cầu Phú Mỹ đi SH và ông Mud người dân tộc đi xe Blade). Ngoài phố Sài Gòn bây giờ xấu xí, không ai đeo vòng vàng trang sức, toàn ngụy trang… kiểu Úc thôi.
Túi xách xịn biến mất. Một người bạn Hà Nội vào chơi, ngày xưa cô ấy diện lắm, bây giờ cô giải thích cho bộ dạng bình dân của mình: “Ai cũng dặn đi Sài Gòn đừng có đem theo đồ hiệu. Đừng có ngây thơ như mấy ông bà Tây du lịch cầm máy ảnh xịn hớ hênh ngó ngó nghiêng nghiêng đang say sưa sáng tạo khuôn hình thì… Pặc! Ôi thôi chúng cướp chạy mất rồi”. Cứ như trong phim. Các quý bà thay đổi dữ lắm. Hay đa nghi.
Có chính sách mới, quy định mới, đầu tiên phải xem có gì… hài hước không đã. Như cái ông gì cãi cho nghị định 105 gì đó, bảo là cấm để lắp kính lên nắp quan tài vì sợ… kính rơi vào mặt người chết (ông này chống chế giỏi hơn cả phụ nữ, sao ông thông minh nghĩ ra chứ ở đời này có bao giờ kính rơi vào mặt ông bà kiểu đó đâu. Ông ta lo xa và… có hiếu tệ.
Thực tế thì mấy cái cha chủ đầu tư ở cái công trình gì Dương Nội, thông báo bắt dọn mồ mả, nông dân không chịu, lẽ ra thì tổ chức bốc mộ đi, đằng này cứ thế cào mồ mả ông bà người ta.
Chắc chắn sẽ bị báo oán, làm ăn sao được). Chuyện “chính chủ” thì cũ rồi, chứ dạo trước các bà bình luận trên Facebook dữ lắm. Các kịch tác gia viết Táo quân, thiết nghĩ nên thường xuyên bám Facebook, tha hồ nhiều ngôn ngữ hài thông minh. Cười ngất! Nhiều bà bây giờ đang phải tìm cách cai nghiện Facebook, cai nghiện mạng vì mất thì giờ nhiều quá.
Lũ con thì cũng không phải nghiện game đâu (các nhà game đừng tưởng), chúng nghiện net, lên YouTube, xem phim, thiết kế vẽ vời, nhiều thứ rất hay. Nếu không theo dõi thời sự kỹ thuật, có khi lại không đủ trình độ nói chuyện với con có ngày. Rồi lại ngồi đó mà thở than khoảng cách thế hệ.
- Xem thêm: Sư tử làm đẹp
Đó, đừng tưởng quý bà quý cô chỉ biết ăn diện, mua sắm. Nhiều bà đã bắt đầu coi đi chợ, vào siêu thị chỉ là mua bán nhanh cho xong, không còn là thú vui đi ngắm nghía. Đừng hy vọng họ nổi hứng bất ngờ mua thứ gì không cần thiết nữa. Siết chặt hầu bao rồi, bắt đầu tự chủ và bình tĩnh trước vật chất rồi.
Các nhà tiếp thị, quảng cáo không còn dễ ăn theo kiểu “tin vui cho người bệnh tiểu đường”, “từ nay hết lo mề đay mẩn ngứa”, “để lại quá khứ béo phì sau lưng”… Phải nghĩ ra chuyện gì hay để thuyết phục các bà?