Hệ thống ngân hàng châu Âu có trách nhiệm trong việc giới nhà giàu tuồn tiền ra nước ngoài
Theo một báo cáo vừa được công bố của nhóm Tax Justice Network (tạm dịch: Mạng lưới công bằng thuế khóa), trụ sở đặt tại Anh, những hạng “siêu giàu” và gia đình họ ở châu Âu đã giấu giếm ở nước ngoài một lượng tiền kếch xù trong khoảng 21 đến 32 ngàn tỉ USD. Số tiền này gần bằng với tổng GDP của hai trong ba nước giàu nhất thế giới là Mỹ và Nhật gộp lại. Bản báo cáo cũng nêu rõ có gần 10 triệu người trên thế giới có tài khoản ở nước ngoài, trong đó khoảng 100 ngàn người sở hữu 50% trị giá số tài sản ấy. Đó là không kể các bất động sản, vàng, du thuyền và nhiều loại tài sản khác. Theo tờ báo tài chính Bloomberg Business Week, con số vừa được ghi nhận cao gần gấp ba lần những con số ước tính cũng của tổ chức trên vào năm 2005 là 11.500 tỉ USD. Một thành viên của Tax Justice Network là John Christensen lên án mạnh mẽ các ngân hàng lớn trên thế giới đã giúp cho khách hàng của họ trốn thuế và tẩu tán tài sản ra nước ngoài. Trong số những ngân hàng này, có nhiều tên tuổi quen thuộc như HSBC, Citigroup, Bank of America, UBS, Credit Suisse… Sử dụng các dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Liên Hiệp Quốc và ngân hàng trung ương các nước, Christensen cũng phân tích tác động của những hành vi trên lên bảng cân đối thu chi của 139 nước đang phát triển có những nhà giàu đưa tài sản của họ vượt khỏi tầm kiểm soát của cơ quan thuế vụ. Ông ước lượng là từ thập niên 1970 đến năm 2010, những công dân giàu có nhất của 139 quốc gia trên đã tích lũy và gửi từ 7.300 tỉ đến 9.300 tỉ USD ra nước ngoài mà cơ quan thuế vụ trong nước không kiểm soát được. Chúng trở thành “một lỗ đen khổng lồ trong kinh tế thế giới” và làm thất thoát một khoản thuế lợi tức hằng năm lên đến 280 tỉ USD. Báo cáo của Tax Justice Network cũng tiết lộ là tính đến cuối năm 2010, 139 nước đang phát triển được khảo sát đã ôm một khối nợ nước ngoài lên đến 4.100 tỉ USD; họ sẽ trở ngược lại làm chủ nợ của nước ngoài nếu như khoảng 9.300 tỉ USD “xuyên biên giới” của công dân nước họ được đưa vào sổ sách.
Dù sao đó chỉ mới là kết quả điều tra sơ khởi của một tổ chức chuyên về vấn đề minh bạch thuế khóa, còn nhiều khía cạnh khác cần được tìm hiểu và lý giải trước khi kịp đưa ra những đối sách phù hợp nhất cho mỗi khu vực, mỗi quốc gia.
Lê Nguyễn theo Al Jazeera, New York Daily News…