Chúng ta luôn tự tin rằng con người là giống loài khôn ngoan nhất. Nhưng bạn có biết: từ động vật bậc thấp như chim, cá đến động vật bậc cao như thú có vú, đều xuất hiện những kẻ biết lợi dụng cả con người để “sống nhàn” không? Xin giới thiệu 5 “đệ nhất tiểu nhân” của làng động vật. Chúng tuy bỉ ổi, nhưng xinh đẹp, đáng yêu tuyệt vời.
Cá sư tử
Đã là người yêu thế giới đại dương, không thể không biết cá sư tử (lionfish), loài động vật được mệnh danh là “hoa hậu của biển”. Cá sư tử có đến 12 loài, song loài nào cũng đẹp lộng lẫy. Chúng nổi bật bởi bộ vây siêu dài, xòe rộng, nom mềm mại như những cánh bướm bơi trong lòng nước. Như hoa hậu loài người, “hoa hậu của biển” cũng đẹp toàn diện. Từ cái râu trên trán tới cơ thể tròn lẳn, đầy hoa văn tự nhiên đến tận cái đuôi đều là đỉnh cao của sự hoàn mỹ. Chỉ cần một lần nhìn thấy cá sư tử, bạn liền muốn có ngay một con trong bể cá cảnh nhà mình.
“Biển tổ” của cá sư tử là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Vào cuối thế kỷ XX, khi hoạt động hàng hải, hàng không cắt đường ngang dọc khắp thế giới, nhiều nhà chơi cá cảnh ở phương Tây cố gắng mang bằng được loài cá tuyệt đẹp này về nước. Tuổi thọ của cá sư tử biển khá bình thường: chỉ trong vòng 5-10 năm. Kích thước của chúng cũng không mấy lớn, chỉ dài từ 4-45cm và nặng khoảng 0,025-1,3kg. Cá sư tử lại không kén ăn, miễn là thịt thì dù có là cá con hay động vật thân mềm, chúng đều xơi tất, nói chung là rất dễ nuôi.
Có một thói xấu ở con người là “cả thèm chóng chán”. Vài người mê cá cảnh châu Âu, châu Mỹ đem thả cá sư tử xuống Đại Tây Dương. Hành động phóng sinh không đáng trách, nhưng tùy tiện bạ đâu thả đó thì lại là chuyện khác. Cá sư tử ăn như hạm và đẻ rất nhiều. Mỗi lứa, cá sư tử cái đẻ khoảng 15.000 quả trứng. Điều kiện nhiệt đới của Đại Tây Dương giúp chúng sinh sôi tấp nập. Các sinh vật của Đại Tây Dương lại chưa từng biết đến loài “sát thủ cá con” này. Chỉ cần cá có kích thước nhỏ hơn, cá sư tử đều thảm sát. Chúng thậm chí đủ khôn ngoan để đi săn theo đàn, lùa lũ cá con ngây ngô và một góc và giết chêt.
Chưa tới 20 năm, sự đa dạng sinh vật biển của Đại Tây Dương đã giảm hẳn 80%. Mặc dù kích thước bình thường, cá sư tử là “hoa hồng có gai”. Mỗi cái gai vây trên lưng nó đều đầy độc tố. Không loài cá nào dám liều mạng tấn công cá sư tử. Chớp mắt một cái, chúng đã trở thành “vua các rạn san hô”. Lúc thế giới phương Tây nhận ra thì đã muộn. Giết sạch một loài cá trong biển khơi mênh mông là chuyện bất khả thi. Người ta chỉ cầu mong kìm hãm được sự phát triển số lượng của chúng.
Cá sấu
Cá sấu chưa bao giờ là con vật dễ thương hay hiền lành. Song nếu ghé Paga, một thị trấn nằm ở biên giới phía Bắc của Ghana, bạn sẽ thấy chuyện ngược lại. Đám bò sát vốn là cơn ác mộng của cả con người lẫn các sinh vật lớn nhỏ sống trên mặt đất lại chỉ như những chú chó ngoan.
Xét trên phương diện tiến hóa, cá sấu đã có mặt từ khoảng hơn 200 triệu năm trước, sớm hơn cả khủng long. Chúng là một trong những loài ăn thịt đáng sợ nhất, sở hữu bộ hàm đầy răng nanh và sức khỏe vô địch. Mọi người thường được cảnh giác không nên đến gần cá sấu.
Riêng ở Paga, cư dân địa phương tin cá sấu là linh thú giữ linh hồn của người đã khuất. Họ lấy những trường hợp qua đời cùng ngày của một con cá sấu và một nhân vật trọng vọng trong làng làm bằng chứng, lưu truyền hậu thế. Không ai được phép giết hay làm tổn thương cá sấu, trái lại còn phải mang thịt đến cho chúng ăn.
Cá sấu ở Paga không bao giờ từ chối sự quan tâm. Chúng xơi hết quà biếu, vui vẻ cho phép vuốt đầu, sờ đuôi, ngồi lên người. Chỉ tính riêng trong hồ Chief’s Pond của Paga, đã có tới 110 con cá sấu. Con già nhất đang ở tuổi ngoài 80. Du khách ghé thăm cũng được phép chơi với cá sấu, nhưng phải mua thịt gà đãi chúng trước.
Quạ
Quạ (corvus) được đánh giá là loài động vật thông minh nhất. Chúng có mặt ở khắp nơi, ăn siêu tạp nên thích nghi được với mọi điều kiện sống. Ngoài tự nhiên, quạ là loài chăm chỉ. Cả ngày, chúng cần mẫn nhặt nhạnh ngũ cốc, đuổi bắt côn trùng, bới móc giun dế, tìm kiếm xác chết. Nhưng kể từ khi các đô thị của con người phát triển, loài lông vũ này cũng chuyển đổi thực đơn.
Nói đến thực phẩm đô thị là nhắc đến thức ăn nhanh. Chúng bao gồm các kiểu thực phẩm được chế biến và phục vụ nhanh chóng. Thành phố là nơi bận rộn. Các cư dân thường không đủ thời gian để nấu nướng, bày bàn, ăn uống thong thả. Thức ăn nhanh tuy tiện lợi nhưng chóng ngán. Nhiều người thường bỏ dở, ném vào thùng rác. Loài quạ cực kỳ tinh mắt, lanh trí, lập tức thấy ngay nguồn thực phẩm vô hạn. Chúng bỏ những tháng ngày cơ cực, nhàn nhã mổ rác thực phẩm lấp đầy bụng. Trong các thành phố trên khắp thế giới, lũ quạ điềm nhiên tận hưởng cuộc sống sung túc. Con nào con nấy béo núc béo ních.
Đáng ngạc nhiên là dù ăn toàn đồ béo, lên cân vùn vụt, quạ không bị mỡ trong máu cao. Chúng cứ mập và khỏe phây phây, cả đời không cần lo bị đói, bị bệnh.
Vẹt
Đã là “fan” của nhà lông vũ, không cách nào thoát khỏi ma lực của những chú vẹt. Chỉ cần đến Campo Grande, thủ phủ của bang Mato Grosso do Sul, Brazil là thấy ngay điều này. Khác với quạ, vẹt không mê rác thực phẩm của con người. Song cũng giống với quạ, chúng bị nhân loại chiếm mất không gian sinh thái.
Những năm gần đây, Amazon còn bị cháy triền miên. Cộng với phá rừng, khu vực sinh tồn của các động vật hoang dã ngày càng thu hẹp. Tại Mato Grosso do Sul, kể từ thập niên 1960, rừng bị đốn hạ hàng loạt, lấy đất canh tác đậu tương. Mất chốn ăn ở, quần thể vẹt tại đây quyết định thay đổi cách sinh tồn.
Cuối thập niên 1990, một số con vẹt đuôi dài vàng lam (Ara ararauna) liều lĩnh bay vào khu vực thành thị. Bên trong Campo Grande rất sẵn các vườn cây ăn trái của tư nhân hoặc công viên, lại có hàng loạt những thân cọ cao ngất ngưởng. Nhà vẹt rất thích làm tổ trong những cây cọ chết.
Trước những con vật đáng yêu và xinh đẹp này, cư dân Campo Grande chẳng nỡ đánh đuổi. Thay vì cấm chúng phá phách, họ cho phép chúng muốn ăn quả nào thì ăn. Người ta còn quy định: cấm chặt phá các cây mục đã được vẹt chọn làm tổ. Nhận thức được sự ưu ái, lũ vẹt ngày càng “mặt dày”. Chúng làm tổ sát nhà dân, sinh đẻ con đàn cháu đống.
Ngày nay, Campo Grande đã trở thành “thành phố vẹt”. Chủ nhân của nó là những con vẹt, còn con người chỉ là các “những con sen tận tình của vẹt”.
Linh miêu đồng cỏ
Trong danh sách này, riêng linh miêu đồng cỏ (Leptailurus serval) có một cách trục lợi con người rất khác. Đó là tận dụng mảnh đất công nghiệp đầy khí thải độc hại. Linh miêu đồng cỏ sinh sống chủ yếu tại vùng sa mạc phía Nam của Sahara, châu Phi. Chúng ưa các khu vực thảo nguyên rộng, là loài ăn thịt nổi danh với biệt tài bắt chim đang bay. Nhờ đôi chân dài và khỏe, chúng dễ dàng bật cao 2-3m và phóng xa cả 3,6m. Mặc dù sống về đêm, nếu đói bụng giữa lúc ban ngày, linh miêu đồng cỏ săn mồi khá tích cực.
Tại nơi có hoạt động công nghiệp của con người, các động vật săn mồi sẽ bỏ đi hết. Ô nhiễm không khí, hóa chất, ánh sáng, tiếng ồn khiến chúng không chịu nổi. Bất ngờ là ở khu vực nhà máy hóa lỏng than, mỗi năm xả ra môi trường khoảng 20 triệu tấn khí thải CO2 Secunda, thị trấn thuộc phía đông của Johannesburg (Nam Phi), người ta phát hiện điều ngược lại. Số lượng linh miêu đồng cỏ ở đây nhiều đến nỗi chiếm mật độ dày nhất Lục địa Đen.
Tổng diện tích khu vực nhà máy này là 77,7km2, được vây rào sắt cao, ngăn người “không phận sự” bước vào. Các công nhân luôn phải mặc trang phục bảo hộ kín kẽ, xong việc là rời khỏi ngay. Song chính trong thế giới ô nhiễm ấy, cỏ vẫn mọc và chuột bạt ngàn. Phát hiện kho mồi ngon lành, linh miêu đồng cỏ lách hành rào, chui vào chiếm đất. Vào năm 2016, nhà nghiên cứu Daan Loock đếm được có tổng cộng 61 con. Nếu đem chia cho diện tích, mật độ linh miêu đồng cỏ tại đây là cao nhất.
So với thế giới bên ngoài đầy hiểm họa, bên trong vùng đất thuộc nhà máy hóa lỏng than Secunda tuyệt đối an toàn. Linh miêu đồng cỏ vừa tránh được thú săn mồi lớn hơn (không thể chui lọt hàng rào), cũng tránh được bị con người đuổi giết (không được phép vào).