“Nếu không xử lý nợ xấu nhanh, quyết liệt và dứt điểm, thì rủi ro trong thời gian tới có thể xảy ra không chỉ ở các ngân hàng nhỏ, mà ở ngay cả các ngân hàng lớn. Nợ xấu sẽ tiếp tục là bước cản mang tính quyết định đối với tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng”. Đó là nhận định của ông Lê Xuân Nghĩa, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Theo ông, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng vẫn đang dựa trên nguyên tắc cơ bản khuyến khích tự nguyện hợp nhất, sáp nhập, nhưng như thế là chưa đủ. Đã đến lúc phải có những động thái mạnh hơn, bởi nợ đang nằm nhiều ở một số tập đoàn tư nhân – những ông chủ phía sau của không ít ngân hàng.
Những nỗi lo thầm kín
Việc Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) ký hợp đồng mua bán nợ đầu tiên với ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ hơn hai tuần sau khi các quy định về mua bán nợ chính thức có hiệu lực (từ ngày 15-9-2013), và chuẩn bị ký hợp đồng thứ hai và thứ ba trong tuần này với một số ngân hàng cổ phần khác, đã thổi bùng lên niềm hy vọng chuyển nhượng nợ từ các ngân hàng. Cuộc trao đổi của chúng tôi với đại diện năm ngân hàng cho thấy những ngân hàng có nợ quá hạn trên 3% tổng dư nợ đều muốn bán được nợ ngay. Họ đang gấp rút hoàn tất các thủ tục để nộp hồ sơ bán nợ lên VAMC. Một số ngân hàng có nợ dưới 3% cũng sẵn sàng bán. Theo họ, khoản nợ được mua bằng trái phiếu đặc biệt của VAMC với giá trị sổ sách sau khi trừ đi phần đã được trích lập dự phòng rủi ro và có thể vay tái cấp vốn 70% giá trị trái phiếu, là quá hời. Tuy nhiên họ có hai nỗi lo. Thứ nhất, chất lượng các khoản nợ mang bán là rất xấu, hầu hết nằm ở nhóm 5 (có khả năng mất vốn, phải trích lập dự phòng 100%), liệu VAMC có chịu mua? Thứ hai, một tỷ lệ nợ không nhỏ nằm ở nhóm 3,4 sắp sửa đáo hạn (nói trắng ra đây là những khoản đã được đảo nợ theo văn bản 780) và ngân hàng nhìn thấy trước người vay không có khả năng trả, sẽ phải rơi trở lại nhóm 5, liệu lập hồ sơ sớm để bán có được không? Theo quy định của thông tư 19 và 20 về mua bán nợ của VAMC ban hành tháng trước, thời gian từ khi đánh tiếng mời VAMC xem xét, nộp hồ sơ đến khi ký hợp đồng và chuyển giao nợ tối đa 60 ngày làm việc. Chưa kể khi có trái phiếu, vay tái cấp vốn mất ba tháng nữa. Nộp hồ sơ sớm để khi nợ đáo hạn thành nợ xấu là vừa!
Giao dịch tại Ngân hàng Vietinbank
“Chúng tôi lo rằng trưng hồ sơ cho VAMC, VAMC thấy chất lượng nợ xấu quá, không mua, thì ngân hàng “lộ mặt”. Lúc đó thanh tra Ngân hàng Nhà nước vào cuộc và có thể chúng tôi sẽ bị đưa vào danh sách các tổ chức tín dụng tái cơ cấu năm 2014” – đại diện một ngân hàng nói.
Nỗi lo trên không phải không có cơ sở. Theo định hướng dài hạn, quá trình tái cơ cấu sẽ rút số lượng ngân hàng từ 45 xuống khoảng 15. Trong hai năm 2012-2013 phải xử lý xong chín ngân hàng đầu tiên trong danh sách tái cơ cấu. Hiện đã xử lý được tám, còn lại Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GPBank) đang được dự báo có thể bán 100% cho nước ngoài. Sau bốn cuộc sáp nhập, hợp nhất bao gồm Habubank – SHB; SCB – Đệ Nhất – Việt Nam Tín Nghĩa; PVFC – Phương Tây; Đại Á – HDBank, số lượng ngân hàng đã giảm từ 45 xuống 40.
Một số ngân hàng khác tự tái cơ cấu bằng cách thay đổi cổ đông trụ cột, tăng thêm vốn điều lệ, giảm nợ để trở nên “sạch sẽ”, nhưng rõ ràng quy mô của những ngân hàng này vẫn còn khá nhỏ và sức chống đỡ trước những khó khăn của nền kinh tế chưa thể nhanh chóng kết thúc là yếu. Khả năng họ phải sáp nhập, hợp nhất là hiện thực. Hiện chưa có một danh sách cụ thể các ngân hàng phải tái cơ cấu đợt hai. Giới ngân hàng đang truyền tai nhau một số cái tên không ở trong dạng ốm yếu, nhưng sức khỏe nhìn chung có vấn đề. Họ có thể là những “đối tượng” bị điểm danh và “tổng động viên” cho danh sách tái cơ cấu đợt hai.
“Liều thuốc thử”
Một quan chức Ngân hàng Nhà nước cho biết VAMC, tất nhiên, không phải là cái “thùng rác” và sẽ mua bất kỳ khoản nợ nào. VAMC sẽ xem xét kỹ từng hồ sơ của các ngân hàng, nhưng đơn vị này đã được chỉ đạo phải góp phần xử lý nợ nhanh nhất có thể, nên các ngân hàng cần “mạnh dạn” nộp hồ sơ, đăng ký bán nợ.
Để tái cơ cấu toàn diện hệ thống, bên cạnh xử lý nợ xấu, các ngân hàng phải thay đổi, nâng cao chất lượng quản trị, đáp ứng các chuẩn mực an toàn, đặc biệt các chuẩn mực kế toán quốc tế về phân loại nợ. Thông tư 02 về phân loại nợ theo chuẩn mới đã được hoãn thi hành một năm và sẽ có hiệu lực trở lại từ ngày 1-6-2014. Đang có những ý kiến cho rằng “liều thuốc thử 02” không nên trì hoãn thêm nữa. Cứ để các ngân hàng áp dụng chuẩn mới và liều thuốc thử sẽ làm hiện rõ những con bệnh. “Anh có bệnh thì phải thừa nhận là có bệnh, thì mới biết đường chạy chữa. Còn uống thuốc ra sao, phẫu thuật thế nào là chuyện khác. Chứ không thể nói là tôi không bệnh được” – một chuyên gia kinh tế bình luận.
Vấn đề nổi cộm mà liều thuốc thử sẽ đưa ra ánh sáng là nợ xấu của các công ty sân sau. Các công ty này, trong các mối liên hệ chằng chịt của nó, thực chất được nối lại ở mắt xích của một số tập đoàn tư nhân. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nợ bao nhiêu, nợở những ngân hàng nào, nợ dài nợ ngắn… đều có thể tổng hợp, khái quát được. Còn nợở các tập đoàn tư nhân, công ty sân sau, không ngân hàng nào báo cáo. Thậm chí ngay trong một ngân hàng, công ty sân sau có thể vay vốn ở nhiều chi nhánh khác nhau và không chi nhánh nào biết rõ tổng lượng vay, mục đích vay. Nợ của công ty sân sau có thể luân chuyển giữa các chi nhánh, chưa nói giữa các ngân hàng.
Suốt thời gian qua, nợ nần, hiệu quả kinh doanh, tình trạng mất vốn, quản trị kém… của các tập đoàn quốc doanh khiến dư luận bức xúc. Đó là bởi bức tranh doanh nghiệp nhà nước đã được công khai phần nào. Hiện trạng của các tập đoàn tư nhân thì khác, hầu hết còn ở trong bóng tối hay vùng tranh tối tranh sáng. Ở trên sàn chứng khoán, người ta được chứng kiến những tập đoàn, đúng hơn là công ty tư nhân, vốn từ vài trăm tỉ đến dưới 1 ngàn tỉ đồng trong tình trạng bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục vì nợ vay vượt quá nhiều lần tài sản ngắn hạn, hay lỗ gần hết, hoặc âm vốn chủ sở hữu. Trong thực tế, có những ngân hàng cho một số tập đoàn tư nhân vay hàng ngàn, hàng chục ngàn tỉ đồng. Người vay đều có mối liên quan ít nhiều tới các ông chủ thực sự của ngân hàng.
Hiện tại nguy cơ nợ xấu không chỉ đe dọa các ngân hàng nhỏ. Những tập đoàn tham gia sở hữu ngân hàng có thể vay vốn ở các ngân hàng “của mình”. Một số tập đoàn không sở hữu ngân hàng vay vốn ở những ngân hàng lớn. Nếu kinh tế phục hồi nhanh, rủi ro đối với những khoản tín dụng cung cấp cho các tập đoàn sẽ hạn chế. Ngược lại, nếu kinh tế phục hồi chậm, các tập đoàn gặp khó khăn về dòng tiền, không trả được nợ, thì ảnh hưởng dây chuyền là khó kiểm soát.
Tái cơ cấu sở hữu chéo
Giải quyết nợ xấu đã và đang đụng chạm đến sở hữu chéo. Không đợi đến khi cơ quan quản lý chức năng khoanh vùng, giới tài chính đầu tư đã có thể đoán biết, có thể nghi ngờ những ngân hàng nào đang bị lũng đoạn bởi sở hữu chéo.
Tháo gỡ sở hữu chéo nhằm thúc đẩy tái cơ cấu ngân hàng liệu có thể làm nhanh? Có giải pháp? Nhiều chuyên gia cho rằng có. Quan trọng nhất là quyết tâm chính trị và thực hiện đến cùng các giải pháp đề ra. Quyết tâm đầu tiên là xắn tay áo xử lý những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao. Trong trường hợp nợ không đòi được do người vay không có khả năng trả, và các cổ đông không có khả năng bù đắp nợ, cơ quan quản lý sẽ phải cho vay tái cấp vốn và chuyển nợ tái cấp vốn (một khi nó không được trả đúng hạn) thành vốn góp không phải quá khó khăn. Khi Nhà nước đã nắm quyền kiểm soát ở những ngân hàng sở hữu chéo chằng chịt, bước đi tiếp theo để “lập lại trật tự” có lẽ không quá khó.
Vấn đề là chúng ta có quyết tâm xử lý sở hữu chéo không? Quyết tâm đến đâu? Sẵn sàng xử lý đến đâu? Có thể có trường hợp việc xử lý sẽảnh hưởng rủi ro đến hệ thống. Nhưng nếu không bắt tay xử lý, ảnh hưởng ấy sẽ còn lớn hơn, nguy cơ cao hơn. Sở hữu chéo là căn bệnh dễ lờn thuốc bởi nó bị chi phối bởi lòng tham. “Chặt đứt” dần dần sở hữu chéo ở từng ngân hàng một sẽ là một trong những đột phá làm tan bước cản tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Hải Lý