Du học tuy được xem như một lựa chọn khá phổ biến hiện nay nhưng lại chưa khả thi với nhiều bạn trẻ không có đủ điều kiện. Có hai yếu tố quan trọng nhất của việc du học, một là cơ hội được tiếp cận nền giáo dục phát triển, hai là được trải nghiệm cuộc sống mới lạ ở một đất nước khác. Nếu như không thể lựa chọn được yếu tố số một, nhiều bạn vẫn có thể tìm được cách trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài bằng nhiều cách khác nhau. Trong đó, Au Pair – hình thức giao lưu văn hóa kết hợp lao động và trải nghiệm hiện đã trở nên khá phổ biến không chỉ trong cộng đồng giới trẻ Việt Nam mà còn cả trên thế giới.
Học bằng trải nghiệm
“Hai mươi năm nữa, bạn sẽ cảm thấy hối tiếc về những điều mình chưa kịp làm hơn là những điều bạn đã làm. Cứ nhổ neo, nương theo cơn gió và không ngại ngần vượt ra khỏi những bến bờ an toàn. Hãy cứ mạo hiểm, mơước và khám phá đi!” – Mark Twain. Đó là đặc quyền của những người trẻ khi mơước được biến cuộc sống của mình thành một chuyến phiêu lưu, được đến những vùng trời xa lạ và trải nghiệm một cuộc sống hoàn toàn khác. Nếu cân đo đong đếm những lợi ích mà chương trình Au Pair mang lại, nhiều bạn sẽ cho rằng chương trình này là không cần thiết và tốn thời gian. Quả thật, việc chương trình Au Pair có cần thiết hay không, cũng như có mang lại thành quả nào hay không là phụ thuộc vào chính nhu cầu và suy nghĩ của bạn.
Au Pair là một khái niệm được ra đời tại châu Âu để chỉ các bạn trẻ người nước ngoài trong độ tuổi 17-30 (quy định cụ thể ở mỗi nước có thể khác nhau) sống cùng với một gia đình bản xứ trong thời gian tối thiểu từ sáu tháng đến một năm. Các nước hiện có chương trình Au Pair gồm: Pháp, Mỹ, Đức, Anh, Áo, Phần Lan, Ý, Na Uy, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ… Các bạn sẽ có “nghĩa vụ” phụ giúp gia đình chủ nhà, đa phần là giúp trông trẻ và các việc lặt vặt trong nhà. Đổi lại, các bạn cũng sẽ nhận được một khoản tiền tiêu vặt hằng tuần. Ngoài ra, bạn cũng sẽ được tạo điều kiện để tham gia vào các khóa học ngôn ngữ bản địa như một phần bắt buộc trong các chương trình Au Pair.
Yếu tố đầu tiên giúp Au Pair trở nên ngày càng phổ biến trong giới trẻ vì khi tham gia chương trình, các bạn trẻ không phải lo lắng về chi phí ăn ở, lại được một khoản tiền tiêu vặt “kha khá” đủ để mua sắm và trang trải cho các nhu cầu giải trí khác. Hơn nữa, khi tham gia vào những chương trình homestay như Au Pair, các bạn cũng sẽ dễ dàng hòa nhập hơn với môi trường sống mới, có “gia đình” đỡ đần những bỡ ngỡ và khó khăn trong cuộc sống xa nhà. Với những bạn muốn trau dồi khả năng ngoại ngữ của mình, Au Pair chính là một sự lựa chọn nên cân nhắc. Vì yêu cầu phải giao tiếp trong sinh hoạt hằng ngày nên vấn đề “đọc thông, viết thạo” ngoại ngữ là điều khá chắc chắn sau khoảng thời gian một năm.
Cũng giống như du học, những bạn trẻ có ý định tìm hiểu thêm về Au Pair có thể đến các trung tâm tư vấn Au Pair. Những trung tâm tư vấn này sẽ giúp các bạn tìm hiểu, cũng như làm các hồ sơ cần thiết để chuẩn bị cho các bạn khi đã quyết định tham gia vào chương trình Au Pair.
Các quan niệm sai lầm
Tuy có nhiều ưu điểm như vậy nhưng chương trình Au Pair vẫn gặp phải khá nhiều e dè, nhất là từ các bậc phụ huynh do những hiểu lầm sau:
– Au Pair cũng tương tự như một chương trình xuất khẩu lao động, các Au Pair cũng chỉ như ôsin mà thôi: Đây là suy nghĩ cực kỳ sai lầm. Vì là một chương trình trao đổi văn hóa nên các yếu tố học tập, trải nghiệm luôn được đưa lên hàng đầu. Một Au Pair chỉ phải làm việc bán thời gian, thời gian còn lại là dành cho việc học ngoại ngữ cũng như tận hưởng cuộc sống. Từ Au Pair trong tiếng Pháp có nghĩa là “ngang bằng”, chính vì vậy trong gia đình, Au Pair được trân trọng và có vị trí ngang bằng với bất kỳ thành viên nào. Những công việc một Au Pair phải làm cũng khá nhẹ nhàng, tương tự như những việc mà các bạn phải làm khi ở nhà để phụ giúp bố mẹ.
– Các bạn trẻ tham gia Au Pair sẽ phải chịu hoàn cảnh “trong nhờ, đục chịu”, thậm chí có thể bị bóc lột: Chương trình Au Pair cũng được quản lý chặt chẽ bởi chính phủ để đảm bảo quyền lợi và sự an toàn của người tham gia. Vì mang tính chất vừa làm vừa trải nghiệm nên tất cả các Au Pair và gia đình chủ nhà sẽ phải ký một bản hợp đồng, bảo đảm cho Au Pair các quyền lợi về an sinh xã hội của một người lao động hợp pháp.
– Vừa học vừa làm như thế, việc học ngoại ngữ chắc gì đã hiệu quả: Thật ra, việc phải cùng chung sống, sinh hoạt và giao tiếp với gia đình bản xứ đã là phương pháp học ngoại ngữ hiệu quả nhất. Ở một số nước như Pháp, Thụy Sĩ, Bỉ…, các Au Pair bắt buộc phải tham gia vào một lớp học ngôn ngữ trong suốt thời gian ở đó. Yêu cầu ngoại ngữ để tham gia vào chương trình Au Pair cũng không quá phức tạp: tiếng Anh ở mức giao tiếp tốt, tiếng Đức ở mức sơ cấp A1, tiếng Pháp ở mức Delf B1 hoặc TCF 300.
Nhật ký của một Au Pair
“Nhớ
Từ lâu rồi, tôi không còn thích gió, không còn thích mùa đông, không thích mơ mộng, không thích buồn và nhớ… Hai mươi mốt tuổi, tự nhận thấy trong mình có những đổi thay. Mang ơn người khác nhiều vô kể, và tự hỏi mình nhận được bao nhiêu như thế, liệu đã cho lại điều gì?
Đến những miền đất xa lạ và thỏa sức ngắm nhìn đến no con mắt những tuyệt tác của nhân loại… Dưới ánh nắng vàng nghiêng nghiêng một buổi chiều thanh bình, khi lòng ấm áp, nhẹ nhàng, tôi nghĩ về những người đã đến trong cuộc đời tôi. Cứ mỗi lần đi đâu xa, tôi lại thử lục tìm trong chiếc túi ký ức mà tôi không chủ ý mang theo, xem tôi thấy những gì và gặp lại những ai (đôi lúc cũng phát hiện ra một số điều thú vị) và tự nghĩ hẳn người đó rất vui nếu biết tôi mang họ theo đến tận chốn này, tôi luôn là thế, luôn chủ quan và kiêu căng khi nghĩ rằng, mình là gì đó rất quan trọng với những người quan trọng trong lòng mình.
Nhớ cả quá khứ và tương lai, mong chờ gặp lại những người thân yêu cũ, mong chờ trái đất tròn để có cơ hội gặp nhau thêm lần nữa… Nhưng thế bảo vì sao tôi không thích nhớ, với tôi, niềm vui đích thực là niềm vui có được trong cuộc sống hiện tại, chứ không phải nỗi nhớ da diết mà bất lực. Thời gian miệt mài trôi, và phải chạy nhanh hơn nó mới có thể là người làm chủ, đúng không?
Nguyễn Phương Nhung – Au Pair Đức 2007-2008”
Nhật Hà