Càng ngày, sức khỏe tâm thần của doanh nhân càng được chú ý bởi vì họ là những người lao động trí óc trong một môi trường luôn có những sự cạnh tranh khắc nghiệt. Nhiều người trong số họ ít quan tâm đến sức khỏe thể chất và bị mất ngủ triền miên trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Không ít doanh nhân có những biểu hiện của các rối loạn tâm thần như mất ngủ, mệt mỏi, lo âu, trầm uất, cáu gắt thất thường…, nguy hiểm hơn, có nhiều người đã lâm vào tình trạng kiệt sức hoàn toàn về thể chất lẫn tinh thần, y học gọi đây là hội chứng burnout (cháy sạch). Nói về hội chứng này, BS Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP. Hồ Chí Minh cho biết:
Hội chứng burnout là tình trạng suy kiệt của cơ thể sống sau một quá trình căng thẳng kéo dài hay còn gọi là stress mạn tính, đến một ngày cơ thể người bệnh bỗng cảm thấy mình kiệt sức, trống rỗng, không còn cảm hứng với công việc lẫn cuộc sống.
Tinh thần “xuống dốc không phanh” khiến bệnh nhân không còn muốn ăn uống, vui chơi, lấy lại năng lượng, kéo theo sự rối loạn toàn bộ hệ thống trong cơ thể như hệ miễn dịch, nội tiết bị suy yếu dẫn đến kiệt quệ… và nhiều chứng bệnh có cơ hội phát tác, khả năng gây đột tử cao như bệnh tim mạch, huyết áp, tai biến mạch máu não…
Có mối liên hệ nào giữa hội chứng burnout và trầm cảm không, thưa bác sĩ?
Những triệu chứng của trầm cảm thường đa dạng và dễ nhận biết hơn hội chứng burnout. Hội chứng “cháy sạch” có thể xuất hiện sau một quá trình diễn biến âm thầm. Người bệnh cũng khó nhận biết để đến khám và điều trị.
Theo thống kê năm 2011, ở CHLB Đức có hơn 500.000 người mắc phải hội chứng burnout. Với những áp lực kinh tế giai đoạn khủng hoảng hiện nay tôi cho rằng số bệnh nhân ở nước ta có lẽ cũng không nhỏ, nhất là giới doanh nhân. Ngoài ra phải kể đến một số ngành nghề khác như bác sĩ, giáo viên, học sinh và những ngôi sao trong ngành giải trí…
Hội chứng burnout phải chăng xảy ra hầu hết ở người lao động trí óc?
Những người lao động trí óc làm việc trong môi trường hay bị stress, căng thẳng lại không có nhiều cơ hội rèn luyện thể lực nên cơ thể không khỏe mạnh, cường tráng bằng người lao động chân tay. Vì vậy mà sức chịu đựng về mặt thể chất cũng hạn chế. Còn thực tế thì cả người lao động chân tay lẫn trí óc đều có thể gặp nhiều chứng bệnh về tâm thần khác chứ không chỉ burnout nếu họ bị stress, trầm cảm kéo dài.
Tại Bệnh viện Tâm thần TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày có từ 500 đến 600 bệnh nhân đến khám vì các rối loạn tâm thần, trong đó số bệnh nhân được chẩn đoán có biểu hiện trầm cảm nặng đến khám tăng dần theo từng năm.
Năm 2012, Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo đến năm 2020 gánh nặng do bệnh trầm cảm gây ra chỉ đứng sau các bệnh về tim mạch. Trên thế giới có hơn 800.000 người tự tử hằng năm, phần lớn trong số đó bắt nguồn từ nguyên nhân trầm cảm.
Tỷ lệ tự sát trên 100.000 dân mỗi năm ở một số quốc gia được thống kê như sau: Nhật: 26 người, Nga: 32 người, Pháp: 17 người, Mỹ: 11 người.
Doanh nhân là đối tượng hay bị stress nhưng lại không có điều kiện để vượt qua trầm cảm…
Đúng vậy, phần lớn bệnh nhân trầm cảm là doanh nhân và người thành đạt giữ vị trí, vai trò quan trọng đối với cơ quan doanh nghiệp. Đôi khi họ không nhận thức được căn bệnh của mình, không tin mình bị bệnh tâm thần, thậm chí khi bác sĩ chẩn đoán bệnh họ còn bán tín bán nghi.
Họ luôn bị cuốn hút vào công việc và nhiều khi không còn thời gian để nghỉ ngơi, tham gia vào các hoạt động giả trí. Nhưng đừng nghĩ stress chỉ tác dụng đến tinh thần, mà nó ảnh hưởng lên hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Ban đầu, cơ thể sẽ huy động mọi nguồn lực để chống lại stress: tim đập nhanh, mạnh, thở gấp để đem oxy và chất dinh dưỡng đến các cơ quan…
Stress liên tục kéo dài sẽ làm cạn kiệt các nguồn năng lượng dự trữ trong cơ thể, dẫn đến rối loạn hệ miễn dịch nội tiết, lở loét hệ tiêu hóa, teo tuyến ức, phì đại tuyến thượng thận, rối loạn tuần hoàn, rối loạn lo âu, mất ngủ, đau đầu, mệt mỏi và cuối cùng là rối loạn trầm cảm.
Bệnh nhân bị burnout có thể chữa khỏi không, thưa bác sĩ?
Tùy từng trường hợp bệnh nhân. Nghe có vẻ “ba phải” nhưng mỗi cá nhân là một thực thể sống với những đặc điểm di truyền và khả năng thích nghi riêng. Cùng một stress thì có người cảm thấy quá sức, không thể vượt qua, có người chỉ xem đó là một bước cản nhẹ, lại có người lại xem stress là động lực để hoàn thiện bản thân.
Tuy nhiên, hầu hết trường hợp đã có biểu hiện hội chứng burnout trong tình trạng nặng thì nguyên tắc điều trị là phải tách ra khỏi công việc để nghỉ ngơi và đến gặp những nhà chuyên môn để được xem xét, đánh giá và điều trị phù hợp bằng liệu pháp tâm lý kết hợp với hóa dược.
Hiện nay, khi bị stress, nhiều người vẫn muốn đến chuyên viên tâm lý hơn là đến bệnh viện tâm thần…
Với một vẻ bề ngoài cũ kỹ, xuống cấp như Bệnh viện Tâm thần TP. Hồ Chí Minh thì rất khó lòng thu hút bệnh nhân, trong khi các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân khang trang, hiện đại mở ra ngày càng nhiều. Hơn nữa, không ít người vẫn tỏ ra kỳ thị khi nói đến bệnh nhân tâm thần vì liên tưởng ngay đến những người điên.
Mặc dù tri thức đã được nâng cao nhưng một số quan niệm đã ăn sâu vào suy nghĩ của người Việt Nam chúng ta, rất khó thay đổi. Đến bác sĩ tâm lý xem ra vẫn giải quyết được phần nào tâm bệnh mà không “mang tiếng” như đến bệnh viện tâm thần.
Tư vấn tâm lý chỉ là những giai đoạn ban đầu của cả quá trình tâm lý trị liệu. Chuyên viên tâm lý trị liệu ở Việt Nam hiện nay còn rất thiếu và cũng chưa được đào tạo một cách bài bản. Hơn nữa, những chuyên viên tâm lý không được đào tạo để chẩn đoán và điều trị các bệnh về tâm thần bằng thuốc. Trong khi các bệnh lý nặng thường phải kết hợp giữa tâm lý trị liệu và sử dụng các loại thuốc đặc trị.
Bệnh nhân có thể tìm đến nơi nào để có thể được điều trị tâm lý bài bản như trên?
Thật đáng tiếc là chỉ ở những nước phát triển Mỹ, Pháp, Anh, Úc, Canada, Nga… bệnh nhân tâm thần mới được điều trị bài bản như thế. Còn ở Việt Nam thì theo tôi được biết hiện chúng ta mới đang có những bước đầu. Ở một số thành phố lớn như Hà nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, chúng tôi đang hợp tác với các chuyên gia nước ngoài để đào tạo áp dụng tâm lý trị liệu tại các bệnh viện.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới thì có khoảng 1/4 dân số thế giới đều có một thời điểm trong đời cần đến những dịch vụ tư vấn, điều trị về tâm thần. Đó là một vấn đề không đơn giản vì nó kéo theo những tổn thất về kinh tế và cả những bất ổn về xã hội.
Ở những nước có ngành tâm lý học phát triển thì như Mỹ và các nước châu Âu, người dân đã có ý thức đầu tư cho sức khỏe tâm thần nhằm hạn chế những bệnh về thể chất.
Chúng ta thì ngược lại, lo giải quyết bệnh thể chất trước vì bệnh tâm thần còn lâu mới… chết. Đến khi bệnh tâm thần trở nặng cũng không muốn vào bệnh viện tâm thần vì mặc cảm.
Khoa thần kinh ở một số bệnh viện đa khoa vẫn khám và điều trị các triệu chứng bệnh tâm thần như mất ngủ, mệt mỏi. Dường như chúng ta vẫn chưa phân định rõ ràng về bệnh tâm thần và bệnh thần kinh?
Thực ra tâm thần và thần kinh là hai chuyên ngành khác nhau. Trong bệnh thần kinh có tổn thương thực thể tại các phần khác nhau của hệ thần kinh như não bộ, tủy sống, dây thần kinh ngoại vi. Người bệnh ít có các hành vi kỳ dị, ý nghĩ bất bình thường nhưng có thể tê liệt nửa người, khó khăn đi đứng, ăn nói…
Trong bệnh tâm thần, các tổn hại thực thể của hệ thần kinh không rõ rệt. Ða số các dấu hiệu bệnh là do rối loạn chức năng của não, bệnh nhân có thể đi lại bình thường nhưng tâm trạng, hành vi, suy nghĩ của họ khác thường.
Trước đây, tâm thần và thần kinh đã tách riêng thành hai mảng độc lập nhưng xu hướng hiện nay lại có sự xích lại gần nhau bởi ranh giới thực thể và chức năng đôi khi cũng rất mỏng manh.
Một số nghiên cứu về tâm thần học cho rằng sự phát triển nhân cách con người sẽ hạn chế bệnh tâm thần, ngăn chặn burnout và giúp bệnh nhân mau khỏi. Vậy nhân cách ở đây được hiểu như thế nào?
Nói đến nhân cách là một khái niệm khá rộng, đó là tất cả các yếu tố hình thành nên con người, khó mà kể hết được. Trước hết, đó là gen di truyền từ cha mẹ, là văn hóa, kinh nghiệm, lý tưởng sống, khả năng thích nghi, khả năng tự cân bằng… Không quá khó hiểu khi một con người được sinh trưởng trong một gia đình hạnh phúc, có cách nuôi dạy phù hợp, được trang bị những kiến thức kỹ năng sống để thích nghi tốt với môi trường sống thì ít bị stress, căng thẳng hơn.
Cách dạy học của chúng ta đang có những điểm cần thay đổi, thay vì tạo cho trẻ con sự vô tư, đồng cảm và chia sẻ thì chúng ta lại tạo ý thức ganh đua ngay từ khi trẻ mới bước vào lớp Một, lớp Hai bằng cách ép con vào trường điểm và mong muốn con mình luôn là những học sinh đứng đầu lớp. Vô tình điều này đã tạo cho đứa trẻ lớn lên với một ý thức ganh đua, đố kỵ, cố đạt đến một vị trí nào đó bằng mọi cách. Đến khi đã “cháy” hết mình cho sự nghiệp mà vẫn chưa đạt được thành công như mong muốn thì hụt hẫng, mặc cảm và bất an. Tâm lý này là con đường gần nhất để con người rơi vào trạng thái burnout.
Vậy bác sĩ có những lời khuyên gì cho độc giả để có một cuộc sống thoải mái về tinh thần?
- Hãy sắp xếp, tổ chức công việc một cách khoa học và hợp lý. Đặt ra những mục tiêu rõ ràng, khả thi.
- Hãy dành thời gian nghỉ từ 5 đến 10 phút sau mỗi giờ làm việc và nghỉ trưa khoảng 1 giờ.
- Hãy thực hành phương pháp tư duy tích cực.
- Phải biết rõ khả năng, giới hạn của mình và đồng nghiệp.
- Không cầu toàn vì ở trên đời không có gì là hoàn hảo.
- Hãy tìm kiếm những sự chia sẻ ở bạn bè, người thân.
- Hãy tự điều chỉnh mình để thích nghi với hoàn cảnh và bằng lòng với những điều mình có.
- Hãy tập nói không với những đề nghị, yêu cầu không hợp với mình.
- Hãy dành thời gian để suy nghĩ về những điều gây ra sự bực mình, thất vọng và bất mãn một cách nghiêm túc.
- Chơi thể thao đều đặn tốt nhất là 3 lần một tuần.
- Tập luyện liệu pháp thư giãn hay đơn giản hơn là tập thở sâu.
- Ngủ đủ ngày 6 đến 7 tiếng và ăn uống hợp lý, đặc biệt không lạm dụng các chất kích thích.
- Hãy dành thời gian cho bản thân, gia đình, bạn bè và giải trí.
- Tổ chức nghỉ ngơi du lịch mỗi năm.
- Tham gia các hoạt động từ thiện, giúp đỡ những số phận kém may mắn trong xã hội.
Cảm ơn bác sĩ về những chia sẻ trên.