Hội nghị lãnh đạo Nhóm Các nền kinh tế Mới nổi Hàng đầu Thế giới (BRICS) gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi vừa bế mạc hôm 5-9, sau ba ngày nhóm họp đã nhấn mạnh nỗ lực đoàn kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ và tái cân bằng toàn cầu hóa để tăng tính bền vững.
Phát biểu trong ngày làm việc cuối cùng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định các lãnh đạo đã đạt được đồng thuận về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có quản trị toàn cầu và hợp tác giữa các nước trong BRICS.
Ông cũng cho biết nước này sẽ cung cấp 500 triệu USD hỗ trợ các nước đang phát triển đối phó với những thách thức như nạn đói, di cư, biến đổi khí hậu, y tế cộng đồng.
Trong khi hội nghị BRICS tại Hạ Môn được nước chủ nhà xem là thành công thì trang tin Arab News và một vài trang mạng khác có bài phân tích về vai trò của nhóm kinh tế này với nhiều màu sắc không mấy sáng sủa. Theo đó, các nền kinh tế mới nổi trên đây chưa thực sự hội đủ các điều kiện là một khối thương mại và tổ chức này cũng không làm gì nhiều để thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa.
BRICS được hình thành như thế nào?
Khởi nguồn từ một báo cáo do Công ty Mỹ Goldman Sachs công bố năm 2003 với tiêu đề “Mơ từ BRIC: Con đường đến năm 2050” trong đó Jim O’Neill, cựu chủ tịch công ty này dự đoán rằng cục diện kinh tế thế giới sẽ thay đổi vào năm 2050. Theo đó bốn nước BRIC (thời điểm ấy Nam Phi chưa tham gia) sẽ vượt qua các nước phát triển phương Tây như Anh, Pháp, Ý, Đức và chen chân vào hàng sáu nền kinh tế lớn cùng với Mỹ và Nhật Bản.
Theo O’Neill, điều này có thể diễn ra vì các nước này có một số điểm giống nhau, đó là: diện tích lớn, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh, nhu cầu tiêu dùng đang nổi lên và giá lao động rẻ. Lý thuyết này đúng trong một thời gian bởi kết quả thực tế là nếu có một tổ chức tài chính tham gia vào thị trường cổ phiếu hoặc đầu tư của tư nhân vào BRIC sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn so với đầu tư vào các nền kinh tế già cỗi. Cho đến khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra vào năm 2008 cho thấy đầu tư không bảo vệ được nền kinh tế và tài chính, thậm chí tình hình trở nên xấu hơn vì vốn nước ngoài nhanh chóng rút khỏi một số nước BRIC.
Ba năm sau, hợp tác giữa các nước bắt đầu mở ra. Năm 2010, Nam Phi được gia nhập và nhóm này được đổi tên là BRICS nhưng Nam Phi cũng không đáp ứng đủ tiêu chuẩn dân số và GDP thấp hơn các nước khác quá nhiều. Theo thống kê, tỷ trọng GDP của nhóm nước này trong nền kinh tế thế giới tăng từ 12% vào năm 2006 lần đến 23% vào năm 2016. Hiện nay cơ chế hợp tác BRICS từ thương mại đã được nâng lên hợp tác vốn, tài chính cấp cao hơn.
So với các liên minh thương mại quốc tế khác như Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vốn có điểm chung về lợi ích thương mại thì theo phân tích của Arab New, tương quan giữa các thành viên BRICS lại rất khác biệt về cả kinh tế, chính trị lẫn địa lý. Họ đến với nhau trong những hội nghị hầu như chỉ để nghe bài phát biểu về “sức mạnh tổng hợp” của khối, với những lời chúc tụng tốt đẹp của nước chủ nhà. Tất cả cũng chỉ nằm trong nội dung một cuộc họp thông lệ hằng năm.
Nền kinh tế Trung Quốc có điểm gì chung với Nga và các quốc gia thành viên khác? Một bên là công xưởng sản xuất của thế giới, một bên là kho xăng khổng lồ. Brazil hợp tác với Ấn Độ như thế nào trong khi cả hai đều là thị trường tiêu dùng nông nghiệp và đang không ngừng cạnh tranh nhau chứ không hợp tác trên các thị trường toàn cầu.
Nam Phi có điểm tương đồng nào với các thành viên khác ngoại trừ việc nước này cũng có vấn đề về chính phủ lạm dụng can thiệp vào nền kinh tế, trên thực tế có thể thấy rằng đó cũng là điểm chung giữa các nước này.
Thực chất BRICS cũng giống như một số tổ chức trước đó của châu Âu, Bắc Mỹ hay nhóm các nền kinh tế G7 – họ cũng muốn bảo vệ con đường của mình và muốn hạ gục bất kỳ đối thủ mới nổi nào.
Câu hỏi đặt ra là liệu BRICS có tồn tại như một đơn vị kinh tế và chính trị hay không? Mặc dù sau nhiều năm được coi là một đơn vị và hằng năm vẫn kêu gọi hiệp lực nhưng các thành viên dường như không ưa nhau lắm, ít nhất là trong các vấn đề thương mại.
Thành viên của BRICS không nằm trong Top tám đối tác thương mại nước ngoài hàng đầu của Trung Quốc. Nga chơi vơi ở vị trí thứ chín, nhưng đó là do Trung Quốc nhắm vào nguồn dầu mỏ của Nga. Nếu BRICS muốn hoạt động một cách nghiêm túc họ cần chứng minh rằng sự hiệp nhất của họ là có thật và bắt đầu giao dịch với nhau.
Từ nhiều năm qua các quốc gia thành viên cho rằng cách tốt nhất để có thể tham gia tiến trình cải tạo thế giới là thể hiện một mặt trận thống nhất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy BRICS ngày càng có xu hướng chỉ dựa trên một thành viên duy nhất là Trung Quốc.
Nhân tố Ấn Độ là cản ngại
Cũng trong chủ đề này, Tổ chức phân tích thông tin Stratfor có bài phân tích cho rằng Trung Quốc đang muốn biến BRICS thành công cụ để theo đuổi tham vọng bá chủ toàn cầu.
Tuy sức nặng kinh tế của Trung Quốc có thể định hướng được chủ đề của cuộc họp năm nay, thế nhưng còn một cường quốc quan trọng khác không muốn để Trung Quốc thao túng, đó là Ấn Độ.
Nếu BRICS chỉ bao gồm bốn quốc gia mà không có Ấn Độ, chắc tổ chức này sẽ dễ đạt được đồng thuận hơn. Ấn Độ vốn đạt được tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây và đang ngày càng trở thành một kẻ phá bĩnh trong mắt Trung Quốc. Sau cuộc gặp năm ngoái, Ấn Độ đã gây căng thẳng với Nga và Trung Quốc khi từ chối phê chuẩn thông điệp chống khủng bố. Trong năm qua, căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc gia tăng do Bắc Kinh củng cố quan hệ với Pakistan đối thủ của Ấn Độ.
Đối với chiến lược toàn cầu của Trung Quốc, căng thẳng với Ấn Độ là những nhân tố gây phức tạp. Bắc Kinh đang cố gắng khẳng định vị thế trên thế giới như một đối thủ đáng gờm của Washington, đồng thời là nhà lãnh đạo tiềm năng của trật tự thế giới mới. Với mục tiêu này, Trung Quốc đã phát động một số sáng kiến quan trọng trong đó nổi bật là dự án “Vành đai và con đường”.
Ngoài ra Trung Quốc cũng đang tìm cách thể hiện là nước ủng hộ tự do mậu dịch sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một cơ hội để họ thúc đẩy “siêu khối” của mình, đó là thỏa thuận đối tác toàn khu vực RCEP dự kiến được hoàn tất vào cuối năm nay.
Tuy nhiên RCEP hiện bao gồm cả Ấn Độ, đó là chưa kể có nhiều lý do để làm trì hoãn các cuộc đàm phán, chẳng hạn như những ưu tiên khác nhau giữa các quốc gia ASEAN và Nhật Bản, Hàn Quốc. Sự cố chấp của Ấn Độ cũng đóng vai trò quan trọng làm ngưng trệ sự thỏa thuận về RCEP.
Trong quá trình thực thi kế hoạch đầy tham vọng của BRICS, Trung Quốc luôn phải đối diện với những cơn gió ngược từ Ấn Độ. Tháng 3-2017, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đề xuất mô hình BRICS mở rộng, theo đó kết nạp thêm những quốc gia đang phát triển khác.
Tuy nhiên Ấn Độ phản đối vì cho rằng đây là âm mưu của Trung Quốc nhằm vô hiệu hóa mình. Và mặc dù Trung Quốc đã mời Tajikistan, Ai Cập, Thái Lan, Mehicô và Guiné tới tham dự hội nghị năm nay, nhưng theo giới phân tích tình hình quốc tế xem ra đây là lần tham dự đầu tiên và cũng là cuối cùng của các nước này.
Mười năm trước, Ấn Độ và Trung Quốc với quy mô nền kinh tế chưa đủ lớn nên đều có thể dễ dàng gạt sang bên các bất đồng. Nhưng hiện tại hai quốc gia đã đạt tới quy mô có thể bị đẩy vào thế đối kháng khi mà cả hai đều muốn gia tăng ảnh hưởng toàn cầu.
Thế nhưng bất kỳ nội lực nào của Trung Quốc nhằm gạt bỏ Ấn Độ đều sẽ không dễ dàng. Lý do là Ấn Độ hiện có vị trí vững chắc trong các thể chế của khối này, chẳng hạn như Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của BRICS là người Ấn Độ. Ngoài ra Nga là nước vẫn có quan hệ nồng ấm với Ấn Độ, có thể sẽ phản đối bất kỳ nội lực nào nhằm loại New Dehli.
Các quốc gia BRICS ban đầu được gắn kết với nhau bằng tiềm năng tăng trưởng nhưng giờ đây thực tế của sự tăng trưởng đang gây ra vấn đề giữa các thành viên. Trong khi muốn trở thành một mắt xích trong chiến lược toàn cầu, Bắc Kinh sẽ phải tìm cách kiểm soát sự hiện diện mang tính phá quấy của Ấn Độ trong rất nhiều tổ chức đa phương mà Trung Quốc khởi xướng.
Quan hệ Trung – Ấn đang căng thẳng do việc Trung Quốc đầu tư hàng triệu đôla Mỹ vào cơ sở hạ tầng ở Pakistan, kẻ thù không đội trời chung của Ấn Độ. Rajan Menon, giáo sư Khoa học Chính trị thuộc Trường Đại học City College ở New York cho biết, Ấn Độ đang ngày càng cảnh giác trước việc Trung Quốc dùng mậu dịch để thúc đẩy những mục tiêu chiến lược khác.
Ấn Độ cho rằng tham vọng “Vành đai – Con đường” của Trung Quốc là không tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của họ và xem hành lang này không hẳn là một kế hoạch kinh tế mà là một kế hoạch chiến lược. Trong khi đó Pakistan hy vọng hành lang trên sẽ biến nước này trở thành một trung tâm thương mại và đem tới cho họ một cảng biển quan trọng thứ hai bên cạnh Karachi, nơi mà họ sợ Ấn Độ phong tỏa trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Rory Medcalf, người đứng đầu Trường An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Australia nói rằng Ấn Độ coi hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan là một sự bao vây chiến lược và không thể thay thế cho việc Trung Quốc trợ giúp Pakistan về tên lửa và hạt nhân để đối phó với lợi thế quân sự của Ấn Độ.
Hiện nay, Ấn Độ đã cùng Nhật Bản triển khai một dự án cạnh tranh với “Vành đai và Con đường”. Trong bối cảnh các quốc gia tăng đối đầu ở khu vực Himalaya, những người Ấn Độ theo chủ nghĩa dân tộc đã biểu tình bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc tại Dehli và tổ chức sự kiện kêu gọi tẩy chay các sản phẩm Trung Quốc trên cả nước.
Cuộc đối đầu này đang buộc Ấn Độ xem lại chiến lược mậu dịch của mình. Trung Quốc gia tăng xuất siêu trong khi đối xử với Ấn Độ như kẻ thù xuất khẩu sang Trung Quốc.
Thập niên qua Trung Quốc bán được ngày càng nhiều hàng điện tử, máy móc sang Ấn Độ, tuy nhiên nhập khẩu Trung Quốc lại tăng không đáng kể do nền kinh tế chựng lại phải bớt nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên như đồng, bông và xăng dầu từ Ấn Độ.
- Tổng hợp
Xem thêm:
- Nhóm BRICS đứng trước nguy cơ tan rã
- BRICS – sự lựa chọn mới cho du học
- Khối BRICS muốn thành lập một ngân hàng phát triển toàn cầu