Định nghĩa đơn giản nhất, bonsai là cây cổ thụ, với đầy đủ những đặc tính cổ thụ trong tự nhiên, nhưng có kích thước nhỏ hơn rất nhiều và được trồng trong chậu.
Theo anh Thái Văn Thiện, một nghệ nhân tên tuổi trong làng bonsai TP. Hồ Chí Minh, nhiều người còn hay nhầm lẫn, lệch lạc khi đánh giá một cây bonsai đẹp. Nét đẹp của bonsai là nét đẹp của một cây cổ thụ, có bộ rễ to, khỏe, gốc vững vàng, nhánh cành… cân đối. Từng vết sẹo, mắt cây, chồi cây… đều thấm đẫm công sức của con người, để rồi theo thời gian, một “cây cổ thụ thu nhỏ” – tác phẩm bonsai thành hình.
Nghệ thuật bonsai đã bén rễ lâu đời tại một số nước châu Á, đặc biệt là Nhật và Trung Quốc. Riêng Việt Nam, những năm gần đây cũng là một thú chơi bonsai tao nhã được khá nhiều người yêu thích, bởi nó mang lại cảm giác thư giãn thật sự cho cả người chơi lẫn người thưởng lãm.
Một tác phẩm bonsai không chỉ phơi bày vẻ đẹp của lá, hoa, cành như những cây cảnh thông thường, mà còn phô diễn nét đẹp của rễ, thân, chậu, cả những bức tượng, hình trang trí… để làm nên một tổng thể ý nghĩa. Trong nghệ thuật bonsai, chậu cũng là một yếu tố rất quan trọng. Kích thước, hình dáng, màu sắc của chậu phải hài hòa, cân đối với cây.
- Xem thêm: Nơi người bầu bạn với cây
Nét đẹp của bonsai đạt đến đỉnh cao chính là sự thanh, đơn giản, vừa đủ, hài hòa, quan trọng nhất là gợi ý, mở ra cho người xem một triết lý, đúc kết về cuộc sống hay một mối tương quan, sự đồng cảm giữa con người với thiên nhiên, chứ không chỉ theo tiêu chí kinh điển – “thanh, kỳ, cổ, quái” hay “nhất hình, nhì thế, tam chi, tứ diệp”. Vì là một loại hình nghệ thuật nên mỗi tác phẩm bonsai không thể thiếu dấu ấn sáng tạo của nghệ nhân.
Ngày xuân, chúng tôi xin giới thiệu một số tác phẩm bonsai độc đáo để bạn đọc cùng cảm nhận những điều trên. Thường một tác phẩm bonsai có tuổi nghệ thuật (tính từ khi vô chậu) vài chục năm, tính cả tuổi cây trước đó – vài chục năm nữa, cũng bằng cả đời người. Chuyện “một đời cây bonsai bằng mấy đời người” cũng không quá hiếm. Quá trình khởi đầu là lựa chọn, nuôi dưỡng cây trong thiên nhiên, rồi tiến hành “thu gọn cổ thụ vào trong chậu”. Tiếp đó là ngày ngày cắt, tỉa, tạo thế, chăm bón… cho cây. Quả thật “nghề chơi cũng lắm công phu…”.
1. Mai vàng đã trở thành một phần thân thuộc trong ngày Tết của vùng đất phương Nam đầy nắng gió. Điều độc đáo làm nên giá trị ở đây chính là dáng bay mà nghệ nhân đã tạo cho cây. Dáng cây như nghiêng theo chiều gió, khác với tư thế cây mọc thẳng đứng trong tự nhiên nhưng nhìn vẫn… rất tự nhiên, không hề có vẻ khiên cưỡng. Được ghép với mai tai giảo 12 cánh, cây nở hoa vàng rực đúng dịp Xuân về, càng tăng thêm vẻ đẹp quyến rũ.
2. Cây si này được nghệ nhân tạo theo phong cách bán thác đổ, nửa vươn cao theo hình ngọn núi, nửa buông dài như thác đổ mềm mại, thêm vài áng mây trời như tạo nên một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ.
3. Cây du này được nhập cây thô từ Trung Quốc, khi đã hơn 30 năm tuổi. Nghệ nhân đã tinh giản cành để thể hiện dáng cổ thụ thẳng đứng phóng khoáng, khỏe mạnh “gốc nở ngọn thuôn”.
4. Cây phi lao (cây dương), một loại cây chắn gió thường được trồng ở ven biển miền Trung. Trong tự nhiên, cây phi lao luôn mọc thẳng, vậy mà ở đây, nghệ nhân đã “hướng dẫn” ngọn cây phát triển đi xuống để tạo hình thác đổ. Dòng thác xanh tuôn xuống như bất tận. Đây là một kỹ thuật rất khó, đòi hỏi tay nghề rất cao và cả sự kỳ công. Ngày qua ngày, suốt mười mấy năm, tác phẩm nghệ thuật này mới định hình.
5. Cây kim quýt này đã hơn 50 năm tuổi, nhờ bàn tay và ý tưởng của nghệ nhân, đã biến thành một tác phẩm bonsai đẹp, đơn giản mà thanh. Thiên nhiên đã làm cho thân cây bị mục ruỗng một bên, những vết sẹo hằn trên thân nhưng tán lá vẫn dày và xanh, thể hiện một sức sống vươn lên. Bức tượng như một đối trọng, tạo nên một khối tác phẩm nghệ thuật hài hòa.
6. Cây khế, một loại cây cho trái rất dân dã nhưng tác phẩm bonsai này lại rất có giá trị, được giới nghệ nhân xếp vào hàng quý hiếm. Cây có dáng song thụ, tán hình chóp tạo thế vững chắc, được xử lý để ra hoa kết trái tạo thêm sự sung mãn, đầy sức sống.
7. Cây trắc dây ở đây là một hình ảnh đầy tính triết lý, chiêm nghiệm, nói lên sức sống mãnh liệt của tự nhiên. Dù thân cây mục ruỗng, những cành nhánh vẫn vươn lên, búp non vẫn hé lộ, ra sức chống chọi lại sự tàn phá của thiên nhiên. Trong tác phẩm này, yếu tố “quái” được nghệ nhân đưa lên hàng đầu, tạo nên hiệu quả hình ảnh mạnh cho người xem.
8. Mai chiếu thủy lá nhỏ là loại cây có đặc tính rất lâu lớn. Chậu bonsai cổ thụ này hơn 30 năm tuổi, cũng là thế hình chóp khỏe mạnh, cân đối và hài hòa.
9. Linh sam là loại cây mọc tự nhiên ở rừng ven biển miền Trung, cây lớn, cho hoa thường xuyên. Cũng là thân cây mục ruỗng do sự tàn phá của thiên nhiên, nhưng vì thế lại toát lên vẻ đẹp tinh thần như ý tưởng “khô mộc phùng xuân”.