Ngày Phụ nữ Quốc tế 8.3, Ngày của mẹ (ngày Chủ nhật thứ 2 tháng 5), ngày Vu Lan báo hiếu (15.7 Âm lịch) đều là những ngày để ta tưởng nhớ công lao trời biển của mẹ. Chẳng lẽ không có ngày nào để ta tưởng nhớ “công cha như núi Thái Sơn”?
Ngày của cha
Đầu thế kỷ trước, ở TP Spokane, miền Đông bang Washington, Hoa Kỳ, một cựu chiến binh từng tham gia chiến tranh Nam-Bắc tên là William Smart, vợ ông đã qua đời khi sinh người con thứ 6. Người cha đơn thân vừa phải làm quần quật trong một nông trang, vừa phải nuôi đứa con còn đỏ hỏn. Khi các con của ông đã khôn lớn và thành đạt, đáng lẽ ông được an hưởng tuổi già thì năm 1909, ông đã gục xuống vì lao lực quá sức.
Vào năm ông Smart qua đời, người con gái lớn của ông, bà John B. Dodd sau khi dự lễ nhà thờ nhân dịp Ngày của mẹ, bà đã cảm nhận được nỗi nhọc nhăn của người cha đơn thân của bà không hề thua kém bất kỳ người mẹ nào. Bà đã chia sẻ ý niệm của mình với mục sư Rasmus, muốn có một ngày riêng biệt để kỷ niệm người cha vĩ đại của mình, cũng như những người cha toàn thế giới. Mục sư Rasmus đã bị lòng nhân ái của ông Smart cảm động, nên đã ủng hộ ý niệm của bà và thông qua hệ thống giáo hội phát động một phong trào rầm rộ.
Được thị trưởng TP Spokane và thống đốc bang Washington ủng hộ, ngày 19.6.1910, bang Washington lần đầu tiên trên thế giới tổ chức kỷ niệm Ngày của cha (Father’s Day), sau đó lan rông khắp nước Mỹ. Năm 1922, Tổng thống Mỹ Calvin Coolidge chính thức quy định Ngày của cha là ngày lễ mang tầm quốc gia. Năm 1966, Tổng thống L.Johnson ký sắc lệnh, quy định ngày Chủ nhật thứ 3 trong tháng 6 là Ngày của cha, vì sinh nhật của ông Smart nằm trong tháng 6. Đến nay, 80% số nước trên thế giới đều công nhận Ngày của cha (trừ Việt Nam), thể hiện sức lội cuốn đặc biệt của nền văn hóa Mỹ.
Vào Ngày của cha, con cái thường biểu lộ lòng kính trọng của mình đối với cha bằng các tặng hoa. Theo gợi ý của bà Dodd, nếu cha còn sống, hãy cài bông hồng đỏ trước ngực, thể hiện sự kính trọng; nếu cha đã khuất, thì cài bông hồng trắng, thể hiện sự thương tiếc. Các bạn cũng có thể tặng cha mình những lễ vật nhỏ như cà-vạt, vớ, dao cạo râu…
Ngày của cha năm nay rơi vào ngày 15.6, tôi viết vài dòng để tưởng nhớ người cha đã khuất, cũng là những lời chúc tục ngày lễ dành cho tất cả những người làm cha hoặc sắp làm cha, bất kể cha đẻ, cha vợ, cha nuôi hay cha dượng…
Má tôi quê ở Thái Bình. Bố tôi kể rằng bà từng là hoa khôi một vùng. Khi có người hỏi hoa khôi đó là do ai bầu, bố tôi cười tế nhị: “Đó là do gia đình tự bầu!”. Lần lượt 4 anh em trai chúng tôi ra đời trong căn nhà nhỏ hẹp ở Hải Phòng. Gánh nặng cuộc sống đè lên đôi vai bố tôi. Ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Thương mại Đông Dương, làm tư vấn tài chính cho nhiều hãng. Hằng ngày, ông dậy từ 4 giờ sáng, hoàn thành một đống sổ sách rồi mới đi làm và thường tối mịt mới về. Tôi đã thừa hưởng thói quen của ông, dậy từ tờ mờ sáng, viết bài, lên mạng, dẫu trong ngày không bận việc gì, cũng không ngủ nướng được.
- Xem thêm: Bếp lửa chiều đông
Bố tôi thông thạo nhiều ngoại ngữ, ông từng đi dạy tiếng Anh, tiếng Pháp và làm phiên dịch cho quân Tưởng khi họ sang giải giới quân Nhật. Theo ông, Việt Nam chỉ là một xóm nhỏ trong ngôi làng chung địa cầu, phải biết ngoại ngữ mới mở rộng được tầm nhìn. Do vậy, ông đã nhồi nhét ngoại ngữ cho các con ngay từ nhỏ. Nhờ đó, các anh em tôi đã có một căn bản ngoại ngữ vững chắc, thêm hành trang vào đời.
Từ một viên chức đồng lương ba cọc ba đồng, bố tôi đã gom góp đầu tư sản xuất tập học sinh với thương hiệu “Quảng Hòa”. Một người bác của tôi từng nhận xét: “Người ta nói có bột mới gột nên hồ, chỉ có cậu Lộc (tên thường gọi của bố tôi) là không có bột vẫn gột nên hồ”.
Sau khi di cư vào Nam, bố tôi vẫn làm tập học sinh và mở rộng nhập khẩu giấy. Nhãn hiệu tập học sinh “Địa cầu”, “Xích lô” do Quảng Hòa sản xuất đã trở thành mặt hàng bán chạy một thời.
Năm 1967, khi dự đoán thị trường giấy tập sẽ bị thu hẹp, bố tôi đã không do dự chuyển qua nghề keo nhựa (plactics) với mặt hàng độc đáo là dây nylon dùng để cột hàng, tết các đồ dùng như nón, túi xách v.v. Sản phẩm này ra đời đã khiến Công ty Liên hiệp Keo nhựa (Union Plactics) do ông sáng lập trở thành doanh nghiệp có tiếng ở Chợ Lớn, khách hàng phải chầu chực từ sớm mới mong mua được hàng.
Bố tôi thường dạy các con làm gì cũng phải biết tiên liệu, những ví dụ về nắm bắt thời cơ thương mại nói trên chứng tỏ là một thương gia thành đạt, ông có khả năng “liệu sự như thần”. Rất tiếc, khả năng đó của bố lại không di truyền được cho các con.
Năm 1975, mặc dù có đủ điều kiện, nhưng bố tôi đã không đi theo dòng người di tản. Ông đã chọn con đường ở lại, cùng chung niềm vui đất nước thống nhất.
Bố tôi đã hiến toàn bộ tài sản cho cách mạng, xí nghiệp bố tôi hưởng quy chế công tư hợp doanh, đổi tên thành “Xí nghiệp Nhựa Tân Tiến II” và ông giữ chức phó giám đốc. Bố tôi ý thức được vị trí của mình, tập trung lo khâu kỹ thuật, để việc điều hành cho vị giám đốc do Nhà nước phái cử lo.
Một doanh nghiệp tồn tại và phát triển là nhờ điều hòa được lợi ích các thành phần. Một hôm, hàng về trễ, công nhân uể oải chuẩn bị ra về, vị giám đốc quốc doanh gọi khản cả cổ cũng chẳng ai chịu ở lại, bí thế đành phải cầu cứu bố tôi. Ông chẳng nói chẳng rằng, cởi áo ngoài ra, è vai khuân vác. Công nhân nhìn thấy, ai cũng ứa nước mắt, không còn dám từ chối công việc ngoài giờ nữa.
Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, TPHCM từng có những biện pháp “tự cởi trói”. Bố tôi được đề bạt làm giám đốc và được động viên bỏ vốn mở rộng sản xuất, thành phố sẽ dành cho quy chế tự chủ. Dù vẫn còn sôi bầu nhiệt huyết nhưng sau khi nghiên cứu kỹ tài liệu, bố tôi đành từ chối với lý do “tuổi già sức yếu”. Sau đó bố tôi tâm sự với các con: Trước đây người ta trói cả 2 chân không cho chạy, nay cởi một chân ra, hô “chạy đi”, nên đành chịu.
Sự thật đã chứng minh, sự cẩn trọng của bố tôi không phải thừa. Năng nổ như giám đốc “Xí nghiệp Nhựa Tân Tiến I” Triệu Bỉnh Thiệt đã lãng án 20 năm tù do vi phạm chế độ quản lý tài chánh XHCN. Lúc đó, những người từng khuyến khích ông “xé rào” đã chẳng có lấy một lời bênh vực.
- Xem thêm: Nghe tiếng kêu… bìm bịp!
Ông từng được mời dự những khóa học về kinh tế XHCN, khi về, bằng kinh nghiệm của mình, ông chỉ có bình luận ngắn gọn: “Trật hết, kinh tế thị trường chỉ có 1 quy luật, đó là quy luật cung cầu”.
Năm 1984, bố tôi nghỉ hưu, nhưng hằng ngày vẫn qua bên xưởng làm việc bán thời gian với tư cách cố vấn. Khác với vị giám đốc nhà nước đi làm bằng xe hơi công, hàng ngày bố tôi lóc cóc đạp chiến xe đạp mini, nên cư dân xung quanh xưởng gọi đùa là “ông gia đi xe đạp”. Họ ở đấy lâu năm, thừa biết bố tôi từng có tài xế riêng và sở hữu 5 chiếc xe hơi.
Năm 1989, khi lần đầu đi Đài Loan, tôi được các hãng xưởng từng cung cấp máy móc cho bố tôi tiếp đón nồng nhiệt. Họ hồi tưởng lại: “Hồi đó, gặp được bố anh đâu có dễ. Lắp đặt máy móc xong ông thưởng cho kỹ sư chúng tôi mỗi người 4.000 USD rồi cử xưởng trưởng chiêu đãi chúng tôi một bữa trước khi ra về, chứ đâu úi xùi như anh bây giờ!”.
Bố tôi hay làm từ thiện, sau khi quyên góp chỉ đề lạc khoản “vô danh”. Ông tu theo Thiền tông Đạo Phật, nhưng không mê tín dị đoan. Khi khai trương, động thổ, ông không bao giờ cúng bái hoặc chọn ngày, thế mà việc làm ăn vẫn trôi chảy.
Ông không luyến tiếc tài sản của mình, mà chỉ lo cơ ngơi đó không được sử dụng hữu hiệu. Vừa lúc đất nước trước thềm mở cửa, năm 1987, bố tôi qua đời do tai biến mạch máu não. Ông đã không thể đạt được di nguyện đóng góp tài trí cho đất nước.
- Xem thêm: Nỗi buồn lớn nhất của tuổi già
Hồi nhỏ, bố tôi hằng ngày vẫn đạp xe chở tôi đến trường. Tôi đã luôn nhìn theo theo bóng lưng ông khuất dần trong dòng người. 27 năm đã qua, tôi cũng đã quá tuổi “cổ lai hy”, nhưng vẫn cảm thấy bóng lưng rộng lớn của bố tôi vẫn còn đó, vẫn che chở cho tôi suốt cuộc đời.